Không có cơ sở để cho rằng các làn sóng dân nhập cư vào thành phố đã làm tăng tính xô bồ, hỗn tạp và làm phai nhạt lối sống thanh lịch của người Hà Nội.

LTS: Trong Phần 2 loạt bài Đi tìm bản sắc văn hóa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Chính đưa ra góc nhìn về câu chuyện cư dân "gốc" và nhập cư.

Bài 1: Có thật Hà Nội khác hẳn các vùng miền

Thế nào là "Hà Nội gốc"?

Nhà nghiên cứu Giang Quân, người đã viết tới 30 đầu sách về Hà Nội từng cho rằng "trước đây có khoảng 9% người Hà Nội gốc, còn sau khi Hà Nội mở rộng thì có lẽ con số đó giảm xuống chỉ còn 5% (tính theo 6,3 triệu dân). Vì thế mà tính hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội đang ngày một phôi pha".

Thực ra, không có cơ sở khoa học nào khả dĩ có thể phân biệt được người Hà Nội gốc và người Hà Nội nhập cư. Câu hỏi đặt ra là một gia đình sống ở Hà Nội bao nhiêu lâu thì được xem là người Hà Nội gốc? Ngoài thời gian định cư ở Hà Nội thì còn có tiêu chí nào khác để xác định tính chất "gốc" của người Hà Nội?

Chưa có nhà nghiên cứu nào có ý định làm rõ câu hỏi này nhưng dường như đang có một cách hiểu ngấm ngầm rằng người Hà Nội gốc là người có lối sống thanh lịch, đối lập với cách sống xô bồ và hỗn tạp của người Hà Nội nhập cư. Vì vậy người ta mới la lên rằng cái chất hào hoa thanh lịch của Hà Nội nay đang mất đi là do làn sóng di dân ào ạt vào thành phố.

Cách nói như vậy, theo tôi, chỉ là để thể hiện một ước vọng muốn phổ biến và phát triển những lối sống và thế ứng xử có văn hóa của người dân thành phố hơn là một thuộc tính phổ quát có thật đã từng tồn tại ở Hà Nội mà nay đã mất đi.

Về một phương diện nào đó, có thể đồng ý với giả thiết của hai nhà nghiên cứu Hoàng Hưng và Nguyễn Thừa Hỷ rằng cái thuộc tính hào hoa thanh lịch mà ngày nay người ta xem là bản sắc chung của người Hà Nội thực ra chỉ trở nên phổ biến và được nói đến nhiều dưới thời cận đại, trong những gia đình trí thức, quan lại và công chức Tây học, trên cơ sở tiếp nối truyền thống kẻ sỹ của những đạo đức nho học trước đó.

Nói như vậy cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng cái nếp sống thanh lịch ấy thực ra cũng không có tính chất "gốc" mà chủ yếu được hình thành và phát triển trên cơ sở của những gia đình nhập cư, vì phần lớn những người làm quan, học hành đỗ đạt và làm công chức trong bộ máy công quyền ở Hà Nội đều được tuyển dụng từ nơi khác đến và hợp thành một nhóm tinh hoa của đô thị.

{keywords}
Phụ nữ Hà Nội trong tà áo dài truyền thống

Trên hành trình đi tìm bản sắc của "tiếng Hà Nội gốc", nhà ngôn ngữ học Hoàng Hành xác định: "Người sinh ra và lớn lên ở (hai huyện) Vĩnh Thuận và Thọ Xương cùng với hậu duệ của họ là người Hà Nội gốc và tiếng nói của họ, thổ ngữ Vĩnh Thuận - Thọ Xương, chính là tiếng Hà Nội gốc". Dẫu vậy, ông vẫn phải thêm rằng "sau khi định đô, người Hà Nội gốc không còn chỉ là cư dân của hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương nữa, mà còn gồm cả những người từ bốn trấn quanh đó về định cư ở nội thị". Điều này có nghĩa rằng tìm hiểu tiếng Hà Nội gốc tức là tìm hiểu cái ngôn ngữ đã được phát triển trên cơ sở hòa trộn tiếng nói của cư dân hai huyện này với những người nhập cư đến từ các vùng, khác chứ không phải cái ngôn ngữ đã tồn tại từ trước khi có thành Thăng Long.

Nói như vậy để thấy rằng cuộc tranh luận về thành phần gốc và mới của cư dân Hà Nội không chỉ phức tạp mà còn có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Hơn thế, nó còn có thể dẫn tới cái bẫy của sự phân biệt đối xử giữa những người được xem là dân gốc với những người bị gán cho cái nhãn nhập cư.

Điểm đến của các làn sóng di cư

Cũng giống như nhiều đô thành trên thế giới, Thăng Long - Hà Nội luôn luôn là một điểm đến hấp dẫn của nhiều luồng di cư. Luồng thứ nhất bao gồm những thành phần tinh hoa của đất nước, có tài năng, học vấn và vốn liếng. Luồng thứ hai là những người dân cùng khổ từ các vùng nông thôn, do lao dịch, thuế má, thất bát, dịch bệnh và bóc lột, bị đẩy đến tình trạng bần cùng. Luồng thứ ba là sự hiện diện của những người nước ngoài đủ mọi thành phần sắc tộc và chủng tộc.

