Không chỉ trong sự việc lần này, mà dường như trong nhiều chuyện khác, cách đánh giá nhìn nhận của công chúng đôi khi đã quá sa vào cảm tính.

>> Vì đâu có "lùm xùm" đêm nhạc Khánh Ly?

>> Nhớ Trịnh Công Sơn khi đón Khánh Ly trở về

Thời gian qua, những lùm xùm hậu trường xung quanh chuyện bản quyền tác phẩm của liveshow Khánh Ly đã được tranh luận, "mổ xẻ" rất sôi nổi, đa chiều. Trong đó, có những ý kiến cho rằng nhạc sĩ Phó Đức Phương đang "làm quá", phá hỏng sự trọn vẹn của các đêm nhạc. Nhiều người tỏ ra chia sẻ với Khánh Ly và đơn vị tổ chức, có lẽ vì lòng hâm mộ với nữ danh ca, với nhạc Trịnh. Còn truyền thông thì (hầu hết) đưa tin như thể Phó Đức Phương đang làm một hành động "ăn vạ" trong mắt hàng triệu độc giả.

Chúng ta hãy tạm gác những vấn đề nội bộ của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC), những nội tình phức tạp của câu chuyện, những mối quan hệ nhằng nhịt của giới showbiz... đang được dần làm sáng tỏ. Ở đây, có một vấn đề rõ ràng: liệu việc lờ đi các quy định về tác quyền mà vẫn bán vé có phải là hành động đáng được thông cảm?

Thanh toán phí bản quyền để sử dụng ca khúc là một việc làm đương nhiên, như chúng ta phải trả tiền để mua bất cứ sản phẩm nào khác vậy. Quả là đáng tiếc cho người hâm mộ, khi vừa hồ hởi chờ đón các show ca nhạc được tổ chức công phu, vừa chứng kiến những màn "đôi co" không mấy... tao nhã.

{keywords}

Khánh Ly và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong liveshow ngày 8/8 tại Đà Nẵng

Không chỉ trong sự việc lần này, mà dường như trong nhiều chuyện khác, cách đánh giá nhìn nhận của công chúng đôi khi đã quá sa vào cảm tính.

Cách đây ít lâu, một đứa trẻ trộm sách bỗng nhiên được bênh vực với lý lẽ: Trộm sách là một hành vi "chôm chỉa" có văn hóa, là thể hiện sự ham đọc, ham hiểu biết. Dù những kẻ tự ý trừng phạt em theo cách thức sỉ nhục là hoàn toàn đáng bị lên án, nhưng cũng xin đừng hạ cấp văn hóa khi bào chữa cho một hành vi sai theo cách đó.

Chẳng có nơi nào mà trộm cắp, dù bất cứ thứ gì, được xem là có văn hóa cả. Trên khía cạnh luật pháp, chỉ có những quy định lạnh lùng của Bộ luật hình sự đưa ra các mức hình phạt khác nhau đối với tội trộm cắp tài sản, tùy theo độ nghiêm trọng. Phải chăng, chúng ta đã bênh vực một cách thiếu lý lẽ thay vì hành xử phù hợp và nghiêm khắc hơn?

Một ngôi chùa nổi tiếng làm từ thiện đang vướng nghi án về những việc thất nhân. Thực hư thế nào vẫn còn phải chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng lại có người cho rằng dù sai phạm (nếu có), nhưng ngôi chùa đó đã làm được nhiều việc tốt, là nơi cư ngụ của nhiều mảnh đời bất hạnh. Giả sử không có ngôi chùa đó thì những người này sẽ ra sao?

Cưu mang trẻ em bị bỏ rơi và người già không nơi nương tựa là việc làm rất đáng cảm kích, nhưng chẳng lẽ vì thế mà có thể làm điều khuất tất. Suy luận như vậy là cổ súy cho các hành  động sai trái (nếu có), là chấp nhận một người được phép làm điều xấu chỉ vì đã làm được những điều tốt?

Không thể phủ nhận vai trò của công luận trong "thế giới phẳng" ngày nay. Tiếng nói của công luận, nếu hợp lẽ, có thể làm lung lay những bộ óc sắt đá, thủ cựu nhất. Nhưng có thể thấy không hiếm các trường hợp, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của chúng luận trở nên quá dễ dãi và nặng cảm tính. Đó chính là lúc chúng ta đang chông chênh giữa ranh giới của đúng - sai, phải - trái, và loay hoay không biết phải ngả theo hướng nào trước một sự việc cụ thể.

Nếu có thể tranh thủ ảnh hưởng, tác động của công luận, nhiều sự việc có thể được trả về với đúng bản chất của nó. Nhưng nếu công luận sai hướng, sự hiểu nhầm gây ra và hệ quả cũng vô cùng tai hại.

Cần tách bạch giữa cảm xúc và chuẩn mực xã hội, để mọi lỗi lầm đều phải được nhìn nhận, lên án đúng mức. Không thể xem nhẹ, "tha bổng" một lỗi lầm chỉ vì nó không thấm gì với những tội lỗi nghiêm trọng khác (mà chưa bị trừng phạt) hoặc vì người mắc lỗi đã làm được rất nhiều điều tốt.

Chúng ta không "truy cùng diệt tận" nhưng rõ ràng, ở mức độ nào đó, mỗi người nên là một vị quan tòa để phán xét sự việc khách quan nhất, nếu không phải là để tạo ra một sức mạnh giúp định hướng công luận, thì cũng là để không góp phần làm lệch lạc vấn đề và để tự rút ra bài học cho bản thân.

Nhà nước pháp quyền phản ánh ước mơ và khát vọng từ ngàn đời nay của chúng ta đối với công lý, tự do, bình đẳng. Nhưng mong muốn xây dựng một xã hội với tinh thần thượng tôn pháp luật có lẽ trước hết, nên bắt đầu bằng việc lên án những hành vi vi phạm thay vì thỏa hiệp, du di, dù là với bất cứ lý do gì.

"Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng": có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt.  Đó là nguyên lý, là khởi thủy của bình đẳng và công bằng.

Nga Lê

Bài cùng tác giả:

Tăng có mấy trăm triệu đô, cứ làm ầm ĩ!

Trước số tiền đội giá dự án lên tới 339 triệu USD, một vị lãnh đạo ngành GTVT cho rằng: "điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên".

Nhẽ ra "hạ cánh" trong tù, lại được... đặc ân

Có những bản án oan uổng khác nữa, không phải dành cho những người bị ngồi tù, mà là những người không bị cách ly...

Nguy cơ Hà Nội thua cả... 'đàn em'

Đã đến lúc HN "vội vàng lên với chứ" nếu không muốn sẽ bị tụt hậu trên nhiều bảng xếp hạng, ngay cả với các địa phương "đàn em".

Biệt thự quan chức: Vòng vo khó tránh nghi ngờ

Không thể đòi hỏi công luận thôi nghi ngờ khi đương sự dường như không có động thái nào đủ thuyết phục để chứng minh tài sản là chính đáng.