Ts. Vũ Minh Khương tin rằng VN đang ở thời điểm mấu chốt phải thực hiện cải cách để đất nước lớn lên. Lộ trình đó phải bắt đầu với một chiến lược và một chương trình hành động với những điểm cụ thể, có thể làm được. Chỉ như vậy mới tạo ra niềm tin và xúc cảm, khắc chế dần tình trạng nghi kỵ lẫn nhau.
VietNamNet trân trọng giới thiệu phần 2 cuộc đối thoại trực tuyến với Ts. Vũ Minh Khương với chủ đề: VN và cơ hội vươn dậy từ thách thức.
Nhà báo Việt Lâm: Trong cuốn sách nổi tiếng "Tại sao các quốc gia thất bại?" (Why nations fail?), các tác giả có phân tích khái niệm path dependency, dịch nôm na là sự phụ thuộc con đường. Tức là sự phát triển của một quốc gia bị phụ thuộc vào sự lựa chọn con đường đi ban đầu, bởi chính sự lựa chọn đó cùng quá trình phát triển hệ thống tương ứng sẽ khiến những cải cách về sau trở nên khó khăn và phải trả giá đắt. Nhưng đồng thời, có những quốc gia thành công nhờ những thời điểm rất ngẫu nhiên trong lịch sử, mà họ gọi là "critical juncture", hay là thời điểm mấu chốt. Khi đó, những áp lực bên trong, hoặc bên ngoài tạo ra cơ hội đặc biệt để nhà lãnh đạo cũng như dân tộc đó có thể xoay chuyển nghị trình phát triển của đất nước. VN đã từng làm được điều đấy vào năm 1986 khi chúng ta đứng trước thời điểm mấu chốt là kinh tế trong nước kiệt quệ, và bên ngoài là cuộc khủng hoảng và đi tới tan rã của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Bây giờ cũng đang có những nhận định rằng VN đứng trước một thời điểm mấu chốt khác giống như thế để cải cách mô hình phát triển khi mà động lực phát triển hiện tại đã dần cạn kiệt như nhận định của Thủ tướng trong thông điệp đầu năm 2014. Bên cạnh đó, đất nước cũng đang đối diện áp lực rất lớn từ bên ngoài do sự trỗi dậy của người láng giềng khổng lồ. Ông có cho rằng đây là thời điểm mấu chốt của VN hay không?
Ts. Vũ Minh Khương: Tôi thấy VN đang đứng trước cơ hội kỳ vĩ như vậy đấy. Đó là điều rất may mắn cho dân tộc mình. Nó đúng lúc, đúng thời, và đúng điều kiện mình đang có. Cả thế giới sẽ quy tụ với VN trong thời gian tới để phát triển. Chúng ta đang đứng trước bài toán chiến lược, tức là định vị VN về mặt chiến lược như thế nào với thế giới? ("strategic position"). Nếu chúng ta định vị mình như một nhân tố quan trọng đóng góp với thế giới bảo đảm hòa bình, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực thì VN sẽ làm nên những điều kỳ vĩ, xây dựng được từ đặc khu kinh tế, các ngành công nghiệp hiện đại. Ai nhân bản hơn lúc này, ai có nhân cách tốt hơn lúc này và ai có nhân trí cao hơn lúc này là dân tộc thắng lợi.
