Thật ra, “đạo đức cách mạng” đơn giản lắm, có nghĩa là một cây kim, sợi chỉ cũng không được lấy của dân…
Xã hội thuần nông của người Việt ngày xưa tạo một “thói quen” là đi “mót” sau mỗi một kỳ, một mùa thu gặt nông sản. Những người nông dân nghèo, những đứa trẻ con khi mót được lúa, ngô, khoai, sắn… bị rơi vãi hay còn sót lại trên cánh đồng, thửa ruộng thường mừng lắm, coi như được “bữa cơm”, kiếm được “cái ăn” trong ngày.
Thời kỳ thỏa hiệp với tiêu cực
Việc đi mót ấy là biểu hiện của cái đói, cái nghèo, của sự túng thiếu, hay nhiều lúc chỉ là “chuyện tinh nghịch” của bọn trẻ. Thế nhưng, nếu như người chủ của những “chiến tích” lúa, ngô, khoai, sắn… phát hiện, bắt quả tang được, không khéo những người đi mót kia lại bị quở trách, la mắng, bị mang tiếng xấu…
Tấm biển cảnh báo tại siêu thị Nhật viết cả tiếng Việt |
Quay lại với câu chuyện đang rất thời sự là hiện tượng người Việt ăn cắp, tiêu thụ hàng ăn cắp ở Nhật và đám đông cùng nhau hôi bia, hôi nhãn, hôi dưa hấu… ở trong nước. Ở đây, khó có thể quy kết cho cái đói, cái nghèo để có thể “túng làm liều”. Mà phải nhìn nhận một quán tính đâm lao của xã hội chạy theo cái “ăn” và “kiếm ăn”, của sự tiếp tay thừa nhận thỏa hiệp với tiêu cực, của những căn bệnh giáo dục đang đi vào thời kỳ “mãn tính”…
Xét riêng về phạm trù ăn cắp, nếu ai làm thử thống kê trong một ngày có bao nhiêu vụ mất trộm lớn, bé được báo về các đồn công an xã, phường trong cả nước, có thể tượng tượng ra được con số đó khủng khiếp như thế nào. Nhưng chuyện ăn cắp, tiêu thụ hàng ăn cắp của người Việt ở Nhật nói riêng và ở nước ngoài nói chung, khiến dư luận xôn xao dậy sóng, ngoài việc lên án hành động xấu xa kia, nó còn bao hàm sự sĩ diện, tinh thần ái quốc, tư tưởng vinh nhục, màu cờ sắc áo của dân tộc, của đất nước.
Tạm cho rằng người Nhật đã quá “dễ dãi” trong việc phòng chống trộm, quản lý hàng hóa khiến cho lòng tham con người có cơ hội phát huy, thì việc người Việt ăn cắp ở Nhật trở thành một “hiện tượng” là một dấu hỏi đáng suy ngẫm.
Tạm cho rằng tiếp viên hàng không là một nghề lịch lãm, sang trọng, lương cao mà phải tiếp tay tiêu thụ hàng ăn cắp thì quả thật là đáng xấu hổ. Nhưng ngược lại, thử làm phép tính ở trong nước có được bao nhiêu người không tiêu thụ hàng xách tay, không tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tiêu thụ hàng qua trung gian “ăn trộm, ăn cắp”…
Và hơn nữa, nếu như không có hệ thống, có đường dây, có tổ chức thì liệu những tiếp viên hàng không xinh đẹp và trẻ trung kia có đủ bản lĩnh đơn phương độc mã qua được “mắt thần” của những an ninh cửa khẩu.
Tạm cho rằng việc đám đông hôi bia, hôi trái cây… làm điều đáng phê phán, đáng lên án. Từ một tai nạn bất ngờ, một người, hai người rồi nhiều người cùng tham gia vào công việc “gom góp của thiên hạ cho riêng mình” một cách vui vẻ, hả hê. Trong đám đông chung sức chung lòng làm điều tiêu cực ấy có đủ mọi hạng người, đủ mọi ngành nghề, có cả người có học lẫn người vô học…
Ba điều “tạm” ở trên dẫn đến một nghi vấn rằng “phải chăng người Việt hiện nay đang rất dễ dàng thỏa hiệp với những tiêu cực?”. Và vì sao như vậy? Do lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, đồng tiền lên ngôi khiến đạo đức, văn hóa và giáo dục xuống cấp, con người mất niềm tin, nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí thiếu tử tế ngay với chính bản thân mình.
