"Nhà nước phải đi kèm theo cơ chế gắn trách nhiệm cụ thể. Ai không làm được phải từ chức hoặc bãi miễn để cho người khác có năng lực làm. Không thể để trì trệ kéo dài, khổ dân, khổ nước" - ông Nguyễn Minh Nhị nhận định.

Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối Bàn tròn Một phần tư thế kỷ VN xuất khẩu lúa gạo, với sự tham gia của các khách mời: GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học, Hiệu trưởng ĐH Tây Đô; PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp; ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Kỳ 1: Chậm cởi trói, cái giá phải trả rất đắt

Kỳ 2: Vì sao những người tạo kỳ tích cho VN vẫn nghèo?

Kỳ 3: Những 'bàn tay' thao túng chẳng chừa chiêu trò nào 

Xây dựng nền SX công nghệ cao

Trừ thị trường châu Phi, hiện nay các nước mua gạo của VN đều là các quốc gia có GDP bình quân trên đầu người cao hơn VN rất nhiều. Một trong những nguyên nhân ta phải bán gạo giá rẻ cho họ là vì ta SX ra quá nhiều, chiếm tới ¼ sản lượng giao dịch trên thế giới.

Xin GS Võ Tòng Xuân và TS Vũ Trọng Khải chia sẻ những giải pháp để giải quyết nghịch lý này?

{keywords}
GS Võ Tòng Xuân. Ảnh: DNSG

GS.TS Võ Tòng Xuân: Để cây lúa VN đem về lợi tức cho người trồng lúa và danh tiếng cho đất nước, chúng ta cần đổi mới cách sản xuất mặt hàng có ảnh hưởng đến đời sống của gần 80% dân số VN.

Trước tiên, chúng ta phải chủ động về đầu ra. Một Tổng Công Ty Lương thực (TCTLT) được cải tổ sẽ gồm những doanh nhân lão luyện trên thị trường quốc nội và quốc tế tranh thủ lấy đơn đặt hàng của khách hàng tiềm năng tại các thị trường thiếu gạo. Phải biết năm tới người ta cần bao nhiêu gạo, loại nào. TCTLT sẽ kết nối công ty con của mình ở các tỉnh với các khách hàng quốc tế đó.

Công ty con này có vùng nguyên liệu đã được qui hoạch, có nông dân trong các hợp tác xã được huấn luyện kỹ năng trồng lúa theo qui trình Việt GAP hoặc Global GAP sẽ sản xuất đúng loại nguyên liệu mà CTy con cần để chế biến ra gạo có thương hiệu để cung cấp cho khách hàng đúng khối lượng và chất lượng, đúng thời điểm, và đúng giá.

Nông dân sẽ không còn tự phát trồng linh tinh nhiều loại lúa như trước nữa. Và họ cũng sẽ dồn điền lại để có thể cơ giới hóa nhiều khâu canh tác, nhất là khâu thu hoạch, để có thể hạ giá thành sản xuất lúa. Với khối lượng lúa vừa phải, không thặng dư, thì qui luật cung cầu sẽ ấn định giá lúa tăng lên. Giá lúa sẽ do một "Ủy ban Giá lúa" ấn định gồm có đại diện Bộ NN&PTNT (TCTLT), Bộ Công Thương, đại diện DN lưu thông gạo (VFA), đại diện nông dân trồng lúa.

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Đã có nhiều ý kiến đưa ra như thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa lúa gạo vào làm thức ăn cho gia súc, gia cầm v.v... Hàng năm nước ta xuất gạo được khoảng trên dưới 3 tỷ USD thì cũng phải dành chừng ấy tiền để nhập nguyên liệu làm thức ăn gia súc.

Còn với việc tăng hiệu quả cho hạt gạo, theo tôi phải xét hai yếu tố. Trước hết là người nông dân, họ đã có kỹ năng để chuyển đổi chưa? Kỹ năng chính của nông dân vùng ĐBSCL, nơi làm nguồn gạo xuất khẩu chính cho cả nước, chỉ là ba sản phẩm chính: Lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản.

Thứ hai là điều kiện tự nhiên của ĐBSCL có cho phép chuyển đổi không? Theo tôi biết là rất khó, nếu không nói là không thể.

Cho nên, muốn thay đổi cơ cấu SX trong khu vực ĐBSCL thì phải xét tới hai yếu tố trên, chứ không phải thích thì nói rồi không làm được.

Tiếp theo chúng ta phải xây dựng thành chuỗi sản xuất cho sản phẩm, chứ không phải cứ làm ra rồi không biết bán cho ai, hoặc làm ra mà giá cao hơn giá nhập khẩu thì cũng chết nông dân. Như mặt hàng bắp chẳng hạn.

