Đông Á đang là tâm điểm của cuộc chạy đua vũ trang ác liệt nhất thế giới. Còn tại châu Á, chi tiêu quân sự lại tăng mạnh trong năm qua, và năm 2014 thậm chí sẽ chứng kiến tốc độ mạnh mẽ hơn.
>> Gánh nặng khi 'trót' ở cạnh nước lớn
>> TQ lại 'giăng bẫy' về chủ quyền trên Biển Đông
>> TQ cạnh tranh ngôi 'cường quốc số 1' với Mỹ?
Cũng giống như 2013, năm mới hứa hẹn những thay đổi, biến động to lớn tại châu Á. Hãy cùng điểm qua một số dự báo lớn cho năm 2014.
1. Trung Quốc "chơi đẹp" lần nữa?
Trong bốn năm qua, Trung Quốc đã ngày càng xa lánh với hầu hết láng giềng ở Nam, Đông Nam và Đông Bắc Á. Vào đầu và giữa những năm 2000, chiến lược mềm dẻo với châu Á đã giúp Trung Quốc ký được các thỏa thuận tự do thương mại mới, xây dựng đối tác với nhiều quốc gia. Nhưng đến đầu 2010, nước này đã đi theo đường hướng khác hẳn.
Họ tuyên bố chủ quyền rộng lớn ở vùng tranh chấp thuộc Biển Đông, Hoa Đông. Những tuyên bố mang đậm chủ nghĩa dân tộc đã khơi dậy những phản ứng trong khu vực hoàn toàn nằm ngoài và trái ngược với mong đợi của Bắc Kinh. Các nước từ Philippines tới Hàn Quốc hay Myanmar đều hoan nghênh sự hiện diện quân sự và ngoại giao gia tăng của Mỹ tại châu Á - phần lớn để đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2013, có dấu hiệu cho thấy, chính quyền mới của ông Tập Cận Bình đã hiểu được sự cần thiết phải quay trở lại cách "chơi đẹp" ở châu Á, ít nhất là bề ngoài, để có thể trở thành một cường quốc chiếm ưu thế trong khu vực.
Không muốn nhượng bộ ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc 2014 sẽ có thể chấm dứt đối đầu công khai với các bên tuyên bố chủ quyền khác. Đồng thời, nước này sẽ tăng cường nỗ lực để đạt được thỏa thuận tự do thương mại của mình và tiếp tục "ve vãn" Nga, Ấn Độ cũng như các nước Trung Á.
2. Nhưng chạy đua vũ trang vẫn tiếp diễn
Đông Á đang là tâm điểm của cuộc chạy đua vũ trang ác liệt nhất thế giới. Trung Quốc tăng tốc hiện đại hóa quân sự; các quốc gia Đông Nam Á mua tàu ngầm và nhiều hệ thống vũ khí khác để bảo vệ biển đảo bị tranh chấp; Hàn Quốc và Nhật chuẩn bị khả năng đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên; Mỹ theo đuổi chiến lược "xoay trục", hướng tài sản quân sự về Thái Bình Dương.
Theo nghiên cứu, chi tiêu quân sự toàn cầu năm ngoái lần đầu tiên đã sụt giảm trong nhiều thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, tại châu Á, chi tiêu quân sự lại tăng mạnh trong năm qua, và năm 2014 thậm chí sẽ chứng kiến tốc độ mạnh mẽ hơn.
Tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc |
3. Nhật Bản thất vọng?
Năm 2013, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ban đầu đã 'thổi lửa' vào thị trường và rất nhiều giám đốc doanh nghiệp Nhật Bản với kế hoạch "Abenomics" đầy táo bạo: đổ tiền kích cầu, kết hợp với các chính sách tài chính và kinh tế nhằm nhanh chóng thúc đẩy gia tăng đầu tư nội địa. Lần đầu tiên trong nhiều năm, "tinh thần Nhật Bản" trở nên hứng khởi lại. Thị trường chứng khoán Tokyo bùng nổ, Nhật tăng trưởng gần 4% trong quý hai năm 2013.
Tuy nhiên, sự lạc quan - cũng như nhiều làn sóng bùng nổ khác diễn ra kể từ đầu những năm 1990 - sẽ mờ dần trong 2014. Ông Abe chưa thực thi những cải tổ cơ cấu thực sự, và năm nay sẽ chứng kiến Nhật áp dụng cơ chế thuế tiêu dùng mới có thể kéo chậm tăng trưởng, ngay cả khi tiền tệ được nới lỏng.
Thủ tướng Nhật thì ngày càng xa cách những đối tác thương mại quan trọng như Hàn Quốc và Trung Quốc bởi lý do chính trị. Nhật thậm chí có thể rơi vào cuộc suy thoái kỹ thuật vào giữa năm 2014.
