Kiểu xác định nguyên nhân như thế chẳng khác chi đổ trách nhiệm cho nông dân SX ra dưa hấu, Bộ thì vô can chăng?

>> Dưa hấu ứ đọng vì được mùa và cửa khẩu chật

>> Dưa hấu cho...bò ăn, vì đâu nên nỗi?

>> Nghiêm cấm nuôi gián đất

Trên phông nền là lúa gạo ở ĐBSCL vào vụ thu hoạch Đông Xuân đang ế ẩm, nông dân trồng rau quả ở nhiều vùng trong cả nước điêu đứng, thì vụ "tiêu hủy trang trại gián đất của ông Nguyễn Đình Nguyên ở Bắc Ninh và "dưa hấu ế ẩm chồng chất ở cửa khẩu Tân Thanh" đã lộ ra "thủ phạm" khiến cho người nông dân bị bít lối đi, quanh quẩn trong bế tắc.

Có một câu chuyện tiếu lâm nay đã thành sự thật. Câu đố "Cán bộ nông nghiệp sợ nhất điều gì?", câu trả lời: "Sợ nhất là "bị" nông dân hỏi tôi nên trồng cây gì, nuôi con gì?".

Mới đây trong buổi làm việc với phái đoàn Trung ương, một nữ trưởng phòng nông nghiệp của một huyện ở tỉnh Kiên Giang đã thẳng thắn thú nhận: "Chúng tôi xuống cơ sở, ngán nhất là câu hỏi của bà con, nên trồng cây gì, nuôi con gì để bán được có giá?".

Quả thật, nếu một nông dân nào đặt câu hỏi này với bất cứ một cán bộ nông nghiệp từ Trung ương tới địa phương, chắc chắn chẳng cán bộ nào dám trả lời. Có chăng thì câu trả lời giống như Nghị quyết rằng phải bám sát thị trường, SX theo đơn đặt hàng của thị trường v.v... và v.v....

Ở ngoại thành TP.HCM, nông dân truyền "kinh nghiệm" đáng gọi là "cười ra nước mắt": Nhà nước phát động nuôi con gì, trồng cây gì thì mình cứ làm ngược lại là "trúng"! Bởi ai cũng nuôi gà Tam Hoàng thì ắt giá gà Tam Hoàng sẽ rẻ, ta cứ nuôi gà thường thì sẽ trúng giá!

{keywords}
Ảnh: ĐSPL

Chuyện thứ nhất: Trả lời kiểu "chuẩn không cần chỉnh"

Tại phiên chất vấn của UBTV Quốc hội về tình trạng dưa hấu ùn ùn ứ đọng ở cửa khẩu Tân Thanh mới đây, Bộ NN - PTNT cho rằng, nguyên nhân vì... dưa hấu trúng mùa! Nếu là một nhà quan sát phân tích thị trường thì câu trả lời này quả thật là đúng, rất "chuẩn không cần chỉnh"! Nhưng đây là Bộ NN - PTNT, cơ quan quản lý Nhà nước về SX nông nghiệp, nên kiểu xác định nguyên nhân như thế chẳng khác chi đổ trách nhiệm cho nông dân SX ra dưa hấu, Bộ thì vô can chăng?

Bộ Công thương cũng có câu trả lời "chuẩn không cần chỉnh" là do cửa khẩu chật và cán bộ ít. Đáng lưu tâm hơn là Bộ Công thương nhấn mạnh tình trạng này không phải là lần đầu. Quá đúng. Đây không phải là lần đâu tiên dưa hấu của khắp mọi vùng đất nước dồn đống như núi ở cửa khẩu Tân Thanh, vài ngày sau thành rác hết.

Hóa ra, việc nông dân mở rộng trồng dưa hấu và chăm sóc quá tốt khiến dưa trúng mùa, tràn ngập thị trường khiến bán không kịp, mất giá, phải đổ bỏ là trách nhiệm của nông dân vì không căn cứ vào nhu cầu thị trường, không bám sát thị trường chăng? Nói như thế cũng chẳng... sai nếu như không phải là Bộ NN - PTNT phát ngôn!

