Pháp luật nhiều nước không cho phép cảnh sát xử phạt vì sẽ có nhiều khả năng dẫn tới lạm quyền vì có quá nhiều quyền.

Câu chuyện về cách thức thu tiền phạt vi phạm giao thông lại được làm nóng trở lại khi Bộ Công an vừa đưa ra lấy ý kiến về dự thảo thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông.[1]

Thẩm quyền thu tiền phạt tại chỗ từng được giao cho người xử phạt trực tiếp (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông...), sau đó được chuyển sang Kho bạc Nhà nước nhằm phòng chống tham nhũng, nay lại được đề xuất quay trở lại người xử phạt nhằm "tránh phiền hà".

Dù có giao cho cơ quan nào thu tiền phạt thì cũng không ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả cũng như không tránh được phiền hà vì một vấn đề mấu chốt không được giải quyết: ai là người có thẩm quyền xử phạt? Kinh nghiệm của các nước tiên tiến cho thấy người phát hiện vi phạm không bao giờ có quyền xử phạt nhằm đảm bảo nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước.

Vi phạm giao thông được quan niệm cũng là một dạng vi phạm hình sự nhỏ nên phải đảm bảo cơ chế "xét xử công bằng". Một vụ việc vi phạm giao thông là một vụ án hình sự nhỏ nên phải có sự phân tách giữa chức năng buộc tội và chức năng xét xử. Việc cảnh sát giao thông phát hiện hành vi và cáo buộc người vi phạm là hoạt động hành pháp (thi hành pháp luật).

Pháp luật nhiều nước không cho phép cảnh sát xử phạt vì sẽ có nhiều khả năng dẫn tới lạm quyền vì có quá nhiều quyền. Thẩm quyền xử phạt (một dạng của hoạt động xét xử - tư pháp) thuộc về tòa án hoặc một cơ quan tài phán chuyên trách (nhưng chắc chắn phải là cơ quan khác với cảnh sát).

 

{keywords}

Cơ chế xử phạt như hiện nay vừa không công bằng vừa không hiệu quả. Nhà nước và dân đều khổ.Ảnh báo Gia Lai

Cơ chế xử phạt như hiện nay vừa không công bằng vừa không hiệu quả. Nhà nước và dân đều khổ. Khi công nghệ hiện đại (ghi hình, ghi âm) chỉ mới được sử dụng rất hạn chế, Nhà nước phải lập ra đội ngũ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đông đảo.

Đội ngũ này phải đông để phát hiện vi phạm kịp thời, để "trao đổi, giải thích" với người vi phạm và còn để thu tiền phạt cho ngân sách nhà nước nhằm "tránh phiền hà phải ra kho bạc". Biên chế càng đông, ngân sách càng tốn kém. Hơn nữa, người thi hành công vụ khi tiếp xúc quá nhiều với người vi phạm sẽ có nhiều cơ hội để "thương lượng", "đi đêm" với họ.

Người dân cũng như cấp trên của người thi hành công vụ, mặc dù có quyền ghi âm ghi hình, kiểm tra giám sát, không thể nào kiểm soát hết sự tiếp xúc này. Nếu cảnh sát không có quyền xử phạt thì họ sẽ không dám tùy tiện lập biên bản vì họ e ngại cơ quan khác có quyền xử phạt sẽ xem xét lại sự đúng đắn của chứng cứ.

Về phía người dân, việc họ tiếp xúc với người thi hành công vụ là một quan hệ công quyền nhưng lại không diễn ra thực sự minh bạch (tại đồn xử phạt, góc khuất, ban đêm...). Một mặt, nó tạo điều kiện cho người thi hành công vụ làm quyền và xâm phạm quyền của người dân; mặt khác, nó cũng tạo cơ hội cho người dân "móc ngoặc" với công quyền nhằm "đôi bên cùng có lợi". Chỉ có lợi ích chung của xã hội là bị thiệt.

Vậy để cải cách triệt để, Việt Nam cần học hỏi nghiêm túc kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Lấy bang New South Wales, Australia làm đối chiếu, chúng ta thấy cơ chế của họ khác với Việt Nam như sau:

Bước 1: Vụ việc vi phạm bị phát hiện với chứng cứ chắc chắn, xác đáng

Phần lớn các chứng cứ phải được thu thập bằng thiết bị điện tử nhằm đảm bảo độ chính xác cũng như tính chất làm bằng chứng. Do áp dụng phổ biến các thiết bị kỹ thuật nên việc phát hiện sự kiện vi phạm hầu hết tự động và chính xác.

