Ngoài sàn chứng khoán Nairobi Stock Exchange (NSE). Nairobi là một thành phố năng động, xếp thứ 12 tại Châu Phi về độ lớn với diện tích khoảng 630 km2 và dân số gần 4 triệu người.
LTS: Sau khi đăng loạt bài về đất nước Kenya của tác giả Hoàng Đức Minh, Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu góc nhìn khác của tác giả Trần Văn Tuấn, Chuyên gia vận động phát triển về quyền con người, từng hoạt động tại nhiều nước, bao gồm các quốc gia Châu Á và Châu Phi, về đất nước này.
Kenya, đâu chỉ toàn màu xám
Liệu người Việt chúng ta có ít nhiều định kiến với Châu Phi? Và liệu chúng ta có phải đang là sản phẩm An Nam thường vẫn liên tưởng đến những vùng đất khô cằn, thiếu nước, nơi dân chúng vẫn sống một cuộc sống đầy hoang dã và mạnh ai người đó làm.
Ngày nay nói đến Châu Phi người ta lại liên tưởng đến một lục địa có tỷ lệ nghèo đói cao nhất thế giới, tham nhũng tràn lan, dịch bệnh khó kiểm soát và đặc biệt là sự thất bại của Chính phủ các nước trong việc quản lý và sử dụng các gói viện trợ trong lĩnh vực phát triển.
Tuy vậy sau một vài lần đến Châu Phi mà đặc biệt là chuyến công tác tại Kenya vào năm 2013, trải nghiệm của tôi về lục địa đen và đất nước vùng Đông Phi này không hẳn chỉ toàn màu xám.
Lần đầu có dịp qua Kenya, ngay tại sân bay, nhìn quang cảnh hối hả của những công nhân làm việc ở nơi đây tôi đã nhận ra rằng, họ, những người dân trên đất nước vô cùng xinh đẹp này đâu có lười như mình vẫn nghĩ. Bên cạnh một số thanh niên lười lao động, hay la cà phố xá thì vẫn có rất nhiều sinh viên ngày đêm trau dồi kiến thức và những người dân lao động chuyên cần để làm nên một Kenya có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì Châu Phi trong suốt cả thập niên qua (tăng trưởng đều đặn 5 đến 6% trong hơn một thập niên qua.
Năm 2014 được World Bank dự báo sẽ tăng trưởng 6%). Khi đến Nairobi, ngoài những bức xúc ban đầu về giao thông (chạy ẩu, hay bấm còi) và an ninh trật tự (do có quá nhiều bảo vệ được trang bị vũ trang đứng gác ở khách sạn và các trụ sở) ra thì về cơ bản tôi đã nghĩ rằng "tốt hơn rất nhiều những gì mình vẫn nghĩ".
Các công trình, đường sá và dịch vụ được xây dựng lên ở đây chủ yếu là để phục vụ lớp người này vì vậy Nairobi là một thành phố rất kỳ lạ trong thế giới hiện đại ngày nay. Ảnh Tomas Francisco Pomar |
Quả thực là như vậy, tại Nairobi vốn được biết đến như là "Thành phố xanh dưới ánh mặt trời" của đất nước Đông Phi này, tôi đã được thấy và chứng kiến những điều mà người Việt chúng ta cũng cần phải suy ngẫm.
Ngoài sàn chứng khoán Nairobi Stock Exchange (NSE) thuộc loại nhộn nhịp nhất Châu Phi, được sàn giao dịch London thừa nhận vào năm 1953. Nairobi là một thành phố năng động, xếp thứ 12 tại Châu Phi về độ lớn với diện tích khoảng 630 km2 và dân số gần 4 triệu người.
Đây là nơi có nhiều văn phòng của các tổ chức Quốc tế và các công ty lớn đóng trụ sở như UNEP, UN-Habitat hay General Electric, Google, Airtel v.v.
Cuộc sống nhiều màu sắc
Theo một đồng nghiệp người Mỹ của tôi đã sống 8 năm ở đây (có vợ là người Kenya) thì sở dĩ thành phố này được xây dựng khá hiện đại vì có khoảng hơn 100 ngàn dân da trắng sót lại từ thời thuộc địa Anh (Kenya giành độc lập năm 1963) và về thực chất vẫn kiểm soát kinh tế nơi đây.
Các công trình, đường sá và dịch vụ được xây dựng lên ở đây chủ yếu là để phục vụ lớp người này vì vậy Nairobi là một thành phố rất kỳ lạ trong thế giới hiện đại ngày nay. Bên cạnh những tòa nhà tráng lệ, những văn phòng đậm chất phương Tây cùng các hội sở được bảo vệ nghiêm ngặt đóng trên đồi cao, thì nơi đây còn tồn tại những khu ổ chuột vào loại nổi tiếng trên thế giới, trong đó khu Kibera với dân số gần một triệu người có thể coi là đặc trưng của Nairobi.