{keywords}
PGS.TS Vũ Trọng Khải. Ảnh: Duy Chiến

Kể cả phương án chuyển lúa gạo sang làm thức ăn cho gia súc, gia cầm thì cũng phải xây dựng thành chuỗi. Phải nghiên cứu tất cả các điều kiện thị trường trong và ngoài nước để hình thành chuỗi SX. Và chuỗi bây giờ là chuỗi toàn cầu chứ không phải chuỗi quốc gia. Rất nhiều nước xây dựng chuỗi phải mất vài năm chứ không phải có ngay được.

Tôi đã nhiều lần nói chúng ta không cần xây dựng các khu công nghệ NN cao mà cần xây dựng nền SX NN công nghệ cao. Đó chính là nội dung của hiện đại hoá NN. Hiện đại hoá trong quản lý là chuỗi; hiện đại hoá về kỹ thuật là giống, kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ... Cả thế giới đi lên đều phải làm như vậy.

Không thể chậm trễ hơn

Để "giải cứu" kịp thời cho nông dân trồng lúa cũng như hạt gạo xuất khẩu của VN, theo các ông, về mặt cơ chế, chính sách... chúng ta cần có những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần là không thể chậm trễ hơn nữa. Phải xuất phát từ cơ chế. Đây là việc lớn, phải có vai trò của Chính phủ, nếu không tính hoặc tiếp tục tính sai thì hệ quả sẽ tệ hơn nhiều.

Phải tái cấu trúc bộ máy quản lý ngành NN từ "dàn hàng ngang", "phân khúc cắt đoạn",  không ai chịu trách nhiệm đầu tiên và sau cùng như hiện nay. Nếu không thì không nên bàn thêm tái "cơ cấu sản xuất" làm chi cho rối rắm, mất thời giờ. Tôi nói vậy vì tôi từng chịu trách nhiệm đầu tiên và sau cùng trước Tỉnh ủy An Giang đối với ngành NN An Giang từ tháng 3/1988 đến 1992 nên có kinh nghiệm, chứ không phải hưu rồi nói cho "sướng miệng"!

Phải thiết kế mô hình quản lý thế nào làm cho các thành phần tư nhân yên tâm mà cạnh tranh lương thực nói riêng, nông-lâm-thủy sản nói chung. Để cho họ không sợ bị thành phần quốc doanh lấn lướt, chi phối và cũng không dựa vào quốc doanh  để chia quota thì họ mới tự tin và trưởng thành.

Kiểu  quản lý vừa qua của ta làm cho họ "đứt dây thần kinh cảm hứng" này rồi. Mười năm tôi về hưu, lao động sản xuất trong nông nghiệp tôi thấy các DNNN trong nông nghiệp lúc đầu có vai trò "bà đỡ", nhưng càng về sau vai trò này càng mờ. Còn các CTy CP mà vốn Nhà nước chi phối thì cũng là quốc doanh.

{keywords}
Ông Nguyễn Minh Nhị. Ảnh: Duy Chiến

GS.TS Võ Tòng Xuân: Bộ Nông Nghiệp&PTNT đã ban hành một số dự án tái cơ cấu NN (ví dụ, cây lúa) nhưng vẫn theo vết cũ: phân công cho các ngành, rồi mạnh ai nấy làm. Một chuỗi giá trị nếu để nguyên thì sau cùng sẽ đến đích đúng. Nhưng nếu tháo ra mỗi ngành phụ trách một khoen, thì khi ráp lại chắc sẽ không suôn sẻ... Tôi rất đồng tình và nhấn mạnh rằng, SX và tiêu thụ phải đi vào chuỗi. Và chính sách cũng phải đi theo chuỗi.

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Tôi lại cho rằng dứt khoát phải tạo ra nhân tố mới cho NN thì mới thoát được tình cảnh hiện nay. Nhân tố mới là những yếu tố mới hoàn toàn chứ không phải tái cấu trúc hay tái cơ cấu. Hai việc khác nhau cơ bản.

Tái cấu trúc thì cũng giống như có sẵn cái nhà tranh, nay muốn xây dựng lại thành nhà lầu, biệt thự mà vẫn sử dụng những vật liệu cũ sẵn có. Cần xây dựng lại dựa trên các yếu tố mới.

Các yếu tố mới ở đây chính là nông dân lớn và các HTX, DN chế biến sâu đủ sức tạo ra giá trị gia tăng lớn. Ví dụ hiện nay có công ty đã thí điểm thành công và đã đưa ra thị trường gạo mầm bán tại TP.HCM giá 60.000 đồng/kg và xuất khẩu qua Nhật được 6-7 USD/kg. Phải chế biến sâu có chất lượng cao thì mới bán được giá cao, nhờ đó thu lợi nhuận cao.

