Người Hà Nội thì sẽ luôn trở về, về thành phố của những cửa ô vẫn ngày ngày sầm uất người xe, xa một ngày, đã thấy nhớ, Hà Nội ơi!

Cách đây hơn 30 năm, tôi học ở trường Trưng Nhị, là nơi "tụ tập" của các lớp chuyên văn và toán của Quận Hai Bà Trưng. Các bạn của cả Quận tụ về học cùng, từ "lề trên" như những phố Lê Văn Hưu, bên này của Nguyễn Du... đến "biên dưới", các bạn tận Đuôi Cá Trương Định... đều học cùng cả.

Tất cả họ, đều phải đi qua một cửa ô nào đó để đến trường. Tôi dân phố Huế, gần một cửa ô nhiều người nhớ tên: Ô Cầu Dền. Ngay tuần trước trên ti-vi trong một trò chơi truyền hình, một bác người chơi nói: "Tôi ở Hà Nội mấy chục năm, chỉ nhớ có ô Cầu Dền!" nghe sao mà sung sướng.

Các bạn học cùng một hội đông nữa bên phía cửa đằng kia của thành phố: Ô Đống Mác, hồi đó cứ trêu nhau: "Chúng mày nhà ở Ô đống rác", là bực bội lắm.

Nhưng cũng rất thú vị, là tất cả các bạn, kể cả sau này quen các bạn nhà bên Ô Chợ Dừa hay Ô Quan Chưởng, hầu như đều gọi chỗ có cửa ô là "Đầu Ô". Từ "Đầu Ô" bây giờ nghe lạ lẫm, nhưng hồi đó là không hề hiếm gặp, (giống như bây giờ hay nói: chỗ "đầu dốc" ấy mà), và chỉ Hà Nội mới có cửa Ô, nên "Đầu Ô" là một từ "rất Hà Nội".

{keywords}
Ô Quan Chưởng. Ảnh: Phúc Lai

Một lần cậu bạn đến chơi, bà ngoại mình hỏi nhà cháu ở đâu? - "Nhà cháu bên tập thể Kim Liên bà ạ!" "Ôi xa thế hả cháu? Đi sang đây phải đi qua cả đường tàu. Nhà cháu là bên Ô Đồng Lầm đấy." Thế là cái đầu óc non nớt của hai chú nhóc 10 tuổi có thêm một cửa ô nữa, Ô Đồng Lầm.

Đọc truyện Hà Nội xưa, thì chỗ Đại học Bách Khoa hiện nay, trước đầu tiên được xây thành khu "Việt Nam học xá", bên kia đường cái là Bệnh viện Bạch Mai, còn xa hơn tí nữa, là khu Sân bay Bạch Mai. Giữa các khu này, là cánh đồng, là ao chuôm, ếch nhái ộp oạp. Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, bộ đội du kích từ Sân bay Bạch Mai mà về Việt Nam học xá để vào các làng gần gần khu Ô Đồng Lầm như làng Kim Hoa, hay các xóm quanh hồ Bảy Mẫu bây giờ, như xóm Vân Hồ... thì hẳn là cả một khó khăn lớn.

Ngày xưa, đi hết "phố đèn đỏ" ả đào, cô đầu Khâm Thiên, đến Ô Chợ Dừa, đã là hết đất Hà Nội rồi, ngoài đó trở đi, là đất của Hà Đông Tỉnh. Cũng chính vì thế mà lăng Hoàng Cao Khải ở Ấp Thái Hà, nay trong lòng Hà Nội. Một người Hà Nội rất am hiểu, anh Văn Thành Nhân nói với tôi, rằng chỉ cách đây vài năm đến nhà bạn ở Ngã Tư Sở chơi - nhà anh này ở đó đã lâu đời, mẹ anh ấy vẫn gọi "Này, có các anh chị "ngoài Hà Nội" vào chơi!".

Bây giờ chúng ta cứ tạm hình dung các cửa ô Hà Nội chính là các lối để đi vào thành phố xưa, nó gắn chặt với các hoạt động kinh tế xã hội của đô thị thời đó - bám vào các con đường đê cũng là mạch huyết giao thông quan trọng.

Ô Yên Phụ, để bà con các làng hoa từ Tây Tựu xuống đến Nghi Tàm, Quảng Bá... mang hoa vào phố bán thì mới có "Lũy Hoa" của Nguyễn Huy Tưởng. Ô Quan Chưởng nay vẫn còn cái cổng, ba chữ "Đông Hà Môn" đã đủ để chúng ta hình dung cảnh trên bến dưới thuyền.

{keywords}
Tưới hoa ở làng Tây Tựu. Ảnh: Phúc Lai

Cứ thế mà chạy theo đường đê xuống tít dưới Lĩnh Nam, bà con các vùng quê Bát Tràng chở gốm, Hưng Yên chở nhãn lồng, Hải Dương chở vải thiều... qua biết bao bến đò ngang sông Hồng mà sang Hà Nội, qua Ô Đống Mác mà vào phố, tỏa đi khắp các chợ. Tất nhiên, trung tâm buôn bán vẫn là khu Đồng Xuân, Bắc Qua... của Ô Quan Chưởng, chẳng khu vực nào có thể "tiếm ngôi" được.

Cũng qua các cửa ô, mà hàng hóa các làng nghề Hà Nội đi khắp các tỉnh, làng Ngũ Xã đúc đồng, làng Làng giấy dó Yên Thái và biết bao ngành nghề tinh hoa hội tụ nơi kinh kỳ.

