Tổng thống Colombia gọi ông là "người Colombia vĩ đại nhất." Với thế giới, ông sẽ luôn là cụ già có đôi cánh khổng lồ.

LTS: Ngày 17/4/2014 (tức rạng sáng 18/4/2014 theo giờ Việt Nam), Garcia Marquez, một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, nhà báo, nhà biên kịch, nhà hoạt động chính trị, đã qua đời ở tuổi 87 tại nhà riêng của ông ở Mexico. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây, như một sự kính cẩn tưởng nhớ ông.

Trên con đường đầy nắng tới khu nghỉ mát Acapulco của Mexico một ngày nào đó năm 1967, người chồng với khuôn mặt đăm chiêu đang trầm ngâm lái xe, còn người vợ thì chơi đùa với hai đứa trẻ nhỏ. Một khung cảnh êm đềm hiếm hoi trong những năm tháng rực lửa của "lục địa trỗi dậy", thời kỳ sôi sục phong trào đấu tranh chống  độc tài và đế quốc ở Nam Mỹ.

Bất chợt người chồng dừng xe, quany mặt lại và run run nói với vợ rằng mình đã tìm ra được giọng kể về "Macondo," ngôi làng tưởng tượng của tác phẩm anh cho là lớn nhất trong đời mình. Hứng khởi tột độ, anh quay ngược xe trở về nhà trong khi cô vợ trẻ vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Đó là ngày đánh dấu  sự ra đời của một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất thế kỷ XX, "Trăm năm cô đơn", và cũng là bước ngoặt để một thiên tài bước ra ánh sáng - Gabriel Garcia Marquez.

{keywords}

Chân dung Gabriel Garcia Marquez

Đi tìm Macondo

Marquez chỉ nhìn thấy Macondo duy nhất một lần trong một chuyến đi về thăm quê cùng mẹ. Đó là tên  trại chế biến chuối, nằm cô độc ở bên cạnh một nhà ga nhỏ cũng hoang vắng không kém.

Nhưng đối với Marquez, cái tên đó đưa ông trở về tuổi thơ liêu trai với những câu chuyện vừa mang tính thần thoại, vừa đầy rẫy sắc màu cuộc sống bà ngoại thường kể vào đêm. Nó như là một cái gì đó chưa từng xẩy ra nhưng ta luôn cảm giác mất mát và muốn được trở về.

Khoảnh khắc kì lạ trên đường tới Alcapulco chỉ là manh mối dẫn tới Macondo, còn  hành trình 18 tháng đóng cửa viết văn của ông mới là thử thách thực sự. Sau chuyến đi nghỉ mát bất thành, ông giao hết việc nhà vợ, bán ô tô và một số tài sản để mua giấy viết bản thảo và thuốc lá.

Bạn bè bắt đầu gọi căn phòng đầy khói thuốc của ông là "ổ chứa Mafia", nơi "ông trùm" miệt mài đi tìm Macondo trên từng trang giấy. Sau gần hai năm Marquez mới bước ra khỏi phòng, kiệt sức và phờ phạc.

Ông bán nốt đồ đạc còn lại  để có tiền gửi bản thảo đến một nhà xuất bản ở Buenos Aires. Một vụ cá độ rủi ro với tập giấy dày hơn 1.300 trang và khoản nợ lên tới 10.000 đô la.

Canh bạc của Marquez đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Chỉ trong vòng một tuần lễ,  Macondo cùng  "Trăm năm cô đơn" trở thành hiện tượng trên toàn Nam Mỹ. Thế giới bắt đầu biết tới văn học Mỹ Latin với "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo" (magic realism), thứ văn chương  hòa trộn giữa hiện thực cuộc sống và tính huyền thoại rất đặc trưng của văn hóa Mỹ Latin.

Cho đến cuối thế kỷ XX, "Trăm năm cô đơn" đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và bán được hơn 10 triệu bản, thành tích đáng nể cho một tác phẩm thuộc loại kinh điển và không viết bằng tiếng Anh (Marquez viết bằng tiếng Tây Ban Nha).

{keywords}

Tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Garcia Marquez. Ảnh: Muachung.vn

Marx và Kafka

Gabriel Garcia Marquez  trưởng thành ở một trong giai đoạn nóng bỏng  nhất trong lịch sử Colombia. Từ cuộc Chiến tranh 1.000 Ngày (1899-1902), rồi đến Thời kì "bạo động" (Le violencia) diễn ra sau khi lãnh tụ đảng Tự do Gaitan bị ám sát vào năm 1948, kéo dài tới những năm 1960, tước đi mạng sống của hàng trăm nghìn người  và một dân tộc chia rẽ. Tất cả những chi tiết sau này đều xuất hiện trên trang viết của ông.

Marquez theo học ngành luật tại trường Đại Học Quốc Gia Colombia vào năm 1947, nhưng  ông thấy đam mê không phải là những điều luật và các vụ án khô khan, mà là chủ nghĩa Mác và những trang sách của Kafka, sự kết hợp kỳ quái giữa nhà duy vật và một văn sĩ đậm chất trừu tượng.