Ở Việt Nam, rất ít các vụ việc sử dụng thiết bị điện tử. Người thi hành công vụ rất dễ cáo buộc thiếu căn cứ và người bị cáo buộc dễ có xu hướng phủ nhận hành vi vi phạm. Do đó, nếu hai bên bất đồng quan điểm thì rất dễ dẫn tới thời gian giải quyết kéo dài, đôi co, cự cãi, thậm chí bạo lực, chống người thi hành công vụ.

Bước 2: Giấy báo phạt được gửi đến địa chỉ người vi phạm

Vì mọi phương tiện giao thông đều có đăng ký nên không khó khăn để tìm chủ sở hữu. Giấy báo phạt được gửi kèm mọi thông tin cần thiết về vi phạm cũng như các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Để thuận tiện và tăng trách nhiệm quản lý phương tiện, chủ sở hữu có nghĩa vụ nộp phạt bất kể họ có phải là người điều khiển phương tiện vi phạm hay không.

Việc nộp phạt được yêu cầu trong 21 ngày, có thể thực hiện qua mạng bằng tài khoản ngân hàng rất đơn giản. Nếu người vi phạm không chấp nhận cáo buộc, có thể đề nghị đưa vụ việc ra tòa (thực tế, chỉ có khoảng 1% vụ việc) và chấp nhận án phí mà mức phạt tiền cao hơn nếu thua kiện. Nhưng dù sao, việc có khả năng được đưa ra tòa sẽ khiến các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc quyền hạn khi phát hiện và cáo buộc vi phạm.

Ở Việt Nam, đại đa số các trường hợp, người vi phạm phải làm việc với cảnh sát, có thể bị thu giữ phương tiện, giấy tờ, chờ lập biên bản, chờ ra quyết định xử phạt, chờ nộp phạt, vừa rườm rà vừa rất mất thời gian, gây thiệt hại về kinh tế cho xã hội. Hơn nữa, thủ tục nộp phạt nhiêu khê khiến người dân còn sợ hơn số tiền phạt, là động lực để họ phải hối lộ cho xong việc. Người dân cũng không được thông tin đầy đủ và rõ ràng bằng văn bản về các quyền và nghĩa vụ của mình.

Bước 3: Giấy nhắc nhở nộp phạt

Nếu người vi phạm không thực hiện nghĩa vụ 21 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo phạt, sẽ nhận thêm một giấy nhắc nhở nộp phạt, đưa thêm thời hạn 28 ngày. Thủ tục này nhằm dự phòng các trưởng hợp rủi ro hoặc chây ỳ.

Bước 4: Giấy yêu cầu thi hành giấy báo phạt

Nếu sau 28 ngày trên mà vẫn không nộp phạt, giấy yêu cầu thi hành giấy báo phạt trong thời hạn 28 ngày được gửi đến. Người vi phạm phải nộp thêm 50AUD lệ phí.

Bước 5: Giới hạn các quyền lái xe

Nếu sau 28 ngày trên mà vẫn không nộp phạt, giấy phép lái xe bị trừ điểm, ngưng hoặc hủy bỏ; giấy phép sử dụng phương tiện bị ngưng hoặc hủy bỏ.

Bước 6: Kê biên tài sản để trừ tiền phạt

Nếu vẫn không nộp, các biện pháp kê biên tài sản để trừ tiền phạt được áp dụng. Người vi phạm phải nộp thêm 50AUD lệ phí đối với mỗi loại kê biên.

Bước 7: Yêu cầu lao động công ích

Nếu người vi phạm không hoặc không thể nộp được, lệnh yêu cầu lao động công ích được ban hành. Việt Nam đã từng áp dụng hình thức phạt này (nay không còn).

Bước 8: Phạt tù

Nếu không chấp hành yêu cầu lao động công ích, vụ việc sẽ được đưa ra tòa án xét xử, phạt tù được áp dụng.

Tóm lại, qua 8 bước trên, thủ tục xử lý vi phạm giao thông ở Australia đã tính đến các tiêu chí: công bằng, minh bạch, nghiêm minh, nhân đạo, hiệu quả. Phần lớn các vụ việc chỉ dừng ở hai bước đầu tiên vì người vi phạm tự nguyện nộp phạt theo thông báo.

Việc áp dụng "công nghệ xử phạt" này cho Việt Nam hoàn toàn khả thi trong thời đại chính phủ điện tử. Nó góp phần xây dựng "Nhà nước kiến tạo phát triển", coi trọng và bảo vệ quyền con người.


[1] Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Giảng viên Khoa Luật, ĐHQGHN

Nghiên cứu sinh Đại học Macquarie, Australia