-Tiếp tục góp ý cho Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi, các vị khách mời của chúng tôi quả quyết rằng, "Đã đến lúc cần có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền và chính các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tự mình thoát ra khỏi tư duy cấp trên “bảo vệ” cấp dưới, cơ quan  này “bảo vệ” cơ quan kia".

Khách mời là TS. Đặng Quang Phương, Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và TS. Dương Thanh Biểu, Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Xem phần 1: Ai cũng làm đúng luật thì rất khó sai sót

Xem phần 2: Không nên lấy đại bác bắn vào quá khứ


Nhà báo Thu Hà
: Việc thực hiện quyền bào chữa và tranh tụng tại tòa án ở Việt Nam hiện nay thế nào? Liệu có vướng mắc gì giữa pháp luật và thực tiễn cuộc sống không?

TS. Đặng Quang Phương: Mục tiêu của tranh tụng là phải tìm ra chân lý khách quan của vụ án, để giải quyết đúng pháp luật, đúng bản chất. 

Việc tranh tụng hiện nay luật cũng chưa quy định cụ thể, cho nên vẫn còn nhiều vướng mắc và tôi xin khẳng định hiện nay về cách hiểu và thực hiện việc tranh tụng tại tòa án các cấp chưa có sự thống nhất.

TS. Dương Thanh Biểu: Tại Chương XXI Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành đã có nhiều điểm mới so về tranh luận đối đáp tại phiên tòa.

Tuy nhiên, còn nhiều quy định cần được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Điều 207 quy định trình tự xét hỏi: Chủ tọa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó mới đến Kiểm sát viên và luật sư hỏi. Theo tôi, nên đặt ngược lại: Kiểm sát viên hỏi trước về những tình tiết buộc tội theo cáo trạng, sau đó luật sư  hỏi về những chứng cứ gỡ tội. Tiếp đến là những người tham gia tố tụng hỏi…

Hội đồng xét xử chỉ là người điều hành phiên tòa, lắng nghe các bên hỏi và trả lời, nghe các bên tranh luận đối đáp. Hội đồng xét  xử chỉ hỏi những vấn đề mà Kiểm sát viên, luật sư… chưa hỏi. Hội đồng xét xử phải tạo mọi điều kiện để bên buộc tội và gỡ tội tiến hành xét hỏi và tranh luận dân chủ công khai. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử nghị án và tuyên án.

Một điều cần lưu ý khi sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi sắp tới là, lâu nay chúng ta chỉ nói về tranh luận/ tranh tụng diễn ra tại phiên tòa. Thực tiễn cho thấy, tranh tụng/ tranh luận phải theo khái niệm rộng, nghĩa là việc tranh luận nên được thể hiện từ giai đoạn điều tra. Như phần trên đã đề cập, trong quá trình điều tra, luật sư có quyền hỏi về những chứng cứ gỡ tội và có quyền thu thập các chứng chứ gỡ tội.

Cuối cùng tôi muốn đề cập đến quyền và trách nhiệm các chức danh tư pháp.

Hiện nay các chức danh tư pháp như Điều tra viên, Kiểm sát viên là những người đảm nhiệm toàn bộ quá trình điều tra và truy tố, tranh luận tại tòa. Nhưng thực tiễn cho thấy, các quyết định pháp lý về khởi tố, bắt giam, kết luận điều tra, bản cáo trạng đều do Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng VKS ký. Bản cáo trạng thì do Viện trưởng ký nhưng tranh luận, đối đáp tại phiên tòa lại do kiểm sát viên thực hiện.

Nên chăng, mạnh dạn giao các nhiệm vụ trên đây cho các chức danh tư pháp quyết định, không được để họ ỷ lại cấp trên như hiện nay. Nếu họ làm tốt thì khen thưởng, họ làm sai thì kỷ luật. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm và bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp trong việc thực thi nhiệm vụ.

TS. Đặng Quang Phương: Như tôi đã nói đã nói, vấn đề tranh tụng tại tòa đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đúng bản chất, chưa thống nhất trong các cấp tòa án.

Tranh tụng theo cá nhân tôi là sau khi đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng (ví dụ ở phiên tòa sơ thẩm), Hội đồng xét xử thống nhất kế hoạch xét hỏi, nếu nhiều bị cáo thì nên hỏi ai trước, ai sau, về hành vi thì hỏi hành vi nào trước, hành vi nào sau.