Lúc này cả thế giới đang nhìn VN xem ứng xử thế nào. Hôm qua tôi có dự hội thảo về hợp tác Ấn Độ - ASEAN do Chính phủ Ấn Độ tổ chức. Chúng ta phải có quan hệ gắn bó hơn với Ấn Độ, Trung Quốc và tất cả các nước láng giềng. Và VN sẽ là một mẫu mực đi đến thịnh vượng trong hòa bình, hợp tác và thúc đẩy năng suất. Chúng ta coi trọng và học hỏi những điều hay từ các dân tộc khác, trong đó có Trung Quốc. Tôi tin rằng đây là thời điểm mà VN đang đứng trước một cơ hội rất lớn để khẳng định vị thế độc đáo của mình. Một dân tộc đã trải qua muôn vàn hi sinh rồi, khát khao hòa bình rồi và cũng có sai lầm rất nhiều. Chúng ta không phải là một dân tộc hoàn hảo nhưng chính người có nhiều khuyết tật, thất bại, khó khăn trong quá khứ mà giờ vươn lên được thì mới tỏ hào quang rực sáng. Chắc chắn điều này sẽ được cả dân tộc ủng hộ vì thời điểm đã đến rồi. VN có 30 năm nữa và chừng đó là đủ cho một thế hệ, để làm nên chuyện thần kỳ.
Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta có thể bắt đầu lập một lộ trình để đi đến đích đó như thế nào. Tôi mong ước rằng mỗi lãnh đạo Đảng, Chính phủ đều có trong tay một bản đồ hành quân, trong đó chỉ rõ chúng ta sẽ hành quân để đuổi kịp từng nước trong khu vực như thế nào, hiện giờ khoảng cách của chúng ta ra sao.
Chúng ta cứ nói rằng khoảng cách phát triển của ta với các nước khác đang gioãng rộng mà chưa có định lượng cụ thể. Áp vào từng ngành, tại sao năng suất ngành dệt may của Việt Nam tăng có 1%, 2%, 3%, trong khi Trung Quốc họ tăng 10%. Phải giải quyết bài toán chuyến dịch cơ cấu như thế nào? Phải có những chuyên gia về mặt tri thức, có chuyên gia về mặt tư vấn kinh doanh và các doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau để bàn cho ra nhẽ. Có khi chỉ là một vài yếu tố mà nếu biết điểm trúng huyệt là cất cánh hẳn lên.
TS Vũ Minh Khương và nhà báo Việt Lâm. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hiện giờ ta cứ tham bành trướng theo chiều rộng mà không có chiều sâu. Nhiều khi lãnh đạo các tỉnh muốn công nghiệp hóa cứ giảm giá đất để lôi kéo một vài doanh nghiệp vào mà biết đâu doanh nghiệp dựa vào đó để bóp méo thị trường. Vì chỗ đó có giá nhân công rẻ, đất được cho không, tại sao không làm cái mới? Rốt cục dẫn đến hệ lụy là bỏ qua nỗ lực để nâng cấp ngành may mặc. Cứ mở rộng, mở rộng mãi rồi biến thành lỗ.
Hiện nay có hơn 20% lao động VN trong ngành may mặc. Cuộc sống của họ rất khổ hạnh. Biết bao giờ lương của họ mới lên nổi 1000 USD/tháng nếu cứ loanh quanh ở năng suất hiện tại với mức lương 150-200USD. Nhìn sang Trung Quốc, họ đảm bảo tăng năng suất lao động rất cao để kịp thời tăng lương. Trong kinh tế phát triển, theo điểm hoán đổi Louis, nếu người lao động không tạo ra được 1000 USD thì lương không thể được 1000 USD.
Nói tóm lại, bài toán đặt ra rất khó: Trong thời gian tới làm gì để đất nước đi lên? Để giải được bài toán này đòi hỏi cần bàn thảo cho thật kỹ càng.
Thay động cơ chỉ vô ích nếu sai hướng từ đầu
Độc giả Dương Minh Hùng(Đại học Huế): Trở lại câu chuyện cảm xúc, lãnh đạo, giới trí thức cũng như người dân đã nói khá nhiều đến khoảng cách phát triển của VN so với các nước khác trong khu vực. Chúng ta có khát khao vươn lên nhưng tại sao các nước khác cất cánh được mà VN vẫn cứ trì trệ. Theo ông, đâu là điểm nghẽn lớn nhất trì kéo quá trình cất cánh của dân tộc?
