Trong chiến lược "buộc chặt rồng Trung Quốc", Mỹ đang quay sang thắt chặt quan hệ với Malaysia, mà việc phối hợp tìm kiếm MH370 là một biểu hiện.

>> Vì sao Obama thăm đồng minh lúc này?

>> Cơn ác mộng khi Mỹ mềm mỏng với Trung Quốc

Nỗ lực của Mỹ nhằm tái thiết lập hàng rào an ninh trong khu vực và tạo thế đối trọng với Trung Quốc không chỉ cần sự liên kết của các đồng minh truyền thống, mà còn cần bổ sung những mảnh ghép khác nắm vai trò chiến lược trong bức tranh. Trong đó, Malaysia lại được xem là nhân tố đặc biệt có thể kiến tạo nên thành công của Obama trong chuyến đi này.

Malaysia trong mối quan hệ với Mỹ - Trung

Điểm đến trong chuyến viếng thăm châu Á của Tổng thống Obama sẽ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia. Đối với ba quốc gia đầu tiên vốn là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, việc thông qua chuyến đi để thắt chặt mối liên minh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sẽ là một câu chuyện khác đối với chuyến đi của Tổng thống Obama đến Malaysia - đất nước vừa ký kết Hiệp định đối tác chiến lược với Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái.

Với chính sách ngoại giao cân bằng, Malaysia hiện đang đứng ở vị trí trung gian mà cả hai phía Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn lôi kéo. Nhận thức rõ được điều này, Malaysia hiện đang cố gắng tận dụng triệt để thế lưỡng nan ấy để mang lại lợi ích quốc gia tối đa cho mình.

Có thể thấy rõ điều này qua việc Malaysia đã xúc tiến mối quan hệ quốc phòng với cả hai bên là Mỹ và Trung Quốc, thông qua chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ tại Malaysia vào tháng 2 năm 2014 và cuộc tập trận chung, trao đổi lực lượng hải quân với Trung Quốc vào tháng 12 năm 2013.

Nhìn một cách tổng thể, trong thời điểm hiện tại Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, còn nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Malaysia cũng là nước chiếm thị thực Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới. Do đó, không có gì khó hiểu khi Malaysia sẽ cố gắng giữ cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc cho đến khi nào có thể.

Khác với mối quan hệ với Trung Quốc mới được làm ấm lên trong thời gian gần đây, quan hệ Mỹ - Malaysia đã được tạo nền móng vững chắc ngay từ những năm 1980. Bỏ qua những bất đồng về chính sách kinh tế, nhân quyền và chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được cải thiện đáng kể dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Vào cuối năm 2010, trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell đã cho rằng quan hệ Mỹ - Malaysia là cặp quan hệ được cải thiện nhiều nhất ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tình trạng cân bằng này chắc chắn không thể kéo dài, vì Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái thách thức sự thiết lập an ninh quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đã tiềm ẩn những nguy cơ xung đột từ sự sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, nay càng có thêm nhiều nguyên nhân để bùng nổ trong thời gian tới.

Trong tình huống đó, chắc chắn Malaysia sẽ phải rất khôn khéo trong mối quan hệ với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Tạo tiền đề cho sự phá vỡ thế cân bằng đó có lẽ là nguyên nhân chính trong chuyến thăm Malaysia lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

{keywords}{keywords}{keywords}

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak. Ảnh: Themalaysiantimes

Những mảnh ghép cuối cùng

Malaysia rất có thể sẽ là một con cờ chủ chốt trong chuyến công du lần này của Obama. Trong khi kết quả của chuyến viếng thăm đến với Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc đều hết sức dễ đoán, thì sự thành bại của đi này được đánh giá qua kết quả của chuyến thăm đến với Malaysia. Nếu thành công, Washington có thể "hả hê" rằng đã tạo nên được một trận đồ chiến lược rất quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu với các nhà lãnh đạo kinh doanh tại Kuala Lumpur vào năm 2013, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố: "ASEAN sẽ tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu cho Trung Quốc trong mở cửa kinh tế". Do đó, nhằm tái lập quyền lực ở châu Á, có thể nói việc khôi phục tầm ảnh hưởng tại ASEAN sẽ là yếu tố đầu tiên mà Washington nhắm đến trong chuyến công du này, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề khi ông Obama buộc phải hủy bỏ chuyến thăm đến khu vực vào năm ngoái.

