Chế định của nhà nước về quyền lực hóa con dấu của doanh nghiệp đã tạo nên văn hóa tôn sùng con dấu mà bỏ qua việc xem xét bản chất của giao dịch. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một điển hình của việc chỉ xem xét đến yếu tố hình thức trong giao dịch mà bỏ qua những suy xét thấu đáo về hoạt động kinh doanh.
Bài 1: "Ấn vua" hiện đại hay chuyện "dấu củ khoai" vẫn oai
Con dấu "siêu quyền lực"
Con dấu biểu hiện cho quyền lực của nhà nước đã tồn tại rất lâu ở Việt Nam và nhiều nước khác. Hệ thống quan lại trong xã hội phong kiến sử dụng con dấu nhằm bảo đảm tính xác thực của văn bản; khẳng định quyền chủ sở hữu của văn bản và xác định niên đại văn bản.
Tư duy này được kế tục cho đến ngày nay khi mà con dấu “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”.
Con dấu được dùng trong DN kể từ khi chúng ta giành được chính quyền. Lúc đó, chủ yếu là DN nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế “theo chỉ tiêu pháp lệnh”. Hợp đồng kinh tế được coi là một văn bản có tính mệnh lệnh nhà nước nên phải đóng dấu của các cơ quan, xí nghiệp. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa với một thành phần kinh tế nhà nước sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của DN đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Địa vị pháp lý ngang bằng nhau nhưng chế định về con dấu của DN vẫn không có những thay đổi cho phù hợp.
Nhìn ở khía cạnh văn hóa, việc dùng con dấu mang tính bắt buộc trong các giao dịch của DN là không tôn trọng doanh nhân tham gia vào các giao dịch đó khi mà chữ ký, hành vi của họ bị xem nhẹ. Con dấu từ một công cụ hỗ trợ con người lại trở nên thành một quyền lực áp đặt con người.
Ảnh minh họa : vbms.com.vn |
Không bắt buộc dùng con dấu
Trên thế giới, nhiều quốc gia theo hệ thống thông luật “án lệ” không quy định DN bắt buộc phải sử dụng và đăng ký con dấu, như ở Vương quốc Anh (một trong những quốc gia sử dụng con dấu trong giao dịch từ xa xưa), Hoa Kỳ, Ấn độ, Úc, Ireland, Hong kong, Malaysia, Singapore.
Con dấu tại các quốc gia này chỉ là một công cụ giúp cho DN xác thực vào văn bản thuận tiện hơn, như không phải trực tiếp ký trong những trường hợp chứng nhận bản sao của DN. Cơ quan tòa án khi xét xử chỉ xác định giá trị pháp lý của giao dịch là DN có ý chí tham gia hay không thông qua nội dung hợp đồng và cam kết của các cá nhân.
Tòa án không xem xét đến hợp đồng đó có đóng dấu DN hay không.
Tại các nước theo hệ thống dân luật, như Pháp, Đức, Bra-xin cũng không còn đòi hỏi DN buộc phải có con dấu. Một số DN chọn việc dùng dấu để thuận tiện trong việc phát hành cổ phiếu, chứng nhận vào các văn bản do DN phát hành. Tương tự như ở các nước án lệ, tòa án tại các quốc gia này cũng chỉ xem xét đến nội dung hợp đồng, bản chất của giao dịch mà không quan tâm tới yếu tố hợp đồng có được đóng dấu hay không.
Trong Văn bản số 370/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục tục đầu tư mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử. (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn) |
Rà soát quy định pháp luật ở các quốc gia nêu trên, không thấy có quy định nào buộc DN phải dùng con dấu hay hạn chế DN chỉ có một con dấu. Con dấu là một lựa chọn của DN, có giá trị như một dấu hiệu nhận biết của DN.
Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang là phương thức kinh doanh phổ biến và phát triển trên thế giới. Chữ ký điện tử, chứng thực số đang là những biện pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin. Tòa án sẽ xem xét bản chất của giao dịch thông qua các hành vi của thương nhân hơn là các điều kiện về hình thức.