Chính sách của Nhà nước phải theo sát và hỗ trợ kịp thời. Trước đây tôi đã nói về chính sách thuế với gạo chất lượng cao xuất khẩu, người ta mới mở được thị trường lập tức đánh thuế ngay là triệt tiêu động lực phát triển của doanh nhân.

Ai không làm được thì phải thay

Thưa ông Nguyễn Minh Nhị, từng là Giám đốc Sở NN&PTNT, rồi Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông nhìn nhận ra sao về nguyên nhân gốc rễ của sự tụt hậu trong ngành NN?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Nguyên nhân bắt đầu từ con người! Vì vậy, muốn xây dựng lại hoặc tái cấu trúc như cách thường gọi, thì phải bắt đầu từ con người, tức khâu tổ chức và quản lý Nhà nước phải đi kèm theo cơ chế gắn trách nhiệm cụ thể. Ai không làm được phải từ chức hoặc bãi miễn để cho người khác có năng lực làm. Không thể để trì trệ kéo dài, khổ dân, khổ nước.

Tôi được biết, hồi đầu năm nay, Chủ tịch nước đã mời ông cùng nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đến để lắng nghe "hiến kế" về nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có lúa gạo. Ông đã gửi đến cuộc gặp những ý kiến gì?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi gửi đến các kiến nghị về đất đai, sản xuất - kinh doanh, về tổ chức và quản lý Nhà nước:

Về đất đai, nếu Luật đất đai giữ nguyên khái niệm Quyền sử dụng thì trong mục "Nhà nước thu hồi đất" phải sửa lại là "Nhà nước mua lại đất". Như vậy đất mới của nông dân và người nông dân yên tâm đầu tư vào đất; Bỏ hạn điền 3 ha đi đôi với buộc phải trực canh, không cho phát canh thu tô; phạt nặng đất bỏ hoang, hóa.

Về SX - KD, cần khuyến khích hình thức trang trại quy mô lớn hàng trăm ha trồng lúa, cây CN dài ngày như mía đường, cao su, cà phê... Hàng chục ha nuôi tôm, cá... Có chính sách hỗ trợ nông dân ít đất bán đất cho chủ trang trại để chuyển nghề.

Nhà nước thu hồi (MUA) đất của nông dân thì phải bảo đảm cho nông dân được chuyển đổi nghề cụ thể, không nói chung chung làm bần cùng hóa thêm cho nông dân  nghèo;

Bỏ quốc doanh lúa gạo, nếu còn cục dự trữ quốc gia. Nếu còn Vinafood 1, Vinafood  2 thì họ phải bình đẳng với các DN tư nhân và DN cổ phần khác về cấp vốn, quota, thuế;

Bỏ các trợ cấp mà WTO cấm, nhưng kiên quyết giảm thiểu các đóng góp gọi là nghĩa vụ đối với nông dân, nhất là cho xây dựng nông thôn  mới, các loại thuế VAT, thuế thu nhập đối với các sản phẩm NN, trước hết là lương thực -thủy sản... Phải công bằng với mặt bằng chung giữa các ngành SX và trong ngành NN trên phạm vi toàn quốc. Thà đói thì cứu trợ.

Đặc biệt tôi nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu các cơ quan đơn vị với cơ chế trách nhiệm rõ ràng và phải thực hiện quyết liệt thì mới thúc đẩy vai trò kiến tạo, quản lý và điều hành của Nhà nước. Các cơ sở viện trường phục vụ nghiên cứu giống cây trồng vật nuôi cần được đầu tư, nâng cấp. Cơ sở nào không có sản phẩm thì thay người, thay người 3 lần trong 3 năm mà không lên thì giải thể cho nhẹ ngân sách Nhà nước.

Sản phẩm trí tuệ của nhà khoa học, của nông dân phải có cơ quan, có người biết để công nhận và mua bán. Cơ quan có chức năng này mà không làm được thì phải thay người đứng đầu cho đến khi làm được. Hiện nay người có học, có chức, có nhiệm vụ mà làm không ra sản phẩm trí tuệ, ăn cắp ý tưởng lòng vòng, nhất là của nông dân  là một hiện tượng sa đọa về đạo đức xã hội và triệt tiêu sản xuất.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian chia sẻ cùng Tuần Việt Nam những vấn đề rất cấp bách trong phát triển nông nghiệp VN hiện nay. Hẹn gặp lại quí vị tại các toạ đàm tiếp theo của Tuần Việt Nam.

Duy Chiến