Những "người chơi chính" trong ván cờ Crưm như Nga, Mỹ, châu Âu, Ukraina... được mất ra sao sau những diễn biến vừa qua?

>> Thực sự người Mỹ nghĩ gì về Crưm?

>> Trừng phạt Nga, Mỹ cũng 'tơi tả'?

>> Khủng hoảng Ukraina: 'Bóng ma' trở lại

Sau kết quả trưng cầu dân ý của Crưm, những bất ổn chính trị có nguy cơ tiếp diễn, trong khi điều kiện kinh tế Ukraina tiếp tục xấu đi do tình hình bấp bênh hiện tại của Nhà nước.

Lợi ích nào cho Ukraina và toàn cầu (ví dụ: Tây Âu, Mỹ, Nga) về kinh tế từ những sự kiện xảy ra gần đây và tương lai của Ukraina? Ai sẽ thiệt hại? Vẫn là câu nói cũ, nếu muốn biết "Ai hưởng lợi", cứ "lần theo dấu vết của đồng tiền". Con đường này cũng trả lời cho câu hỏi ngược lại "Ai sẽ trả giá".

{keywords}

Crimea công bố độc lập. Ảnh: Itar-tass

Nga: Tổn thất nhưng không nghiêm trọng

Cuộc đảo chính ngày 22/2 vừa qua có thể coi như sự khởi động lại kế hoạch cắt đứt sợi dây kinh tế giữa Ukraina và Nga, một kế hoạch đã được phương Tây bắt đầu từ năm 2004, thông qua Cách mạng Cam, và kết quả đạt được là một phần kinh tế Ukraina đã tách khỏi Nga. Năm 2004 và 2014 đánh dấu những mốc sự kiện có liên quan mật thiết, là những phần tách rời của một tổng thể.

Sau năm 2004, Nga và Liên minh châu Âu cùng chia sẻ mỗi bên khoảng 1/3 kim ngạch thương mại Ukraina. Cuộc đảo chính chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thay đổi, và cán cân thương mại của Nga với Ukraina sẽ giảm, trong khi phần của Liên minh châu Âu sẽ gia tăng đáng kể, tương đương khoảng một nửa tổng kim ngạch thương mại Ukraina trong tương lai.

Trước mắt có thể thấy, Nga sẽ đối mặt với thiệt hại khoảng 1 - 2 tỷ USD không có khả năng hoàn trả từ gói "cứu trợ" đã giải ngân cho Ukraina vào tháng Hai. Tiếp theo đó là thất thoát 2 tỷ USD hoá đơn khí đốt Ukraina chưa thanh toán.

Về lâu dài, Nga sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt kinh tế từ Mỹ - Liên minh châu Âu sắp tới. Tuy nhiên, có thể dự đoán sự trừng phạt từ phương Tây sẽ mang tính chất "thể hiện" hơn là nghiêm khắc, ít nhất là giai đoạn ban đầu. Phía Hoa Kỳ muốn sử dụng biện pháp nặng, vì họ không mất mát gì; trong khi châu Âu không mấy bị thuyết phục và muốn trừng phạt chiếu lệ lúc đầu.

Vương quốc Anh vẫn muốn nguồn tiền từ những nhà tài phiệt Nga tiếp tục đổ vào để chống đỡ sự phồn vinh ngắn hạn đang lung lay, để tạo ra một nền tảng ảo cho dấu hiệu phục hồi kinh tế mong manh yếu ớt hiện nay.

Pháp gần đây đã cậy nhờ sự giúp đỡ kinh tế của Mỹ. Tổng thống Hollande của Pháp sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà Washington yêu cầu.

Châu Âu vốn thích những nhà tư bản và đầu sỏ chính trị của Nga. Do vậy, họ sẽ lựa chọn biện pháp trừng phạt, tập trung chủ yếu vào những nhân vật chính trị Nga và những người ủng hộ Putin, hơn là đóng băng toàn bộ tài sản của giới tư bản khi những người này đang đầu tư vào phương Tây trên nhiều lĩnh vực.

Đức thì đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn khí đốt của Nga, trong khi quan hệ thương mại với Nga rất phát triển, đạt hơn 75 tỷ USD mỗi năm. Họ chắc chắn sẽ "nói khó" để làm hài lòng Hoa Kỳ, nhưng sẽ không hành động như vậy cho đến khi có sự đảm bảo từ Hoa Kỳ về nguồn cung khí đốt rẻ hơn - và điều này sẽ phải mất vài tháng cho đến vài năm.

Lo ngại về "đòn trả đũa" từ Nga nhằm vào khoản đầu tư của các tổ chức phương Tây tại nước này cũng khiến họ "hạ hỏa". Giới tư bản từ cả Nga và phương Tây sẽ gây áp lực với Chính phủ để không thực hiện các biện pháp trừng phạt quá khắt khe.

Đồng tiền mất giá và sự suy giảm thị trường chứng khoán của Nga đã báo hiệu tình trạng tương lai gần của nước này.

Xuất khẩu từ Nga sang phương Tây nói chung, và sang Ukraina nói riêng có thể chịu một cú sốc nghiêm trọng trong thời gian tới, và có nguy cơ kéo dài. Nhưng Nga có thể bù đắp tổn thất lâu dài bằng cách chuyển hướng sang phía Đông, xuất khẩu sang châu Á và Trung Quốc.

Tóm lại, Nga sẽ phải đối mặt với những tổn thất kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraina, nhưng không đến mức nghiêm trọng như những đe doạ và tuyên bố từ phía truyền thông và chính phủ Hoa Kỳ và Châu Âu.