Với niềm đam mê viết lách, Marquez viết báo cho tờ El Universal, một tờ báo địa phương nhỏ; trước khi từ bỏ luôn ngành luật và theo đuổi nghiệp cầm bút với tờ El Heraldo và cuối cùng là tờ El Espectador.

Với trái tim nhiệt huyết của một thanh niên trẻ tuổi, Marquez đã không ngần ngại lôi ra ánh sáng một hành vi bất minh của chính phủ. Sau vụ việc, ông  lọt vào danh sách đen, và buộc phải trốn khỏi đất nước.

Ông sang châu Âu một vài năm và làm phóng viên biệt phái của El Espectador, trước khi tờ báo bị buộc đóng cửa bởi chính quyền độc tài Pinilla.  Trong tình trạng lay lắt về tài chính, ông trụ lại ở Paris và sau đó là London một thời gian, trước khi quay về Nam Mỹ.

Không thể trở lại Colombia, ông làm việc cho một số tờ báo ở Venezuela và Mexico, và cộng tác cho thông tấn xã của Cuba non trẻ, mới ra đời sau cuộc cách mạng 1959.

Đó là một giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời ông, khi ông nhìn thấy ở Cuba " một trật tự xã hội công bằng hơn, dân chủ hơn, và phù hợp hơn với nhu cầu của tất cả chúng ta". Ngoài đời, ông là bạn thân và tự nhận là "người tin cẩn nhất" của lãnh tụ Fidel Castro.

Nhiều người cho rằng đó là lý do cho sự bất hòa giữa ông và người bạn một thời Mario Vargas Llosa, nhà văn cũng được trao giải Nobel văn học. Tình bạn này kết thúc bằng cú đấm của Llosa vào mặt Marquez sau khi hai người bước ra khỏi một rạp chiếu phim ở thành phố Mexico.

{keywords} 

Hành trình cô đơn

Marquez nói nhiều về nỗi cô đơn của loài người.

Nó như lơ lửng treo trên đầu mỗi người, mỗi gia đình, mỗi xã hội, và ở cả cộng đồng Nam Mỹ nghèo khó bị bỏ lại phía sau thế giới phương Tây phát triển. Đó là hình ảnh ẩn dụ trong "Trăm năm cô đơn": khi công ty khai thác chuối của Mỹ rời bỏ  Macondo thì ngôi làng nhanh chóng trở nên kiệt quệ và chết dần chết mòn. Đến cả người cuối cùng của dòng họ cũng bị đàn kiến tha đi.

Nỗi cô đơn trong các tác phẩm của Marquez đều có nguyên nhân chính: sự ích kỷ của con người và một xã hội không có tình yêu. Đây là hai thứ gắn liền với nhau: khi con người ta chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân thì không thể có tình yêu cho kẻ khác. Xung đột lên đến đỉnh điểm khi tính ích kỷ đẩy loài người đến chỗ bóc lột lẫn nhau để tư lợi.

Không có sự bình đẳng thì cũng không có tình yêu, và khi đó, nỗi cô đơn sẽ tiếp tục là bóng ma ngự trị trên toàn xã hội rộng lớn. Có lẽ vì vậy Marquez không ngần ngại đặt niềm tin vào hệ thống xã hội mới ở Cuba, dù chịu nhiều chỉ trích.

Phát biểu trong lễ trao giải Nobel  vào năm 1982, Marquez nói rằng, con người cần phải xây dựng nên một "xã hội lý tưởng," nơi không ai được phép định đoạt số phận của người khác, nơi tình yêu sẽ cho thấy sự chân thành và hạnh phúc ở trong tầm với, và là nơi mà ngay cả một dòng họ bị vướng vào một lời nguyền trăm năm cô đơn, cuối cùng cũng có cơ hội được hồi sinh."

Tổng thống Colombia gọi ông là "người Colombia vĩ đại nhất." Với thế giới, ông sẽ luôn là cụ già có đôi cánh khổng lồ.

--------

Gabriel Jose Garcia Marquez (6/3/1928 -17/4/2014) là một nhà văn người Colombia nổi tiếng. Ông còn là nhà báo và một người hoạt động chính trị.

Ông nổi tiếng với các tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera), Mùa thu của vị trưởng lão (El otoño del patriarca), Tướng quân giữa mê hồn trận (El general en su laberinto) và hơn cả là Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad), García Márquez là một đại diện tiêu biểu của nền văn học Mỹ Latinh. Tên tuổi của ông gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ông được trao Giải Nobel Văn học năm 1982.

 

Bài cùng tác giả:

Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng

Ở đây cả nước và muối đều quý. Có người kể với tôi rằng, ngày xưa một cân muối tương đương với một cân vàng ròng.

Chờ 'tiền lệ', bao giờ mới có ô tô, điện thoại

Khoa học phát triển là nhờ những thứ “không có tiền lệ”. Nếu chờ “tiền lệ,” liệu bao giờ loài người mới có ô tô, điện thoại, hay thậm chí là biết được trái đất có hình tròn thay vì hình dẹt?

Thờ ơ nhìn người bị nạn, xúm vào xem đánh nhau

Sự bàng quan, "sống tạm" gây nên thói vô cảm, thấy người gặp nạn thì thờ ơ, nhưng thấy đám đánh nhau thì xúm vào... xem.