Nếu chính quyền mời công dân đến nói những gì họ nghĩ, thì đừng ngạc nhiên, thất vọng hay giận dữ khi nghe phải những lời không xuôi tai lắm.

Kỳ 1: Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất

LTS: Tại kỳ họp QH khai mạc đầu tuần tới, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được đưa ra thảo luận. Nhiều người mong muốn khi có dự thảo luật, chuyện ban hành chính sách trên trời sẽ được hạn chế. Vậy, quy trình lấy ý kiến dân cho các chính sách lâu nay được thực hiện ra sao? Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu phần tiếp theo loạt  bài viết của tác giả Nguyên Lâm.

Tham vấn: vài bí quyết thành công

Có nhiều tác dụng đối với nền quản trị quốc gia, nhưng muốn cho tham vấn thành công, cần một vài thao tác tiếp theo. Thứ nhất, đó là sự phản hồi. Đây là cuộc đối thoại hai chiều, dòng chảy thông tin diễn ra hai chiều. Các cơ quan ban hành chính sách có quyền không làm theo công chúng, bởi lẽ các cơ quan đó cần lắng nghe, nhưng cũng là nơi quyết định cuối cùng. 

Tuy nhiên, cơ quan ban hành chính sách cần phải giải thích rõ tại sao có, tại sao không tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân. Đấy mới là sự phản hồi đầy đủ. Nếu trả lời tất các góp ý của người dân là điều không khả thi, thì cũng cần phản hồi theo nhóm vấn đề, hoặc đối với các góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, việc phản hồi thậm chí là tranh luận với họ là rất quan trọng. Cần có bản giải trình chung và đăng tải công khai trên mạng để người dân được biết.

{keywords}
Ảnh minh họa: tapchidanong.

Thứ hai, cơ quan ban hành chính sách cần đặt mình vào vị thế của công dân. Nếu chính quyền không nhìn từ góc độ của dân, không có thái độ cầu thị, mà chỉ nhìn từ bề trên, thì quan hệ chính quyền-công dân càng thêm xa cách. Động tác cốt yếu trong tham vấn nhân dân là nghe dân và phản hồi về những gì dân nói. Muốn như vậy, điều quan trọng nhất là làm sao để người dân tin và chịu nói. Những câu chuyện sống động trên đây chính là những cách làm thú vị để dân nói cho chính quyền được nghe. 

Khi đặt mình vào vị trí người dân, chính quyền sẽ tìm cách thích ứng với nhu cầu và đòi hỏi của người dân. Chính quyền cần thể hiện cho người dân thấy rằng, những vấn đề mà người dân nêu ra thực sự cần thiết cho việc ra quyết sách; nếu không, người dân sẽ không còn hứng thú tham gia lần sau nữa. Điều đặc biệt quan trọng là phải lấy ý kiến được của cả nhóm bị thiệt hại và nhóm được hưởng lợi.

Thứ ba, sẵn sàng đón nhận những ý kiến “khó nghe”, những lời phê bình. Phê phán và tranh luận là một phần của nền dân chủ. Hiếm khi nào người dân lại chỉ có tung hô chính quyền. Ngược lại, hầu như lúc nào người dân cũng thấy chưa hài lòng với kết quả hoạt động của chính quyền. Bởi vậy, một nguyên tắc vàng ở đây là: nếu chính quyền mời công dân đến nói những gì họ nghĩ, thì đừng ngạc nhiên, thất vọng hay giận dữ khi nghe phải những lời không xuôi tai lắm.

Thứ tư, cần giữ lấy lời. Làm ra vẻ nghe dân, tham vấn chiếu lệ sẽ dẫn đến sự thất vọng, đẩy người dân ra xa. Nó cũng khiến người dân nghi ngại về tính hợp pháp của chính quyền, làm hư hao lòng tin của người dân vào chính quyền. Như vậy, những việc làm trên thực tế sau khi cuộc tham vấn diễn ra mới là yếu tố dẫn đến sự thành công của tương tác. 

Thứ năm, cuộc đối thoại giữa dân với các cơ quan nhà nước phải là sự tác động lẫn nhau: khi đặt câu hỏi, nêu vấn đề, dân làm cho các cơ quan có trách nhiệm hơn, minh bạch hơn, biết lắng nghe hơn; khi mời gọi và lắng nghe dân hỏi, nhà nước làm cho dân tích cực hơn, chủ động hơn với việc nước. Bên cạnh đó, những cuộc tham vấn phải kéo theo phản ứng của cỗ máy chính quyền trước những dữ liệu, thông tin mà người sử dụng - người dân đưa ra thông qua những nỗi niềm, tâm tư nguyện vọng, thắc mắc qua các cuộc tham vấn đó. Chỉ như vậy cuộc tương tác mới có tác dụng làm cho chính sách công tốt hơn, quản trị quốc gia và quản trị địa phương tốt hơn, và tăng cường nền dân chủ, gây dựng lòng tin của người dân vào chính quyền.

Cuối cùng, sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố đầu tiên, không thể thiếu đối với thành công của tham vấn. Thực tiễn cho thấy, người dân thông thái, am hiểu các vấn đề thế sự, quan tâm và trăn trở trước thời cuộc, chỉ có điều làm thế nào để tạo ra những kênh đưa sự thông thái, những mối quan tâm, trăn trở đó vào các chính sách cụ thể, tận dụng hết nguồn lực con người từ góp ý của dân. Đến lượt mình, những công dân tích cực sẽ càng làm cho chính quyền năng động hơn, phản ứng nhanh nhạy hơn trước những vấn đề của cuộc sống. 

Ý dân - Nguồn phù sa nuôi quả ngọt chính sách

Ở Việt Nam gần đây, chúng ta thường nói, “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”, và kêu gọi cần đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, tránh tình trạng đưa ra những chính sách tréo ngoe, khiến người dân thấy sốc và ức chế. Nhưng để làm điều đó, theo chiều ngược lại, chính sách, pháp luật phải bắt nguồn từ cuộc sống, hỏi xem, người dân, xã hội có cần đến chính sách, đạo luật đó hay không, có nghĩa là đưa cuộc sống vào chính sách, pháp luật trước. 

Chứng kiến những ý kiến thu nhận được từ quá trình tham vấn giúp cho HĐND một số tỉnh vùng đồng bằng Nam Bộ sửa đổi chính sách xóa đói giảm nghèo, hay chính sách hỗ trợ xây nhà ở cho người dân, người viết bài này đã liên tưởng ý dân với những đợt phù sa màu mỡ bồi đắp liên tục, mang lại nguồn sống cho những cây chính sách, nuôi những quả ngọt chính sách. 

Kết quả là, mặc dù tham vấn công chúng không hề “rẻ”, nhưng cái lợi nó mang đến so với chi phí bỏ ra rõ ràng là “hời” đối với tất cả: với chính quyền, với người dân, và với sự phát triển chung của từng địa phương cũng như của đất nước.

  • Nguyên Lâm

Xem bài cùng tác giả:

Bao giờ 'nghị sỹ' Việt tiếp dân ở... siêu thị?

Ở các nước, nghị sỹ có thể mượn sảnh siêu thị, quán cà phê để gặp gỡ, nói chuyện với cử tri, ai muốn đến thì đến.

 

Ipad và nghị trường

 Nhìn ra thế giới, thời gian gần đây, những thành tựu mới của công nghệ thông tin như Ipad đã gây hào hứng cho nghị sỹ ở nhiều nước.