Liệu lý thuyết đó có đúng, rằng luôn tồn tại một tỷ lệ thuận giữa chi phí cho quốc phòng và sự bảo đảm an ninh?

Khoảng một thập niên lại đây, việc Trung Quốc phát triển đột phá về kinh tế và tạo dựng sức mạnh quốc phòng đáng kể, kèm theo đó là tham vọng bành trướng lãnh thổ theo nguyên tắc "các vòng tròn đồng tâm" đã khiến các quốc gia láng giềng phải bước vào một cuộc đua giành lại sự đối trọng. Từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến các nước thuộc khu vực Đông Nam Á đều gia tăng chi tiêu cho quốc phòng, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị quân sự mới và hiện đại hóa lực lượng hải quân.

Trong khi đó, một số quốc gia có chung lợi ích dường như xích lại gần nhau hơn về mặt quân sự nhằm tìm kiếm các "ô an ninh", hay tạo lập nên các khối để tăng cường sức mạnh. Mỗi nước đều có một lựa chọn, một cách thức phát triển khả năng phản kháng quốc phòng cho riêng mình. Nhưng liệu lý thuyết đó có đúng, rằng luôn tồn tại một tỷ lệ thuận giữa chi phí cho quốc phòng và sự bảo đảm an ninh? Xin tham khảo bài học sau đây.

Thế lưỡng nan an ninh

Cách đây hơn 2.500 năm, Hy Lạp còn tồn tại trong những cố kết độc lập dưới hình thức các thành phố cát cứ. Trong đó nổi lên hai thành phố lớn là Athens và Sparta. Sự chung sống trong một đất nước hòa bình chấm dứt sau khi Athens thành lập liên minh Delos.

Dần dà sự bành trướng quyền lực của Athens đã biến liên minh này thành Đế quốc Athens. Đế quốc này sử dụng quyền lực quân sự để ép buộc các thành bang khác gia nhập liên minh, đồng thời vươn cánh tay bạo lực đến những khu vực xa xôi như Ai Cập hay Tiền Á để tranh giành ảnh hưởng với Ba Tư trên Địa Trung Hải.

Chính do sự tăng mạnh về quy mô và tham vọng bá chủ của Đế quốc Athens, thành bang lớn thứ 2 Hy Lạp thời kỳ đó là Sparta đã phải hành động nhằm tạo sự đối kháng. Liên minh thứ 2, Peloponnessus, ra đời bao gồm các đồng minh lâu năm của Sparta cùng các đối thủ thương mại và kẻ thù của Athens.

Sự đối trọng của hai liên minh này lên tới đỉnh điểm nổ ra cuộc chiến tranh Peloponnesian kéo dài gần 30 năm sau đó. Kết quả Athens lụy bại, Sparta hao hụt nghiêm trọng về người và của. Di chứng của cuộc chiến tranh hoàn toàn không có lợi cho bên nào, người dân hai phía đều phải gánh chịu những tổn thất dai dẳng.

Nhận định nguyên nhân cuộc trường chiến này, sử gia Hy Lạp nổi tiếng Thucydides cho rằng: "Điều khiến cuộc chiến tranh đó không thể tránh được là quyền lực ngày càng mạnh của Athens và nỗi sợ hãi do nó gây ra ở Sparta".

Quả vậy, những hành động của một quốc gia nhằm tăng cường khả năng phòng vệ cho mình bằng cách tăng chi tiêu quân sự được xem là một mối đe dọa đối với các quốc gia khác, buộc các quốc gia đó phải tiến hành các biện pháp đối kháng. Có thể thấy, chi phí quân sự càng cao lại càng làm giảm thiểu an ninh cho cả hai bên, đây gọi là "thế lưỡng nan an ninh" (Security Dilemma).

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Thế lưỡng nan an ninh được chứng minh qua trường hợp của Costa Rica - một quốc gia Trung Mỹ. Trải qua 50 năm, quốc gia này không có thiết chế quân đội. Mặc dù vậy, những lo ngại về mối đe dọa do thiếu khả năng phòng vệ đã không xảy ra ở Costa Rica. Đổi lại, chính phủ nước này thay vì đầu tư vào quốc phòng đã có được các nguồn vốn nhàn rỗi cần thiết cho phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội tốt hơn các quốc gia đang phải trích một khoản lớn trong GDP cho mục đích quốc phòng.

Chi phí cơ hội nổi lên như một vấn đề cần cân nhắc khi các chính phủ quyết định chi tiêu cho quốc phòng thay vì các mục đích phát triển khác. Và kết quả của các cuộc chạy đua vũ trang luôn khiến họ phải cân nhắc như vậy.

