Một người nước ngoài sống nhiều năm ở HN nhận xét: "Thủ đô của cậu có những ngôi nhà xây kiểu dưới nhỏ trên to, dưới thụt vào trên thò ra nhan nhản".

>> Không 'chém' hàm cá mập, Hồ Gươm đã thành 'ao làng'?

>> Dân không đồng ý, khó mà xử phạt!

>> Chuyện gì cũng "chạy" được?

Có một thực tế lạ lùng ở Việt Nam là số công trình xây dựng sai phép, sai thiết kế ban đầu nhan nhản. Rất nhiều trường hợp đã bị "tuýt còi" song có một thực tế lạ lùng khác là Bộ chỉ xử phạt mà không cưỡng chế tháo dỡ. Phải chăng cũng là phương kế để gia tăng nguồn thu cho ngân sách, chống lãng phí.

Luật pháp đã có quy định thì phải nghiêm chỉnh chấp hành, dù đó là ai đi chăng nữa... Thực tiễn có không ít dẫn chứng, để chứng minh cho cách quản lý kiểu này.

Vừa rồi, người viết có đến chứng kiến, ghi nhận về việc cưỡng chế, tháo dỡ một "bến xe dù" khá gần bến xe Miền Đông, phường 26, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Không những vi phạm hoạt động giao thông mà chủ bến xe này còn dám tự tiện lấn chiếm kênh rạch để mở rộng bến bãi. Bãi xe này có diện tích khoảng 3.100m2 trong khi diện tích theo bản đồ địa chính chỉ là 1.800m2 (chỉ mới cấp chủ quyền một phần).

Diện tích lấn sông Sài Gòn được xác định là 1.300m2 (khu vực rạch làm cửa xả gần cầu Bình Triệu). Theo quan sát của người viết, khối lượng đất đá phục vụ cho việc gia cố kè lấn sông là khá lớn. Sau ba năm tồn tại, bến xe dù này mới bị cưỡng chế...

{keywords}
Không ít ngôi nhà trên tuyến phố này có mặt tiền dưới 2m. Ảnh: Zing

Những người dân gần đó thắc mắc: "Bãi xe này lấn sông cả nghìn mét vuông, xe chở đất đá, xe lu ra vào rất nhiều nhưng không thấy thanh tra xây dựng đến xử lý. Trong khi người dân chỉ cần chở một xe cát hay gạch là họ đến hỏi ngay xây gì, làm gì, có phép chưa". Người viết cũng chẳng biết trả lời thế nào nên đồ rằng họ bận. Bận như cái cách thanh tra xây dựng từng cho mình cái quyền "tung hoành" ngoài lĩnh vực như giao thông, trật tự đô thị, môi trường. Đến khi dân thấy khổ quá, phiền quá phải la làng trên báo chí thì Bộ mới cơ cấu lại lực lượng này.

Trở lại với câu chuyện "hợp thức hóa" công trình sai phép, trong tháng 2 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư 02 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Đọc xong Thông tư 02 càng cảm thấy những người soạn thảo văn bản hình như rất giỏi... "chơi chữ".

Cụ thể, tại khoản 3, điều 11 của thông tư 02 ghi rõ: Hành vi xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt mà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện, nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định:

a) Hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ;

b) Ban hành quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.

Đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả lập theo Mẫu quyết định số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Một văn bản dưới luật như Thông tư 02 lại có quyền hạn quá lớn để những người vi phạm pháp luật về xây dựng yên tâm hợp thức hóa công trình của mình. Ngân sách sẽ thu về không ít từ việc phạt các hành vi vi phạm như thế này, sẽ chảy vào "túi ai", là câu hỏi đã đành, nhưng điều lớn hơn luật pháp về quản lý xây dựng vì thế có vẻ đang bớt dần đi tính nghiêm minh.

Khi trao đổi điều này với một người bạn nước ngoài sống nhiều năm ở Hà Nội, anh ta cười lớn: "Thủ đô của cậu có những ngôi nhà xây kiểu dưới nhỏ trên to, dưới thụt vào trên thò ra nhan nhản. Ở nước tớ, xây kiểu ấy có khi đi tù chứ không đùa!"

Cái hợp lý sẽ tồn tại nhưng những thứ tồn tại lại chưa chắc đã hợp lý. Và những công trình sai phép, sai thiết kế  là một thứ tồn tại có thể trả giá trong tương lai bằng uy tín của chính quyền và các hệ lụy khác.

Nhìn vào cái cách hành xử với pháp luật kiểu này, họ sẽ sống và làm việc theo pháp luật kiểu... nào đây?

Nhất Ngôn

Các bài cùng tác giả:

Dân không cần công bộc?

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã giám sát như thế nào đối với những địa phương mà dân- "người chủ" phải tự tổ chức sửa chữa, điều hành các dịch vụ công cộng, còn các "công bộc" thì làm gì?

Thưa bà Bộ trưởng Y tế: Điều gì "làm bẩn áo blouse"?

Nơi "nói không với phong bì" vẫn nhan nhản cảnh... nhận phong bì! Mà 5 bệnh viện "nói không với phong bì" là con số quá nhỏ so với tổng số 1.500 bệnh viện khắp cả nước.

Làm dân khó lắm!

Con người, nếu không được ăn học mà ngu dốt, kém cỏi là một vấn đề. Nhưng biết mà không nói hoặc nói khác đi bản chất câu chuyện, lại là một vấn đề khác....