Muốn "Sang năm tới Hoàng Sa", Việt Nam phải trở nên giàu mạnh thì đúng rồi, nhưng còn phải chờ cơ hội, và biết nắm được nó, một cách quyết đoán.

Chưa có tiền lệ

Nhà thơ Thái Bá Tân có bài thơ "Sang năm tới Hoàng Sa", đại khái nhìn về người Do Thái không có Tổ Quốc tới hàng nghìn năm, nhưng năm nào cũng hẹn nhau: "Sang năm tới Jerusalem" - mong ước cháy bỏng của người Do Thái được về quê hương với đúng nghĩa là Tổ Quốc. Đó cũng là mong ước cháy bỏng của nhà thơ hướng tới một phần lãnh thổ của Tổ Quốc bị chiếm đóng.

Chúng ta đồng ý với tình cảm của nhà thơ, nhưng tình cảm là tình cảm, chúng ta hãy thử tỉnh táo, bình tĩnh và tìm câu trả lời khách quan cho câu hỏi "Sang năm tới Hoàng Sa" - nhưng bằng cách nào?

Chúng ta đều đã biết rằng, hệ thống chuẩn mực, hay chính xác, pháp luật quốc tế về vấn biển cả và đại dương, hiện chỉ có một văn kiện cao nhất, là "Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc". Phần XV của Công ước chính là những nguyên tắc cơ bản của việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền của các quốc gia đối với biển cả và đại dương và tất cả các yếu tố cấu thành nên nó, tức là với các đảo và quần đảo.

Trên thực tế, Trung Quốc không những chỉ chiếm quần đảo Hoàng Sa, mà còn thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, bao gồm cả quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Đây thuần túy là một hành động hành chính đơn phương mang tính chính trị để gián tiếp tuyên bố chủ quyền, vì Hoàng Sa đã từ lâu là Huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng của Việt Nam.

{keywords}
Tàu TQ phun vòi rồng vào tàu VN. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam

Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, báo chí Việt Nam đã đăng những bài viết học thuật liên quan đến "thời điểm Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế" - mặc dù Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc có quy định việc các quốc gia đưa tranh chấp ra giải quyết theo trình tự khởi kiện: Tòa án quốc tế về Luật biển được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước; Toà án quốc tế hoặc một tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước.

Tuy nhiên, việc khởi kiện ra Tòa án quốc tế để đòi cả một quần đảo là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử cận đại và hiện đại của Liên Hiệp Quốc - nhưng cũng không có nghĩa là không thể. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam trong lúc Việt Nam đang có chiến tranh - và hiện nay các thư tịch cổ đều cho thấy, việc tuyên bố chủ quyền của các quốc gia xung quanh quần đảo từ thời đây là một quần đảo hoang giữa biển khơi, thì Việt Nam là quốc gia có đầy đủ nhất đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tất nhiên, chỉ những thư tịch cổ đó là chưa đủ, cần phải thu thập thêm nhiều chứng cứ nữa; điều này thì các nhà sử học, khảo cổ Việt Nam đã đang làm rất tốt và trong tương lai chắc cũng sẽ còn tìm thấy được nhiều chứng cứ xác thực nữa về chủ quyền của đất nước với Hoàng Sa. Dù chúng ta cũng có thể đoán trước TQ có thể sẽ viện dẫn những lý lẽ gì.

Như vậy, việc khởi kiện ra Tòa án quốc tế để Quốc tế có thể công nhận chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, là hoàn toàn có thể, nhưng nó đòi hỏi phải tất cả một dự án rất lớn, có sự tham gia của nhiều cấp, ngành, nhiều giới nghiên cứu liên quan.

Những điều phải tính đến

Theo thiển ý của tôi, điều này là cần thiết, nhưng đã đánh, là phải thắng. Chúng ta nói chúng ta có lẽ phải, cái đó nhìn thấy dễ dàng, nhưng thế thôi chưa đủ, phải có kế hoạch hành động cụ thể và khi khởi kiện, phải có kỹ thuật tốt và chuyên nghiệp.

