Hợp tác với các nước nhằm khắc chế sức ảnh hưởng tiêu cực từ Trung Quốc dường như là giải pháp đang được Ấn Độ tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt.

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tiếp theo trong mạch bài Quan hệ hợp tác Việt - Ấn, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài 2 tập trung vào quan hệ hợp tác 2 nước trong lĩnh vực kinh tế.

Bài 1: Lo TQ lấn sân, Ấn Độ chuyển sang 'hai gọng kìm'

Tờ New Indian Express ngày 11/10/2014 đưa nhận định chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng sẽ tập trung thiết lập mối liên kết với Ấn Độ, cũng như với nguồn cung cấp nguyên liệu dệt may nhằm mở rộng thị trường trong bối cảnh quan hệ kinh tế Việt - Trung đang có những ràng buộc rất lớn.

Có thể nói, trong guồng máy hội nhập mạnh mẽ từ sau khi gia nhập WTO, VN rất cần đến "sức cạnh tranh". Động lực của một nền kinh tế có đủ sức cạnh tranh xuất phát từ nguồn lực đầu vào dồi dào, nhiều chọn lựa với chi phí thấp; thị trường rộng và "dễ tính"...

Hội tụ những yếu tố nêu trên, cùng với lịch sử "hàng xóm" lâu năm, Trung Quốc tỏ ra ưu thế so với các nước khác để trở thành đối tác quan trọng có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với VN.

Tuy nhiên, không phải từ sau khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép, người Việt mới nhận ra nền kinh tế quốc gia đang có những ràng buộc quá mức với Trung Quốc. Trong bối cảnh TQ luôn tìm mọi cách "gặm nhấm" biển Đông, khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng, thì sự ràng buộc quá lớn với một "gã khổng lồ kinh tế" như Trung Quốc đối với VN đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.

Việc VN bắt đầu hướng tới đàm phán với nhiều thị trường mới như châu Âu (Hiệp định Mậu dịch Tự do VN - EU), Mỹ và các nước châu Á Thái Bình Dương (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP)... là hướng đi tất yếu. Trong xu thế đó, Ấn Độ cũng được đánh giá là một đối tác quan trọng với những bước độ phá trong quan hệ hai nước trong suốt thời gian qua.

{keywords}

Ngày 15/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp thân mật Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tại Văn phòng Thủ tướng - Ảnh: Việt Dũng/ TTO

Cú hích thứ nhất:"Hai dòng cải cách" gặp nhau

Đầu tháng 10 vừa qua, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - người vừa nhậm chức tháng 5-2014 - triển khai một chính sách phát triển kinh tế toàn diện nhằm mang lại diện mạo mới cho nền kinh tế nước này.

Giới quan sát tỏ ra hào hứng trước một "Modinomics" - xuất hiện khi Ấn Độ đã và đang gặp khó khăn trong suốt một thập kỷ qua với mức tăng trưởng GDP thấp, chỉ đạt 4,5%; chỉ số PMI (quản lý mua hàng) khu vực chế tạo, sản xuất luôn thấp; còn lạm phát lại rất cao.

Còn tại Đông Nam Á, VN cũng đang ra sức cải cách nền kinh tế trước áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hội nhập các khu vực mậu dịch tự do. Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013.

Điều đáng lưu ý là hai luồng cải cách kinh tế Việt-Ấn đều gặp nhau ở những điểm quan trọng: ưu tiên phát triển những lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp chất lượng cao (lúa gạo, sữa, chăn nuôi, điều...), năng lượng tái tạo; cải cách hệ thống hạ tầng; nâng cao chất lượng hệ thống thuế, khuyến khích đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh việc thông qua các dự án đầu tư trọng yếu, cải cách quốc doanh nhằm thu hút đầu tư tư nhân...

Cả VN lẫn Ấn Độ đều đối diện với vấn đề lưỡng nan giữa tăng trưởng và lạm phát, do vậy đều mong muốn tạo môi trường cho tăng trưởng kinh tế "cất cánh", nhưng không phải đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng.

Việc quan hệ Việt - Ấn được thắt chặt sẽ tạo ra không gian chung để cả hai hợp tác đi đến nhiều sáng tạo đột phá; chia sẻ tri thức, kinh nghiệm vào những vấn đề cốt yếu của phát triển chất lượng và năng suất hàng hóa. Quan trọng nhất là câu hỏi làm thế nào tận dụng lợi thế so sánh nhằm tạo ra thặng dư sản xuất, thặng dư tiêu dùng cả cả hai quốc gia.