{keywords}
Hai vị nguyên thủ đứng đầu Nga và Mỹ

Mỹ được lợi như thế nào từ cuộc khủng hoảng

Trong cuộc khủng hoảng này, Hoa Kỳ là nền kinh tế ít bị ảnh hưởng nhất về ngắn hạn, và được hưởng lợi nhất về lâu dài.

Cho đến nay, Mỹ mới chỉ cam kết 1 tỷ USD - một khoản không đáng kể cho chính phủ Ukraina, và không có ý định cam kết cứu trợ thêm khi sắp diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng vào tháng 11 tới.

Tại Mỹ, đang có mối quan ngại ngày càng lớn rằng Tây Âu - và đặc biệt là Đức - đã gắn chặt quá sâu và quá gần gũi với Nga. Họ muốn phá vỡ những mối quan hệ này và thay bằng sự phụ thuộc lớn hơn của châu Âu vào Mỹ về kinh tế.

Mục tiêu dài hạn của Hoa Kỳ là khiến Đức và châu Âu phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên của mình. Hoa Kỳ hiện đang thặng dư khí tự nhiên, kết quả của những cuộc thăm dò và khai thác mới. Điều này khiến giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ giảm, và lợi nhuận cũng giảm. Do vậy, Mỹ muốn xuất khẩu khí đốt, để làm giá, tăng lợi nhuận từ khí đốt trong nước và doanh số bán hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, pháp luật Mỹ hiện hành ngăn chặn việc xuất khẩu khí tự nhiên. Một cuộc khủng hoảng ở châu Âu và nhu cầu khí tự nhiên cho khu vực là cái cớ hoàn hảo để gỡ bỏ việc kiểm soát xuất khẩu khí đốt tại Mỹ.

Việc kinh doanh nông nghiệp của Mỹ cũng có thể gặt hái lợi nhuận từ cuộc khủng hoảng Ukraina. Sự tách rời kinh tế châu Âu và Nga nghĩa là cơ hội xuất khẩu lúa mì của Mỹ sang châu Âu tăng lên.

Không chỉ vậy, ngành công nghiệp trang thiết bị quốc phòng, quân sự của Mỹ cũng được lợi. Với sự sụt giảm dự kiến 50 tỷ USD trong sản xuất vũ khí cho quân đội Mỹ năm tới, cuộc khủng hoảng tại châu Âu chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng tranh luận mạnh mẽ để khôi phục lại phần dự án bị cắt giảm.

Châu Âu: Vừa lãi vừa lỗ

Khủng hoảng Ukraina gây ra một số thiệt hại tiềm ẩn cho các nền kinh tế châu Âu. Đầu tiên, nếu nó trở nên nghiêm trọng hơn, giá khí đốt tự nhiên và giá dầu sẽ tăng, đồng thời giá lương thực và giá nguyên liệu thô cũng vậy. Điều đó cũng có nghĩa là lượng khí đốt sẵn sàng cung cấp sẽ giảm đi đáng kể - không chỉ từ Nga, mà còn khả năng phát xít Ukraina sẽ phá huỷ đường ống dẫn khí dẫn từ Nga qua Ukraina đến Tây Âu.

Tác động của cuộc khủng hoảng lên đồng tiền Euro và thị trường chứng khoán châu Âu cũng rất tiêu cực. Đồng Euro đã tăng giá đáng kể, và dưới tác động của toàn cầu, đồng tiền này chắc chắn sẽ tăng giá hơn nữa. Như vậy, sản phẩm của châu Âu khi sản xuất sẽ tốn kém hơn do giá nhiên liệu tăng, bán ra lại kém cạnh tranh. Xuất khẩu của Châu Âu, đặc biệt là Đức, ra thế giới sẽ chậm lại và sự phục hồi kinh tế có thể chững lại và thậm chí rơi vào suy thoái lần thứ 3 kể từ năm 2008.

Trước mắt, thị trường chứng khoán châu Âu đã bắt đầu suy giảm và sẽ đẩy cuộc khủng hoảng ở Ukraina vào tình trạng tồi tệ hơn về mặt chính trị. Cán cân thương mại với Nga bị lệch cũng sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, dù cam kết từ phía Hoa Kỳ có bù đắp sự khác biệt hay không.

Hiện tại, các ngân hàng châu Âu sẽ được hưởng lợi ích từ thoả thuận của IMF - có vai trò rất quan trọng khi tại thời điểm này, khi các tổ chức ngân hàng lớn như ngân hàng Unicredit của Ý đã báo cáo khoản lỗ khổng lồ. Các công ty đa quốc gia ở châu Âu sẽ hoạt động tốt, mua lại các tập đoàn lớn và các ngành công nghiệp chủ chốt của Ukraina với giá rẻ.

Nhưng thời gian tới, cuộc khủng hoảng ở Ukraina và sự suy giảm kinh tế trong những tháng tới sẽ khiến các công ty châu Âu chọn giải pháp an toàn hơn - kinh doanh với các tiền tệ như đô la Mỹ, đồng Yên Nhật và đồng Euro - cho đến khi  khủng hoảng dịu đi.

(Còn tiếp)

Như Nguyệt (theo Counterpunch.org)
----

*Tác giả bài viết, tiến sỹ Jack Rasmus, là chuyên gia kinh tế và là tác giả của một số cuốn sách trong lĩnh vực này.