Bởi đây là cơ quan có trách nhiệm định hướng, tổ chức SX cho nông nghiệp cả nước, trong đó có dưa hấu. Hơn ai hết Bộ NN - PTNT phải cùng Bộ Công thương cùng có trách nhiệm này để người nông dân yên tâm canh tác trên đồng ruộng. Và, để xảy ra tình trạng này nếu trách nông dân một thì trách 2 "ông" Nhà nước kia gấp trăm lần!

Chuyện thứ 2: Bịt lối ra khỏi bế tắc!

Việc tiêu hủy gián đất nuôi thử nghiệm ở trang trại của anh nông dân ở Bắc Ninh khiến không người sững sờ, băn khoăn. Với cách suy nghĩ thông thường thì lo sợ gián đất là động vật ngoại lai, sẽ theo vết xe đổ của ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, hải ly, tôm thẻ chân trắng v.v... Mặc dù người nông dân chủ trang trại đã có giấy phép của Sở KH - ĐT nhưng ngành Nông nghiệp viện dẫn pháp lệnh vật nuôi năm 2004, đã ra Quyết định tiêu hủy.

Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước, theo các chuyên gia, cách suy nghĩ phải vượt lên mức bình thường như vậy. Quan trọng hơn là phải mang tính phát hiện và kiến tạo cái mới mở đường.

Lâu nay chúng ta bị rơi vào một lối suy nghĩ rất thụ động. Ví dụ như trước tình trạng thương lái Trung Quốc đổ xô đi mua lá cây phong, rễ cây sim, lá khoai, lá sắn thì vô cùng tò mò và nghi ngờ không biết họ mua làm gì. Từ đấy đặt ra muôn vàn nghi vấn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chẳng ai, kể cả cơ quan có trách nhiệm, lưu tâm là việc trước tiên, cần xác định là thương lái Trung Quốc có thị trường cho sản phẩm mà họ mua! Và họ phải có lợi nhuận nên mới lặn lội đi khắp hang cùng ngõ hẻm tổ chức mua như vậy, có thời điểm mua rất cao. Nếu chúng khôn ngoan xác định được như vậy để tìm hiểu, khai thác thị trường cho những sản phẩm mình có sẵn chẳng phải tốt hơn là ngồi thụ động băn khoăn, nghi ngờ?

Trở lại chuyện tiêu hủy gián đất, sự việc anh nông dân ở Bắc Ninh mạnh dạn tìm tòi, dám đầu tư cả tỷ đồng tổ chức nuôi là rất dũng cảm, dám khai phá cái mới áp dụng vào mảnh đất của mình. Nếu thật sự con gián đất không nằm trong danh mục cho phép nuôi như Pháp lệnh vật nuôi năm 2004 thì cũng cần quan tâm xem nuôi gián đất có hiệu quả hay không? Bởi tại Trung Quốc việc nuôi gián đất đã mang lại hiệu quả rất lớn ở nhiều địa phương. Cũng có trường hợp bị thất bại hoặc bị ảnh hưởng môi sinh là do quản lý không chặt chẽ. Nhưng điều quan trọng nhất là ở Trung Quốc không hề cấm. Chính quyền quan tâm quản lý để gián đất được khoanh nuôi an toàn.

Hơn nữa, trong pháp lệnh vật nuôi 2004, những động vật ngoại lai được phép nuôi thử nghiệm chứ không hề bị cấm một cách cứng nhắc.

{keywords}

Gián đất sau khi nuôi được sấy khô để bán cho Trung Quốc

SX nông nghiệp đang ở đâu? Đi về đâu?

