Cách mà Việt Nam đang lựa chọn là tìm các giải pháp mềm dẻo, phù hợp nhưng lại phải có ý nghĩa tích cực cho việc chống độc quyền. Đó chính là nghệ thuật cải cách ở những nước có nền kinh tế đặc thù như Việt Nam, vì chúng ta không có nhiều lựa chọn.
LTS: Trong phần tiếp theo của bài viết, ông Nguyễn Trần Bạt sẽ nói về tư duy chống độc quyền mang đặc thù Việt Nam, phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
- Vị Thứ trưởng tự chống độc quyền... chính mình
- Độc quyền sẽ tạo ra cửa quyền
- Đừng ngại mất phiếu, mất ghế
- Cái giá phải trả của độc quyền kinh tế
Có những ý kiến hiện nay cho rằng muốn chống độc quyền trong kinh tế, phải tư nhân hóa những lĩnh vực kinh tế độc quyền và xây dựng hệ thống luật chống độc quyền, nhưng có lẽ mọi chuyện không đơn giản đến thế.
Nghệ thuật cải cách ở một xã hội đặc thù
Khi thảo luận tại Ban Kinh tế Trung ương, tôi có phát biểu rằng, các nhà khoa học kinh tế của chúng ta cần xem việc mô tả tổng phổ kinh tế như một nhiệm vụ quan trọng.
Bởi vì nếu không mô tả được tổng phổ kinh tế một cách rõ ràng, phù hợp với năng lực kinh tế học của các nhà điều hành hiện nay thì Nhà nước sẽ thiếu công cụ để quản lý nền kinh tế. Và chúng ta cũng gặp phải khó khăn tương tự với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Còn luật chống độc quyền là công cụ duy trì tính tự do, tính cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần của một nền kinh tế thị trường. Việt Nam cần một bộ luật chống độc quyền như thế. Nhưng cái khó hiện nay, là Nhà nước vừa là thiết chế điều hành vĩ mô một nền kinh tế, vừa là chủ sở hữu của một khu vực kinh tế, nên sẽ chịu rất nhiều sức ép.
Một mặt là áp lực hội nhập quốc tế, khiến sớm muộn, VN phải xây dựng một môi trường kinh doanh tốt để kinh tế thị trường phát triển lành mạnh. Nhưng mặt khác, các tập đoàn, DNNN cũng lại phải tồn tại, phát triển như một thành phần kinh tế mạnh. Điều hành khu vực kinh tế nhà nước rất tốn kém, và hiện nay, thành phần ấy vẫn tiếp tục tiêu tốn phần lớn năng lượng của toàn bộ nền kinh tế.
Cho nên nói một cách hình ảnh, nhà nước như một người chồng, một người đàn ông bị … giằng xé giữa một biển mênh mông những người đàn bà đẹp với bà vợ thân yêu của mình là khu vực kinh tế quốc doanh. Đấy là cái thế “kẹt” của Nhà nước.
Nên cách mà Việt Nam đang lựa chọn là tìm các giải pháp mềm dẻo, phù hợp nhưng lại phải có ý nghĩa tích cực cho việc chống độc quyền. Đó chính là nghệ thuật cải cách ở những nước có nền kinh tế đặc thù như Việt Nam, vì rõ ràng chúng ta không có nhiều lựa chọn.
Tôi cho rằng, muốn chống độc quyền trong kinh tế, VN phải cải cách một cách toàn diện xã hội, từ cơ chế quản lý, văn hóa đến kinh tế như chúng ta đã làm những năm 1980s. Cuộc cải cách cuối những năm 80 không chỉ là cuộc cải cách kinh tế, mà còn là một cuộc cải cách về cung cách quản lý chính trị- kinh tế- xã hội.
Đó là một quá trình thể nghiệm rộng lớn trong lĩnh vực kinh tế để tìm ra một quyết định có tính quy mô toàn diện đối với cải cách kinh tế. Việt Nam đã tìm ra được một đáp án rất hay là không thể cải cách kinh tế nếu không đồng thời cải cách cơ chế quản lý, và họ gọi là đổi mới tư duy.
Bây giờ chúng ta cũng cần một cuộc cải cách rộng lớn hơn như thế, cần sự đổi mới tư duy như thế, để phù hợp với bước phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu hội nhập quốc tế và thời đại.
Học ngay ông … thợ mộc
Tôi đã từng viết trong nhiều bài rằng không thể nào tái cơ cấu nền kinh tế nếu không cải cách thể chế kinh tế, không cải cách cơ chế quản lý.
Chúng ta không cần phải học đâu xa quá, cầu kỳ, phức tạp quá mà chúng ta có thể học ngay từ người thợ mộc Việt Nam.
Nhiều năm trước tôi mua một cái sập, tôi rất ngạc nhiên khi thấy cái sập không bao giờ được đóng hoàn chỉnh, một trong bốn góc của nó luôn để hở. Sau này tìm hiểu tôi mới biết người ta làm thế để cho gỗ có một khoảng không để thở. Tự do chính là khoảng không ấy.
Sự mềm dẻo trong tư duy cũng chính là việc phải tạo ra cái khoảng không đó
Cái dở của chúng ta là tư duy xơ cứng, chặt chẽ quá, mà lại thủ cựu và lạc hậu với tư duy kinh tế thế giới. Hãy để tư duy kinh tế, tư duy quản lý mềm dẻo, thức thời, đó sẽ là một điều kiện cho các khu vực kinh tế được thúc đẩy phát triển. Đến một ngưỡng nào đó chúng ta quan sát sẽ thấy nó hợp lý hay không hợp lý và chúng ta điều chỉnh tiếp.
Nhiều người hiện nay sốt ruột nhìn sang Mỹ, nhìn sang châu Âu thấy Việt Nam đi chậm quá, thấy tự do đơn giản quá, dân chủ đơn giản quá, phát triển đơn giản quá và đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta không làm được như thế? Tôi cho rằng chúng ta không thể vội vã được.
Việt Nam là một xã hội phát triển chưa chuyên nghiệp. Cùng với thời gian, có lẽ khoảng 100-200 năm nữa chúng ta mới trở thành một xã hội chuyên nghiệp được. Chúng ta phải biết cách sống, phải biết kiên nhẫn đối với tốc độ phát triển mang chất lượng lịch sử của người Việt từ trước đến nay.
Chúng ta chưa có tiêu chuẩn để xác lập một hệ thống quản trị chuyên nghiệp, cho nên không thể áp đặt bất kỳ sự lựa chọn quản trị chuyên nghiệp nào vào lúc này được. Việt Nam không thể “đốt cháy giai đoạn” ngay lập tức, tất cả những thứ ấy là không thật trong điều kiện hiện nay.
Tất cả các tiêu chuẩn để xác lập một trật tự văn hóa, trên cơ sở đó để có thể xác lập một trật tự chính trị, một trật tự kinh tế sẽ đến cùng với sự phát triển.
Vấn đề là xã hội phải nhận thức một cách rõ ràng rằng, chúng ta phải dám phát triển, phải chấp nhận đau khổ, phải đánh đổi. Cùng với thời gian Việt Nam sẽ có những kinh nghiệm. Cùng với kinh nghiệm sẽ có một sự phát triển mới. Cùng với sự phát triển mới hơn chúng ta sẽ có tương lai.
(Còn nữa)
Tô Lan Hương ghi