Không thể dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề, Trung Quốc đang tiếp tục bổn cũ là "mềm nắn rắn buông" với Nhật và Mỹ.

Sau 100 năm, Đại chiến có lặp lại?

Đông Á chạy đua vũ trang 'ác liệt' nhất toàn cầu

Sẽ căng như dây đàn

Năm 2013, Biển Hoa Đông đã trở thành phép thử cho việc mở rộng ảnh hưởng và thể hiện sức mạnh của Trung Quốc. Cuối năm 2013, tình hình biển Hoa Đông càng nóng hơn bao giờ hết. Đó là việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập Vùng nhận diện phòng không ADIZ (11/2013) trên biển Hoa Đông và tàu đổ bộ của Trung Quốc bất ngờ lao ra chặn đầu tuần dương hạm của Mỹ (12/2013). Vậy năm 2014, "bàn cờ" này sẽ ra sao?

2013 đầy sóng gió

Ván bài quyền lực Đông Bắc Á đã trở thành nơi mà các tay chơi lớn buộc phải tham gia: một Nhật Bản khát khao trở thành "cường quốc bình thường", một Trung Quốc ôm mộng "cường quốc biển" đến một nước Mỹ đang cố giữ "sân sau" của mình. Trong khi Nhật Bản đang tập trung vào an ninh quốc gia và bảo vệ quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư thì Trung Quốc và Mỹ đều có toan tính riêng. Bắc Kinh đang cố gắng đẩy sự hiện diện của Washington ra khỏi khu vực trong khi Nhà trắng đang tìm mọi cách kiềm chế con rồng châu Á.

Bàn cờ Đông Bắc Á có liên quan trực tiếp đến sự tín nhiệm và "chiếc ghế" của những nhà cầm quyền. Lãnh đạo 3 nước Mỹ - Trung - Nhật đều "đặt cược" uy tín của mình vào an ninh khu vực. Đối với Nhật Bản, Hoa Đông sẽ là nơi ông Abe tăng cường quyền lực Thủ tướng. Với Trung Quốc, đây là nơi ông Tập Cận Bình cho thấy quyền uy và dấu ấn trong việc kiểm soát quyền lực quốc gia. Với Mỹ, sự tín nhiệm và niềm tin của các đồng minh về cam kết "xoay trục" của Tổng thống Obama là rất quan trọng.

Hiện tại, Mỹ vẫn giành được ưu thế trong khi Trung Quốc vẫn chưa thể đuổi kịp Mỹ. Chính vì vậy, sự hiện diện của Mỹ tại Đông Bắc Á luôn khiến Trung Quốc phải "dè chừng". Stephen Hadley, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Bush cho rằng "Mỹ chưa bao giờ rời khỏi châu Á". Mặc dù tương quan quyền lực đang có lợi cho Trung Quốc nhưng ít nhất trong vòng 10 năm nữa Trung Quốc vẫn chưa thể ngang tầm với Mỹ về kinh tế và quân sự.

Khi tranh chấp biển đảo phản ánh lợi ích quốc gia của Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc sẽ bị đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Tâm lý phục hưng quốc gia khiến Hoa Đông sẽ là nơi Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn. Với những gì đã diễn ra năm 2013, ván cờ Đông Bắc Á sẽ khá phức tạp với thế chân vạc "Mỹ - Trung - Nhật" là trung tâm chi phối chủ yếu.

Nhìn chung, bàn cờ Đông Bắc Á vẫn phụ thuộc vào thiện chí và mức độ hợp tác giữa các bên. Về tổng thể, quan hệ hợp tác Trung - Mỹ vẫn "xuôi chèo mát mái" hơn quan hệ Trung - Nhật. Vấn đề chủ nghĩa dân tộc và các tranh chấp lịch sử đã khiến Trung - Nhật khó tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, Trung - Mỹ vẫn đặt lợi ích và chiến lược toàn cục lên hàng đầu.

{keywords}
Vùng nhận diện phòng không ADIZ của TQ đã gây sóng gió cuối năm 2013

Mỹ - Nhật - Trung 2014?

Hiện Trung Quốc luôn cố gắng thay đổi hiện trạng khu vực, nhưng một cuộc chiến tại Hoa Đông do Trung Quốc khơi mào rất khó trở thành hiện thực. Mặc dù chiếm ưu thế khá rõ rệt so với Nhật Bản, song một cuộc đụng độ leo thang có thể khiến Mỹ vào cuộc. Danh tiếng của Trung Quốc như một điểm đến của đầu tư nước ngoài cũng sẽ giảm mạnh. Nguy hiểm hơn, một vòng cung kiềm chế (containment ring) từ Ấn Độ đến Nhật Bản sẽ được khởi động, và chiến lược "xoay trục" của Mỹ đến châu Á cũng sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ.