Ts. Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ điểm nghẽn lớn nhất là mình chưa ngồi lại với nhau để bàn chiến lược chung cho phát triển. Chúng ta xây dựng chiến lược thường chỉ dựa vào một hai viện nghiên cứu hay một vài đơn vị hoặc nhờ tư vấn nước ngoài làm và thế là yên tâm.
Trong khi đó, xây dựng chiến lược kinh tế là một quá trình sâu sắc, tạo ra xúc cảm rất cao cho toàn xã hội. Các doanh nghiệp đều có trách nhiệm tạo ra hàng trăm nghìn chương trình với nhau. Ai cũng đều có trách nhiệm trong công cuộc này. Nhưng quan trọng nhất là giống như các tàu đi trên đại dương chịu đầy sóng gió, mình phải có hướng đi đúng đã, thay vì thay lại động cơ này, động cơ kia, sơn lại cabin này, cabin kia, hành khách này, hành khách kia. Điều đó rất quan trọng nhưng nếu hướng tàu cứ đi sai, trong khi mọi người đang ở tình trạng ức chế, hoài nghi, buồn bã, bi quan, thấy nước mình bị thua kém. Như thế có thể gây ra những rối loạn với nhau. Nếu đúng hướng, có hội nghị Diên Hồng, như là kêu gọi Thánh Gióng đánh giặc Ân thì dân tộc sẽ hướng về một mối.
Mỗi doanh nghiệp có hướng đi khác nhau. Mình không kiểm soát, kiểm tra nhưng phải có đánh giá. Ai làm được cho đất nước nhiều, nhân dân ghi nhận thì sẽ được đánh giá cao.Thay vì bây giờ, nhiều khi tự đánh bóng, tự làm việc rất vô công dẫn đến sự lãng phí rất lớn.
Tôi thấy nhiều khi chúng ta mải đi vào sự vụ mà quên mất chiến lược. Chẳng hạn như liên quan đến bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, giá như chúng ta trang bị kiến thức tốt hơn cho ngư dân, cung cấp thiết bị định vị GPRS, công nghệ thông tin để tìm giúp dân điểm đánh cá tốt hơn, hay dịch vụ hậu cần cho các đoàn tàu cá thì hiệu quả gấp nhiều lần so với việc bỏ 13 nghìn tỷ chỉ để ngư dân đổi từ tàu gỗ sang tàu sắt để tránh đâm va. Hơn nữa, nếu cứ đi vào những điểm cụ thể mà không có chiến lược như thế nào để nước ta có ngành cá và hàng hải bảo vệ vững chắc Biển Đông thì chúng ta cũng sẽ chỉ quẩn quanh lo đối phó từng sự vụ thôi.
Vậy làm thế nào để xây dựng được một chiến lược phù hợp? Muốn làm được điều đó đòi hỏi phải có bàn luận rất sâu sắc. Cần thiết thì phải tổ chức hàng trăm cuộc họp để bàn bạc cho thấu tình, đạt lý, có học hỏi trí tuệ của thế giới để mình giải quyết được. Làm sao biến mỗi thách thức thành một cơ hội lớn để nước ta vượt hẳn lên. Tôi đảm bảo rằng nếu làm được như thế thì các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ...đều phải ngưỡng mộ chúng ta. Bởi sức mạnh của một dân tộc không phải có bao nhiêu tiền của mà nằm ở khả năng đem lại cảm xúc cho người khác, người khác muốn đến học hỏi mình. Đó là điều đầu tiên của sức mạnh.
TS Vũ Minh Khương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chính sách làm dân hài lòng mới được ra khỏi phòng thí nghiệm
Việt Lâm: Nhắc đến họp, không ít người sẽ nói nước mình đã từng tổ chức hàng trăm cuộc họp mà không có kết quả gì thiết thực đấy thôi?
Ts. Vũ Minh Khương: Bản thân tôi thấy chưa có cuộc họp nào mang lại chất lượng tốt giống như tôi từng tham dự các cuộc họp ở Singapore. Mỗi cuộc bàn thảo xong họ luôn có tổng kết, hoạch định, có hiệu quả thúc đẩy xúc cảm, khai sáng, phối thuộc cao hơn rất nhiều.
