Cũng chính vì cách nói năng tế nhị như vậy mà người Nhật rất hay xin lỗi. Đến bị người khác giẫm vào chân cũng xin lỗi!
Bài 1: Những điều ẩn giấu của 'tảng băng' Nhật Bản
LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu kỳ thứ 2 trong loạt bài Những điều ít biết về nước Nhật của tác giả Tuấn Nhật.
Người Nhật thích tặng quà
Trong suốt cả năm, người Nhật có rất nhiều dịp để tặng quà bạn bè, người thân, lối xóm. Từ Năm mới, Tết bé gái, Tết bé trai, Lễ Obon (giống như rằm tháng 7 ở ta), Ngày kính lão, đến Sinh nhật Thiên Hoàng... Tặng quà đã trở thành một nét văn hoá đẹp không thể thiếu được của người Nhật.
Điều đáng chú ý là các món quà dù rất nhỏ thôi nhưng đều thiết thực, phù hợp với sở thích, công việc, tính cách của người nhận quà. Điều này thể hiện sự tế nhị, sâu sắc của người tặng quà. Nó chứng tỏ người tặng quà rất hiểu tâm lý, rất quan tâm đến người nhận quà.
Ví dụ bạn là một nhân viên văn phòng thì quà tặng cho bạn có thể là 1 cái bút, 1 quyển sổ, thậm chí có thể là một... hộp ghim. Còn nếu bạn là người bán hàng, rất có khả năng đó sẽ là một chiếc... ghế ngồi.
Ngày nay, tặng quà đã trở thành một nghệ thuật. Theo đó, ngành sản xuất đồ lưu niệm đã trở thành một ngành công nghiệp với doanh thu khổng lồ. Chỉ riêng bao bì, giấy gói đã khiến các nhà sản xuất kiếm bộn tiền. Vì, cho dù là quà to, quà nhỏ đều được gói gém cẩn thận, kỹ càng và đầy chất mỹ thuật. Nhiều khi nhận những món quà dù rất nhỏ nhưng người ta trân trọng giữ lại cả giấy gói chỉ vì lý do đơn giản là giấy gói đẹp quá.
Cách cúi chào trong giao tiếp của người Nhật |
Người Nhật có khẩu vị đa dạng
Người Nhật Bản rất sành ăn. Đó là điều phải khẳng định ngay từ đầu. Phần lớn các món ăn Nhật Bản đều ngon. Tất nhiên, nếu chưa quen thì quả thật là khó ăn. Các món ăn Nhật Bản hoàn toàn mang phong vị sứ Hoa Anh Đào, không lẫn vào đâu được, vô cùng độc đáo.
Thế nhưng, người Nhật lại rất dễ dàng quen với món ăn của các dân tộc khác, kể cả những món khó ăn nhất, ví dụ nước mắm hay mắm tôm của Việt Nam. Nếu bạn đến Tokyo, bạn sẽ thấy ở khu Ueno (một trong những trung tâm buôn bán lớn của thủ đô) bạn sẽ thấy nước mắm, mắm tôm, phở... của Việt Nam được bày bán nhan nhản.
Điều thú vị là người Nhật ăn các món ăn nước ngoài và cảm thấy ngon một cách thật sự, ăn đúng kiểu hưởng thụ chứ không phải chỉ khen vì lịch sự, ăn lấy lệ một hai miếng rồi bỏ. Ở các thành phố lớn của Nhật Bản có thể tìm thấy món ăn của bất cứ nước nào, từ Trung Hoa, Hàn Quốc, Campuchia, Việt Nam, Italy... và cả của các nước Ả rập. Quán nào quán nấy, đông khách nườm nượp.
Trong khi đó, không phải bất cứ người nước ngoài nào cũng có thể quen được các món ăn truyền thống của Nhật Bản như Sushi (cá sống đặt lên trên một miếng cơm), Sashimi (cá sống), Natto (một loại đậu hạt được ủ men thối, có mùi khó ngửi) hoặc canh Miso (một loại canh tương), v.v...
Với khẩu vị rộng như vậy, có thể nói người Nhật sung sướng nhất trên đời. Bởi, xét cho cùng, trong tứ khoái, ẩm thực luôn đứng hàng đầu.
Người Nhật có lối khen chê, ứng xử giao tiếp độc đáo
Nếu giao tiếp với người Nhật bạn sẽ liên tục được nghe những câu trầm trồ đại loại như "sugoi desu ne" (tạm dịch là siêu thế), "saikoh desu ne" (tuyệt vời nhỉ) hoặc "inshyobukai ne" (thật là ấn tượng)... Thế nhưng, thế nào là siêu, tuyệt vời, ấn tượng... thì phải từ từ mới hiểu.
Bởi, siêu và ấn tượng cũng có năm bảy đường khác nhau. Họ có thể trầm trồ thán phục khi người nước khác lần đầu tiên chế tạo được một thứ mà tại Nhật Bản đã có từ lâu. Thông thường người Nhật chỉ có khen chứ chẳng bao giờ chê bai, còn nếu có chê thì cũng rất nhẹ nhàng.