Các khu ổ chuột vốn tập trung phần lớn dân nghèo là nơi các dịch vụ công hầu như khó tiếp cận trong khi các tệ nạn về ma túy, bạo lực lan tràn và rất khó kiểm soát. Điều kỳ lạ là để ngăn cách khu Kibera với khu nhà giàu (được gọi là 24 hour guards hay Askari), người ta đã áp dụng việc dựng lên hàng rào (giống như trại tị nạn) để duy trì an ninh.
Trong những năm 2005, thiên tai liên tiếp do hạn hán đã làm hàng triệu người Kenya bị đói. Ảnh Tomas Francisco Pomar |
Cánh cổng ngăn cách hai khu này chỉ được mở vào buổi sáng để người lao động đi sang khu nhà giàu làm việc để rồi lại mở ra khi họ trở về nhà vào chiều tối. Giải thích về việc mất an ninh nơi đây, một đồng nghiệp cho tôi biết là sau cuộc nội chiến ở Somali, rất nhiều người đã chạy nạn sang đây và mang theo một lượng lớn vũ khí rất khó kiểm soát, và vì vậy nên ngày nay súng ống lan tràn khắp nơi.
Việc thực thi chính sách về "doanh nghiệp tự do" và luôn có giải pháp cho các cuộc tranh luận chính trị đã giúp Kenya trở thành một trong những nước ổn định nhất của châu Phi sau khi giành được độc lập từ người Anh năm 1963.
Gần đây, do tham nhũng có phần khó kiểm soát, và dưới sức ép của Phương Tây, Chính phủ Kenya đã phải chấp nhận chuyển đổi sang mô hình chính trị đa đảng vào cuối những năm 1990. Rào cản đối với sự tiến bộ của đất nước này chính là dân số gia tăng cao, thiếu điện, và kém hiệu quả trong các lĩnh vực quan trọng, mà đặc biệt là dịch vụ công.
Trong những năm 2005, thiên tai liên tiếp do hạn hán đã làm hàng triệu người Kenya bị đói, kết hợp với các yếu kém trong cứu trợ của chính phủ, kết hợp với các mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo đã làm bùng nổ bạo lực ở khắp nơi thậm chí làm gián đoạn sự điều hành của chính phủ.
Vấn đề bạo lực tại Kenya ngày này còn là do một phần lớn hậu quả của việc chính phủ Kenya đưa quân đội vào Somali năm 2011 để truy kích phiến quân Hồi giáo. Vụ việc phiến quân xả súng và giết mấy chục người tại một trung tâm thương mại vào 23 tháng 9 năm 2013 vừa rồi chính là một phần của chuỗi xung đột này.
Nói như vậy, không có nghĩa là đất nước này chỉ toàn là bạo lực hay người dân chỉ dành thời gian đề phòng lẫn nhau. Thực tế thì cuộc sống nơi đây vẫn diễn ra đầy sắc màu, nhộn nhịp và hối hả cùng với một số dịch vụ được cung cấp theo chuẩn mực Quốc tế.
Ngay tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm, thuộc Trung tâm thương mại Nakumatt - Lifestyle, một ông già bản địa khi vừa nhìn thấy tôi đã nói rất thẳng "Anh không phải là một quý ông (gentlement) vì đàn ông ai lại đi mặc một cái áo màu hồng thế kia! Phương Tây người ta không chấp nhận kiểu ăn mặc như vậy".
Tuy hơi shock những tôi vẫn hỏi lại "Tây thì tôi biết rồi, thế còn ở Kenya thì sao?". Rất nhanh một cậu bán hàng (có lẽ muốn lấy lòng khách) bèn nói "Tôi thích cái áo của anh, nó hợp với tôi đấy". Ông già kia đáp ngay mà không cần suy nghĩ "nó thích cái áo đấy vì nó là người nhà quê" (nguyên văn: because he is from the countryside).
Tuy biết mình là khách và không nên khiếm nhã, nhưng tôi vẫn không kiềm chế được và nói "Này ông kia, hãy thể hiện sự tôn trọng của mình đối với văn hóa và sở thích của người khác chứ nhỉ?" Thật ngạc nhiên và vượt ngoài sự trông đợi của tôi, người đàn ông trông có phần hơi già nua với bộ mặt giống người thích rượu này đã rất nhanh chóng trả lời: "Với tất cả sự kính trọng, tôi thành thật xin lỗi về những phát biểu vừa rồi! cảm ơn anh vì đã thông cảm".
Rất tiếc là cửa hàng này không có nhiều thứ phù hợp, nếu không thì tôi đã có thể hào phóng hết khả năng của mình để đáp lại tính cầu thị đáng trân trọng của một người bán hàng lần đầu gặp tại một đất nước thuộc Châu Phi xa xôi.
Trần Văn Tuấn