Quyền im lặng cũng như mọi quyền khác, nếu chúng ta không hiểu rõ và quy định một cách thiếu cẩn trọng thì có khi lại hạn chế quyền của công dân.

>> Vụ Cát Tường, dùng nhục hình và chặng đường gian nan

>> Tránh thảm kịch "gấu bị bắt nhận là... thỏ"

Những người làm luật thường dẫn ra câu chuyện "gấu bị bắt nhận làm thỏ" để mô tả hiện tượng khi chịu sự áp lực của tra khảo và giam giữ, con người ta thường có xu hướng khai nhận những hành vi mình không làm.

Thực tế, những quyền cơ bản của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ (tạm gọi chung là quyền nghi can) được đưa ra để bảo vệ con người khỏi tình trạng đó.

Nghi can, cho đến khi bị tòa án kết án, vẫn là một công dân vô tội, cho dù hành vi của người này đã rõ ràng đến mức nào. Điều này không chỉ còn là những quyền con người bất thành văn nữa, mà đã được quy định rất cụ thể trong Hiến pháp nước ta, cũng như Bộ luật tố tụng hình sự. Thuật ngữ pháp lý gọi đây là nguyên tắc "suy đoán vô tội".

Tuy nhiên, để nguyên tắc "suy đoán vô tội" được thực thi, người nghi can phải được hưởng quyền không bị buộc đưa ra những chứng cứ chống lại mình, hay gọi đơn giản là "quyền không chống lại bản thân". Bởi lẽ, suy đoán vô tội không chỉ mang ý nghĩa buộc cơ quan điều tra, truy tố và xét xử phải luôn suy đoán vụ án theo hướng có lợi cho bị cáo, mà còn có nội dung rằng việc xác định một người có tội hay không là trách nhiệm của phía Nhà nước.

Để đảm bảo "quyền không chống lại bản thân" đó, người nghi can phải có "quyền im lặng", tức là quyền không hợp tác, không tự buộc tội bản thân với cơ quan điều tra.

{keywords}
Ảnh minh họa

Người nghi can phải thực sự hiểu rõ quyền

Vậy thì ta nên hiểu thế nào về "quyền im lặng" như đang được đề xuất đưa vào Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi?

Thật ra đây không phải là quyền gì mới mẻ. Trên thực tế, khai báo với cơ quan điều tra chưa bao giờ được coi là một nghĩa vụ của người nghi can, kể cả trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Việc không hợp tác với cơ quan điều tra cũng không phải là một tình tiết tăng nặng khi lượng hình theo quy định của Bộ luật hình sự.

Cho nên, một khi đã không phải là nghĩa vụ thì việc người nghi can có khai báo hay không hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của họ. "Quyền im lặng" được đưa ra thực chất chỉ là một sự tái khẳng định và thành văn hóa cái nguyên tắc cơ bản, dễ hiểu đã nêu trên.

Quay trở lại với câu chuyện "gấu thành thỏ", người nghi can khi bị truy vấn đã phải chịu một sự áp lực rất lớn, cả vô hình lẫn hữu hình, từ cơ quan điều tra và thậm chí là dư luận xã hội. Vũ khí duy nhất bảo vệ họ trong lúc này chính là những quyền mà pháp luật trao cho, trong đó có cả "quyền im lặng". Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, áp lực và sự thiếu nhận thức pháp luật khiến cho người nghi can không thực thi những quyền năng của mình một cách đầy đủ nhất.

Nghĩa vụ của Nhà nước trong lúc này là phải giải thích thật rõ cho người nghi can biết họ có những quyền gì.

Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thực chất là có quy định nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải giải thích rõ quyền của người nghi can trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Nhưng trên thực tế, cái chúng ta thiếu chính là một cách giải thích chuẩn nhất, rõ ràng nhất để người nghi can thực sự hiểu rõ quyền của mình. Hiện nay, trong các trại tạm giam, tạm giữ của cơ quan điều tra, luôn dán sẵn một bảng rất lớn, chữ to về quyền của người nghi can, tiếc rằng chúng vẫn mang nặng tính chất sự sao chép máy móc văn bản pháp luật.

Ở Hoa Kỳ, Hong Kong và Anh, pháp luật bắt buộc cơ quan điều tra, viện công tố và kể cả tòa án, trong mọi giai đoạn tố tụng đều phải lặp đi lặp lại với nghi can về quyền im lặng của họ, trước khi tiến hành lấy cung. Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải nhắc nhở người nghi can rằng nếu họ chọn việc cho lời khai thì những lời khai đó sẽ được sử dụng để chống lại họ trước tòa.