Quay trở lại công thức EEC, vấn đề mấu chốt với VN là phải có thước đo. Họp xong, người chủ trì phải đặt ra câu hỏi trong ba yếu tố xúc cảm - khai sáng - phối thuộc, chúng ta đã đẩy được lên yếu tố nào. Nếu trong ba điểm đó mà giá trị gia tăng bằng không thì có ngồi trăm cuộc họp, tiêu tiền rất nhiều cũng không giải quyết vấn đề gì. Do vậy, xúc cảm phải cao hơn, khai sáng mạnh mẽ hơn, lan tỏa nhiều hơn, phối thuộc phải chặt chẽ hơn rất nhiều.
Việt Lâm: Quan trọng nhất là quá trình giám sát phải cho ra được kết quả, tức là phải kiên quyết, áp sát?
Ts. Vũ Minh Khương: Quay trở lại Coordination, bài toán đặt ra trước hết là phải thâu tóm được điểm hay nhất về mình trong sự khai sáng.
Hai là, phải biết mình đang ở đâu, mọi việc mình làm ngay cả việc cải cách giáo dục, thi cử xem xét từ thế giới thật kỹ đã. Người đứng đầu có thể chỉ cần yêu cầu các bộ ngành trình ra mười điểm hay nhất của thế giới đang làm, chứ chưa bàn đến VN. Sau đó mới cần huy động thêm phản biện xã hội để phân tích xem tại sao VN không áp dụng.
Ba là, chúng ta phải có thử nghiệm trước. Cái dở là chúng ta thường hay áp dụng đại trà luôn, quyết luật, ra luật rồi lại không làm. Tại sao chúng ta không làm thử nghiệm, đắn đo, tính toán cho thật kỹ.
Tôi cho rằng, điểm đặc biệt là phải có quy trình đánh giá về đóng góp của cán bộ, chất lượng của cán bộ, chất lượng chính sách. Không để tình trạng đề ra chính sách khiến người dân cảm thấy ức chế, cảm thấy sốc. Bởi chính sách là sản phẩm công, nhiều người tiêu dùng nên không thể đưa ra một sản phẩm quan trọng như vậy một cách tùy tiện, vô ý thức như hiện nay được. Phải đặt ra tiêu chí đánh giá là chính sách ra người dân cảm thấy hài lòng mới được đi ra khỏi phòng thí nghiệm. Hội đồng thẩm định chính sách chỉ có khoảng 15-20 người thôi nhưng mỗi bộ đều phải có hội đồng như thế để đánh giá lại ngay từ trong phòng thí nghiệm.
Không phải điều gì cũng theo đuôi, nhưng rõ ràng phải nhận thức được rằng nếu chính sách có giá trị thực sự thì dân sẽ ủng hộ. Còn nếu dân chưa hiểu có thể nói cho dân hiểu. Người dân mình rất thông thái. Tôi nói chuyện với người lái tắc xi cũng thấy họ rất am hiểu nhiều vấn đề thời cuộc. GS Ohno (Nhật Bản) có nhận xét rằng chúng ta chưa tận dụng hết nguồn lực con người từ góp ý của dân. Trong khi nhiều nước khác đưa ra chính sách hay mà dân không phản ứng được hết. Tôi có viết một case study về chính sách CNTT của VN. Đó là một chính sách rất hay, giúp cho VN từ một nước lạc hậu năm 2000 vươn lên hàng đầu ĐNÁ về CNTT. Hay những chính sách đúng về doanh nghiệp. Rõ ràng ở VN, nếu chính sách tốt sẽ nhận được phản ứng thuận lợi.
