-Đến giờ, dù nỗi ám ánh của Nho giáo vẫn ngự trị  ở mọi góc khuất của xã hội Việt Nam, nhưng nếu chúng ta thấy một đám cưới của một cô gái Việt với một chàng Tây - cho dù mục đích của cuộc hôn nhân này là gì đi nữa, thì chúng ta cũng không còn ngạc nhiên hay có tâm trạng tiêng tiếc như ngày xưa nữa.

Phần 1: Khi lần đầu được "cởi trói", phụ nữ Việt choáng ngợp

LTS: Đề tài "cởi trói" người phụ nữ, trả họ về vị trí xứng đáng trong xã hội và trong từng gia đình vẫn luôn được nhiều người quan tâm. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Trần Văn Tuấn, đưa ra cái nhìn lịch sử, tổng quát về câu chuyện này.


Bẵng đi mấy chục năm bận bịu do chiến tranh, chuyện phụ nữ Việt lấy chồng Tây có lúc tưởng chỉ còn được nhắc trong sách vở với nhiều người.

Vai trò của người phụ nữ đã được nâng cao lên rất nhiều và thực sự họ đã tham gia vào tất cả các công đoạn của đời sống thường nhật; họ đã có các cơ hội trong tiếp cận giáo dục, y tế và kinh tế. Thậm chí nhiều người trong số họ đã trở thành Anh Hùng, hoặc nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, nhưng sự tiến bộ về chính sách và thể chế dường như đi quá nhanh so với sự tiến bộ về nhận thức của đàn ông và kể cả một bộ phận không nhỏ phụ nữ Việt.

Đàn ông Việt có vẻ tiếp thu cái hay, cái dở của thế giới hiện đại tương đối nhanh, nhưng vì quyền lợi, hình như họ rất chậm trong sự nghiệp  giải phóng cho phụ nữ khỏi các mối quan hệ hàng ngày.

Và rồi cũng đến lúc đàn ông Việt không còn độc tôn hay là sự lựa chọn duy nhất cho một số phụ nữ Việt khi họ có điều kiện tiếp xúc với nhiều người nước ngoài thông qua học tập, công việc và du lịch khi đất nước ta mở cửa.

Với vị thế mới của đất nước, cùng kiến thức và sự tự tin, phụ nữ Việt ngày nay đã khác hẳn những "me Tây" thời Pháp thuộc, và ở bên kia, những người đàn ông ngoại quốc cũng đã văn minh hơn rất nhiều so với cha ông.

Họ không chỉ nói mấy từ cảm ơn, xin lỗi, làm ơn theo thói quen như mấy ông Tây ngày trước mà thay vào đó họ chia sẻ mọi niền vui, gánh nặng cuộc sống của người bạn đời bằng hành động thiết thực - những thứ đàn ông Việt cho là chuyện nhỏ nhưng lại có thể cảm động tâm can nhiều phụ nữ.

Đến bây giờ, mặc dù nỗi ám ánh của Nho giáo vẫn ngự trị đâu đây ở mọi góc khuất của xã hội Việt Nam, nhưng nếu như chúng ta thấy một đám cưới của một cô gái Việt với một chàng trai ngoại quốc, cho dù mục đích của cuộc hôn nhân này là gì đi nữa, thì chúng ta cũng không còn ngạc nhiên hay có tâm trạng tiêng tiếc như ngày xưa nữa.

Giống như một số người Việt được sang Tây ngày trước, họ ngưỡng mộ, ngất ngây với cơ sở vật chất và tiến bộ của thế giới hiện đại. Thay vì nhận diện sự vật hiện tượng theo hướng khâm phục trí tuệ và khả năng lao động tuyệt vời của người ta khi tạo dựng nên một đất nước và xã hội giàu mạnh, thì nhiều người trong số này quay sang dè bỉu dân mình, người mình và nước mình và phủ nhận tất cả những gì thuộc về bản sắc Việt. 

{keywords}
Ca sĩ Đoan Trang và người chồng nước ngoài. Ảnh VTC

Và trên nhiều diễn đàn đã phản ánh, một khi được cởi trói bất thình lình thì cái mà chúng ta gọi là "thái quá" sẽ ngay lập tức được kích hoạt và giống như gió đổi chiều, họ quay lại dè bỉu và có nhiều người thậm chí đã lên tiếng "coi thường" đàn ông Việt.

