Giáo viên cũng là người,  dễ bị cám dỗ. Nếu chúng ta cứ ấn tiền bạc, quà cáp vào tay ép nhận thì dần dần họ sẽ quen. Lâu dần ai không có quà họ sẽ khó chịu. Sau đó phụ huynh lại đổ lỗi cho giáo dục là tham nhũng!

Dịp đầu năm học mới, tôi tìm đọc lại một bài báo cũ, trong đó tác giả than thở: "Vào ngày lễ, nếu tôi chưa kịp mua quà tới biếu cô giáo, cháu rất lo lắng. Cháu nói ở trường các bạn đều mang quà cho cô mà sao mẹ chưa mua. Nếu bị điểm xấu đầu năm, cháu cũng tâm sự rằng các bạn nói thày cô đang "đánh điểm xuống". Chỉ cần đánh xuống vài điểm nữa là hết tháng 9 hay cùng lắm tháng 10, cả lớp sẽ phải đi học thêm. Nếu không thì không tài nào có điểm tốt. Con tôi cũng nói ở lớp có cha mẹ một số bạn là Mạnh Thường Quân, vì vậy nên cô cũng có những ưu tiên nhất định cho các bạn hơn là những đứa bình thường...".

Tôi nhớ lại một chuyện mới xảy ra vào học kỳ trước.

Trong lớp tôi dạy có một HS nghỉ giữa chừng, do bị tai nạn. Lúc ấy lớp học được 2/3 chương trình, tôi nhắn lớp trưởng báo em cứ yên tâm nằm viện. Em có thể mượn vở của bạn học bài, bao giờ đi lại được thì đến làm bài kiểm tra lấy điểm bù cho điểm kiểm tra giữa kỳ là vẫn được thi.

Một hôm tôi nhận được điện thoại của một GV trẻ trong trường nói là em sinh viên ấy là người nhà, nhờ tôi giúp đỡ. Tôi bảo chả có việc gì phải lo, khi nào khỏe lại, ấy cứ đến chỗ tôi làm bài là xong.

Dù tôi đã bảo không cần thiết, nhưng em vẫn nằn nì nói gia đình SV muốn đến thăm tôi.  Hôm sau mẹ em SV đến, khoảng ngoài 40, trông giản dị kiểu công chức.  Tôi bảo quy chế cho nghỉ, nhưng bà vẫn lo lắng. Đến lúc về bà dúi vào tay tôi một cuốn sổ, trong lấp ló cái phong bì; tôi bảo cháu đang ốm, nhà cần tiền, bác cứ cầm về. Giằng co mãi mới trả được, vừa thương vừa bực.

{keywords}

Tình trạng tham nhũng trong giáo dục có phần lỗi của phụ huynh.

Hôm sau em ấy chống nạng đến làm bài, rất rụt rè. Tôi phải lên lớp nên dặn em làm bài luôn ở văn phòng rồi nộp lại cho thư ký. Bài em làm tương đối ổn.

Tưởng thế là yên ai dè trước hôm thi cô đồng nghiệp gọi lại, nhắn nhủ, gia đình muốn gửi tôi chút quà. Tôi bảo là không cần thiết vì tôi có giúp được gì đâu? Thế là cô lại nằn nì, xin tôi nâng đỡ em ấy. Tôi cáu quá, bảo: "Em ơi, em ấy làm bài OK mà, sao cứ phải vẽ chuyện ra thế? Chúng mình đều là giáo viên, em làm thế người ngoài nghĩ chúng ta thế nào?". Lúc đó cô ấy mới chịu thôi.

Chuyện này giải thích vì sao ngành giáo dục mang tiếng xấu. Bản thân tôi có hai con và chưa bị giáo viên nào gây áp lực. Các phụ huynh khác thỉnh thoảng rủ tôi nên làm gì đó với giáo viên để nâng điểm cho con nhưng tôi không tham gia. Tôi nghĩ mình may mắn vì trừ 1-2 giáo viên tiểu học có ép con học thêm đôi chút, còn lại không giáo viên nào sách nhiễu cả. Thậm chí các thầy cô còn nhắn tôi mỗi lần con có khuyết điểm để kịp thời chấn chỉnh.

Năm tôi đi nước ngoài, cô giáo con còn email cho tôi thông báo tình hình. Tôi rất biết ơn giáo viên của con, tôn trọng họ, có chút quà ngày lễ nhưng không mưu cầu gì và họ cũng tôn trọng tôi.