4. Ảo vọng cải cách Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013 đã đưa ra kế hoạch cải tổ nền kinh tế thân thiện với thị trường, cam kết thúc đẩy đầu tư tư nhân trong rất nhiều ngành công nghiệp, nới lỏng quyền sở hữu trong rất nhiều thay đổi khác.
Trong năm 2014, những lực cản lớn sẽ xuất hiện, khi các tập đoàn nhà nước (SOE) hùng mạnh, chiếm phần lớn các công ty lớn nhất đất nước hoặc bất tuân, hoặc giảm bớt sức nặng từ gói đề xuất cải cách của ông Tập.
Các chuyên gia nhìn nhận, SOE sẽ sử dụng mối quan hệ với các ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc để phong tỏa những đối thủ cạnh tranh tư nhân tiềm năng. Đồng thời, SOE sẽ vận động hành lang để tầng lớp lãnh đạo quy định thêm nhiều lĩnh vực gọi là "chiến lược" và cần sự kiểm soát cần thiết của chính phủ, cùng những đặc quyền khác, như giảm thuế.
Các tập đoàn nhà nước lớn đã tồn tại qua nỗ lực cải tổ hồi cuối những năm 1990 và bây giờ họ có thể thắng lần nữa. Điều đó tốt cho họ nhưng lại gây hại cho nhà đầu tư và tăng trưởng.
5. Kim Jong Un trở nên đáng sợ hơn
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chào mừng kỳ nghỉ lễ 2013 - thông thường là thời gian dành cho gia đình - bằng cách ra lệnh xử tử công khai người chú, người trợ tá hàng đầu Jang Song Thaek. Trong thực tế, Jang có lẽ bị xử tử vì người cháu trẻ Kim không muốn có đối thủ đe dọa vị trí của mình.
Jang được cho là người thúc đẩy những cải tổ kinh tế kiểu Trung Quốc. Giờ đây, thiếu vắng tiếng nói cải cách, những thay đổi manh nha của kinh tế Triều Tiên sẽ dễ dàng tàn lụi, khiến đất nước trở nên khổ cực hơn, còn đội ngũ lãnh đạo thì không thể đoán biết trước.
Tồi tệ hơn, nếu Kim có thể đã loại trừ Jang để củng cố chế độ của mình, ông còn có thể làm nhiều hơn thế để củng cố quyền lực. Ví dụ như 2014 sẽ thử nghiệm một vũ khí hạt nhân khác, hay thực hiện cuộc tấn công vào máy bay, tàu chiến Hàn Quốc - một chiến thuật thường được chính phủ sử dụng trong thời điểm có những bất ổn nội địa.
6. Khủng hoảng Thái Lan
Vào cuối 2013, Thái Lan lại lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Người biểu tình phản đối chính phủ, chủ yếu đến từ tầng lớp ưu tú và trung lưu của Bangkok, đã xuống đường. Họ chiếm giữ các bộ, đụng độ với cảnh sát, thậm chí kêu gọi lật đổ chính phủ. Trong khi cuộc biểu tình tương tự ở Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ dường như lắng dịu, thì bất ổn Thái Lan có chiều hướng gay gắt hơn trong năm nay.
Người biểu tình Thái Lan và phe đối lập trong quốc hội - đảng Dân chủ - đang tẩy chay cuộc tuyển cử quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng 2. Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ dân túy và cảnh sát lại quá mệt mỏi với chiến thuật bất bạo động. Tình trạng bất ổn có thể châm ngòi cho một cuộc đảo chính lần thứ 20 trong lịch sử hiện đại Thái Lan.
7. Bầu cử Indonesia và Ấn Độ
Hai nước lớn ở châu Á là Indonesia và Ấn Độ sẽ tổ chức bầu cử quốc gia. Tại Ấn Độ, sự suy giảm của đảng Quốc đại, việc trỗi dậy của các đảng phái nhỏ và khu vực, thay đổi ở tầng lớp cử tri trung lưu có lẽ sẽ dẫn tới kết quả không đảng nào giành đa số trong cuộc bầu cử.
Indonesia lại là câu chuyện khác hẳn. Thống đốc Jakarta Joko Widodo thường gọi là Jokowi đang trở thành mẫu hình mới cho chính khách Indonesia. Ông biết cách quản lý hình ảnh của mình một cách hoàn hảo.
Cuộc thăm dò dư luận mới đây do các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) vừa công bố cho thấy nếu cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào thời điểm hiện nay thì số phiếu thu được của ông Joko sẽ khoảng 34,7%, cao hơn hẳn các đối thủ còn lại.
Cuộc thăm dò của CSIS còn cho thấy DPI-P cũng được hưởng lợi từ uy tín của ông Joko khi 29,9 % số người được hỏi nói họ sẽ bỏ phiếu cho PDI-P nếu đảng này chọn ông Joko làm ứng cử viên tổng thống.
Minh Tâm (theo BusinessWeek)