Dù diễn ra rất chậm chạp và khó nhận biết, nhưng chiến lược đảo
nhân tạo lại nguy hiểm hơn rất nhiều vì giá trị chiến lược và khả năng
thay đổi cục diện mà chuỗi đảo sẽ mang lại cho Trung Quốc khi được phát
triển đầy đủ.
>> Kỳ 1: Giấc mộng 'nhất thế giới' đeo đẳng lãnh đạo TQ
>> Kỳ 2: TQ chuyển sang thử lửa và bất chấp xung đột
>> Kỳ 3: Chiến lược nguy hiểm của TQ ngăn Mỹ dùng 'dao mổ trâu'
>> Kỳ 4: Toan tính 'quân đội đi trước, người dân tiếp bước' của TQ
Động thái "bào mòn" và toan tính lâu dài của TQ
Chính sách biển Đông của Trung Quốc có sự phân định rõ ràng giữa ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ như các động thái bào mòn chủ quyền từng phần hay các chuỗi hành động "cắt lát salami" nhằm tạo nên các va chạm nhỏ nhưng liên tục, thực hiện các mục tiêu toan tính lâu dài.
Mặc dù giới quan sát cho rằng sự tham gia giữa các cơ quan hành chính, truyền thông và pháp lý của Trung Quốc chỉ giúp tăng thêm "hỏa mù" gây nhiễu dư luận. Nhưng thực ra phương thức kết hợp giữa "những con rồng trên biển Đông", như cách so sánh của một tổ chức nghiên cứu, lại tỏ ra hiệu quả trên nhiều bình diện.
Chiến lược duy trì hiện diện liên tục tại các vùng biển không tranh chấp để dần biến thành có tranh chấp đang được Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi. Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 là một minh chứng điển hình. Trong đó, Trung Quốc sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 như một "mốc chủ quyền di động" để duy trì sự hiện diện tại các vùng biển không có tranh chấp, thậm chí nằm hẳn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia láng giềng.
Mục tiêu hoán chuyển từ "không tranh chấp" thành "có tranh chấp", từ "của họ" sang "của ta" được thực hiện theo đúng phương châm của người Trung Quốc "cái gì của tôi là của tôi, cái gì của bạn, chúng ta có thể thương lượng".
Song song với các động thái đó, việc Trung Quốc củng cố và mở rộng các hoạt động xây dựng chuỗi đảo nhân tạo đã cho thấy những tính toán chiến lược dài hạn hơn của họ trên biển Đông. Hải Dương 981 là một bước đi khá nguy hiểm, nhưng thực chất lại dễ xử trí và thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho các nước nhỏ như Việt Nam. Trong khi đó, dù diễn ra rất chậm chạp và khó nhận biết, nhưng chiến lược đảo nhân tạo lại nguy hiểm hơn rất nhiều vì giá trị chiến lược và khả năng thay đổi cục diện mà chuỗi đảo sẽ mang lại cho Trung Quốc khi được phát triển đầy đủ.
Một cách thức khác để đánh giá chiến lược biển Đông của Trung Quốc là thông qua sự thay đổi các mục tiêu ở từng giai đoạn nhất định. Nhưng đây là những sự thay đổi có tính toán. Chúng ta sẽ thấy điều tương tự khi xem xét chiến lược biển của Trung Quốc từ 2009 đến nay. Ví dụ, làm sao TQ có thể nói rằng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) - được ký vào 2002, và bảng hướng dẫn thực hiện Tuyến bố DOC ký vào 2011 - sẽ là kim chỉ nam dẫn đường của các bên tranh chấp, khi mà sử dụng vũ lực vẫn là công cụ chiếm vai trò chủ đạo trong chính sách của Bắc Kinh.
Hiện tại, điều chúng ta có thể thấy rõ nhất trong các bước đi của Trung Quốc chính là: sự kiên định trong mục tiêu tổng thể nhằm gia tăng khả năng kiểm soát toàn biển Đông. Cái chưa rõ nằm ở những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà mỗi ban ngành đơn lẻ của Trung Quốc sẽ thực hiện.
Đây được xem là khó khăn lớn nhất, vì Việt Nam nói riêng, hay rộng hơn là các quốc gia ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung sẽ khó biết cụ thể các cơ quan phụ trách biển Đông của Trung Quốc sẽ làm những gì, vào lúc nào và tại đâu.
Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Lực lượng vũ trang Philippines/BBC. |
Không để bị động
Chính vì vậy, phân tích của chuyên gia cho thấy, chúng ta cũng không nên quá tập trung vào việc đoán biết các mục tiêu ngắn hạn và cụ thể, vì nếu chỉ phản ứng trong thế bị động dễ dẫn tới việc bị tung hỏa mù và rơi vào thế đã rồi. Điểm quan trọng nhất để đối phó với chiến thuật "lát cắt salami" là cần nắm vững bản chất chiến lược và dài hạn của nó.
Điều Việt Nam cần có lẽ là xác định góc nhìn đúng và xây dựng một chiến lược tổng thể cho biển Đông trước khi đi vào từng hành động nhỏ của TQ. Từ đó, trên cái tổng thể sẽ xây dựng các mục tiêu và kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn; tránh bị đánh lạc hướng vào các hành động nhỏ lẻ mà quên đi thế trận lớn trên toàn cục diện.
Điều này đặt ra nhu cầu cần tập trung xây dựng chiến lược dài hạn và tổng thể để đối phó với mục tiêu dài hạn của Trung Quốc, từ đó có thể "đi tắt, đón đầu" và giành lại ưu thế trên cả thực địa lẫn trên bàn đàm phán. Từ phân tích của nhiều chuyên gia, có thể nhận thấy chính sách biển Đông của Việt Nam phải đảm bảo được 3 yếu tố cốt yếu: tổng thể, dài hạn và chiến lược.
Thứ nhất, cần có sự hoạch định cụ thể giữa các mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, từ đó chủ động đưa ra chiến lược cụ thể tránh rơi vào thế bị động trước các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Thứ hai, cần phối hợp linh hoạt và hiệu quả trên nhiều mặt trận khác nhau. Cần kết hợp hiệu quả giữa ngoại giao học thuật, ngoại giao nhân dân và ngoại giao truyền thống để giành ưu thế nhất định trong việc tuyên truyền và phổ biến chủ quyền của Việt Nam.
Thứ ba, cần xem xét lựa chọn chiến lược của các quốc gia liên quan trong khu vực, đặc biệt là các cường quốc có sự đan cài về lợi ích trên biển Đông như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản v.v..., để từ đó đưa ra một chính sách biển Đông mang tính quốc gia.
Một chiến lược đúng đắn với các mục tiêu rõ ràng, phân chia nhiệm vụ cụ thể sẽ giúp đảm bảo tận dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, từ đó tạo ra ưu thế trên thực địa lẫn trên bàn đàm phán. Nếu không có chiến lược tổng thể, ta sẽ không thể đối phó với các hành động "trước sau bất nhất" của Trung Quốc, và chỉ đi vào giải quyết các sự vụ mang tính thời điểm.
Lục Minh Tuấn - Vũ Thành Công