Lương công chức thì theo ngạch bậc, nhưng đã là công chức ngành thuế thì có khả năng gia tăng các thu nhập "bất ngờ".
>> Khéo sếp tập đoàn quốc tế cũng xin làm... công chức
Hàng ngàn người đội mưa, đội nắng, ăn bánh mì, leo tường rào... để hy vọng nộp được hồ sơ thi công chức vào Cục Thuế Hà Nội. Quá tải, cơ quan tuyển dụng đành phát số thứ tự để giãn bớt cảnh chen chúc. Có gì đang diễn ra đằng sau cảnh tượng này?
Lương và lậu
Tại một chi cục thuế cấp quận gần trưa, người quen của tôi tới làm thủ tục để khai thuế bất động sản. Vì có khá nhiều giấy tờ nên người này phải "vật lộn" để điền hàng loạt thông tin cho đúng với yêu cầu ở đây. Trong lúc đó, công chức thuế "nhắc khéo" rằng đã trưa rồi, nếu làm thêm giờ thì sẽ bị sếp rày la kỷ luật, nên phải làm nhanh nhanh lên.
Hiểu được đó chỉ là cái cớ, nên sau khi vị công chức kia nhắc thêm một vài lần nữa, người quen của tôi đành nhét vào giữa kẹp hồ sơ 200.000 đồng. Và thế là hồ sơ được phục vụ nhanh chóng...
Đó chỉ là khoản thu "bé nhỏ" có được từ một cái cớ chẳng đâu vào đâu. Vậy nếu có những cớ "đáng đồng tiền bát gạo" hơn thì sao?
Trên thực tế, khá nhiều người hy vọng vào việc làm lương ít, lậu nhiều khi đã trở thành công chức ngành thuế. Nhất là ở những nơi thành phố, doanh nghiệp đông, quy mô lớn hơn hẳn so với các tỉnh nhỏ. Lương công chức thì theo ngạch bậc, nhưng đã là công chức ngành thuế thì có khả năng gia tăng các thu nhập "bất ngờ" từ việc biếu xén, quà cáp của doanh nghiệp khi kiểm tra, thanh quyết toán thuế hay xử lý các vấn đề phát sinh về thuế.
Những điều này có thể được đồn đại từ các sinh viên mới ra trường. Nhưng những nhân sự từng làm việc trong các doanh nghiệp ít nhiều tiếp xúc với công chức ngành thuế thì có cả những trải nghiệm thực sự, theo kiểu "mắt thấy tai nghe" về sự "oai, oách, và hách" của một số công chức ngành thuế.
Chính vị tư lệnh ngành Tài chính Đinh Tiến Dũng, tại Hội nghị ngành thuế hôm 3/7, phải thẳng thắn thừa nhận cơn "đau đầu" vì người dân phàn nàn cán bộ thuế "ăn vặt". "Người nộp thuế phải đi lại nhiều lần, phải chi bồi dưỡng cho cán bộ thuế mới nộp được. Như vậy đau đầu lắm!".
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong buổi làm việc với Tổng cục Thuế ngày 9/7 cũng bày tỏ sự không hài lòng: "Tôi đi làm việc và nghe người dân kêu rằng bị làm phiền hà nhiều lắm. Như tiêu cực trong thuế khoán khi tiền thuế được chia theo công thức chia hai, chia ba".
Thủ tướng giải thích: "Chia ba là một phần tiền thuế nộp cho cán bộ thuế, một phần để doanh nghiệp và một phần nộp cho Nhà nước, còn chia hai là không vô ngân sách đồng nào. Sai phạm của cán bộ thuế chủ yếu ở bộ phận làm việc trực tiếp với doanh nghiệp" [2].
Những thực tế trên phần nào có thể phần nào lý giải sức hấp dẫn của vị trí công chức, không chỉ trong ngành thuế mà còn trong những ngành "lương thấp, lậu cao" khác. Vì vậy, cảnh tượng hàng nghìn người xếp hàng để ứng thi là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Thí sinh mướt mải dưới trời nắng nóng để nộp hồ sơ. Ảnh: Khám phá |
Thi nhiều có tuyển được người tài?
Theo lẽ thông thường, đông người thi, thì khả năng tuyển được nhiều người tài sẽ gia tăng. Như thế, có thêm nhân lực chất lượng, ngành thuế nước nhà có thể phục vụ người dân tốt hơn, bớt tiêu cực và nhiêu khê hơn?