Mặc dù các luồng di cư vào Hà Nội trong lịch sử khá đa dạng và liên tục, nhưng phần lớn điểm đến của những dòng chảy dân số này là khu vực đô thị chứ không phải vùng nông thôn ngoại thành. Như vậy, có thể thấy rằng thành phần cốt lõi của cư dân đô thị từ khi định hình thành Thăng Long cho đến hiện tại là người tứ xứ. Vị thế công dân của họ tùy thuộc vào thái độ của nhà nước ở mỗi thời kỳ. Họ có thể trở thành thị dân, trở lại là nông dân hoặc chỉ là những kẻ vagabonds lơ lửng giữa nhà nước và làng xã.

Trong con mắt của các nhà quản lý, người di cư từ nông thôn vào đô thị thường không được khuyến khích. Có tài liệu lịch sử cho thấy ngay từ thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã từng ra lệnh đuổi tất cả những người dân tứ xứ đổ về Thăng Long kiếm kế sinh nhai, và chỉ kịp sửa sai sau khi nhận thấy chính những người di cư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế của đô thành và đóng thuế nuôi triều đình[2]. Câu chuyện từ vài thế kỷ trước vẫn đang là vấn đề thời sự của Hà Nội ngày nay. Báo chí từng đưa tin các nhà chức trách Hà Nội chủ trương ngăn cản luồng nhập cư vào Hà Nội từ năm 2010 trở đi, đặc biệt là đối tượng lao động tự do từ các vùng nông thôn[3].

Thực ra, những cố gắng bằng biện pháp hành chính như vậy thường không đạt được thành công vì nó đi ngược lại quy luật phát triển và quá trình đô thị hóa của thành phố này.

{keywords}
Những dòng người đổ về Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phú Lê/ Báo Tin tức

Lao động nhập cư có thể làm cho thành phố tập trung nhiều người nghèo hơn, nhưng nó cũng là nơi mang lại niềm hy vọng của nhiều người dân muốn thoát khỏi đói nghèo. Mặt khác, Hà Nội không thể trở thành một thành phố đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của quốc gia nếu không có đóng góp của những người dân di cư.

Từ khi thực hiện đổi mới, đô thị hóa bùng nổ như một cơn sốt và nhà quản lý có nguy cơ không tìm ra được chính sách hữu hiệu, dẫn đến lo ngại về người nhập cư sẽ làm quá tải thành phố và giải pháp quen thuộc dễ dàng nhất là cấm nhập cư.

Tóm lại, dân nhập cư luôn luôn là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc dân số của Hà Nội, trong quá khứ đã như vậy, trong hiện tại và tương lai cũng sẽ vẫn tiếp tục như vậy. Các lớp người di cư vào thành phố không chỉ mang lại sức sống và những năng động kinh tế - xã hội cho khu vực đô thị, họ còn góp phần tạo nên bức tranh đa dạng và sống động trong đời sống văn hóa của thị dân. Vì thế, không có cơ sở để cho rằng các làn sóng dân nhập cư vào thành phố đã làm tăng tính xô bồ, hỗn tạp và làm phai nhạt lối sống thanh lịch của người Hà Nội.

(Còn tiếp)

PGS.TS Nguyễn Văn Chính

*Tác giả là Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học Văn hoá - Xã hội tại Đại học Amsterdam, Hà Lan. Hiện ông là Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

-----

[1] Nhà nghiên cứu Giang Quân với 30 đầu sách về Hà Nội; Thể thao Văn hóa, ngày 24/08/2010.

[2] UBND Thành phố Hà Nội 2010, phần "Nguồn gốc dân cư" "Nguồn gốc dân cư".

[3] "Cần tính kỹ việc hạn chế nhập cư vào Hà Nội"; VnExpress, 12/5/2010.

 

Đọc thêm các bài về Hà Nội:

Đài truyền hình quốc gia chỉ của "người Hà Nội"?

Giây phút thiêng liêng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, được phát thanh toàn quốc "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?" thì đâu có ai quan tâm giọng nào là giọng chuẩn?

Dưới Cột cờ Hà Nội nói với con về Tổ quốc

Cột cờ đã đứng đó từ thời Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội, và nay nó đang và sẽ cùng chúng ta tiếp tục bảo vệ từng tấc đất nơi đầu sóng.

Nếu một ngày, Hà Nội không còn cầu Long Biên

Nếu một ngày, HN không còn cầu Long Biên, thì nối hai bờ sông Hồng sẽ chỉ còn khoảng trống hụt hẫng, dù những cây cầu khác thay nhau mọc lên.

Nghĩ về cái sự 'chán' Hà Nội

Hôm nay đi lên cầu Long Biên bắt gặp vài cái "khóa tình yêu", chỉ lạ ở chỗ, những người yêu nhau đó họ chọn chỗ để khóa đúng cái chỗ thẳng đuột vô duyên của cầu.