Chương trình hành động để VN trỗi dậy
Việt Lâm: Trở lại vấn đề khai sáng, tôi đồng ý với ông nhân tố lãnh đạo rất quan trọng, thậm chí đóng vai trò then chốt. Có lẽ đâu đó đã cho thấy tín hiệu lạc quan về sự khai sáng trong tầng lớp tinh hoa. Ví dụ như đầu năm nay, Thủ tướng có thông điệp gửi tới người dân, trong đó có chứa đựng những ý tưởng, đường hướng sáng sủa về cải cách. Chẳng hạn như ông thừa nhận về khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với các nước khác. Ông cũng đã khẳng định động lực phát triển của VN trong giai đoạn tiếp theo phải đến từ đổi mới thể chế, mở rộng dân chủ. Nhưng tôi cũng cảm thấy trăn trở về một vấn đề mà ông đã viết trong cuốn sách, đó là sự khai sáng trước tiên phải vượt thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều. Đặc thù hệ thống của chúng ta là một cá nhân chưa chắc đã đóng vai trò quyết định. Làm thế nào để ý chí cải cách để phát triển thẩm thấu được trong hệ thống, từ trên xuống dưới như bài học của các nước khác trong khu vực?
Ts. Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ Thủ tướng đã có bước đi ngoạn mục vào đầu năm nay. Khi ông ra thông điệp như vậy, giới trí thức chúng tôi có cảm thấy phấn chấn. Đây là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, phải nói một cách chân thành rằng niềm tin vào thông điệp của Chính phủ còn hạn chế bởi chưa đưa ra chương trình hành động cụ thể. Tôi rất mong Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra thông điệp thứ hai mang tính chất hành động, chẳng hạn như một chương trình hành động 10 điểm.
Tôi đã từng làm ở UBND Hải Phòng, nên tôi hiểu quyền hạn của Chính phủ còn có những hạn chế trong cơ chế của nước ta. Nhưng tôi thấy rằng hạn chế lớn nhất của VN là xúc cảm ở trạng thái thấp, hay nghi kỵ lẫn nhau thay vì cùng khát vọng, chia sẻ.
Nếu như các nhà lãnh đạo khác sẵn sàng giao quyền cho Thủ tướng thực hiện chương trình 10 điểm nếu chương trình này được làm hết lòng để nhân dân phấn chấn và đất nước trỗi dậy, thì khi đó họ sẽ đi vào lịch sử, vì đã bàn giao cho con người có trách nhiệm và quyết tâm nhất để làm. Đảng cũng như sẽ mạnh hơn, Chính phủ mạnh hơn và dân tộc cũng mạnh hơn.
Thế nhưng, về phía Chính phủ thì phải đưa ra được chương trình hành động trên cơ sở thâu tóm được tất cả ý chí cũng như trí tuệ của dân tộc. Nếu chỉ đơn thuần viết thông điệp thì một vài người giúp việc giỏi có thể viết được ra điều đó. Còn nếu có khát vọng lớn, quy tụ ý chí và trí tuệ của dân tộc, cũng như kinh nghiêm hay của thế giới, thì sẽ thành công, bắt đầu từ 10 điểm hành động. Mà 10 điểm này phải là những điều cụ thể, có thể thực hiện được đã, bởi đó là quá trình tạo niềm tin, tạo xúc cảm để chuyển trạng thái thấp sang cao, để mọi người có niềm tin ở nhau. Không thể hi vọng mọi người sẽ giống hệt nhau nhưng bài học trong lịch sử đã chứng minh, vì sự nghiệp lớn thì Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải có thể gội đầu cho nhau được, mặc dù hai người có hiềm khích ghê gớm. Vậy tại sao giờ chúng ta không vượt qua được? Nếu chúng ta chỉ xoay quanh việc vận động đầu tư nước ngoài vào các dự án thì điều đó chỉ mang tính chất tức thời. Nhưng những gì chúng ta làm để dân tộc lớn lên và trỗi dậy thì sẽ để lại cảm kích cho muôn đời sau.
(còn tiếp)
Tuần Việt Nam