Nhiều vụ án, gia đình liên tục tố giác, trình báo, kêu cứu vì bị đe doạ tính mạng, nhưng cơ quan chức năng đã làm gì? Hậu quả chết người vẫn xảy ra. Qua những vụ án, niềm tin người dân hướng đến cơ quan công quyền ít nhiều thêm... rạn nứt.

Vụ án nam sinh Lưu Vĩnh Đạt (SN 1996, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bị bạn học giết hại rồi hung thủ này tống tiền gia đình gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Cái làm dư luận quan tâm hơn hết cho đến thời điểm hiện nay vẫn là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong tiến trình điều tra vụ án.

Sát thủ 19 tuổi qua mặt cả công an?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban phòng, chống tội phạm của Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo vụ án của em Lưu Vĩnh Đạt. Trong đó có việc chỉ đạo Bộ Công an xem xét xử lý thật nghiêm, tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo của vụ việc. Đồng thời chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm trong toàn lực lượng...

Sự chỉ đạo vào cuộc đó, rất kịp thời.

Nhưng...

Đến nay, ngoài nỗi đau của gia đình nạn nhân, vẫn còn đó sự bức xúc về thái độ, trách nhiệm của cán bộ điều tra công an quận Bình Tân và bộ phận tiếp nhận thông tin của phòng cảnh sát hình sự, công an TP.HCM. Không chỉ cư dân mạng mà dư luận nói chung còn hoài nghi, nhận định lẫn bức xúc rất nhiều về tính trách nhiệm của lực lượng thi hành công vụ qua vụ án.

{keywords}

Nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt. Ảnh: Đàm Đệ

Sự bức xúc này là có cơ sở, khi người nhà nạn nhân đã kêu cứu khắp nơi từ công an phường, quận đến cấp thành phố. Gia đình đưa ra những dấu hiệu nguy cấp (thể hiện bằng tin nhắn đe dọa) có thể ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân Đạt.

Nhưng đáp lại những "cầu khẩn, van nài" (theo lời gia đình nạn nhân) là gì? Đó là thái độ có phần "đủng đỉnh" của công an Bình Tân - do đánh giá sai bản chất vụ việc, khi cho rằng Đạt dàn cảnh để tống tiền gia đình. Đó là sự thờ ơ của bộ phận tiếp nhận thông tin trình báo phòng cảnh sát hình sự khi không nhận đơn.

Việc đánh giá sai bản chất vụ việc này thể hiện công an Bình Tân "yếu nghiệp vụ"? Chưa hẳn vậy, bởi gia đình nạn nhân đã cung cấp những chứng cứ nghi ngờ người bạn học chính là thủ phạm cho công an. Công an Bình Tân cũng mời làm việc đối tượng này, nhưng sau đó lại cho về. Để xác định được công an Bình Tân "thiếu trách nhiệm" hay "yếu nghiệp vụ" hay cả "thiếu lẫn yếu" là điều dư luận mong chờ công an TP.HCM phải làm rõ.

Tại cuộc trao đổi với báo chí về vụ án, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT công an TP.HCM có nói "lịch sử cả thế giới lẫn Việt Nam không phải vụ bắt cóc nào cũng giải cứu con tin thành công".

Quả thật ông nói không sai. Nhưng cái người dân muốn thấy là cơ quan chức năng đã làm hết khả năng, hết trách nhiệm, còn việc hậu quả đáng tiếc xảy ra khi ấy dư luận cũng dễ dàng... cảm thông.

Chỉ một ngày trôi qua thôi, khi những có thông tin về trong các vụ bắt cóc tống tiến, đe dọa tính mạng "im lặng", đã là một điều gì đó rất khủng khiếp đối với gia đình người trình báo. Nhưng trong trường hợp này, họ phải trải qua 06 ngày như vậy, đến ngày thứ 07, thông tin về vụ việc đã có nhưng đó lại thông tin không mong muốn nhất: Nạn nhân đã chết.