Cứ cho là chúng ta sẽ có được một phán quyết thắng lợi từ phía Tòa án quốc tế - tuyên bố hẳn hoi là "Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc phải trả lại cho Việt Nam" - nhưng từ thắng kiện đến việc thực hiện được phán quyết đó trong thực tế chắc chắn là quãng đường dài.

Đến nay, phân tích của hầu hết các học giả, các nhà kinh tế, doanh nhân, v.v... đều đưa ra giải pháp tăng cường nội lực, nghĩa là đất nước ta phải mạnh lên, cố sức làm giàu, để dân giàu nước mạnh... Như trường hợp Israel chỉ có mấy triệu dân, chưa bằng 1/10 VN, nhưng không ai dám làm gì họ.

Nhưng ta mạnh lên, thì họ cũng mạnh lên, và xuất phát điểm của ta và Trung Quốc là khác nhau. Nước ta vẫn là một nước yếu kém về kinh tế, ngay trong Đông Nam Á thôi, chưa nói đến những khu vực rộng lớn hơn, còn Trung Quốc, đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và những bất ổn tiềm tàng trong đất nước Trung Quốc, giả như nó bùng nổ ra thành bất kỳ một sự kiện như thế nào, theo kịch bản gì... thì hiệu ứng đôminô sẽ lan ra toàn quốc.

Điều đó có nghĩa là khi đó, Trung Quốc trước mắt sẽ suy yếu trong một thời gian, dài hay ngắn chúng ta chưa thể đoán được, nhưng chắc chắn sẽ suy yếu. Người Trung Quốc có những triết thuyết mà cả thế giới phải học hỏi - hẳn sẽ tự hiểu rất rõ, rằng không có gì là tồn tại vĩnh viễn, nhất là với một đế chế tiềm tàng rủi ro nhiều như nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện nay. Nếu như trong thời gian này, Việt Nam ta không kịp thay đổi, chuyển mình để mạnh lên, thì sẽ mất cơ hội.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề khác. Nhìn lại lịch sử, quần đảo Kuril, mà Nhật Bản gọi là Chishima hiện nay có những bằng chứng người Nhật đã có lịch sử khai phá sinh sống trên quần đảo này từ trước người Nga. Năm 1875 theo Hiệp ước Sankt-Peterburg, Nga và Nhật Bản nhất trí rằng Nhật Bản sẽ từ bỏ tất cả các chủ quyền ở Sakhalin để đổi lấy việc với Nga từ bỏ tất cả các quyền đối với quần đảo Kuril.

{keywords}
Vị trí quần đảoKuril. Ảnh: Wikipedia

Sau chiến tranh Nga - Nhật năm 1905 với sự thất bại của nước Nga Sa hoàng, người Nhật thắng lợi trong việc lấy được quần đảo và thậm chí còn được thêm nửa phía nam đảo Sakhalin, và chỉ sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, Liên Xô (cũ) mới lấy lại quần đảo đó thông qua các thỏa thuận trong khối các nước Đồng Minh tại thỏa thuận Yanta (2/1945) Tuyên bố Potsdam (07/ 1945) và Hiệp ước San Francisco (9/1951). Những thỏa thuận này vì có nhiều điểm không rõ ràng nên chúng tiềm tàng phát sinh tranh chấp giữa Liên Xô (cũ) với Nhật Bản và bây giờ là giữa Nga và Nhật Bản.

Từ một số quan điểm học thuật, thì việc Liên Xô lấy quần đảo Kuril từ chủ quyền của Nhật Bản, là khó có thể có đủ căn cứ pháp lý, vì những gì mà Quân phiệt Nhật gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thì hậu quả nặng nề nhất là trên đất nước Trung Quốc, Triều Tiên và nhiều nước khác, trong đó có cả Việt Nam. Với Liên Xô - Nga, người ta chưa cho rằng đã đến mức như vậy - nhưng rõ ràng việc chuyển một vùng lãnh thổ của một quốc gia sang cho một quốc gia khác, thường gắn liền với một cuộc chiến tranh. Do đó mà đến nay, vấn đề quần đảo Kuril luôn luôn là một vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản và Liên Bang Nga.