Cú hích thứ hai

Trước thái độ hung hãn mang tính phổ biến của Trung Quốc, thì ngay cả Ấn Độ cũng gặp rắc rối với tham vọng bá quyền của chính quyền Bắc Kinh.

Cuối tháng 9 vừa qua, hãng Reuters đưa tin hàng trăm binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã vào vị trí trên một cao nguyên Himalaya, khiến một tham mưu trưởng hàng đầu của Ấn Độ phải hoãn chuyến công du nước ngoài để ở lại giám sát tình hình. Quân đội ở New Delhi và Kashmir hôm 23/9 cho biết binh lính Trung Quốc đã lập một khu trại ở sâu 3km trong lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, tại vùng Chumar của cao nguyên Ladakh trước đó một tuần. Những động thái này ảnh hướng xấu đến quan hệ hai nước.

Hơn ai hết, New Delhi cũng đã nghĩ đến kịch bản xấu, khi Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tư tưởng "Trung Hoa - Trung tâm của thế giới". Trong bối cảnh đó, hợp tác với các nước nhằm khắc chế sức ảnh hưởng tiêu cực từ Trung Quốc dường như là giải pháp đang được Ấn Độ tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt. Đẩy mạnh hợp tác với VN hẳn không nằm ngoài xu hướng này.

Năm 2014 chứng kiến hàng loạt các cuộc gặp gỡ song phương Việt - Ấn trên nhiều mặt trận hướng đến hợp tác phát triển kinh tế.

Giữa tháng 9/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Tại cuộc gặp, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao, hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không Liên kết, Cấp cao Đông Á. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào VN, trong đó có lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất điện năng; triển khai và sớm hiện thực hóa đường bay thẳng giữa hai nước để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch.

Tất cả những đề xuất trên đều được Tổng thống Ấn Độ tiếp nhận cởi mở bằng tuyên bố New Delhi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với VN trong các lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất điện, công nghệ thông tin, chế biến nông sản, dược phẩm, dệt may, du lịch.

Cụ thể hóa bằng mục tiêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất tăng cường kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Ấn từ mức 8 tỷ USD hiện nay lên 15 tỷ USD trước năm 2020. Tổng thống Pranab Mukherjee cũng khẳng định Ấn Độ chào đón các doanh nghiệp VN sang đầu tư và tin tưởng mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỷ USD đặt ra là hoàn toàn hiện thực.

Cú hích thứ ba: tương đồng "dòng chảy" hàng hóa

Việt Nam và Ấn Độ, bên cạnh những tương đồng về cải cách kinh tế và tư duy hợp tác cùng phát triển, còn có chung những dòng sản phẩm chủ đạo như nông nghiệp (đặc biệt là lúa gạo, chăn nuôi, sữa), hay dệt may.

Điển hình ở thị trường dệt may, Ấn Độ là nhà sản xuất dệt may lớn trên thế giới. Nước này có thế mạnh về các mặt hàng bông sợi và dệt, cung ứng cho thế giới trên 25% mặt hàng vải cotton và nguyên phụ liệu. Trong khi đó, thương mại song phương ngành dệt may, Ấn Độ mới chỉ cung cấp khoảng 3% nguyên liệu đầu vào cho VN, dù VN rất thiếu nguồn nguyên liệu trong những năm gần đây và chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. "Miếng bánh lớn" 14 tỷ USD mà VN phải chi cho nhập khẩu nguyên liệu dệt may mỗi năm chắc chắn là điều mà Ấn Độ rất muốn hướng tới.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, quan hệ Việt - Ấn cũng liên tục được chú trọng thắt chặt. Từ năm 2012, Việt - Ấn đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác nông nghiệp. Hai bên sẽ cùng nhau triển khai hợp tác nông nghiệp theo các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn trong các lĩnh vực: khoa học công nghệ trong chăn nuôi, nghiên cứu phát triển giống lúa mới, nuôi thủy sản, đào tạo chuyên gia nông nghiệp, v.v... Nhiều DN Ấn Độ vào VN đã thành công trong việc đầu tư ngành chế biến nông sản như chè, đường, cao su.

Sau chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ đến VN hồi tháng 9 vừa qua, 7 thỏa thuận hợp tác Việt - Ấn đã được ký kết, trong đó nông nghiệp chiếm phần quan trọng.

Hiện tại, cả hai nước đều đang mong đợi nhiều cú hích mới sau chuyến đi tháng 10 này của Thủ Tướng.

Hoài Thương