-Sau một loạt hành động như chặt bỏ hàng cây trước nhà hát thành phố, dẹp bỏ hồ nước cây liễu và mới đây nhất là dẹp luôn thương xá TAX để thay vào đó một trung tâm thương mại hiện đại 40 tầng, dư luận vẫn đang bàng hoàng với câu hỏi: phải chăng hồn Sài Gòn đang mất?

Hai luồng ý kiến, một bên thương đau u uất và... nóng giận, phía khác mong muốn những công trình xấu xí phải được dẹp bỏ càng sớm càng tốt để thay bằng những công trình đẹp đẽ hơn, vẫn đang quyết liệt chiến đấu với nhau mỗi ngày.

Cho đến khi xuất hiện một luồng ý kiến khác, đáng quan tâm và thực tế hơn nhiều. Đó là cần ngồi lại rành rẽ xác định: hồn Sài Gòn là gì? Hồn Sài Gòn có giá trị không (nếu quy ra tiền được thì càng dễ nhất trí)? Hồn Sài Gòn thực sự ở đâu? Những công trình sắp bị phá dỡ có thực sự chứa một mảnh hồn Sài Gòn không? Nếu có, chúng cần được đối xử như thế nào-xét cả các góc độ kinh tế, văn hóa và mỹ thuật? Ai làm và có còn kịp không?

Hồn Sài Gòn là gì?

{keywords}
Ảnh minh họa: Trần Chánh Nghĩa

Câu hỏi mà ai cũng tưởng như dễ dàng trả lời này hóa ra lại không dễ chút nào. Với người đã bạc tóc ở Sài Gòn thì một gốc me cũng có thể gợi nhớ thời ấu thơ nắm áo mẹ đi mua sách, nụ hôn đầu đời, một đêm chia tay hay bước chân chập chững đầu tiên của con mình... Với người Sài Gòn đi xa thì còn mãnh liệt hơn nữa: mọi ký ức đều được thận trọng đóng băng trong không gian cũ để nó mãi mãi không bị bạc màu bởi thời gian.

Nên, dễ hiểu việc người Sài Gòn xót xa khi một gốc cây trăm năm ngã xuống. Một tòa thương xá bị đập đi. 

Dưới tàn cây ấy, quanh tòa kiến trúc ấy là muôn vàn sợi tơ vô hình giăng mắc người ta với những thương yêu đã xa xôi. Khi sợi tơ ấy đứt đi, bảo sao mà không đau?

Nhưng Sài Gòn không chỉ là hoài niệm. Sài Gòn còn là thành phố sinh sôi nảy nở, của những đến và đi triền miên sôi động. Những đến và đi ấy có thể không có trải nghiệm ấu thơ, nhưng việc họ dốc lòng cho Sài Gòn chính là bằng chứng tình yêu chân thật nhất.

Chớ bỉ bai những ai muốn xây lên cái mới là không yêu Sài Gòn. Tình yêu đâu có nông cạn như vậy! Sài Gòn đâu có hẹp hòi như vậy!

{keywords}

Những mùa hoa dầu. Ảnh: Lương Đình Khoa

Sài Gòn cũng không hề yếu đuối đến nỗi chỉ một vài hàng cây bị chặt đi là hồn Sài Gòn đã tan tác mất. Hồn Sài Gòn không chỉ nằm ở những hàng cây hay tòa kiến trúc trăm năm. Hồn Sài Gòn trường tồn, rực rỡ và mãnh liệt chính ở cách sống hào sảng, bao dung và nghĩa hiệp của người Sài Gòn.

Quay lại việc tranh cãi giữ hay bỏ những kiến trúc từng làm chứng nhân cho lịch sử.

Thực ra những tranh cãi này đã triền miên suốt từ Bắc vào Nam, cho đến giờ vẫn không có đoạn kết: giữ hay bỏ những ngôi nhà phố cổ Hà Nội? Giữ hay bỏ những ngôi nhà phố cổ Hội An.. v.v. Theo tôi đó là câu chuyện trước tiên của nhà kinh tế, rồi mới đến kiến trúc, bảo tồn, văn hóa. Bởi một kiến trúc tốt trước hết phải là một kiến trúc sống. 

Giữ lại nguyên bản một kiến trúc vài trăm năm (nhất là khi nó đã bị sửa sang phá nát qua nhiều thời kỳ) nhưng cứ để nó sống dở chết dở, lâu lâu nhớ ra thì thắp hương khấn vái xuýt xoa, hay phá sạch sành sanh, xây lên một công trình mới toanh, đều là những giải pháp cực đoan. Đều không phải cách thức để đảm bảo đời sống tinh tươm hiện tại nhưng sâu sắc và luân lưu.

Nhiều nước đã thực hiện thành công điều mà chúng ta cứ tranh cãi suốt thời gian qua. Đó là làm mới, làm đẹp, làm tốt lại những công trình cũ, giữ vững nó trong sự mạch lạc và hòa điệu của không gian kiến trúc, lịch sử và văn hóa, đồng thời khai phóng nó trong sức sống mới. Đó là nhờ kiến trúc mang lại những giá trị hiện hữu vừa đong đếm được, vừa thấm thía được, thay vì giữ những ký ức cỗi cằn hay cấy ghép một thành tố xa lạ không thể hòa điệu với những gì đã góp phần làm nên giá trị của một đô thành.

Hoàng Xuân

Kính mời quí vị độc giả gửi bài viết cùng Tuần Việt Nam tìm giải pháp giữ hồn đô thị. Bài viết xin gửi về hộp thư tuanvietnam@vietnamnet.vn.

Bài cùng tác giả:

Cứ nghe chuyện "nhạy cảm", lập tức phẫn nộ

 Khi được minh bạch về cái giá phải trả cho mỗi lựa chọn (về nhiều thứ), người dân sẽ hiểu, chọn và chấp nhận. Chấp nhận rồi thì tâm đồng, ý hiệp, thông tin rối nhiễu dạng "các mẹ ơi" sẽ giảm thiểu. 

Người Việt “ngại” nghe góp ý thẳng

Rất nhiều người dễ dàng phê phán người khác ưa nịnh, nhưng bản thân họ chẳng bao giờ dám nói hoặc có gan nghe  một câu thật lòng.

Ai cần "tượng đồng bia đá"?

Khắp thế giới, trồng cây kỷ niệm là việc làm quen thuộc. Nhưng ở nhiều nơi họ làm khiêm nhường, giản dị vì một lẽ rất thường tình họ trồng cây tâm đức chứ không trồng cây ghi danh.