Hơn 120 ngày từ lúc nộp đơn, thậm chí là vài trăm ngày từ khi ông Chấn được minh oan, cuộc gặp mặt chừng 2 giờ này mới được tổ chức.
>> Bản án giật mũ và tương lai một con người
>> Vụ Cát Tường, dùng nhục hình và chặng đường gian nan
Án oan cũng dăm bảy đường
Án oan không phải là ngoại lệ đối với bất kì nền tư pháp nào. Ngay cả nước Mỹ, quốc gia được coi có nền pháp luật khá hệ thống, chặt chẽ, chịu giám sát của nhiều cơ quan, phân cấp rõ ràng, chi tiết cũng vẫn không tránh khỏi. Bằng chứng là đã có hàng ngàn trường hợp bị tòa tuyên án sai và không ít trong số họ chỉ được minh oan sau hàng thập kỉ ở quốc gia này.
Dẫu vậy, có hơn một nẻo đường dẫn đến tình trạng kết án oan sai và vì thế, bản chất của mỗi kì án cũng muôn hình vạn dạng.
Có trường hợp là so sai sót kĩ thuật trong quá trình điều tra, tố tụng, tức là nằm ngoài chủ ý của con người, do năng lực, do nhận thức hay thậm chí là do cả khoa học công nghệ. Nhân vô thập toàn, cảnh sát, kĩ thuật viên, cán bộ tòa án cũng đều là con người cả. Sự sai sót trong trường hợp này có khía cạnh để có thể cảm thông.
Nhưng cũng có không ít trường hợp oan sai bị cố tình tạo ra bởi một hay vài cá nhân nhằm gán tội cho ai đó. Sự cố tình này thường nhằm mục đích cụ thể, tinh thần có (thành tích, thăng quan tiến chức, cứu tội cho người khác...), vật chất có (rõ như ban ngày: tiền, vàng, nhà, xe, gái đẹp...). Dù với mục đích nào, những kẻ này cũng đáng bị lên án, nghiêm trị và chẳng có lí do nào để trông đợi sự đồng cảm, xót thương từ công luận.
Dù ít gặp, nhưng cũng đã có trường hợp án oan lại xuất phát từ lỗ hổng pháp luật. Đó có thể là tính mập mờ, không rõ ràng khiến người ta có thể hiểu theo nhiều cách dẫn đến những hành xử khác nhau. Dạng này phổ biến nhất trong lĩnh vực kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ 2 từ trái qua) cùng người nhà và luật sư vừa làm việc xong với toà án. Ảnh: Nguyễn Quyết/ NLĐ |
Pháp luật vị nhân sinh
Một nền pháp lý tiên tiến cần luôn hướng tới phục vụ, bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho mọi công dân. Sự công bằng, tính dân chủ, minh bạch, tinh thần thượng tôn pháp luật cần được đảm bảo cho hết thảy thành viên, bất kể những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, giới tính, chính trị hay điều kiện kinh tế, v.v...
Các quy định của pháp luật, vì thế, xét về bản chất không phải là trói buộc, đàn áp mà là để bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những điều tốt đẹp chung của một cộng đồng, hướng các thành viên đến những giá trị Chân - Thiện - Mĩ. Vì lẽ đó, các chế tài xử phạt chỉ nên được coi như là liệu pháp cuối cùng, sau khi tất cả các biện pháp thuyết phục, giáo dục, nhắc nhở, cảnh báo, v.v... không đem lại hiệu quả.
Pháp luật cũng đồng thời là công cụ để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái tốt khỏi cái xấu, bảo vệ người yếu khỏi sự xâm phạm của kẻ mạnh, phân định ranh giới giữa đúng và sai. Chính vì thế, một xã hội tiên tiến luôn cần đồng nghĩa với nền pháp lí vị nhân sinh, luôn cần hướng đến những nhóm yếu thế, thiểu số, thiệt thòi.
Ông Chấn và chuyện lí với tình
Những ngày gần đây, báo chí nói nhiều về việc ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu bồi thường tài chính cho 10 năm ngồi tù oan. Về mặt pháp lí, việc đưa ra yêu cầu là quyền của ông được pháp luật bảo hộ. Về mặt đạo lí, hành động này thuận lòng công chúng bởi nó thể hiện nhân tính của con người, biết hướng thiện, phục thiện, đấu tranh cho cái thiện. Bởi lẽ, một xã hội sẽ có vấn đề khi không có người dám lên tiếng ca ngợi cái tốt, đòi hỏi lẽ phải được thực thi.