Cái đói, cái nghèo của văn hóa và lòng tự trọng
Nếu như câu chuyện người đi “mót” được đề cập ở đầu bài vì cái đói, cái nghèo mà phải chịu mang tiếng xấu thì câu chuyện “ăn cắp, tiêu thụ hàng ăn cắp, hôi của” mà báo chí đề cập gần đây không hẳn là “cái đói, cái nghèo” của vật chất mà có nguyên nhân từ “cái đói, cái nghèo” của văn hóa và lòng tự trọng.
Hãy bắt đầu từ góc nhìn nhỏ nhất, góc nhìn của một gia đình, góc nhìn của một tế bào xã hội.
Không hiếm những người cha, người mẹ mong muốn những điều tử tế, tốt đẹp đến với con cái mình, nhưng song song với điều đó, họ sẵn sàng âm thầm bỏ bao thư, phong bì cho giáo viên chủ nhiệm hàng tháng…
Không hiếm những người cha, người mẹ mong muốn con mình thành đạt trong nghề nghiệp và tiền bạc, nhưng song song với điều đó, họ sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để “chạy”, để “mua” cho con cái họ vào những công việc “hot”, có tiếng, có miếng, ổn định, lương cao.
Không hiếm những cụ ông, cụ bà khi ngồi lại đàm đạo với nhau, bức xúc, tức chí đập bàn, đập ghế vì nghe những thông tin tiêu cực trong xã hội- những thông tin về quan tham ăn hối lộ, nhũng nhiễu hạch sách dân lành. Thế nhưng ngay trong gia đình, các cụ lại khá “gật gù, ưng bụng”, không cần bận tâm, nghi ngờ khi những đứa con của mình mua đất, xây nhà lầu, sắm xe hơi với “đồng lương chết đói”. Mà các cụ cũng thừa biết rằng các con của mình chỉ có một cái ghế duy nhất là… cán bộ, công chức.
Ba điều “không hiếm” nhưng thiếu tử tế trên dẫn đến những điều “không hiếm” khác trong mọi mặt xã hội. Và vô cũng khập khiễng, mâu thuẫn nếu như áp đặt một lối phản biện suy luận một bề về khái niệm “tư cách”, “sĩ diện”, “vinh nhục”… Rất nhiều người rao giảng cụm từ đạo đức cách mạng, thế nhưng, nếu như hỏi ngược lại đạo đức cách mạng cụ thể là gì, thì có không ít vị lúng túng, rồi lại lý giải vòng vo những điều cao siêu khó hiểu.
Thật ra, “đạo đức cách mạng” đơn giản lắm, có nghĩa là một cây kim, sợi chỉ cũng không được lấy của dân…
Đồng ý rằng có lửa mới có khói, nhưng hãy tiếp nhận những thông tin “ăn cắp, tiêu thụ hàng gian, hôi của” trên một tinh thần khách quan, hết sức điềm tĩnh, so sánh đối chiếu với chính bản thân mỗi người. Mọi suy nghĩ cực đoan, quá đà khiến chúng ta càng thêm “mất điểm” với bạn bè các nước, thậm chí chính người Việt lại tự kỳ thị người Việt trong cái thiêng liêng nhất của ngữ nghĩa đồng bào.
Gào thét sự “cao quý của sen khi gần bùn” mà vẫn bó tay khi những căn bệnh văn hóa đang đi dần vào quỹ đạo mãn tính thì sự gào thét đó thật là vô dụng. Rác văn hóa cũng như rác môi trường, thật khó làm sạch nếu như không có sự chung tay đồng thuận của toàn xã hội. Khi có chuyện tiêu cực xảy ra, dân lại đổ lỗi cho quan trí, quan lại “đổ lỗi” cho dân trí, cứ đổ lỗi qua lại cho nhau, cho khách quan thực tại thì có khác nào, người Việt mình tự “ăn cắp” niềm tin của nhau.
Chi bằng, ngay từ bây giờ, hãy chung tay nhặt rác trong chính ngôi nhà của chúng ta.
Minh Phước
Xem thêm các bài "bắt bệnh" thói xấu người Việt Người Việt trưởng thành rất chậm Tìm nguyên nhân tính xấu của người Việt Người Việt nên tập dần "cai sữa" |