Khi đã thống nhất kế hoạch xét hỏi thì chủ tọa phiên tòa điều hành xét hỏi từng vấn đề. Đối với người tham gia tố tụng thì phải hỏi xem họ đã nghe hết cáo trạng chưa, nếu có người chưa nghe hết hoặc chưa hiểu thì chủ tọa phiên tòa mới tóm tắt lại phần tiến hành xét hỏi này thôi, chứ không phải toàn bộ cáo trạng (có nghĩa xét hỏi đến phần nào tóm tắt lại phần đó). Sau khi đã tóm tắt xong thì phải hỏi họ có ý kiến gì đối với cáo trạng (phần cáo trạng đó). Rồi sau đó Viện kiểm sát và bị can, bị cáo cùng với Luật sư mới tranh tụng.

Một vấn đề nữa cũng cần đặt ra là, có phi hình sự hóa với một số hành vi của Luật sư hay không? Ví dụ Luật sư trong quá trình tiếp xúc với bị can, bị cáo họ cho Luật sư biết họ có thể không thực hiện hành vi này, nhưng lại thực hiện hành vi khác, có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Bây giờ đang nói về tội trộm cắp, nhưng bị cáo lại thừa nhận vụ giết người kia là họ thực hiện với Luật sư mà luật sư lại cũng im lặng, thế thì ngày mai, ngày kia, Luật sư có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm không? Luật của chúng ta cũng chưa qui định vấn đề này.

Nhà báo Thu Hà: Tranh tụng tại tòa tức là tạo điều kiện cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa có đúng không?

TS. Đặng Quang Phương: Bản thân tôi khi làm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, khi nhận hồ sơ trong tay, nghiên cứu, tôi chưa bao giờ đồng ý và hài lòng với kết quả điều tra và truy tố mà có thể nói tôi luôn đứng về phía bị can, bị cáo, đứng về phía luật sư để xem xét kết quả điều tra, truy tố đã khách quan và đầy đủ chứng cứ hay chưa.

Trường hợp người ta không đồng ý với kết quả điều tra, truy tố thì bên kia đã chứng minh như thế nào. Nếu những chứng minh này chưa đầy đủ thì ra phiên toà mình phải yêu cầu họ tiếp tục chứng minh chứ không phải là cơ quan điều tra cứ làm rồi Viện kiểm sát luôn luôn đi theo, Toà rồi cũng đi theo Viện kiểm sát. Tức là “ba bộ đồng tình” là không được. Mà anh  luôn phải đứng về phía bên kia để xem xét việc buộc tội như thế đã đúng chưa, có đủ căn cứ chưa. 

Theo tôi, với Viện Kiểm sát khi xem lại phần điều tra cũng phải làm như vậy. Khi phê chuẩn hồ sơ của cơ quan điều tra chuyển sang, Viện Kiểm sát cũng cần theo những qui trình như thế. 

Nghiên cứu hồ sơ, tức là xem xét lại bản cáo trạng truy tố bị can như thế đã chặt chẽ chưa. Có chấp nhận bản cáo trạng này hay không. Người ta kêu than mà mình không xem xét, cứ cho là người ta đã có tội thì làm sao khách quan được. Phải luôn tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội. Đối với Toà án, từ giai đoạn chuẩn bị xét xử, đến phiên toà cũng cần luôn tâm niệm và thực hiện như vậy.

Nhà báo Thu Hà: Đâu đó hình như vẫn có “mối quan hệ công tác”giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có đúng không? Và trong xét xử ở ta vẫn có tình trạng báo cáo án, thỉnh thị án. Mong các ông cho biết thêm về thực trạng này? 

TS. Dương Thanh Biểu: Hiện nay dư luận cũng đang băn khoăn về chế độ báo cáo, thỉnh thị án. Theo tôi, việc sinh ra chế độ báo cáo thỉnh thị là tạo ra cơ chế làm việc đùn đẩy trách nhiệm.