Vậy nhưng, sau gần 4 tháng gửi đơn đề nghị bồi thường, sáng 15/8, TAND phúc thẩm Hà Nội mới có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Chấn. Khi đọc tin này trên nhiều tờ báo, tôi lặng người. Là bởi phải hơn 120 ngày từ lúc nộp đơn, thậm chí là vài trăm ngày tính từ khi ông được chính thức minh oan, cuộc gặp mặt chừng 2 giờ này mới được tổ chức.
120 ngày hay vài trăm ngày chả là gì so với gần 4.000 ngày ông vò võ ôm nỗi hàm oan trong tù. Nhưng tôi vẫn ước giá như các cơ quan công quyền chủ động hơn, linh hoạt hơn trong việc giúp đỡ, tổ chức thực hiện việc đền bù cho ông và gia đình. Tiền không lấy lại được tất cả, nhưng ít nhất cũng thể hiện tâm thế sửa sai của cơ quan công quyền, xoa dịu phần nào nỗi mất mát vô bờ bến của cả một gia đình.
Tôi ước giá như không cần đợi đến lúc ông làm đơn yêu cầu bồi thường, các cơ quan thực thi pháp luật đã chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, tiên liệu các tình huống, dự trù nguồn lực để sẵn sàng triển khai một cách nhanh nhất có thể. Để rồi không phải cần đến 120 ngày mới có thể tổ chức được buổi gặp mặt. Để rồi trong cuộc gặp ấy chỉ để giải thích cho ông Chấn quy định về bồi thường oan sai, thủ tục và những khoản yêu cầu được pháp luật cho phép. Để rồi khép lại với bao yêu cầu bổ sung chứng cứ, mà nhiều trong đó như vợ ông thừa nhận chẳng dễ gì tìm lại được (vé xe, vé tàu, chứng từ thanh toán...).
Tôi ước giá như có sự linh hoạt nào đó hỗ trợ ngay lập tức về tài chính cho ông và gia đình, để ông ổn định sức khỏe, cùng gia đình phục hồi sản xuất. Báo chí đã nói về khoản nợ mà gia đình ông phải gánh kể từ ngày ông vướng vào lao lí một cách oan nghiệt. Nếu đây là sự thực, tôi tự hỏi mình khoản vay này có phải trả lãi không? Tôi tự hỏi mình liệu có hợp lí vẹn tình không nếu chúng ta tạm ứng một số tiền nhất định từ quỹ nào đó, thay vì cứng nhắc chờ đợi các thủ tục pháp lí?
Tôi xin không lạm bàn về các quy định chi tiết của pháp luật, bởi đó là việc của người trong nghề. Chỉ có điều tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu trong vài tháng tới, gia đình ông Chấn không thể thu thập chứng cứ, bảo vệ được tính hợp pháp cho các yêu cầu của mình? Điều này có khả năng lắm. Rồi đây cơ quan công quyền, luật sư của ông có thể sẽ lại cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ. Rồi sẽ lại cần có thêm nhiều cuộc họp?
Nỗi hàm oan của ông đã được rửa, lời xin lỗi từ cơ quan công quyền đã được đưa ra. Nhưng mong sao rồi đây, những hành động cụ thể sẽ được tiến hành theo cách nhanh nhất, trọn vẹn nhất, bởi thiếu chúng, những lời xin lỗi kia dường như chưa chạm đến trái tim của cả lý lẫn tình.
Nguyễn Công Thảo
Bài cùng tác giả:
Khoa học nước nhà đã đạt 'cảnh giới' siêu thực? Một nhà khoa học nói rằng khi xem bài chép trên lớp của người con vốn theo học cùng ngành ở đại học, cùng thầy dạy, anh giật mình khi nhận ra chẳng có gì khác biệt so với những gì anh được học gần 40 năm về trước! Triết lý Mỹ: Cứ làm mới biết được hay không Ở Mỹ, mục đích tối quan trọng của giáo dục trước tiên là học để biết mình có thể làm gì, nên làm gì. Khéo sếp tập đoàn quốc tế cũng xin làm... công chức Cứ đà này, biết đâu một ngày gần đây, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân chả lại rẽ ngang, nộp đơn xin làm việc tại các cơ quan nhà nước. Đừng dại nghi ngờ nhà khoa học xứ ta Đừng bao giờ dại dột nghi ngờ thành quả lao động của các nhà khoa học ở ta hiện nay, bởi bạn sẽ phải im lặng trước hàng chồng bằng khen lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, sáng tạo khoa học... |