"Tối ưu" của Mỹ phải chăng là "ác mộng" của khu vực, khi nó tiếp tục tạo nên một sự ỡm ờ, cả về sách lược, lẫn chiến lược, khi Mỹ quá mềm với các cường quốc khu vực như Trung Quốc?

>> Khủng hoảng Ukraina cho Mỹ bài học ứng phó TQ?

>> Mỹ - Nhật cần 'bắt tay' đối phó TQ?

>> Thực sự người Mỹ nghĩ gì về Crưm?

Tháng 11/2013, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã có bài diễn văn tại Đại học Georgetown, Washington D.C., với nhan đề "Tương lai nước Mỹ ở châu Á". Nội dung bài diễn văn nhấn mạnh rằng việc tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương là một cương lĩnh quan trọng của chính quyền Tổng thống Obama.

Trong thời gian tới, chiến lược này sẽ được thực hiện trên bốn lĩnh vực là tăng cường an ninh, thúc đẩy thịnh vượng, vun đắp dân chủ, đề cao các giá trị nhân quyền. Tuyên bố này có thể xem như một sự tái khẳng định và làm mới chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ, mang một cách tiếp cận "mềm" hơn với Trung Quốc. Chuyến thăm châu Á của ông Obama chính là để tái khẳng định và tiến hành điều chỉnh một phần chính sách cũa Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương.

{keywords}

Mỹ sẽ làm mới chiến lược xoay trục châu Á, mang một cách tiếp cận "mềm" hơn với Trung Quốc? Ảnh minh họa

Tái cân bằng gặp thách thức

Chính sách xoay trục hướng về châu Á, với luồng sinh khí mới sau khi ông Obama tái đắc cử, phải đối diện với những mối hoài nghi từ bên ngoài lẫn trong nội bộ. Người ta vẫn chưa quên chuyện Tổng thống Obama phải huỷ các chuyến thăm Malaysia, Philippines, vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh APEC và EAS năm ngoái do Chính phủ Mỹ đóng cửa. Ngoài vấn đề tài chính, Washington còn bị phân tán bởi những sự kiện đang xảy ra tại Ukraina và Trung Đông.

Kỳ vọng vào sự hiện diện của Mỹ, Nhật Bản cảm thấy chưa thoả mãn khi Mỹ không buộc được Trung Quốc rút lại tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông[1]. Ngược lại, Hàn Quốc, Úc cùng các đối tác là Singapore và Indonesia lại không muốn rơi vào thế giữa hai cường quốc phải chọn một. Trung Quốc, cường quốc đang nổi ở khu vực, vẫn tỏ ra là một thế lực không dễ gì bị kìm tỏa bởi Mỹ.

Trong khi đó, ngày 17/4, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã lên tiếng phê bình việc thực hiện chính sách này hiện nay. Theo đó, việc tái cân bằng quá chú trọng đến phân bổ lực lượng quân sự và nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Với mối nghi ngờ rằng liệu chiến lược này có bị "mất lửa" sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton và Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon từ nhiệm, Thượng viện kêu gọi phải thực hiện việc tái cân bằng dựa trên các yếu tố ngoại giao, kinh tế và xã hội dân sự nhiều hơn.

Ngoài ra, Mỹ cần giúp Trung Quốc phát triển một cách tích cực, tôn trọng luật pháp quốc tế thay vì kìm hãm nước này. Những yêu cầu trên về cơ bản không khác những gì bà Susan Rice phát biểu năm 2013; tuy nhiên, lời chỉ trích của Thượng viện cho thấy còn có nhiều khác biệt giữa việc đề ra phương châm và quá trình thực hiện chính sách.

Một "Tái cân bằng" mềm mỏng hơn

Quả thực trong thời gian qua, Mỹ đã dần dần tăng cường sự hiện diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng thông qua các lĩnh vực ngoài quân sự. Ngày 3/4 vừa qua, trong hội nghị với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói: "An ninh và ổn định là những nền tảng chính của thịnh vượng và phát triển kinh tế".