Hồi nhỏ tôi có đọc trong một cuốn truyện tranh nhắc chuyện "tên" quan năm Pháp Henri Rivière chết trận khi giao tranh với quân Cờ Đen ở Cầu Giấy, mà sau này đọc nhiều tài liệu, sách vở còn gọi là "Ô Cầu Giấy".

{keywords}
Qua cầu Long Biên vào phố bán hàng. Ảnh: Phúc Lai

Đến gần đây khi xem trên Wikipedia tiếng Việt mới thấy liệt kê, trước kia HN có đến HN có đến 21 cửa ô [2], nhưng nay những cửa ô thường dùng nhất của Hà Nội chỉ còn có 6: ô Yên Phụ, ô Quan Chưởng, ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Đồng Lầm, ô Chợ Dừa. Chuyện với anh Văn Thành Nhân, nhận ra rằng Cầu Giấy đi vào thành phố qua ngả Kim Mã - Nguyễn Thái Học, hồi đó là làng Thủ Lệ, đi qua trước đền Voi Phục, cũng nên tính là một cửa ô, nghĩa là cửa ô thứ 7.

Tôi vẫn hình dung nếu ngày 10/10/1954, các đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô theo "năm cửa Ô", thì qua các cửa ô từ mọi hướng xung quanh thành phố mà vào [3]. Từ chiến khu Việt Bắc, chắc đi qua cầu Long Biên qua Ô Quan Chưởng, chính chiếc cầu mà "những người lính Pháp cuối cùng đi qua cầu rút khỏi Hà Nội xuống Hải Phòng". Còn từ các vùng như Phú Thọ, Sơn Tây... bộ đội đi vào theo đường Cầu Giấy, qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học. Lại nói hướng phía tây thì từ Hòa Bình, dưới Vân Đình, Miếu Môn qua Hà Đông, đến cửa ô Chợ Dừa; ô Cầu Dền, ô Đồng Lầm tiếp các đoàn quân từ phía Nam theo quốc lộ Bắc Nam mà hành quân vào... Vì thế, rất xứng đáng bổ sung thêm Ô Cầu Giấy cho các cửa ô thường của Hà Nội ngày nay.

Nhạc sỹ Văn Cao khi sáng tác bài "Tiến về Hà Nội" đã so sánh, năm cửa ô như năm cánh sao vàng (có nguồn nói là năm ngón tay) đón các đoàn quân tiến vào giải phóng thủ đô, một hình ảnh đẹp. Hình ảnh đó sau này, vào bài hát "Hà Nội niềm tin và hy vọng" của Phan Nhân, nó đã lên một tầm cao mới "Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô, nghe tiếng cười không quên niềm thương đau..."

Hà Nội mùa thu của nắng vàng lá rụng và những cơn gió heo may xào xạc, "người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Nhưng người Hà Nội thì sẽ luôn trở về, về thành phố của những cửa ô vẫn ngày ngày sầm uất người xe, xa một ngày, đã thấy nhớ, Hà Nội ơi!

Phúc Lai

----

Chú thích

[1] Xem từ khóa "Cửa ô Hà Nội", vi.wikipedia.org.

[2] Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, sách Bắc thành địa dư chí (tờ 3a) soạn vào những năm đầu thế kỷ XIX cho biết là Hà Nội có 21 cửa ô. Song cách này lại không kể đủ tên các ô đó. Phải đợi đến năm 1831 thì mới được ghi chép cụ thể. Trong bản đồ dựng năm này có ghi lại vị trí và tên gọi của 16 cửa ô. Nhưng đến năm 1866 thì thấy mất một cửa ô.

[3] Trên thực tế, nhà sử học Lê Văn Lan trong bài viết Những cửa ô nào của Hà Nội đã đón quân ta trở về ? (QĐND, 11/10/2013), cho hay chung cuộc và thực tế, trong ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954, quân ta chỉ dùng (tiến qua) hai (2) cửa ô trong số các cửa ô của Hà Nội xưa. Chỉ có hai (2) cửa ô xưa của Hà Nội là: ô Cầu Giấy (ô Thanh Bảo) và ô Cầu Dền (ô Thịnh Yên, ô Yên Thọ)-đã vinh dự và tưng bừng đón quân ta trở về. 

Xem thêm các mạch bài về Hà Nội trên Tuần Việt Nam:

Dưới Cột cờ Hà Nội nói với con về Tổ quốc

Cột cờ đã đứng đó từ thời Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội, và nay nó đang và sẽ cùng chúng ta tiếp tục bảo vệ từng tấc đất nơi đầu sóng.

Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội

Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội cả, và nếu cứ như thế này, cũng sẽ không bao giờ hiểu.

Nghĩ về cái sự 'chán' Hà Nội

Hôm nay đi lên cầu Long Biên bắt gặp vài cái "khóa tình yêu", chỉ lạ ở chỗ, những người yêu nhau đó họ chọn chỗ để khóa đúng cái chỗ thẳng đuột vô duyên của cầu.

Hà Nội có vượt nổi cuộc oanh tạc thời hiện đại?

Bài báo về HN khi đó mang tiêu đề là “Liệu cuộc oanh tạc của bê tông có vượt lên máy bay B52 Mỹ mà huỷ diệt Hà Nội?”.

Hà Nội vẫn chỉ là 'phía bên kia của làng xã'

Khi nói đến Hà Nội như một thực thể văn hóa có bản sắc riêng, chúng ta không được quên rằng có một Hà-Nội-nhà-quê và một Hà-Nội-kẻ-chợ.