Dường như chúng ta chưa thực sự ý thức rằng góp sức phát triển và bảo vệ các sản phẩm mang thương hiệu Việt cũng là bày tỏ lòng yêu nước.
>> Bỏ thói đố kỵ, người Việt mới có Flappy Bird thứ 2
>> Đằng sau chuyện 'khai tử' Flappy Bird
"Đạo" và sáng tạo
Sau khi lọt vào "mắt xanh" của truyền thông quốc tế, chú chim "made in Việt Nam" Flappy Bird nhanh chóng trở nên nổi tiếng và cả chuốc... tai tiếng. Trong số đó, nổi lên chỉ trích cho rằng Flappy Bird bắt chước ý tưởng và ăn cắp hình ảnh từ các game khác.
Dễ dàng nhận thấy trong Flappy Bird thấp thoáng bóng dáng của trò chơi Nấm Mario kinh điển. Còn chữ "Bird" lại gợi liên tưởng ngay đến hình tượng chú chim nổi tiếng Angry Bird được nhiều người yêu thích.
Nhưng có thể vì thế mà vội vàng kết luận Flappy Bird "đạo", "ăn cắp", v.v... Trong một thế giới vốn "không có gì mới dưới ánh mặt trời", liệu có sáng tạo nào không dựa trên nền tảng của những sáng tạo, những thành tựu có sẵn?
Liên quan đến chỉ trích trên, xin dẫn lại ý kiến của TS. Lương Hoài Nam chia sẻ trên trang cá nhân: "Nếu Mr. Honda không 'xẻ thịt' cái xe máy Babetta mua ở Tiệp và cho vào vali mang về Nhật nghiên cứu, làm sao nước Nhật biết làm xe máy? Nếu Samsung không 'xẻ thịt' các sản phẩm của Apple, làm sao họ biết làm Galaxy?..."
Theo quan niệm của người Do Thái, một trong những giá trị của con người là quá trình lấy cái học được làm cơ sở để sáng tạo ra cái mới. Và người Do Thái góp mặt đông đảo ra sao trong hàng ngũ những nhân vật nổi tiếng thế giới khai sáng học thuyết mới, công nghệ mới... thì chúng ta đều đã rõ.
Flappy Bird rất đơn giản cả về cách chơi lẫn thiết kế, nhưng sức hút mạnh mẽ của nó hẳn không phải là "ăn may" như nhiều người nghĩ. Có thể nói, trò chơi này đã hội tụ được cái hay, hấp dẫn của những game kinh điển, từ đó sáng tạo và phát triển để tạo thành một sản phẩm cá nhân, riêng biệt, gây tiếng vang.
Flappy Bird đã thực sự gây tiếng vang quốc tế |
Lòng yêu nước
Ra đời từ giữa tháng 5/2013 và đến đầu năm 2014, Flappy Bird đã gây sốt với nhiều tờ báo, hãng truyền thông có uy tín trên thế giới như Forbes, CNN, Cnet, Bloomberg, The Verge... Làm được vậy không hề dễ, và nó chứng minh người Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm công nghệ thông tin đủ sức chinh phục thế giới, có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.
Sự tự tin này là điều đất nước, dân tộc chúng ta đang rất cần. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ khi đủ sức mạnh xây dựng nền kinh tế vững chắc, vốn lấy tri thức, sáng tạo làm nền tảng đột phá.
Chúng ta đã và đang tự hào về những người Việt chinh phục các kỳ thi quốc tế trong lĩnh vực toán học, vật lý, piano... Nhưng Việt Nam cũng rất cần những sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sáng tạo, tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường quốc tế, để thế giới biết đến một VN năng động, phát triển.
Với Flappy Bird, chắc chắn Nguyễn Hà Đông sẽ còn có những điểm cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện. Đây cũng sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho giới công nghệ thông tin VN. Song việc chỉ trích, " ném đá ", giễu cợt ác ý nhắm vào Hà Đông sẽ không giúp Việt Nam có thêm những sản phẩm công nghệ thông tin chinh phục được thế giới trong tương lai.
Lòng yêu nước của người Việt luôn được chứng minh khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm, đe dọa. Nhưng đến nay, dường như chúng ta chưa thực sự ý thức rằng chung tay, góp sức sáng tạo, phát triển và bảo vệ các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam cũng là bày tỏ lòng yêu nước.
Nhìn nhận từ khía cạnh đó, cái Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông cần có lúc này là sự ủng hộ, chia sẻ và góp phần quảng bá của mỗi người Việt. Quan trọng hơn, những hành động biểu thị sự hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển như vậy trước hết cần có ở các những nhà lãnh đạo, quản lý.