Những dòng Người gửi lại trong Di chúc về việc riêng chính là bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức "Cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư".

>> Quá trình công bố Tài liệu 'tuyệt đối bí mật'

>> Di chúc Bác Hồ qua hồi ký của Thư ký riêng

>> Bác Hồ: "Chủ tịch một nước còn nghèo, chưa có quyền hưởng thụ"

>> Người cận vệ của Bác Hồ đã qua đời

Tầm nhìn văn hóa rộng lớn

Bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ tầm nhìn văn hoá rộng lớn và trí tuệ văn hoá sâu sắc của người Cha già dân tộc. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng, luôn đau đáu nỗi niềm trăn trở làm sao phải xây dựng Đảng, củng cố Đảng thật trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, đày tớ trung thành của nhân dân, dễ hiểu tại sao trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại "trước hết nói về Đảng" mà cụ thể là về văn hoá Đảng.

Từ góc độ văn hóa, đoàn kết chính là giá trị, là sức mạnh và cũng là hạt nhân quan trọng của văn hóa Đảng: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Đối với Hồ Chí Minh, văn hóa Đảng chính là trí tuệ, lương tâm và sự trong sạch của Đảng, Đảng phải "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Để làm được điều đó, "trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình" và mỗi cán bộ, đảng viên phải "thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".

Đồng thời, Hồ Chí Minh nhấn mạnh "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng" cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Cụm từ "đạo đức cách mạng" được sử dụng đến hai lần và cả hai lần đều được in nghiêng cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vấn đề này.

{keywords}

Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Coi văn hóa đạo đức là nội dung bên trong của lối sống nên Hồ Chí Minh coi trọng việc giáo dục, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng. Có đạo đức mới đoàn kết tốt; thực hiện đoàn kết tốt, là đảng viên đã thấm nhuần đạo đức cách mạng, sẽ làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của CNXH, CNCS trước hết là ở những giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất đạo đức và nhân cách của những người cộng sản. Một nền văn hóa có những con người có đạo đức, nhân cách, có lối sống cao đẹp như vậy thì những cái xấu, cũ kỹ, hư hỏng nhất định sẽ bị quét sạch.

Đó chính là mục đích của cuộc cách mạng mà nhân dân phải tiếp tục tiến hành khi cả nước thống nhất, non sông liền một dải như Người đã từng chỉ rõ năm 1967: phải "thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc" [1].

Quan tâm đến con người với ý nghĩa là chủ thể sáng tạo của mọi giá trị văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết chăm lo phần "công việc đối với con người". Trong Di chúc, Người căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Suốt cuộc đời Bác đã "hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân", lúc sắp ra đi, không màng danh vọng, không ham bia đá, tượng đồng, Bác vẫn chỉ nghĩ đến việc chăm lo hạnh phúc cho con người, tiết kiệm thì giờ và tiền bạc cho nhân dân: "Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân...".

Lúc sinh thời, Bác chỉ ở một ngôi nhà sàn đơn sơ, đi đôi dép cao su, mặc bộ quần áo kaki..., khi qua đời, Bác chỉ đề nghị xây trên mộ Người "một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi". Những dòng Người gửi lại trong Di chúc về việc riêng chính là bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức "Cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư".

Trong bản thảo tháng 5/1968, Bác đã vạch ra những dự kiến về việc xây dựng đất nước sau chiến tranh, có tính đến từng đối tượng cụ thể: thương binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân. Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình hay đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ, Người căn dặn "phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn", "phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

Thấm nhuần đạo lý văn hoá truyền thống của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho đồng bào nông dân "để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất" sau nhiều năm liên tục ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngay cả với những người được coi là nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mong muốn "Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện". Quan điểm này thể hiện rõ lòng nhân ái, đức hiếu sinh, văn hoá khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quan tâm đến cuộc sống con người, Di chúc cũng thể hiện khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hình thành một loại hình văn hoá mới đảm bảo cơ sở tự nhiên bền vững cho cuộc sống con người: Văn hoá sinh thái: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hoả táng". Tôi mong rằng cách "hoả táng" dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn. Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp".

Dưới ngòi bút của Hồ Chí Minh, thật sâu sắc và cảm động khi sắc thái tình cảm rất đỗi riêng tư đã trở thành dòng chảy tư duy của thời đại. Đối với Người, cái chết là sự hoá thân, không phải mất đi một cách vô ích mà là một sự khởi đầu mới và là một hành động làm tái sinh sự sống cho các thế hệ tương lai.

Cán bộ, người đứng đầu phải gương mẫu

Bốn mươi nhăm năm qua, Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo toàn dân thực hiện Di chúc và đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa: Giành độc lập và thống nhất trọn vẹn cho đất nước; vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất - vǎn hoá của nhân dân, nâng cao vị trí, uy tín quốc tế trong khu vực và trên thế giới...

Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội đã được nâng lên, chủ trương của Đảng về văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Văn hóa được quan tâm hơn về chủ trương, chính sách, nguồn lực và ngày càng có sự gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, an ninh quốc phòng, xây dựng con người, v.v...

{keywords}
Ngôi nhà sàn của Bác. Ảnh tư liệu

Tự hào về những thành tựu đạt được, song chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thử thách không nhỏ: "Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp;... chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý, phân hoá xã hội tăng lên. Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi..."

Và: "Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội" [2]. Đáng chú ý là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ".

Thực tế, sự suy thoái về đạo đức, lối sống nếu không ngăn chặn kịp thời, chẳng những gây tổn thương nặng nề cho văn hóa mà còn làm suy giảm sự phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa trực tiếp tới sự ổn định và bền vững của chế độ chính trị. Chúng ta càng thấy thấm thía hơn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng và chỉnh đốn đối với Đảng cầm quyền.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; nghiêm túc vận dụng những lời răn dạy trong Di chúc của Người; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thật sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân.

Ths. Vũ Thị Kim Yến

* Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch

-----

Chú thích:

 [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t8, tr.493

 [2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011