Ví dụ như: "Ôi! Cái này đẹp thế. Nếu mà có thêm chi tiết này thì còn đẹp nữa ấy nhỉ". Hoặc: "Chị mặc cái áo này đẹp đấy. Nhưng tôi thấy màu xanh sẽ hợp với chị hơn.", v.v... Bạn cũng cần cảnh giác khi nghe một lời khen như sau: "Anh đã cố gắng hết sức mình. Như thế là rất tốt. Chắc chắn lần sau anh sẽ thành công hơn!". Đấy là khen hay chê thì phải trong từng ngữ cảnh mới hiểu được.
Cũng chính vì cách nói năng tế nhị như vậy mà người Nhật rất hay xin lỗi. Hơi một tý là xin lỗi. Bắt tay cũng xin lỗi, đi vượt qua người lạ cũng xin lỗi, ngồi xuống cạnh người khác trong rạp hát cũng xin lỗi. Mình ngủ gật trên tàu, xe cũng xin lỗi người ngồi bên cạnh. Đưa danh thiếp cho người khác cũng xin lỗi. Đến bị người khác dẫm vào chân cũng xin lỗi! Cứ như chính mình có lỗi khi để chân ở đó khiến người khác dẫm vào gây khó xử cho người ta vậy...
Muôn vàn câu xin lỗi trong một ngày của người Nhật. Âu cũng là biểu hiện của triết lý "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" vậy.
Món Sushi độc đáo trong ẩm thực Nhật |
Người Nhật nhiều sáng kiến
Điều này, chắc chắn ai cũng sẽ tán đồng. Thực tế chứng minh rất nhiều ứng dụng, phát minh khoa học đều do người Nhật làm ra. Ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta cũng đều có bóng dáng của những sáng kiến Nhật Bản.
Ví dụ như việc phân loại rác đang được thí điểm tại Hà Nội chẳng hạn. Ở Nhật người ta đã làm từ rất lâu và hiệu quả, ích lợi vô cùng to lớn. Với cách làm này, rác thực sự là nguồn tài nguyên quý giá.
Một sáng kiến độc đáo nữa của người Nhật là món mỳ ăn liền. Đến nay, nó đã trở thành thứ không thiếu được trong thực đơn hàng ngày của nhiều người trên thế giới, không phân biệt quốc tịch, tuổi tác.
Những tấm dán phát nhiệt đúng hiệu Made in Japan cũng là một sáng kiến hữu ích. Chỉ cần có 1~2 tấm dán này dán vào lưng, ngực thì bạn có thể ra ngoài trời giá rét chỉ với một chiếc áo sơ mi mỏng hoặc một áo khoác nhẹ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phát minh... buồn cười.
Ví dụ như loại máy tạo ra âm thanh giống như tiếng xả nước trong nhà vệ sinh. Loại máy này được tạo ra để lắp trong các nhà vệ sinh. Nó nhằm để che giấu những tiếng động không mấy êm tai phát ra trong quá trình bài tiết của con người. Phát minh này đã được một tạp chí nước ngoài bình chọn là một trong mười phát minh... kỳ quặc nhất của năm.
Người Nhật thích lập hội
Ở Nhật Bản có rất nhiều Hội. Hội hữu nghị, Hội các doanh nghiệp, Hội Thanh Niên, Hội người cao tuổi, Hội bảo vệ người tiêu dùng, Hội những bà nội trợ... và có cả những hội do những người chung sở thích lập ra như: Hội câu cá, Hội nuôi chó cảnh, mèo cảnh và có cả Hội những người trượt pa-tanh, Hội những người thích đi dạo công viên...
Cho dù là Hội nghề nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội hay hội những người có chung sở thích, tất cả các hội này đều có tổ chức chặt chẽ, có Hội trưởng, ban chấp hành, có điều lệ hoạt động, hội phí, sinh hoạt định kỳ đều đặn.
Cứ tưởng có những loại hội nghe ra có vẻ kỳ quặc và không cần thiết, thế nhưng tất cả đều có ý nghĩa xã hội thiết thực. Thông qua các hội này, người ta trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, xích lại gần nhau trong một xã hội mà mỗi cá thể là một thế giới riêng đang ngày càng trở nên biệt lập với nhau hơn.
Được biết, tại Việt Nam hiện nay có nhiều các hội của Nhật Bản như: Hội những nhà kinh doanh Nhật Bản tại Việt Nam, Hội những người Nhật Bản yêu Hà Nội.... Những hội này đều có những đóng góp thiết thực cho việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo nhộn nhịp nhất thế giới. Ảnh: Washingtonbureau |
Người Nhật có "chủ nghĩa kinh nghiệm" và "chủ nghĩa tôn chủ"
Trước tiên, phải giải thích "chủ nghĩa kinh nghiệm" ở đây không phải là "chủ nghĩa kinh nghiệm" bị phê phán trong Triết học Mác-Lê nin. Còn "chủ nghĩa tôn chủ" ở đây có nghĩa là tôn trọng người đứng đầu. Tuy không đến mức độ sùng bái nhưng cũng gần như tuyệt đối. Xin nêu một vài ví dụ để hiểu rõ hơn.