Với cách đó, một người bình thường sẽ biết lựa chọn giữa việc cho lời khai để hưởng khoan hồng, hoặc im lặng để bảo vệ mình. Từ đó, hai quyền được suy đoán vô tội và quyền không chống lại mình sẽ được bảo đảm cao nhất.

Ở Đức, Pháp và các quốc gia có hệ thống thẩm phán thẩm tra (investigating judge) giống Việt Nam, cơ quan tiến hành tố tụng cũng buộc phải giải thích cặn kẽ quyền im lặng cho người nghi can như vậy.

Vấn đề cốt lõi

Sẽ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nếu như người nghi can không hiểu rõ các quyền của mình. Chính vì thế, vấn đề cốt lõi trong việc soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi hiện nay, thiết nghĩ không thực sự nằm ở chuyện đưa thêm một quyền mới vào rồi nhưng lại ít quan tâm đến việc giải thích cho nghi can biết.

Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các quy định hiện hành và quy định rõ hơn. Như vậy, vừa tránh được cảm giác pháp luật "thiên vị" nghi can và gây khó khăn cho hoạt động điều tra như một đại biểu đã lo ngại, vừa đảm bảo sự công bằng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Cụ thể, trong các điều luật quy định về quyền của người nghi can trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, chúng ta có thể đưa thêm một điều khoản rõ ràng, minh định rằng: "Người bị tạm giữ/ bị can/ bị cáo không có nghĩa vụ phải khai báo hoặc đưa ra các bằng chứng, lời khai chống lại mình trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng không được phép đe dọa, gây áp lực hay tạo sự bất lợi cho người bị tam giữ/ bị can/ bị cáo khi thực hiện quy định tại điều này".

Quy định rõ ràng như vậy chính là để ngay cả khi cơ quan tiến hành tố tụng chỉ trích dẫn luật ra khi giải thích quyền cho người nghi can thì người nghi can vẫn sẽ hiểu.

Thiết nghĩ, mục tiêu của Bộ luật tố tụng hình sự chính là để vừa tìm ra chân tướng sự thật, vừa tạo sự công bằng cho nghi can, giúp bảo vệ quyền con người. Tất cả các quốc gia, thiết chế văn minh đều hướng đến mục tiêu như thế.

"Quyền im lặng" là một định chế lý tưởng để góp phần đi đến mục tiêu đó. Nhưng cũng như mọi quyền khác, nếu chúng ta không hiểu rõ nó và quy định một cách thiếu cẩn trọng thì có khi lại hạn chế quyền của công dân. Gần đây, xuất hiện một cách hiểu quyền im lặng là người nghi can được quyền không khai báo cho đến khi có luật sư.

Theo thiển nghĩ của người viết, cách hiểu này không chuẩn về mặt khái niệm. Khi chúng ta đã hiểu rằng "quyền im lặng" là quyền phái sinh từ nguyên tắc "suy đoán vô tội" và "quyền không chống lại mình" thì cần đảm bảo quyền đó được thực thi trong suốt quá trình tố tụng, chứ không dừng lại khi có luật sư. Hiểu như cách trên sẽ vô hình khiến cho người nghi can có nghĩa vụ khai báo khi luật sư của anh ta xuất hiện, như vậy thì sự có mặt của luật sư trở nên vô nghĩa.

Chính vì thế, nếu Quốc hội chưa thể thống nhất đưa vào được một quy định về một quyền có tính đầy đủ, trọn vẹn, thì phải chăng nên tập trung sử dụng các công cụ hiện hành để đạt được mục tiêu.

Bởi lẽ, nếu cứ chần chừ hoặc hiểu sai về một quyền có thể coi là căn bản trong bối cảnh thế kỷ 21, thế kỷ của minh bạch, thì Việt Nam sẽ trở thành một "ốc đảo" kì lạ. Mà điều đó thì hẳn không người Việt Nam nào mong muốn.

Lê Nguyễn Duy Hậu

*Tác giả hiện đang hành nghề luật tại TP.HCM.

Bài cùng tác giả:

Bản án giật mũ và tương lai một con người

Trong vụ án ở Hải Phòng, liệu hành vi gây ra đó có quá nguy hiểm cho xã hội đến mức tòa án xếp chung với các tội phạm cướp giật thông thường?

Từ phát ngôn 'thần đồng' đến clip xé đề cương

Cách xã hội phản ứng lại hai sự kiện, bài phỏng vấn bé Đỗ Nhật Nam và clip "xé đề cương Sử", đã cho thấy nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay.

Ẩu đả tại Thái Nguyên và chuyện 'tháo ngòi nổ'

Việc "tháo ngòi" những ẩu đả này phải là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là nỗi lo về hình ảnh của VN trong mắt bạn bè quốc tế.