Đáng buồn hơn nữa là góp mặt trong thành phần của các "đại sứ hai ngón" có cả "tầng lớp được cho là nhiều chữ" trong xã hội.

>> Tiếp viên là nghề phụ, đi buôn mới là... chính?

1. Trên những chuyến tàu ra vào Sài Gòn - Quy Nhơn, tôi thường đem theo bên mình cuốn Khuyến Học của Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) để chiêm nghiệm, nghiền ngẫm.

Cuốn sách được tác giả viết ra từ những năm 70 của thế kỷ 19, khi nước Nhật đang bước vào thời kỳ đầu của giai đoạn canh tân, mà ngỡ viết riêng cho Việt Nam đầu thế kỷ 21. Do đó, đã nhiều lúc tôi nuôi mộng nếu Việt Nam áp dụng được những điều trong sách thì sẽ có ngày "hoá rồng" như Nhật Bản.

Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của tôi cho đến trước đêm hôm ấy - đêm mà một người thân của tôi bị móc túi chiếc iPhone 5S trong đại siêu thị AEON (Nhật Bản) ngay giữa lòng Sài Gòn.

2. Nhưng trước khi tôi nói về những biến chuyển trong tư duy của mình, xin bạn hãy dành vài giây để nhớ lại từ xưa đến giờ bạn đã bao lần là nạn nhân của những vụ trộm, cướp hoặc những hành vi tương tự? Tôi đoán câu trả lời với nhiều người chắc sẽ không dưới số ngón của một bàn tay (đó là chưa kể những hành vi "móc túi" tinh vi, công khai). Con số này sẽ là vô cùng lớn nếu tính trên tổng số dân cả nước.

Còn riêng Sài Gòn, nơi tôi đang sống, là địa phương luôn có tỷ lệ án trộm cắp vào mức cao nhất cả nước. Thống kê gần đây cho thấy, án trộm cắp tài sản tại địa phương này trong năm 2013 là gần 3.000 vụ, chiếm 53,77% trên tổng số vụ phạm pháp hình sự.[1] Tất nhiên, đó chỉ mới là những vụ việc tương đối nghiêm trọng và bị phát hiện trong vô số những nỗi bất bình, mệt mỏi khác mà hàng ngày bao người phải chịu đựng và cố gắng tặc lưỡi cho qua theo dạng "của đi thay người"...

{keywords}
Ảnh minh họa

Đáng buồn hơn nữa là góp mặt trong thành phần của các "đại sứ hai ngón" có cả "tầng lớp được cho là nhiều chữ" trong xã hội, khi đối tượng của hành vi trộm cắp ở VN thời nay không dừng ở những tài sản hữu hình mà còn cả những tài sản vô hình như trí tuệ, giá trị văn hoá...

Ở cấp độ thấp, lẻ tẻ là những hành vi như chia sẻ các tài liệu/file dữ liệu có bản quyền lên internet hoặc sử dụng phần mềm lậu. Dù chỉ với mục đích phi thương mại thì những hành vi này cũng chính là biểu hiện của "ăn cắp", hiểu theo nghĩa rộng của thuật ngữ này."

Còn ở mức độ "cao cấp" hơn là chuyện không hiếm những vị tiến sĩ, giáo sư, thậm chí đức cao, vọng trọng bị chứng minh là "đạo văn" và "đạo" có... hệ thống. Học vị, danh tiếng của họ được xây dựng trên những thứ giả trá, từ những hành vi "ăn cắp" đó.

Rồi ở mức độ vĩ mô hơn, xin hãy nhìn vào cách mà người ta "đánh cắp" linh hồn của những thành phố tuyệt đẹp, như Đà Lạt chẳng hạn, bằng việc khai thác thông vô tội vạ hoặc xây dựng những công trình bừa bộn về mặt kiến trúc. Hay điển hình hơn, hãy nhìn cách mà người ta "hầm bà lằng" hoá Sài Gòn - một "hòn ngọc Viễn Đông" trong quá khứ.

Những chuyện trên đây cũng chỉ là những sự vụ mang tính "nội tình". Gần đây, Việt Nam còn bị "mang tiếng" ra bạn bè quốc tế vì trộm cắp, như chuyện những tấm biển cảnh báo tiếng Việt tại một số siêu thị tại Nhật, hay vụ việc nữ tiếp viên hàng không bị bắt vì nghi buôn lậu.

Thế mới thấy, khả năng kiếm tiền hay những tấm bằng, dù là của các đại học danh tiếng thế giới, chưa bao giờ là bảo chứng chứng tốt nhất cho văn hoá của một con người hay sự văn minh của một xã hội.

3. Ở góc độ một môi trường cần thiết để cá nhân phát triển, hoàn thiện mình, chúng ta cũng đang bị "đánh cắp" không ít cơ hội.

Trẻ em ngày nay đang bị "ăn cắp" một phần tuổi thơ, khi các chương trình học nặng nề, và học thêm, học hè liên miên. Các em được dạy nhiều về việc phải biết vâng lời mà lại được dạy quá ít về sự độc lập trong học tập, cuộc sống và đặc biệt là trong tư duy.

Còn là phụ nữ Việt, đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị xã hội áp đặt một cách tinh tế bằng một sợi dây vô hình buộc chặt cuộc đời bạn vào những tủn mủn của việc bếp núc, chồng con, bào mòn bạn trong niềm tin cố hữu đối với các chuẩn mực gọi là đức hy sinh, lòng cam chịu. Cá nhân tôi cho rằng, chính những định kiến lệch lạc được in hằn trong đầu các bé gái về sự khác biệt nghiễm nhiên giữa nam và nữ chính là căn nguyên lớn của những bất bình đẳng về cơ hội, về thu nhập khi trưởng thành của người phụ nữ.

Và khi là một thanh niên bước vào cổng trường đại học, bạn sẽ tiêu tốn vô số thời gian cho những lý thuyết kinh viện, giáo điều trước khi được học một chuyên môn thực sự. Trong khi đó, bạn hầu như sẽ xa lạ hoặc nhận thức rất mù mờ về cái là tự do học thuật của con người.

V.v và v.v,...

4. Cá nhân tôi cho rằng, trong một xã hội mà tình trạng "đánh cắp" và mất mát phổ biến như vậy, cơ hội để phát triển năng lực hoàn thiện mình, tiêu chuẩn mà nói theo Rousseau là để khu biệt con người với động vật, sẽ ngày càng vắng bóng.  Đó cũng chính là lý do tại sao những suy ngẫm sau sự việc mất iPhone lại khiến tôi bắt đầu hoài nghi về khả năng thành công khi áp dụng những điều Fukuzawa Yukichi nói trong Khuyến Học vào Việt Nam hiện tại.

Lê Nguyễn Anh Vũ

------

[1]: Trộm cắp như "người nhện" đại náo khu dân cư. Dân trí, 25/11/2013.