Dù nạn nhân chết trước khi gia đình trình báo, thì những người thực thi công vụ cũng không thể vô can trong vụ này. Bởi, trong 06 ngày kể từ lúc gia đình trình báo đến lúc phát hiện xác nạn nhân, công an Bình Tân đã làm gì? Trong khi nghi phạm vẫn ngang nhiên đến nhà nạn nhân để dò hỏi tình hình. Vậy, "trách nhiệm" và "nghiệp vụ" của công an Bình Tân ở đâu?

Họ có thể để một thanh niên 19 tuổi qua mặt dễ dàng trong những ngày đầu xảy ra vụ bắt cóc?

Đừng để niềm tin thêm... rạn

Dường như qua vụ án niềm tin của dân chúng hướng đến lực lượng thi hành công vụ đã thêm vết... rạn.

Qua vụ án của nam sinh Lưu Vĩnh Đạt nói lên điều gì? Mẹ nạn nhân có nói với báo chí rằng, bà đã cầu cứu khắp nơi. Ở cấp quận, cán bộ công an nói với bà rằng, "khi nào có diễn biến mới thì báo qua điện thoại". Còn ở cấp thành phố, cán bộ trực ban không nhận đơn trình báo, chỉ nói miệng với bà "khi nào công an quận Bình Tân không làm chuyển hồ sơ lên công an TP.HCM sẽ làm".

Gần 100 tin nhắn, nhiều cuộc gọi gia đình nạn nhân nhận được trong 05 ngày liền và tiếng kêu cứu của gia đình nạn nhân dường như được những người thực thi pháp luật xem quá nhẹ nhàng, thậm chí có thể nói là xem như "chuyện đùa".

Cơ quan điều tra là lực lượng chính tham gia đấu tranh với các loại tội phạm. Họ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, được rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh tội phạm nhiều năm. Họ còn là chỗ dựa, là niềm tin của người dân trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Nhưng trong vụ sát hại em Đạt, ít nhiều chỗ dựa và niềm tin của người dân đã bị rạn nứt.

Ngoài chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong vụ án này lãnh đạo Bộ Công an cũng chỉ đạo Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc để kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các đơn vị công an, nếu có những chậm trễ, thờ ơ, vô trách nhiệm... như báo chí nêu.

{keywords}
  Thiếu tướng Phan Anh Minh chủ trì một cuộc họp báo ngày 12/3. Ảnh: Đàm Đệ
Dư luận hẳn không quên vụ án Đặng Văn Khuyến giết người yêu cách đây chừng 01 năm trước, ở quận Bình Thạnh gây xôn xao dư luận. Nạn nhân là một cô gái từng cầu cứu khắp công an phường, quận về sự đe doạ chém giết của kẻ cuồng yêu nhắm vào không chỉ cá nhân cô mà cả gia đình cô. Hậu quả là gì, nạn nhân vẫn phải chết tức tưởi trên đường phố.

Người dân khi đó cũng nhận định về sự tắc trách, chậm trễ can thiệp của cơ quan chức năng khi tiếp nhận trình báo, tố giác của nạn nhân. Kết quả đến giờ là gì? Vẫn chưa thấy công luận đề cập đến trách nhiệm của cán bộ nào qua cái được cho là sự tắc trách của vụ án đó.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, được dư luận coi là "bao công" của lực lượng công an TP.HCM, sai - đúng rất phân minh. Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, trong vụ sát hại em Đạt, khi kết thúc điều tra cơ quan điều tra sẽ họp để đánh giá, rút kinh nghiệm cho công tác đấu tranh tội phạm sau này và sẽ xử lý các cá nhân sai phạm nếu có.

Việc xử lý sai phạm (nếu có) là đương nhiên, nó thể hiện sự nghiêm minh, nhìn thẳng vào cái sai, cái yếu của lực lượng công quyền. Mặt khác, nó còn là sự răn đe, cảnh báo: Làm việc phải có trách nhiệm và lương tâm với người dân.

Đàm Đệ