Lẽ ra án của cấp nào phải do cấp đó quyết định và chịu trách nhiệm. Cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc. Nếu cấp dưới làm sai thì có cấp trên sửa sai. Hiện nay đang diễn ra tình trang, cấp dưới thỉnh thị cấp trên. Trên cơ sở hồ sơ vụ án, cấp trên nghiên cứu rồi hướng dẫn.

Tại một số phiên tòa, do có ý kiến chỉ đạo của cấp trên nên việc xét hỏi, tranh luận, đối đáp tại phiên tòa còn nặng hình thức, không tiến hành quyết liệt và không đảm bảo dân chủ, công khai để phán quyết chính xác. Đây là tình trạng mà dư luận cho rằng, sở dĩ có một số vụ án oan sai cũng do nguyên nhân các cơ quan đang thực hiện cơ chế “án tại hồ sơ” hoặc “án bỏ túi”. Cho nên cần tập trung thực hiện tốt việc tranh luận, đối đáp tại phiên tòa để làm rõ bản chất sự việc, góp phần phán quyết của tòa án là khách quan, công bằng và dân chủ. 

Tuy nhiên, đối với các loại tội phạm mới phát sinh, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tư pháp thì có thể báo cáo thỉnh thị nhưng phải quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, phải xác định hướng dẫn của cấp trên chỉ có tính chất tham khảo mà thôi. Mọi vấn đề được quyết định trên cơ sở tranh luận dân chủ công khai tại phiên tòa và án của cấp nào thì cấp đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

TS. Đặng Phương Quang: Mối quan hệ công tác giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nếu là lành mạnh thì rất tốt như trao đổi nghiệp vụ, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan (đặc biệt là giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát). 

Tuy nhiên, “mối quan hệ công tác” trong ngoặc kép mà nhà báo hỏi theo tôi hiểu là không lành mạnh hay nói cách khác là không đúng pháp luật thì theo tôi được biết đâu đó vẫn có tình trạng này. Mối quan hệ để thống nhất việc truy cứu trách nhiệm hình sự, thống nhất tội danh, kể cả hình phạt theo tôi là không đúng với qui định của Hiến pháp rồi. 

Ngoài ra còn có “mối quan hệ công tác” theo kiểu “bảo vệ danh dự” cho nhau. Đến khi cơ quan điều tra làm rồi, sang kiểm sát thấy chưa đủ, chưa đúng thì cũng lại có tình trạng kiểm sát muốn bảo vệ điều tra. Đến toà án cũng thế. Đáng lẽ là tuyên không phạm tội, không đủ chứng cứ buộc tội nhưng lý do này lý do khác rồi vụ án lại bị huỷ, bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, rồi lại sử dụng Điều 25 của Bộ Luật hình sự ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự để thoát khỏi trách nhiệm oan sai, thoát khỏi xin lỗi, thoát kỷ luật. 

Bởi vậy, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền và chính các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tự mình thoát ra khỏi tư duy cấp trên “bảo vệ” cấp dưới, cơ quan  này “bảo vệ” cơ quan kia trong giải quyết án. Điều đó cũng đòi hỏi Tòa án phải xét xử phải độc lập, phải công minh. Luôn phải nhớ rằng, đây là sinh mạng chính trị của một con người, tôi chưa nói đến sinh mạng cuộc sống của những người bị truy tố ra trước Tòa án. 

Không thể cứ tư duy "bắt nhầm" còn hơn "bỏ lọt"

Nhà báo Thu Hà: Xin cám ơn các vị khách mời, xin cám ơn độc giả đã quan tâm theo dõi. Hẹn gặp lại quí vị tại các toạ đàm tiếp theo của Tuần Việt Nam.

Tuần Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Mời quí vị đọc các bài cùng chủ đề

‘Lẽ ra đã có cơ hội ngăn những án oan vừa qua’

 Khi qui định quyền thì rất hay nhưng lại không thiết kế một bộ quy chế, thủ tục để đưa quyền đó vào những hành vi cụ thể. Giống như mua cái xe nhưng nhà nước lại không làm đường cho xe chạy.

Không thể tư duy “bắt nhầm” còn hơn “bỏ lọt”

Trong tố tụng hình sự luôn có hai nhiệm vụ quan trọng là bên cạnh yêu cầu phát hiện, xử lý tội phạm còn nhiệm vụ quan trọng khác là minh oan cho người lương thiện.