Tại sao tôi lại nhắc đến vấn đề quần đảo Kuril ở đây? Vì logic tôi muốn nói tới, là phải có một biến cố cần thiết làm tiền đề cho dịch chuyển lãnh thổ. Nhìn lại lịch sử, thì việc dịch chuyển chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ nào đó, thường là gắn với những phương án "không hòa bình".

"Kim cương còn quý hơn vàng"

Quay lại câu chuyện Hoàng Sa, chúng ta đã lướt qua khả năng khởi kiện, thắng về pháp lý, không có nghĩa là sẽ đòi được trên thực tế. Tôi cũng đã lướt qua khả năng Trung Quốc sẽ sa vào hỗn loạn và tan rã, tất nhiên, Trung Quốc không phải là nhà nước liên bang như Liên Xô để tan rã theo đúng kịch bản như thế, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục lớn mạnh - ai cũng có những vấn đề của bản thân mình.

Khi tôi viết bài viết này là vào ngày 11/5/2014, đến hôm qua thì thấy trên truyền thông có đưa tin về phát biểu quan trọng tại một hội thảo tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 17/5, tôi xin trích lại một đoạn theo VnEconomy đưa:

"Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và chúng ta sẽ đòi lại, đời chúng ta chưa đòi được thì đời con đời cháu chúng ta sẽ đòi cho bằng được".

Trước câu hỏi của truyền thông Việt Nam về việc liệu Việt Nam có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không, câu trả lời là: "trước hết Việt Nam luôn muốn dùng biện pháp hòa bình".

"Trong giải pháp hòa bình có nhiều giải pháp nhưng trước hết có đường ngoại giao. Có người nói kiện ra tòa cũng là hòa bình, là hoàn toàn đúng. Cùng cực mà không thể nói chuyện với nhau, thì mới mang nhau ra tòa".

"Tôi có thể khẳng định Đảng và Nhà nước đều đã tính toán đến mọi phương án, kể cả phương án "không hòa bình".

{keywords}

Trong lúc Biển Đông căng nhất, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân TQ Phòng Phong Huy đi thăm Hoa Kỳ. Ảnh: CNN

Làm thế nào để "đa phương hóa" câu chuyện biển Đông lần này, là một việc rất khó, nhưng với những hành động trong những ngày vừa qua của Chính phủ, tôi tin Chính phủ sẽ chiếm được nhiều lòng tin của nhân dân hơn.

Sự kiện giàn khoan "Hải Dương 981" lần này chắc hẳn nằm trong kế hoạch rất có chủ đích của Trung Quốc - vì trong lúc Biển Đông căng nhất thì Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy đi thăm Hoa Kỳ. Tại một cuộc họp báo tại đây, phát biểu ngang ngược: "Chúng tôi không gây rắc rối, nhưng cũng không ngại rắc rối!"

Việt Nam phải trở nên giàu mạnh thì đúng rồi, nhưng muốn "Sang năm tới Hoàng Sa", còn phải chờ cơ hội, và biết nắm được nó, một cách quyết đoán. Xin kết luận bằng một câu trả lời đanh thép trong sự kiện Hội thảo 17.5: "Vàng rất quý, nhưng kim cương còn quý hơn vàng. Tôi cho rằng, chúng ta phải luôn ghi nhớ lời Bác Hồ đã dạy, quý nhất là bốn chữ "độc lập, tự do"."

Phúc Lai

Bài cùng tác giả:

Biển Đông: Có âm mưu ngầm phá hoại, khiêu khích?

Đoàn kết là sức mạnh, nhưng phải là sự đoàn kết có tri thức. Chúng ta chỉ lên án nhà cầm quyền Bắc Kinh, chứ những người dân TQ yêu hòa bình là bạn của chúng ta.

Giàn khoan: TQ mưu toan một mũi tên trúng đích nào?

Hai cái đích quan trọng của TQ mưu toan là thử thái độ của Việt Nam và thử chính sách khu vực của Hoa Kỳ.

 
Tin liên quan: