Trong giao thương của châu Phi với TQ, bên đầu tư thực sự là "ông chủ" - những người đang thâu tóm và kiểm soát các con đường, bến cảng, nhà máy và nông trại.

>> Kỳ 1: Vì sao TQ được coi là 'Người bạn lớn'?

Theo lý thuyết kinh tế, thương mại đóng vai trò trong phát triển kinh tế thông qua hai cách, đó là (i) tăng số lượng hàng hóa thực tế và dịch vụ mà quốc gia đó bán ra bên ngoài, và (ii) nâng cao hiệu suất của lực lượng sản xuất. TQ dường như đáp ứng được cả hai điều này và nước này ngày càng giàu hơn nhưng cũng đói (tài nguyên) hơn.

Kể từ năm 1998, cùng với sự tăng trưởng và khả năng đáp ứng nhu cầu của thế giới về các mặt hàng thiết yếu như đồng, chì, nhôm, TQ cũng bắt đầu thấy khát tài nguyên thô và những gì nước này cần như ngũ cốc, thịt bò, bông gòn cho đến dầu mỏ thì châu Phi đều có thể cung cấp. Châu Phi có trà ở Kenya, cafe ở Uganda, hạt điều ở Mozambique và bông gòn ở Mali. Ngoài ra, châu Phi còn là nơi đảm bảo một nửa sản lượng của thế giới về bauxite, Chrome và Kim Cương và hơn một nửa sản lượng bạch kim.

Với dân số hơn 1,3 tỷ người trong đó cùng với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, quả thực châu Phi đang là mỏ vàng cho TQ. Nhìn vào nhịp độ thương mại hai bên liên tục tăng trưởng lên 2 lần, 3 lần và thậm chí là 4 lần qua các năm, có vẻ như tình hình giao thương rất ổn.

Nhưng thực tế TQ chọn châu Phi là đích đến của các loại hàng hóa rẻ tiền và kém chất lượng - những thứ đang dần dần bị các khách hàng châu Á làm ngơ, không chỉ vì chất lượng tồi mà còn bị nghi ngờ tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại. Ngày nay, bạn có thể dễ nhìn thấy sự thống trị của hàng hóa và dịch vụ TQ ở tận hang cùng, ngõ hẻm của châu Phi. Từ quần áo, giày dép cho đến xe máy, đồ điện tử và đặc biệt là đồ gỗ nội thất (sản xuất tại chỗ).

{keywords}

TQ ngày càng giàu hơn nhưng cũng đói (tài nguyên) hơn

Đổi lại, người châu Phi có gì cho ông "bạn lớn" của mình đây? Dĩ nhiên rồi, đó là dầu mỏ và khoáng sản và lương thực - những thứ làm cho đường hàng hải của thế giới đôi khi bị tắc nghẽn. Trong bối cảnh các nền kinh tế tại châu Á đã và đang tiến đến trình độ "sản xuất" công nghiệp, thì hầu hết các nước châu Phi vẫn đang dừng lạ ở "sản xuất nông nghiệp".

Mặt khác, sự chênh lệch về trình độ giáo dục sẽ khiến cho nhiều nước châu Phi rất khó trở thành những nhà sản xuất hàng hóa phi nông nghiệp. Điều này khiến cho TQ có rất nhiều cơ hội để duy trì việc bán các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng sang châu Phi với giá rẻ và góp phần đẩy các nhà sản xuất hàng hóa của các nước này vào rủi ro và rất dễ phá sản.

Một vấn đề nguy hại nữa cho lục địa đen: sự di cư ồ ạt của người TQ sang các nước này làm dịch vụ và công nhân cho các nhà máy và công ty khai khoáng do TQ đầu tư sẽ mang đến hai hệ lụy. Đó là (i) cạnh tranh và làm mất cơ hội lao động của người bản xứ, và (ii) dần dần cắm rễ và tạo nên những "Chinatown" mới, để rồi tiến tới kiểm soát các giao dịch thương mại của người bản địa theo cách mà người TQ vẫn hay làm tại các nước Đông Nam Á trước kia.

Một lần nữa châu Phi lại có thể thất bại trong cuộc chơi thương mại với TQ như họ đã từng thất bại với các khoản viện trợ đến từ Phương Tây. Tuy các khoản viện trợ của phương Tây luôn đi kèm các yêu cầu và ràng buộc về cải cách thể chế, nhân quyền, hay dân chủ, nhưng khi thất bại người ta chỉ có thể trách cứ và đổ lỗi cho nhau tại các cuộc hội thảo và cùng lắm là một vài phê phán nặng lời được viết trong các báo cáo đánh giá. Về cơ bản người dân châu Phi vẫn có thể gìn giữ được những gì họ đã có. Khi nhận các khoản viện trợ, bên cho là "Nhà Tài trợ, là đối tác phát triển", còn trong giao thương với TQ, bên đầu tư thực sự là "ông chủ" - những người đang thâu tóm và kiểm soát các con đường, bến cảng, nhà máy và nông trại.

"Ông chủ" này chỉ thực sự dừng cuộc chơi lại khi nào những thứ (tài nguyên) của người châu Phi được chuyển hết về và cất giữ tại hai bên bờ của sông Hoàng Hà và Dương Tử. Khi đó, những con đường đẹp đẽ tại châu Phi không rõ sẽ ra sao khi xuống cấp vì mưa nắng. Và những sản phẩm phi nông nghiệp mà các nước châu Phi hằng hy vọng có thể sản xuất được từ sự hào phóng trong chuyển giao công nghệ từ TQ, có thể lại trở thành gánh nặng cho đất nước khi không biết bán cho ai!

Viễn cảnh có phần bất lợi cho các nước châu Phi đó, được che đậy bởi những mỹ từ mà mới nghe thì có vẻ rất "hữu hảo" của ông Hồ Cẩm Đào dành cho các vị khách đến từ châu Phi, nhưng nghe kỹ thì, vẫn như mọi khi, "đậm" mùi nước lớn như: "Trong những năm qua, Trung Quốc đã hỗ trợ châu Phi giải phóng thắng lợi và theo đuổi con đường phát triển..." Hay: "Cuộc gặp của chúng ta hôm nay sẽ đi vào lịch sử, chúng ta, những lãnh đạo của TQ và các nước châu Phi tụ họp tại đây trên tinh thần hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển..."

Thế mới thấy đối với TQ, cái gọi là "Viễn giao" cũng chính là "Cận công" khi thời cơ đến và mọi thứ ở gần trong tầm tay họ vậy.

Trần Văn Tuấn

*Tác giả là chuyên gia vận động phát triển về quyền con người, từng hoạt động tại nhiều nước, bao gồm các quốc gia châu Á và châu Phi. Bài viết có tham khảo cuốn Dead Aid - Why Aid Is Not Working and How There Is a better Way for Africa của Dambisa Moyo.