Đến thăm thầy cô ngày lễ, tôi chứng kiến nhiều phụ huynh chuẩn bị quà đắt tiền nhưng tôi thì không mà con cũng không bị trù úm. Tôi chấp nhận sự thực về con, chẳng bao giờ yêu cầu nâng điểm. Ở đâu cũng vậy, bạn thế nào sẽ gặp người như thế. Cho đến bây giờ tôi không có chức vụ gì to tát, không phải public figure nên không thể hy vọng gây ảnh hưởng cho ai. Có lần tôi nghe mẹ của bạn con tôi bảo giáo viên lớp con thế nọ thế kia nhưng tôi không hề thấy như vậy.

Cho đến giờ tôi vẫn nhớ ơn rất nhiều thầy cô giáo đã dạy con tôi mà tôi không nhớ hết. Các thầy cô đã rất tận tụy với con tôi mà chưa bao giờ có chút gì phiền hà với gia đình tôi hay bất kỳ học sinh nào. Vì vậy, tôi thấy mình có nghĩa vụ phải lên tiếng để bảo vệ những giáo viên vẫn cần cù làm công việc của mình một cách trung thực để họ không bị mang tiếng xấu oan.

Tôi không hề có ý định phủ nhận chuyện có giáo viên nhận tiền hoặc sách nhiễu học sinh nhưng các phụ huynh cũng có phần lỗi ở trong đó.

Như một sinh viên của tôi đã nhận xét: "Trong bài báo có 1 điểm mà em không tán thành nhất, đấy là khi tác giả phê phán việc tặng quà thầy cô ở trường.

Thứ nhất, tặng quà là 1 cách cảm ơn vì đã tận tình dạy dỗ, cái này là hoàn toàn hợp lý.

Thứ hai, tặng quà bị biến tướng thành việc tặng phong bì, chạy đua phong bì... ảnh hưởng đến cả con trẻ (khi thấy bạn mình tặng cô mà mình chưa tặng thì cũng về đòi bố mẹ...) thì đấy là lỗi của phụ huynh (dĩ nhiên thầy cô cũng có phần lỗi, nhưng xuất phát điểm không phải từ thầy cô).

Nếu các bố mẹ không tặng phong bì, thì thầy cô cũng không đòi hỏi, tự các bậc phụ huynh tạo ra tiền lệ xấu đấy, vậy nên có trách thì cũng trách mình trước, đừng có cái gì cũng đổ lỗi cho  giáo dục".

Giáo viên cũng là người, cũng dễ bị cám dỗ. Nếu chúng ta cứ ấn tiền bạc, quà cáp vào tay ép họ nhận thì dần dần họ sẽ quen đi. Lâu dần ai không có quà họ sẽ khó chịu. Nếu là người xấu họ sẽ tìm cách gợi ý để bạn phải có quà... Rồi người không nhận quà sẽ thấy mình thiệt và sẽ làm theo. Sau đó phụ huynh lại đổ lỗi cho giáo dục là tham nhũng! Phải chăng xuất phát điểm chính là do ta không chịu chấp nhận sự thực về con mình???

Nguyễn Hoàng Ánh (Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội)

Tin bài liên quan:

Đại gia thường là 'học sinh cá biệt'?

Không phải vô lý khi có người nói: nhiều học sinh "cá biệt" "quậy phá" là những người thành công sau này. Đơn giản vì những người đó rất giỏi kỹ năng sống.

Giáo dục phương Tây có phải lựa chọn hoàn hảo?

Tôi không nghĩ rằng: hệ thống giáo dục của phương Tây là hoàn hảo, và VN cần phải áp dụng thì mới có thể đóng góp cho quá trình phát triển của đất nước.

Khi tham nhũng giáo dục trở thành chuẩn mực

Dư luận thêm một lần nữa nhìn nhận rõ ràng hơn về tình trạng “chạy” trường đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Bỏ thi tốt nghiệp, giáo dục Việt Nam tan rã?

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, giáo dục sẽ tan rã chứ không chỉ đi xuống. Tuy nhiên, việc xem xét, nghiên cứu, tổ chức lại chất lượng, cấu trúc của kỳ thi là cần thiết.

Có người bảo ngành giáo dục rất "dại"

Có người bảo ngành giáo dục rất "dại", chỉ tạo cớ cho giới truyền thông "chọc ngoáy". Thực ra, có những chuyện của "tảng băng giáo dục" to tát hơn nhiều, mà lâu nay vẫn chưa bao giờ lộ diện.