Một trường hợp khác chứng minh cho việc tận dụng tốt chi phí cơ hội của đầu tư quốc phòng là Nhật Bản. Từ đất nước nghèo nàn về tài nguyên và kiệt quệ vì theo đuổi chiến tranh lâu dài, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc cả về kinh tế lẫn văn hóa.

Người ta lý giải điều này là nhờ vào nỗ lực của người dân Nhật Bản, nhưng quên mất yêu tố "ô hạt nhân" mà Mỹ mang lại cho đất nước Đông Á này. Nhờ những ký kết bảo đảm an ninh nên chi phí  của lĩnh vực quốc phòng được chính phủ Nhật san sẻ một cách có hiệu quả cho các lĩnh vực khác.

Cuốn vào vòng xoáy

Minh chứng thứ hai cho "thế lưỡng nan an ninh" là khả năng phòng vệ được cải thiện nhưng không mang đến ý nghĩa tiên quyết cho việc kết thúc các tranh chấp hay xung đột. Ngược lại, đó còn thành mồi lửa thúc đẩy xung đột và tranh chấp khi sự tự vệ được bảo đảm không mang tính răn đe lên đối phương, mà lại là động lực để họ điên cuồng vũ trang, gây nguy cơ chiến tranh.

Như đã trình bày ở trên, sự gia tăng sức mạnh của bên này là nỗi sợ hãi của bên còn lại và tất yếu xảy ra một cuộc chạy đua. Cuộc chạy đua này không bao giờ ngã ngũ vì bản thân nó chẳng có đích. Các quốc gia bị cuốn vào một vòng xoáy, nơi mà sự hăm hở, lòng quyết tâm dành cho sự phá vỡ các trạng thái hòa bình thay vì cho mục tiêu xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Và dù gì đi chăng nữa, một cuộc chiến chính nghĩa hay phi nghĩa cũng không bao giờ tránh khỏi sự mất mát, và quan trọng hơn chiến tranh không bao giờ là công lý.

Trong lịch sử thế giới, nguyên lý thế lưỡng nan an ninh từng được chú ý tới vào năm 1972, khi Mỹ và Liên-Xô ký kết Hiệp ước ABM. Hiệp ước là kết quả của việc chạy đua hạt nhân lên tới đỉnh điểm, buộc hai nước phải cắt giảm số lượng vũ khí hiện có, không nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới. Hiệp ước mở đầu cho một loạt hành động cắt giảm vũ khí quy mô sau này, và hành động ấy không phải để đảm bảo an ninh cho nước đối phương, mà là đảm bảo cho chính công dân của mình.

Quay trở lại cuộc chạy đua vũ trang đương đại của các nước châu Á. Việc mua sắm các thiết bị quân sự trở thành một trào lưu mà khó quốc gia nào là ngoại lệ. Bởi chính sự đe dọa lên an ninh của nhau theo hình thức song phương hay đa phương đã thúc đẩy các nước khu vực bận tâm nhiều hơn đến việc trang bị khí tài. Đặc biệt đối với Đông Nam Á - nơi mà hầu hết các thành viên còn ở tình trạng kém phát triển và sự cố kết liên minh chỉ ở dạng "talk show", cuộc chạy đua vũ trang này ngoài là gánh nặng trong chi tiêu quốc gia còn hiện hữu nguy cơ chia rẽ sâu sắc.

Dường như lý thuyết "Thế lưỡng nan an ninh" mà Thucydides đề xướng đã bị không ít quốc gia phớt lờ. Hoặc giả có được bận tâm đi chăng nữa thì có lẽ nó bị đặt dưới lòng khao khát phô trương tiềm lực quân sự, hoặc coi chiến tranh như giải pháp cuối cùng và duy nhất cho các tranh chấp, xung đột.

Phong Trần

Bài cùng tác giả:

Nhà chờ '5 sao' và chuyện 'đẽo chân vừa giày'

Những lo ngại nhà chờ xe buýt '5 sao' không thực hiện đúng công năng, sớm bị đồng hóa vào bức tranh đô thị vốn chắp vá là rất đáng cân nhắc.

Người thầy không nên là... chân lý

Những cố gắng trói buộc tư duy của người học trò bằng thang đo trí tuệ của người thầy không chỉ làm cho giáo dục ngày một cổ hủ hơn mà còn làm cho đất nước, xã hội bị chững lại.

Yêu nước qua mạng: Tại sao lại phê phán?

Hoàn cảnh thời đại đã khác, do đó cách biểu đạt lòng yêu nước cũng phải có những thay đổi. "Yêu nước qua mạng" cũng là một cách thể hiện khác biệt, mới mẻ của thế hệ trẻ.

Suy ngẫm từ clip cha dạy con xin lỗi

Tiếc thay ở VN, từ khía cạnh đời sống hàng ngày cho đến đời sống chính trị ở VN, văn hóa xin lỗi dường như vẫn còn là "xa xỉ".