Thông thường sẽ rất khó khăn khi bạn muốn làm quen trực tiếp và đặt quan hệ với một người Nhật. Họ có thể tiếp bạn đấy, nhưng mức độ thân thiết, và tin cậy sẽ không bằng khi bạn được một người quen của người đó giới thiệu. Nhất là khi người giới thiệu lại có quan hệ tốt với người bạn muốn làm quen thì càng thuận lợi. Bởi vì, người giới thiệu được coi như người bảo lãnh và họ đã có "kinh nghiệm" trong quan hệ với nhau. Do đó gọi là "chủ nghĩa kinh nghiệm".
Đây là điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tìm đối tác Nhật Bản. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tầm cỡ bị các doanh nghiệp "xoàng xoàng bậc trung" "hớt" mất đối tác chính do chủ nghĩa kinh nghiệm này. Lý do đơn giản chỉ là các doanh nghiệp "xoàng xoàng bậc trung" kia có quan hệ với một người hoặc một doanh nghiệp quen biết với đối tác đó.
Theo quan điểm của người Nhật, "chủ nghĩa kinh nghiệm" có thể tiết kiệm được thời gian tìm hiểu và độ an toàn sẽ cao hơn. Lối nghĩ đó đúng sai thế nào cũng phải trong từng trường hợp cụ thể mới đoán định được.
Với lối nghĩ này nên ở Nhật Bản nghề môi giới rất phát triển, đặc biệt là môi giới bất động sản. Đi trên phố, bất cứ chỗ nào bạn cũng có thể nhìn thấy những công ty loại này. Khi mua bán, thuê và cho thuê nhà, không bao giờ người mua, người bán hoặc người thuê và người cho thuê lại trực tiếp giao dịch với nhau mà bao giờ cũng thông quan một công ty môi giới bất động sản mặc dù phải trả một khoản phí rất cao. Theo cách nghĩ của người Nhật, với những công ty môi giới, người ta có thể tiết kiệm thời gian tích luỹ "kinh nghiệm" về đối tác, yên tâm giao dịch mà không phải lo khi có sự cố nào đó xảy ra.
Còn về "chủ nghĩa tôn chủ" xin nêu một ví dụ. Khi người Nhật tiếp một đoàn khách nào đó, mọi sự chú ý sẽ tập trung vào người trưởng đoàn.
Nếu bạn là thành viên của một đoàn sang thăm Nhật Bản và bạn lại không phải là trưởng đoàn, thậm chí là phó đoàn đi chăng nữa thì đừng ngạc nhiên khi có cảm giác người ta không chăm sóc mình bằng người trưởng đoàn. Như thế không có nghĩa là người ta không trọng thị bạn đâu, mà chẳng qua là người ta nghĩ rằng tôn trọng ông trưởng đoàn là tôn trọng cả đoàn, vì ông trưởng đoàn là do các bạn tôn trọng bầu ra cơ mà. Thậm chí trong một đoàn mà tất cả các thành viên đều ngang chức nhau, nhưng người được bầu làm trưởng đoàn bao giờ cũng được quan tâm ở mức cao nhất.
Ở Nhật Bản, những người được bầu là Hội trưởng, cho dù chỉ là Hội trưởng Hội câu cá đi chăng nữa, luôn được tôn trọng, ý kiến của họ luôn được lắng nghe và chấp hành. Đây chính là lý do giải thích tại sao người giữ chức Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) lại được coi là "Thủ tướng kinh tế". Một quyết định của người này có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động kinh tế của Nhật Bản.
Đó cũng là lý do giải thích tại sao Nhật Bản hiện này chỉ còn chế độ Quân chủ tượng trưng, nhưng Nhà Vua Nhật Bản vẫn là biểu tượng của đất nước, được vạn dân kính ngưỡng.
Tuấn Nhật
Bài cùng tác giả:
Khi Thủ tướng Nhật chỉ đích danh chuyện biển Đông Lời tuyên bố của lãnh đạo một nước vốn theo đường lối ôn hòa như Nhật tại Shangri La lần này có thể coi là tuyên chiến với cường quyền. Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" hay vô trách nhiệm? Trung Quốc tự cho là mình đang "trỗi dậy một cách hòa bình" nhưng những gì họ đang thể hiện qua hành động thì phải nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự trỗi dậy... vô trách nhiệm. Ăn cắp đồ đến bán hộ chiếu: Không thể tưởng tượng! Kẻ bán và người mua hộ chiếu phải biết rằng họ đang vi phạm pháp luật cả trong và ngoài nước một cách nghiêm trọng. |