Nhưng tới nay, những gì mà mọi người có thể nhìn thấy về kỳ thi, là những dòng người đội nắng mưa xếp hàng, nộp đơn, mua tài liệu hướng dẫn ôn thi giá... 150.000/bộ. Còn trong số họ, liệu những ứng viên xuất sắc có đỗ nổi vào ngành thuế hay không thì còn là câu hỏi.
Lo ngại này không phải vô căn cứ. Vụ việc lộ bí mật đề thi và giàn xếp cho người thân đậu trong kỳ thi tuyển công chức của Bộ Công Thương mới đây một lần nữa cho thấy, phía sau chuyện thi cử tuyển dụng công chức có những "góc khuất".
Vấn đề mà dư luận đặt ra là, sau vụ việc trên, liệu các kỳ thi công chức khác, trong đó có cả kỳ thi của Cục Thuế HN có minh bạch, công bằng hơn hay không? Người thực tài có cơ hội hay không? Hay chỉ những ai thân quen và biết trước đề thi mới có thể lọt vào ngạch công chức? Đâu là cơ chế thật sự đảm bảo công bằng? Đâu là những biện pháp quản trị có thể phòng ngừa được phần lớn tiêu cực và rủi ro xảy ra cho các kỳ thi tương tự?
Thực trạng của ngành Thuế, như đã được người đứng đầu Chính phủ mới đây chỉ ra là, công tác quản lý thuế còn nhiều yếu kém, thể hiện rõ nhất là so với các nước trong khu vực, số giờ nộp thuế của Việt Nam hiện nay là lớn nhất, số lần nộp thuế cũng cao nhất, thất thu thuế còn lớn. Trong tổ chức bộ máy, trong hoạt động của ngành, có mặt còn chưa năng động, chưa thích hợp. Một số cán bộ ngành Thuế còn có thái độ nhũng nhiễu, hách dịch, ý thức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp kém [3].
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa công bố tới đây sẽ tập trung nhiều giải pháp, phấn đấu giảm được 290 giờ nộp thuế của doanh nghiệp hàng năm từ tổng số 537 giờ hiện nay theo tính toán từ Ngân hàng Thế giới. Nhiều giải pháp đã được chỉ ra, và giải pháp nào cũng quan trọng, nhưng nếu không có các công chức ngành thuế tài năng và trong sạch thì chắc mục tiêu này vẫn sẽ còn xa vời.
Nguyễn Anh Thi
Tìm việc làm ổn định trong bối cảnh khó khăn? Theo thông tin báo chí, trong số nhân sự ứng thi công chức Cục Thuế HN, có khá đông là kế toán viên. Trên thị trường việc làm, nghề kế toán đang ế ẩm trong bối cảnh kinh tế khó khăn và doanh nghiệp giải thể, phá sản gia tăng. Theo số liệu của Adecco VN, một công ty chuyên về cung ứng nhân sự công bố hồi đầu năm 2014, nhu cầu tuyển dụng kế toán năm 2013 đã ở mức thấp nhất là chỉ có 4,37%, trong khi ngành cao nhất là các nhân viên bán hàng chiếm tỷ lệ 28,6%. Nghiên cứu của Adecco Việt Nam cho thấy, hiện nay có khoảng cách lớn giữa cung và cầu trong từng ngành nghề khác nhau. Cụ thể như, ngành bán hàng có nguồn cung khoảng gần 13% so với 28,6% nhu cầu, ngược lại cung ứng lao động kế toán có hơn 10% trong khi nhu cầu thực tế chỉ có 4,37%. Như vậy, cứ 10 người cần việc làm sẽ có đến 5-6 người khó tìm ra việc trong ngành kế toán trong thời buổi "thóc cao gạo kém" như hiện nay. Điều này khác hẳn tình trạng của những năm trước, khi kế toán rất đắt hàng và học sinh lao vào học cũng như các đại học, cao đẳng, trung cấp thi nhau mở ngành kế toán. Giờ nhiều nhân sự kế toán chỉ mong có việc ổn định, mà làm công chức nhà nước có thể là việc ổn định hơn cả trong tình hình hiện giờ. Đây có thể là một trong những lý do giải thích sự gia tăng đột biến của lượng nhân sự ứng thi công chức tại Cục Thuế HN. |
---
Chú thích:
[1] Thanh niên, 3/7/2014: Bộ trưởng Tài chính: 'Người dân phàn nàn lắm, vì cán bộ thuế chỉ ăn vặt'
[2] Tuổi trẻ, 10/7/2014: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Dân kêu bị làm phiền nhiều lắm".
[3] Chinhphu.vn, 09/07/2014, Tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN thực hiện nghĩa vụ thuế
Bài cùng tác giả:
'Run tim' vì một thay đổi tác động hàng triệu người Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.
Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay. Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia? Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện. |