Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines gọi bản đồ chín đoạn của Bắc Kinh với các ranh giới tiến sát bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á là "sự gian lận lịch sử khổng lồ".

>> Việt Nam học được gì từ vụ Philippines kiện TQ?

>> Kế sách khôn ngoan của Philippines với TQ

>> Philippines đã dồn được hàng xóm TQ vào góc

Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio đã phân tích về vấn đề chủ quyền của quốc đảo này ở Biển Đông. Ông đưa ra các phân tích về những bản đồ cổ và gọi bản đồ chín đoạn của Bắc Kinh với các ranh giới tiến sát bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á là "sự gian lận lịch sử khổng lồ".

Thẩm phán Carpio đã thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với 90% diện tích Biển Đông - vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông, giàu tài nguyên và có các lộ trình vận chuyển quan trọng. Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên LHQ vì "yêu sách thái quá". Trong khi đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã leo thang vài tuần gần đây sau khi Bắc Kinh đơn phương triển khai giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

{keywords}

Hình ảnh tấm bản đồ khắc trên đá mà theo Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, nó thể hiện đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc.

Ông Carpio trong một bài thuyết trình gần đây đã đưa ra 72 tấm bản đồ cổ, 15 trong số này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tất cả đều cho thấy, biên giới phía Nam của Trung Quốc kết thúc tại Hải Nam.

Các bản đồ cổ từ lâu đã có sẵn và phục vụ miễn phí cho nhu cầu nghiên cứu thông qua Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, một quan chức Philippines đã xem xét tỉ mỉ, chặt chẽ hàng chục bản đồ. "Tất cả những tấm bản đồ cổ cho thấy, kể từ khi bản đồ Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện, lãnh thổ cực nam của nước này luôn là đảo Hải Nam, với các tên gọi cổ như Zhuya, Qiongya, và sau đó là Qiongzhou", ông Carpio cho biết.

Ông khẳng định, điều quan trọng là xác định rằng, Bắc Kinh không có tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với vùng lãnh thổ đó, ngay cả khi các "sự thực lịch sử" không thể được viện dẫn theo Công ước LHQ về Luật biển nữa, vì Bắc Kinh từng cảnh báo đang sẵn sàng đấu tranh vì nó.

"Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy nói rằng, lãnh thổ được truyền lại từ các đời trước tới nay sẽ không thể bị lãng quên hoặc hy sinh", thẩm phán Carpio nói. Bắc Kinh luôn khẳng định chủ quyền lịch sử của họ bằng cách tuyên bố có những "bản đồ xác thực và chính thức" nhưng chưa từng công khai các bản đồ ấy.

Ông Carpio nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận lời mời của Trung Quốc để xem xét các sự thực lịch sử bằng cách kiểm tra ba loại bản đồ. Một xuất bản tại Trung Quốc, hai do người nước ngoài vẽ ra và ba là bản đồ cổ của Philippines".

Ông Carpio là người khá quen thuộc với các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Ông đã ký một quyết định của tòa án tối cao khẳng định tính hợp hiến "luật đường cơ sở quần đảo của Philippines" đặt ra vấn đề quyền sở hữu các đảo ở Biển Đông.

Trong thuyết trình về các bản đồ cổ mới đây, ông Carpio nói rằng, điều quan trọng ở đây là cho thấy, đường chín đoạn là "một gian lận lịch sử khổng lồ" vì Trung Quốc dùng nó để thuyết phục dư luận.

Tấm bản đồ đầu tiên mà Carpio đưa ra là hình ảnh bản đồ khắc trên đá tại Fuchang năm 1136 sau công nguyên ở thời nhà Tống. Ông nói: "Bản đồ đá khẳng định đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc".

{keywords}
Yêu sách đường lưỡi bò phi lý của TQ

10 năm trước đây, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila trích dẫn tấm bia khắc trên lăng mộ tướng Quian Shicai thời nhà Minh đồn trú ở Hải Nam như bằng chứng của tuyên bố chủ quyền Trung Quốc với quần đảo Trường Sa. Tấm bia có đoạn: "Quảng Đông tiếp giáp với Biển Đông, và các vùng lãnh thổ ngoài biển đều thuộc nhà Minh".

Tuy nhiên, Thẩm phán Philippines Carpio đưa ra 5 tấm bản đồ chính thức thời nhà Minh cho thấy: "Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc".

Đại sứ quán Trung Quốc còn nói rằng, vào thời nhà Thanh, Trung Quốc đã đánh dấu quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên các bản đồ chính thức và thực thi thẩm quyền với quần đảo này.

Và ông Carpio trong bài thuyết trình đã đưa ra ba bản đồ chính thức thời nhà Thanh cho thấy, Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc.

Minh Tâm (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)