Theo Đề án tái cơ cấu SX nông nghiệp được Chính phủ thông qua tháng 6/2013, sẽ nâng cao thu nhập của nông dân lên gấp đôi trong vòng một thời gian nữa. Tuy nhiên, biện pháp để nâng cao thu nhập cho nông dân chưa được đánh giá là khả thi. Nếu xét trong thực tế thì còn muôn vàn khó khăn.

Bước vào 2014, những cây con chủ lực của SX nông nghiệp đang lao đao, từ lúa gạo, rau màu đến con lợn con gà, đều chung cảnh ngộ khủng hoảng.

Một số nông dân bám trụ đã tự xoay xở, tìm kiếm lối ra cho mình. Thay vì chỉ trồng những cây quen thuộc lúa, ngô, khoai, rau màu... họ đã dám khai mở cây trồng mới. Dưa hấu là sự lựa chọn cho nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung.

Nhưng do tự phát, không hề được điều chỉnh kịp thời nên đã xảy ra tình trạng quá nhiều nơi lao theo dưa hấu sau thành công lớn dịp tết Nguyên Đán vừa qua. Chu kỳ thành công - thất bại lại tiếp diễn vì cứ thấy nơi khác làm trúng thì nhiều vùng ào ào lao theo. Vì thất bại, nhiều nơi bỏ cuộc, số ít còn lại làm ra bán được, lại ào ào trở lại...  Cái vòng luẩn quẩn này chưa biết bao giờ mới hết nếu cứ bỏ mặc nông dân như vậy.

Thỉnh thoảng có những trường hợp nông dân làm giàu lóe lên như trường hợp một nông dân ở Sóc Trăng nuôi ong lấy mật trong vườn nhãn, một nông dân ở Đồng Nai mở trang trại nuôi chó thịt, một nông dân ở Củ Chi xây nhà lầu mua xe hơi nhờ nuôi... dế. Hoặc trường hợp một người chỉ có 15 m2 nhà ở quận Bình Thạnh TP.HCM thành tỷ phú nhở nuôi cá cảnh trong hồ... Điểm giống nhau của những trường hợp này đều là mang tính cá biệt, rất độc đáo, không giống ai. Và nếu quá nhiều người cùng lao vào làm thì sẽ thất bại vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Nhưng nếu như nông dân trên khắp cả nước đều "ngoan ngoãn" nuôi trồng những sản phẩm quen thuộc thì cũng như lúa gạo, heo gà, sẽ cùng đi vào bế tắc. Điệp khúc quen thuộc "trúng mùa mất giá" cứ đến hẹn lại lên. Cơ quan có trách nhiệm cứ lạnh lùng xác định là tại "trúng mùa" hoặc "cửa khẩu hẹp" thì làm sao SX nông nghiệp bứt phá ra khỏi bế tắc hiện nay?

Trong bước đường cùng, nông dân cần mạnh mẽ tìm kiếm hướng đi mới thoát ra thì lẽ ra cần ủng hộ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho họ. Nếu thực sự con gián đất là nguy hiểm với môi trường nhưng tổ chức khoanh nuôi chặt chẽ thì tại sao lại nói không? Cũng như loài rắn hết sức nguy hiểm hơn gấp nhiều các loài khác, Kinh Thánh xếp rắn vào thứ xấu xa, nguy hiểm nhất nhưng nhiều quốc gia vẫn tổ chức nuôi vì nọc rắn là dược liệu vô cùng quý với con người.

Rõ ràng trên bước đường tìm tòi, sáng tạo tìm lối thoát, công việc quản lý Nhà nước cần đồng hành, kiến tạo để giúp đỡ người dân hơn là chỉ đơn giản phán được làm cái này không được làm cái kia như vụ con gián đất đau lòng vừa xảy ra.

Và trong tái cơ cấu nền SX nông nghiệp của nước ta, cũng cần tái cơ cấu lại lối tư duy quản lý Nhà nước đã để xảy ra vụ "dưa hấu Tân Thanh" và "con gián đất"!

Duy Chiến