Ngày nay, Trung Quốc đang áp dụng chiêu bài "cây gậy và củ cà rốt" của Mỹ. Không thể dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề, Trung Quốc đang tiếp tục bổn cũ là "mềm nắn rắn buông" với Nhật và Mỹ. Sâu xa hơn, Bắc Kinh vẫn có thể tiếp tục dùng "liên hoành" để phá "hợp tung".

Gắn với chiến lược "xoay trục", Mỹ đang ràng buộc Trung Quốc vào các thể chế khu vực. Quan trọng hơn là vòng vây đồng minh của Mỹ đang cố gắng cô lập và gây sức ép buộc Trung Quốc phải kiềm chế tham vọng tại Hoa Đông và Đông Bắc Á (hợp tung).

Tuy nhiên, Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ quan hệ Mỹ - các đồng minh và giữa các đồng minh với nhau (liên hoành). Trung Quốc đang kiên trì các quan hệ song phương nhằm làm giảm tính gắn kết giữa liên minh Mỹ - Nhật - Hàn. Trước việc ông Abe thăm đền Yasukuni vào ngày 26/12 năm ngoái, Mỹ đã không hài lòng. Gần đây Mỹ còn chần chừ khi hỗ trợ Nhật trước ADIZ của Trung Quốc.

Ngày 24/1 khi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã chỉ trích việc Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima đã khiến căng thẳng giữa Tokyo và Seoul bùng phát. Cuộc triển lãm của các tác giả Hàn Quốc trong Liên hoan Truyện tranh Quốc tế Angouleme tại Pháp (kết thúc ngày 2/2/2014) với đề tài "Gái giải sầu" thời Thế chiến II đã vấp phải sự phê phán nặng nề từ Nhật Bản. Tất cả những điều này đã khiến Bắc Kinh rất hoan hỉ.

Chiến lược "viễn giao cận công" đã khiến Trung Quốc đạt được nhiều ưu thế so với Nhật. Với Mỹ, Trung Quốc sẽ "vừa đối đầu, vừa đối thoại" nhằm tránh gây căng thẳng quá mức có nguy cơ đổ vỡ quan hệ Trung - Mỹ. Tỷ lệ Washington đạt được kết quả "cùng thắng" (win - win) hay "thắng - thua" (win - lose) trong một cuộc chiến với Bắc Kinh là rất thấp. Thay vào đó, khả năng cả hai cùng tổn thương (lose - lose) lại cao hơn. Vì lẽ đó, hai bên sẽ kiềm chế nhau là chính. Việc Trung Quốc và Mỹ cùng bắt tay nhau trong chuyến khảo sát do Trung Quốc chủ trì trong khuôn khổ Chương trình Thám hiểm Đại dương Quốc tế (IODP) của Mỹ bắt đầu từ ngày 28/1/2014 là một ví dụ cụ thể.

Trong lúc đó thì Trung Quốc lại tiếp tục thị uy với Nhật. Trước những căng thẳng liên miên xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư do Trung Quốc chủ động gây hấn, Thủ tướng Shinzo Abe đã dần mất kiên nhẫn. Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9/2013, ông Abe tuyên bố "quần đảo Senkaku là một phần vốn có trong lãnh thổ Nhật Bản dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế". Tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) ngày 22/1, ông Abe không ngần ngại trả lời rằng quan hệ Nhật - Trung hiện tại tương tự như quan hệ Anh - Đức hồi Thế chiến I.

Hiện tại, Nhật Bản vẫn lệ thuộc điều 9 của Hiến pháp nên việc triển khai quân đội ra bên ngoài sẽ rất hạn chế. Ưu thế đó giúp Bắc Kinh hoàn toàn tự tin khi liên tục "diễu võ dương oai" với Tokyo. Ngoài ra, mức độ hỗ trợ đồng minh Nhật Bản vẫn chưa tương xứng với tiềm lực của Mỹ. Vì vậy, khả năng Trung Quốc tự tin vào chiến lược này vẫn còn rất cao. Bắc Kinh sẽ xem Hoa Đông là bản đạp để mở rộng ảnh ưởng của mình xuống phía nam. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ càng tăng năng lực cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ.

Cả Mỹ, Nhật và Trung Quốc đều có toan tính riêng. Tham vọng của Trung Quốc đã lộ rõ, Mỹ vẫn kiên trì khẳng định quyền lực tại sân sau, trong khi Nhật đang cố gắng trở thành "cường quốc bình thường". Các chiến lược của Trung Quốc đan xen với lợi ích của Nhật và Mỹ đã khiến bàn cờ Đông Bắc Á năm 2014 càng khó dự đoán.

Huỳnh Tâm Sáng