Ai dám đảm bảo rằng “phạt cho tồn tại” không cổ súy cho tình trạng xây dựng trái phép, không phép tiếp tục xảy ra trong cái cơ chế rất “linh hoạt” nhưng “lỗi thời” hiện nay. Đã thế, gọi là “lịch sử để lại” nhưng biết đâu cái “lịch sử” ấy vẫn đang tiếp diễn trong hiện tại.

Quản lý đô thị là việc cần thiết phải làm liên tục, thường xuyên, nhất là trong không khí “hừng hực” đô thị hóa tại Việt Nam. Người làm công tác quy hoạch đô thị, quản lý đô thị cũng cần phải hội nhập, tức là phải có sự chuyển đổi lớn về nhận thức cho phù hợp với quan điểm thế giới hiện đại về công năng và đà phát triển của đô thị.

“Hoàn cảnh lịch sử” là lời bào chữa “đúng quy trình”

Một đô thị tốt,  hiện đại cần đảm bảo hai yếu tố cùng song hành với nhau, cùng hỗ trợ cho nhau, đó là sự bền vững về sinh thái và sự bền vững về kinh tế…  Sự phát triển đô thị “muộn màng” của Việt Nam có khi lại là cái hay, cái thuận lợi. Vì rút được nhiều kinh nghiệm sai lầm của các nước đi trước, tránh được những tốn kém vô lý không đáng có, áp dụng được những phương pháp định hướng thông minh hơn, khoa học hơn…

{keywords}
Những hình ảnh nhà "siêu mỏng" làm phá vỡ cảnh quan. Ảnh minh họa: dothi.net

Một người làm công tác quản lý đô thị trước tiên phải hiểu rõ đô thị nơi mình sinh sống có đặc thù “thương hiệu” gì, hướng quy hoạch trong tương lai ra sao, bên cạnh đó cần phải nắm thật chắc luật, các cơ sở pháp lý để mà điều chỉnh, giám sát kịp thời, không để những “con dấu, chữ ký” vội vàng, chủ quan dẫn đến những lỗi lầm không dễ dàng khắc phục được, buộc thế hệ sau không còn cách này khác phải gọi đó là do “hoàn cảnh lịch sử” để lại.

Thực tế, sự “nát bươm” của bộ mặt đô thị Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác trong cả nước là một điều không thể phủ nhận. Nguyên nhân “hoàn cảnh lịch sử” luôn là lời bào chữa “đúng quy trình” cho mọi chất vấn, thắc mắc của cử tri, của người dân.

Và cũng chính cái nguyên nhân “hoàn cảnh lịch sử” khiến văn bản nhà nước “đau lòng” có thêm cụm từ “phạt cho tồn tại”. Từ đó, cũng cần có sự thông cảm ở cái thế khó xử của các tư lệnh ngành chuyên trách. Nghị định 121 ra đời gây xôn xao dư luận bởi những điều khoản chưa rõ ràng cụ thể. Đến nay, Thông tư 02 của Bộ Xây dựng như là sự “hợp pháp hóa” nghị định. Ngoài cái mục đích “tận thu” cho ngân sách nhà nước, siết các điều kiện “phạt cho tồn tại”, hạn chế tối đa sự vi phạm, tạo điều kiện cho cơ quan công quyền và người dân thực hiện tốt hơn.

Với mức phạt thấp nhất là 40% giá trị của số lợi bất hợp pháp có được từ việc xây dựng trái phép cùng những “ràng buộc” được bổ sung thêm, khiến cho việc thực thi công lý được minh bạch hơn, thu hồi được số lợi nhuận bất hợp pháp của người vi phạm.

Trong 05 nhóm vi phạm hành chính của nghị định, có 03 nhóm gây tranh cãi, nhiều nhất là kinh doanh nhà hàng, vũ trường, karaoke, sửa xe máy, kinh doanh gia cầm, gia súc, hoạt động giết mổ gia súc, kinh doanh gas hoặc các vật liệu nổ, dể cháy… vẫn chưa được quy định cụ thể về việc chế tài, xử phạt những vi phạm nói trên.

Thông tư 02 bắt đầu có hiệu lực vào ngày 2/4/2014. Thế nhưng sự đồng thuận của người dân lại là chuyện khác, mà người dân không đồng thuận sẽ khó có căn cứ xử phạt. Ai dám đảm bảo rằng “phạt cho tồn tại” không cổ súy cho tình trạng xây dựng trái phép, không phép tiếp tục xảy ra trong cái cơ chế rất “linh hoạt” nhưng “lỗi thời” hiện nay. Đã thế, gọi là “lịch sử để lại” nhưng biết đâu cái “lịch sử” ấy vẫn đang tiếp diễn trong hiện tại.

“Phạt cho tồn tại” sẽ… tồn tại mãi mãi?

Luật trong tiến trình của nó ngoài sự tịnh tiến liên tục sự hợp lý của thực tiễn và khoa học, nó còn đòi hỏi nghiêm khắc tính thượng tôn công lý của bất kỳ một cá nhân nào. Đã trái luật là phải cấm hẳn, đã sai là phải dỡ bỏ. Người làm công tác quản lý cần phải hiểu thật rõ cái nguyên tắc đơn giản và công bằng ấy để mà giám sát, thực thi.

Câu hỏi đặt ra là “phạt cho tồn tại” sẽ tiếp diễn cho đến bao giờ nếu như những cái “hậu quả ngày xưa” vẫn không được khắc phục. Sợ nhất là cái tình trạng cấp phép dựa vào “chủ quan” của một số cơ quan hoặc một số cá nhân có thẩm quyền. Đã thế, nhìn rộng ra khắp các tỉnh thành trong cả nước đã có đủ, có được cái hoạch định chi tiết cụ thể “thương hiệu đô thị” của mình là gì chưa, hướng phát triển trong tương lai là thế nào? Nếu như chưa có thì “phạt cho tồn tại” sẽ tồn tại mãi mãi.

Cận cảnh, ví dụ những dãy nhà siêu mỏng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, sau khi “phạt xong” chúng sẽ tồn tại, tồn tại vài chục năm trở lên trong sự “khó coi” của bộ mặt mỹ quan đô thị. “Thương hiệu” của những dãy nhà phản cảm ấy xin dành cho những nhà quản lý đô thị đặt tên, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là đô thị ấy có đẹp không, có tốt không nếu như những ngôi nhà lép kẹp vẫn chình ình trên mặt tiền những con phố.

Cần phải hiểu “phạt cho tồn tại” chỉ là biện pháp tình huống, ngắn hạn, nếu nó cứ tiếp diễn dài lâu tức là hiện tượng tiêu cực do “lịch sử để lại” vẫn tiếp diễn. Nhà nước lại “mang tiếng” là tận thu mà kỷ cương vẫn bị xói mòn, chức năng sinh thái và chức năng kinh tế của đô thị không bao giờ đạt được hiệu quả. Khi đó, dân càng bất bình, càng không đồng thuận thì việc thực thi pháp luật sẽ vô cùng khó khăn, bế tắc.

Minh Phước

Xem bài cùng tác giả

Dân không tin đi trồng cây mà comple, cavat

Người dân chẳng thể tin một ai đi trồng cây mà giày đen, comple, cà vạt… rồi gắn biển tên mình, quay phim, chụp hình, và nơi đó, xung quanh đầy cây xanh. Khó coi lắm.