Đây cũng lại chính là nguyên nhân để tính phản vệ trong văn hóa Việt - vốn không ưa và cảnh giác với các yếu tố ngoại lai, có điều kiện trỗi dậy. Kết quả là gì thì chúng ta có thể nhìn thấy được. Không những một số phụ nữ kia bị lên án và phản bác mạnh mẽ mà những người lấy chồng Tây vốn xuất phát từ tình yêu và sự đồng điệu của cả hai bên cũng bị vạ lây.

Tôi cho rằng đây là một phần nguyên nhân khiến cho vở kích của "Vua Phóng Sự" Vũ Trọng Phụng sống lại mạnh mẽ trên sân khấu kịch TP. HCM thời gian qua.

Không có ý định bảo về đàn ông Việt theo kiểu "nói gì thì Bố cô cùng là đàn ông Việt" hay "ai nuôi cô khôn lớn", tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến những ai đang và sẽ hoặc có ý định cưới một chàng ngoại quốc vài gợi ý sau:

Thứ nhất, hôn nhân thường dựa trên tình yêu, bởi vậy nếu bạn rung cảm trước một chàng trai Việt thì bạn cứ mạnh dạn cưới anh ấy. Ngoài các yếu tố về vật chất và các nguyên tắc sống chung trong gia đình ra, thì sự bình đẳng chỉ có được hoặc đạt đến tầm cao khi cả hai có tình yêu.

Thứ hai, những thứ mà chúng ta thoạt nhìn lại và thấy đầy rẫy sự bất cập của nam giới Việt Nam đó, đã tồn tại hàng ngàn năm nay và nó sẽ còn tồn tại mãi nếu chúng ta không đấu tranh, vận động để xóa bỏ dần dần. Do đây là đặc quyền của đàn ông nên nếu không có chuyện gì nghiêm trọng thì tại sao tôi lại phải xung phong đi chợ hay giặt đồ trong khi có thể ngồi uống trà xem bóng đá.

Sự coi thường đàn ông Việt theo kiểu nói họ thiếu ga-lăng, không tâm lý, cộc cằn hay gia trưởng sẽ rất khó mang lại tác dụng. Chúng ta cần nhìn thêm một vài chiều nữa để thấy rằng ngoài những hạn chế đó ra, đàn ông Việt cũng có những thứ độc đáo của họ. Khi yêu vợ thì tôi cam đoan rằng ít đàn ông nước nào kính đằng vợ như đàn ông Việt. Bên ngoài họ khoa trương khoác lác nhưng về nhà ít ai nghe lời vợ hơn họ. Họ ít thể hiện tình cảm ở bên ngoài nhưng với nhiều người, vợ luôn có chỗ đứng vững chãi ở trong tim và kể trong óc nữa.

Có thể tôi nói điều này hơi chủ quan nhưng chính việc xem trọng vợ con và gia đình và hết lòng vì nó đã góp phần duy trì tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam luôn ở mức thấp. Cái cốt lõi ở đây là bạn có vận dụng được "quyền lực mềm" để thay đổi người bạn đời theo xu thế thời đại một cách kiên nhẫn hay không!

Thứ ba, đàn ông ngoại quốc họ không phải sinh ra là đã lịch sự. Những cái văn minh của họ đều có được là do được nhúng vào môi trường văn minh - những thứ vốn không có được nếu không có sự đấu tranh lâu dài của người Phụ nữ phương Tây. Được đào tạo, giáo dục và học hỏi trong môi trường như vậy  đã tạo nên những người đàn ông với các tố chất mà một số phụ nữ cho rằng đàn ông Việt không có.

...

Thay vì chỉ trích đàn ông Việt, chúng ta hãy bắt đầu từ việc thay đối nhận thức và hành vì cho con trẻ; để chúng hiểu thế nào là sự chia sẻ, thế nào là cách yêu thương đúng nghĩa. Góp phần tạo dựng một thế hệ đàn ông Việt tự tin, bản lĩnh và lịch lãm trong tương lai gần.

Đến khi ấy, tôi sợ rằng đàn ông Tây lại bị ế vợ!

  • Trần Văn Tuấn