Mới đây nhất, một phái đoàn do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và dân biểu Peter Welch dẫn đầu đến thăm Trung Quốc, Việt Nam và Hồng Kông. Trọng tâm của cuộc thảo luận tại Việt Nam là luật tác quyền, nhân quyền, và các nỗ lực nhân đạo đang được tiến hành ở Việt Nam, liên quan tới hóa chất da cam và tháo gỡ mìn bẫy từ thời Chiến tranh Việt Nam.

Không chỉ tuyên bố trong các lần gặp gỡ, Mỹ còn đóng góp lực lượng để giải quyết vấn đề chung. Trường hợp gần đây nhất là sau sự cố mất tích máy bay MH370, ưu thế về kỹ thuật tìm kiếm cứu nạn và định vị toàn cầu của Mỹ đã đóng góp phần đáng kể vào công tác tìm kiếm, nhất là trong hoàn cảnh thông tin bị mập mờ và mâu thuẫn.

Trong các lĩnh vực mà Mỹ muốn thể hiện vai trò của mình, kinh tế là mũi nhọn hàng đầu và do đó việc xây dựng Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi như một nước cờ quan trọng. Với Nhật Bản gia nhập, TPP có 12 nước tham gia với tổng GDP $26 ngàn tỉ USD, một sự hấp dẫn có thể tạo nên hiệu ứng domino kéo thêm nhiều quốc gia tham dự.

Mặt khác, sự tham gia của Nhật Bản làm tăng sự cạnh tranh giữa TPP và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực), khu vực tự do thương mại do ASEAN dẫn đầu, gồm cả các đối tác kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản nhưng chưa bao gồm Mỹ. Trung Quốc đang phải cân nhắc giữa lợi ích khi tham gia TPP và sự đề phòng việc phải chơi theo luật của do Mỹ đặt ra.

Còn đối với Trung Quốc, suốt những tháng gần đây Mỹ đã nhắc lại nhiều lần thông điệp của bà Rice trong nỗ lực chỉ ra những lợi ích chung giữa mình và Trung Quốc để hai bên cùng hợp tác. Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 14/02, Ngoại trưởng John Kerry lưu ý rằng Trung Quốc có một vai trò "đặc biệt và quan trọng" trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên như một người thích hợp nhất để thuyết phục Triều Tiên ngồi vào đàm phán.

Trong chuyến thăm Trung Quốc cùng gia đình, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama cũng tuyên bố chuyến thăm nhằm mục đích văn hoá nhiều hơn chính trị. Thông điệp của bà Rice cũng mời gọi Trung Quốc gia nhập TPP, miễn là nước này đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết. Đáp lại những tín hiệu từ Mỹ, Trung Quốc đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh, như một cách thể hiện rằng Trung Quốc không có gì phải giấu giếm trong quan hệ với Mỹ.

Như vậy, đối với một cường quốc đang lên, Washington đã có cách tiếp cận mềm mỏng và ôn hoà trên các phương diện như kinh tế và văn hoá, đồng thời nhìn nhận được vai trò của nước này trong các vấn đề mà Mỹ không dễ dàng đơn phương giải quyết. Trước những động thái khiêu khích của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền với các nước lân cận, Mỹ nhận thấy cần phải kiềm chế Trung Quốc để bảo đảm lợi ích của mình, nhưng không phải bằng sức mạnh quân sự mà bằng con đường hợp tác và thể chế hoá.

Những dấu hiệu này dường như đang thể hiện một lựa chọn khá "tối ưu" của Mỹ trong thời điểm này. Nhưng liệu nó sẽ làm khoảng cách lòng tin của các nước Đông Á với chính sách cân bằng càng doãn rộng. "Tối ưu" của Mỹ phải chăng là "ác mộng" của khu vực, khi nó tiếp tục tạo nên một sự ỡm ờ, cả về sách lược, lẫn chiến lược, khi Mỹ quá mềm với các cường quốc khu vực như Trung Quốc, quốc gia đang quyết đoán và cứng rắn một cách lạnh lùng hơn bao giờ hết?

Bùi Hữu Duyệt (Irys)