Sự thực thì tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là 100% quan chức đều đã thề không tham nhũng trong lời tuyên thệ tại lễ kết nạp Đảng.

Hội thề của quan nhưng... dân thề

Không phải ngẫu nhiên mà mùa lễ hội năm nay nhiều tờ báo lớn đã thông tin đậm nét về Lễ hội minh thề ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Không bởi cảnh quan hấp dẫn hay quy mô hoành tráng, mà sức hút của lễ hội có từ hơn 500 năm nay và mới được khôi phục từ năm 2003 này đến từ hoạt động tái dựng lại những nghi lễ để người có chức sắc trong làng thề trước dân sẽ làm việc thanh liêm, chính trực, không tham nhũng, tư túi của công và không dùng quyền uy bức ép nhân dân.

Câu thề "ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử" (nghĩa là thần linh đánh chết) xuất hiện trên title của các bài báo quả thật rất có sức cuốn hút, khi tham nhũng đang hàng ngày hàng giờ làm xói mòn niềm tin của xã hội.

Tuy nhiên, theo tường thuật của báo An ninh Thủ đô, trước thắc mắc của dân là tại sao từ khi khôi phục lễ hội đến nay, không thấy quan thề mà chỉ thấy toàn dân thề thì ông Nguyễn Trọng Khải, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên chỉ bối rối cười trừ.

Báo Lao Động dẫn lời ông Phạm Phú Oanh, Trưởng làng Hòa Liễu - người suốt 12 năm qua được chọn làm chủ lễ trong lễ hội Minh thề - rằng: "Một lễ hội truyền thống với ý nghĩa nhân văn sâu sắc như vậy, chúng tôi cũng mong muốn được các chức sắc của xã, huyện và cao hơn cùng uống rượu thề thì sức lan tỏa lớn rộng hơn". Hiện tại, xã giao cho thôn tổ chức lễ hội, chứ xã cũng không đứng ra tổ chức. "Mà lẽ ra, xã phải là nơi tổ chức và các lãnh đạo xã cũng nên thề", ông Oanh cho biết.

Nhiều bạn đọc trên các tờ báo cũng đặt câu hỏi bao giờ lễ hội này được tổ chức ở cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp huyện trên khắp cả nước? Đồng thời đề nghị đưa lời thề này thành lời thề đầu năm của tất cả các vị cán bộ trước nhân dân.

Rất chính đáng, có điều đây cũng không phải là đề nghị mới mẻ!

{keywords}

Đọc lời thề trong Hội minh thề. Ảnh: Trường Giang/ ANTĐ

Một lời đề nghị vẫn nằm yên

Còn nhớ, ở kỳ họp Quốc hội thứ tư vào tháng 11/2012, đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung (Tp.HCM) đã đề nghị ngay trong kỳ họp đó "498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng".

Từ bấy đến nay, đề nghị rất thiết tha của đại biểu Võ Thị Dung vẫn nằm yên ở biên bản các phiên thảo luận của Quốc hội khóa 13. Dù khi phát biểu này được phản ánh trên một tờ báo điện tử thì ngay lập tức đã có hàng nghìn người like và hàng trăm ý kiến bày tỏ sự đồng tình.

Tài liệu còn lưu trữ của chính phiên thảo luận nói trên cũng ghi lời phát biểu của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, rằng Chính phủ sẽ quyết liệt hơn, chỉ đạo đồng bộ hơn, kiên quyết hơn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Và Phó thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước cần tăng cường quản lý tốt hơn kinh tế - xã hội ngay nơi mình đang ở, đang làm việc, đang chịu trách nhiệm "để không thất thoát, không tham nhũng đồng tiền hạt gạo nào của nhân dân đã giao cho chúng ta quản lý".

Đến kỳ họp Quốc hội thứ sáu, tròn một năm sau "lời hứa" quyết liệt nói trên, nhiều vị đại diện cho dân nhìn nhận tội phạm kinh tế và tham nhũng đều "khủng khiếp". Và tình hình kinh tế suy thoái, khó khăn có nguyên nhân rất quan trọng do tình trạng tham nhũng tràn lan.

Sau đó, các vụ án lớn về tham nhũng được đưa ra xét xử đã cho thấy những con số đưa và nhận hối lộ lên đến cả triệu đô. Số tiền ấy không phải bất cứ người dân nào cũng tính được cả gia đình họ phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời mấy chục, hay mấy trăm năm mới có thể làm ra được.

Bởi thế, không có gì khó lý giải vì sao thông tin về Hội thề không tham nhũng lại được nhiều bạn đọc quan tâm. Và vì sao nhiều người dân đang nộp thuế để nuôi bộ máy nhà nước muốn được nghe cán bộ ở các cấp cao hơn thề rằng "ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử", dù không phải ai cũng tin vào sự linh nghiệm của lời thề đó.

Sự thực thì tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là 100% quan chức đều đã thề không tham nhũng. Bởi, trong lời tuyên thệ tại lễ kết nạp Đảng có đoạn "Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác", và 100% đảng viên mới đều ba lần giơ tay dõng dạc "xin thề" sau khi đọc trước chi bộ, dưới Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như vậy, dù không phải diễn ra ở trong nghi lễ như ở Hội thề làng Hòa Liễu hay trước Quốc hội như đề nghị của đại biểu Dung, thì các công bộc của dân cũng đều đã thề đấu tranh chống tham nhũng. Và nếu bản thân tham nhũng thì thật khó có thể đấu tranh chống tham nhũng được.

Vậy có lẽ, các đảng viên - quan chức chỉ cần thực hiện đúng lời tuyên thệ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thì dân không còn mong mỏi các vị phải thề trước thần linh là không tư túi của công và không dùng quyền uy bức ép nhân dân.

Vĩnh An

Xem bài cùng tác giả:

Không 'tròn vai' cũng không bị kiểm điểm?

Ban hành bộ tiêu chí để đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội không phải là yêu cầu của cử tri, mà là yêu cầu của chính người trong cuộc.

Sự 'bí hiểm' của nền kinh tế Việt

Doanh nghiệp chết, người mất việc tăng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo lại giảm đi rất nhiều, vậy "bí ẩn" nằm ở chỗ nào?