Là một trong các quốc gia sáng lập ASEAN, đồng thời là một quốc gia Hồi giáo đang phát triển, Malaysia là nơi thích hợp để Mỹ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ASEAN, từ đó tạo tiền đề để Washington có thể xóa bỏ đi những rào cản về niềm tin trong mối quan hệ với các quốc gia Hồi giáo khác.

Sự thắt chặt mối quan hệ song phương với Malaysia sẽ là bước đi gần như quyết định của Mỹ tại Đông Nam Á trong quá trình thiết lập một vành đai xung quanh Trung Quốc. Cần phải đế ý rằng Thái Lan và Philippines đã là đồng minh của Mỹ, Singapore, Indonesia và Việt Nam đã là những nước bạn bè quan trọng, và Malaysia sẽ là một trong những mảnh ghép cuối cùng.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến vai trò của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã đóng góp một tiếng nói quan trọng. Với tư cách là một thành viên tham gia đàm phán, Malaysia hoàn toàn có thể là diễn đàn để Obama thể hiện rõ ràng quan điểm của mình, qua đó có thể hiện thực hoá TPP, tiến tới giảm dần địa vị kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Về mặt quân sự, mặc dù Malaysia vốn không phải là đồng minh, dự kiến Hoa Kỳ cũng sẽ nỗ lực làm nổi bật các hợp tác quân sự, mà tiêu biểu gần đây là việc phối hợp tìm kiếm chuyến bay bị mất tích MH370. Ngoài ra, các cuộc tập trận hay các chuyến thăm viếng lẫn nhau của các tàu quân sự sẽ diễn ra một cách thường xuyên hơn.

Những thành quả trong chuyến thăm của Obama đến với Malaysia tất nhiên phụ thuộc rất lớn vào những phản hồi từ chính quyền Malaysia. Đã đến lúc Malaysia cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định dứt khoát về việc đứng hẳn về phía nào trong thế lưỡng nan này.

Về cơ bản, sự hợp tác toàn diện với Trung Quốc sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Malaysia. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, mối hợp tác này cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ làm tổn hại đến nền hòa bình khu vực, mà nhãn tiền nhất chính là việc Malaysia sẽ bị phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả an ninh và chủ quyền quốc gia.

Đặc biệt, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, rất có thể Trung Quốc sẽ thông qua sự hợp tác liên quốc gia mà chi phối tất cả các tuyến đường liên lạc quan trọng trên biển, tạo nên lợi thế cho mình trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia khác. Đến lúc đó, không phải chỉ riêng những quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề mà ngay cả Malaysia cũng phải chịu liên lụy.

Về phía Mỹ, việc Malaysia bắt tay với Mỹ sẽ tạo tiền đề rất lớn để thiết lập nên một hành lang an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc. Việc hợp tác với Mỹ để buộc chặt con rồng Trung Hoa đang trỗi dậy để góp phần tái thiết hòa bình và ổn định ở khu vực, hay hợp tác với Trung Quốc để phục vụ cho công cuộc tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ là điều mà Malaysia cần cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Một quyết định mang tính dài hạn có thể không bao gồm một quyết định cụ thể nào, mà tìm cách cân bằng chiến lược giữa hai người khổng lồ, dẫu đó là lựa chọn theo chân cường quốc đang lên hay đồng thuận với siêu cường thế giới.

Thuận Phương - Hải Yến (Irys)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho Fanpage của Tuần Việt Nam