Ở VN, giao dịch TMĐT cũng đang trên đà phát triển. Các DN Việt đang cố gắng tham gia vào thị trường toàn cầu. DN Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn, công nghệ, kinh nghiệm thị trường và cả những khó khăn về thủ tục hành chính trong đó có chế định về con dấu.
Pháp luật VN hiện nay quy định con dấu “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Việc đóng dấu vào các loại văn bản giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật. Con dấu phải được để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ và chỉ được sử dụng một con dấu” đã gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh".
Do quy định nêu trên, mọi văn bản giấy tờ của DN đều phải được đóng dấu trong khi DN chỉ có một con dấu và phải để tại trụ sở cơ quan. Mọi văn bản được tập trung tại một địa điểm để đóng dấu sẽ không thuận tiện cho những DN có nhiều địa điểm kinh doanh, sản xuất khác nhau.
Đã có trường hợp, một DN có trụ sở chính để giao dịch tại trung tâm Hà Nội nhưng nhà máy lại ở một KCN ngoại thành. Các hoá đơn, phiếu xuất kho, phiếu biên nhận hàng hóa giao dịch thường xuyên tại nhà máy nhưng ở trụ sở chính cũng có nhiều các thư từ, hợp đồng cần đóng dấu để giao dịch. Dẫn đến DN phải thường xuyên vận chuyển con dấu từ nơi này sang nơi khác để đóng dấu. Việc này tác động vào chi phí kinh doanh và gây phiền toái đáng kể. Phương án đóng dấu khống lên các văn bản, giấy tờ được một số DN lựa chọn nhưng lại là một giải pháp đầy rủi ro pháp lý. Việc chỉ có một con dấu cũng gây khó khăn cho các DN ký kết hợp đồng ở ngoài trụ sở, như ký ở nước ngoài.
Chế định của nhà nước về quyền lực hóa con dấu của DN đã tạo nên văn hóa tôn sùng con dấu mà bỏ qua việc xem xét bản chất của giao dịch. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một điển hình của việc chỉ xem xét đến yếu tố hình thức trong giao dịch mà bỏ qua những suy xét thấu đáo về hoạt động kinh doanh khi Huyền Như đã làm giả tới 8 con dấu đóng vào các giấy tờ để chiếm đoạt đến 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tranh chấp nội bộ, một cá nhân đã chiếm đoạt con dấu của DN dẫn đến tê liệt kinh doanh. Điển hình như các vụ án của Công ty cổ phần thương mại Đay Sài Gòn, Công ty cổ phần Hữu Nghị, ĐH Hùng Vương… Con dấu từ một công cụ hỗ trợ hoạt động của DN đã trở nên một chế định ràng buộc và tạo rủi ro.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng chưa nên loại bỏ hoàn toàn con dấu trong hoạt động DN hiện nay như một số ý kiến.
Việc loại bỏ hoàn toàn con dấu thì lại trở nên một hành vi cấm đoán hoạt động của DN. Một số các giao dịch của DN mang tính thường xuyên, như giấy giới thiệu, giấy ủy quyền, giấy mời họp, cổ phiếu… vẫn cần đến tính xác thực của con dấu để đơn giản thủ tục ủy quyền nội bộ, chứng nhận giấy tờ.
Hãy để DN được lựa chọn, quyết định việc sử dụng con dấu, mẫu dấu, số lượng con dấu và tính pháp lý về con dấu của mình thông qua điều lệ của DN.
Con dấu không phải là “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ” mà khi đó hoàn toàn là công cụ để xác định dấu hiệu nhận biết của DN, như biểu trưng (logo), tên DN, nhãn hiệu hàng hóa... Nếu thay đổi như vậy, người dân, DN sẽ tự chủ động trong việc xem xét bản chất pháp lý của giao dịch và con dấu thay vì chỉ trông cậy vào con dấu.
Đề xuất này mong được chấp nhận khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này để DN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam được tương tự như ở các môi trường kinh doanh khác.
Ls. Nguyễn Hưng Quang