Ở vai trò Bộ trưởng vào thời điểm nhập 4 bộ thành một, ông đã lèo lái thành công Bộ lớn nhất “ôm cả đất nước”  từ nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và lương thực.

Người dân xã Phú Cường huyện Tâm Nông tỉnh Đồng Tháp hãy còn nhớ hình ảnh Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Công Tạn trong một buổi sáng mùa lũ năm 1996, nước ngập mênh mông như biển. Sàn nhà đôn lên gần đụng nóc. Tất cả chen chúc nhau trong một khoảng không chật hẹp.

Ông đến thăm hỏi tình hình sinh hoạt, ăn ở của người dân, chuyện học hành của trẻ. Đôi mắt tinh anh của ông quan sát từng góc nhà, ông dở nắp chiếc lu đựng gạo, chỉ còn một ít dưới đáy rồi hỏi: “Có đủ nấu ăn bữa nay không? Ngày mai lấy gì ăn?”. Ông xiết chặt tay người dân, dặn: “Bà con hãy cố gắng cùng Chính phủ, tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn. Chúng tôi luôn có trách nhiệm cùng bà con. Hãy yên tâm và tin tưởng…”.  

Câu bé Nguyễn Văn Thường năm ấy chỉ mới 7 tuổi, ngồi chứng kiến “ông Bộ trưởng” từ Hà Nội vào thăm nhà mình tận vùng sâu ngập lũ,  nay là thanh niên hơn 25 tuổi làm việc ở một công ty tại TP.HCM xúc động nhớ lại: “Hồi đó đâu được như bây giờ, quê tôi nghèo lắm. Đường sá vào mùa lũ bị ngập hết. Đi lại chỉ bằng ghe xuồng. Ngày đoàn của Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn ghé qua thăm và tặng ít quà và tiền, gia đình tôi nhớ hoài. Cả xóm tôi vẫn hay nhắc đến, và gọi bác Tạn là “ông Bộ trưởng nhỏ con”.

{keywords}

Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn trao đổi cách làm ăn với người nông dân. (Ảnh: Thái Sinh)

Xã Phú Cường thuộc huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười. Mùa lũ về nơi đây chìm trong biển nước. Tất cả người dân ở đây đều thuộc diện nghèo. Thời điểm năm 1996 Tam Nông mới tách huyện. Con đường độc đạo mới làm nối với tỉnh lỵ bị chìm trong nước vào mùa lũ về. Thành ra, khó khăn chồng khó khăn. Từ ngoài vào đây chẳng khác gì đi vào thế giới khác đang bị biệt lập tách ra khỏi các vùng miền khác. 

Đêm hôm đó ngay tại trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đã chỉ đạo phải gấp rút lo cứu trợ. Trong cuộc họp, giọng sang sảng quen thuộc của ông trùng xuống: “ Việc đầu tiên phải làm là bằng mọi biện pháp cứu đói cho bà con, ổn định cuộc sống của nhân dân rồi mới tính những chuyện khác. Sẽ có tội nếu để dân đói…”.

Buổi sáng hôm sau đoàn công tác lại lên đường vượt sông Tiền, sông Hậu qua An Giang, đi về tận vùng đầu nguồn giáp biên giới Campuchia, rồi lại đến Kiên Giang, xuyên vào Tứ Giác Long Xuyên. Đến làm việc ở địa phương nào việc đầu tiên của Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn là thăm hỏi đời sống nhân dân. Hồi ấy, những gia đình thuộc loại “khá giả” nhất ở các vùng lũ mới có chiếc tivi đen trắng, ăng ten dựng trên nóc nhà làm bằng vỏ lon bia hoặc vành xe đạp.

Những mùa lũ sau, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ NN – PTN, ông thường xuyên về công tác ở các tỉnh vùng lũ với tư cách trưởng đoàn công tác Chính phủ. Dù không có thời gian để trở lại lần thứ hai với những gia đình ông đã từng ghé, song ông đã để lại ấn tượng sâu đậm với người dân vùng lũ. Kể cả khi ông đã lên phó Thủ tướng Chính phủ, người dân vùng lũ vẫn gọi ông bằng cái tên trìu mến : “ Ông Bộ trưởng nhỏ con”.

Một đời với Nông nghiệp

Nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thuộc diện cán bộ nông nghiệp được đào tạo bài bản từ rất sớm từ những năm đầu thập niên 60. Trước khi làm công tác quản lý, ông đã từng dạy ĐH, trưởng Bộ môn canh tác thuộc ĐH Nông nghiệp. Từng có thời gian giữ chức vụ phó chủ tịch và phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, phần còn lại trong thời gian công tác của ông thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Nhắc đến ông, đã có nhiều người ghi nhận những đóng góp của ông cho nền nông nghiệp nước nhà. Là người am hiểu, say mê khoa học, ông đã tìm tòi, sáng tạo ra nhiều loại giống cây con, ông nhận ra rằng, Việt Nam không có điều kiện nghiên cứu sáng tạo như cuộc Cách mạng Xanh ở Ấn Độ hay giống như của IRRI nên đã có nhiều chủ trương rất khôn ngoan.

Đó là, nhập nội giống cây con ở các nước xung quanh về lai tạo cho phù hợp để cắt bớt thời gian và đầu tư nghiên cứu. Nông dân Việt Nam vốn thông minh, sáng tạo, rất thuận lợi áp dụng cái mới. Thời gian làm tư lệnh ngành nông nghiệp, ông biết tôn vinh, phát huy sức mạnh của người nông dân , của các DN nhỏ có ưu thế linh hoạt, nhạy bén.

Ở vai trò Bộ trưởng Bộ NN – PTNT vào thời điểm nhập 4 bộ thành một, ông đã lèo lái thành công Bộ lớn nhất “ôm cả đất nước”  từ nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và lương thực. Ông cũng là người dám nghĩ dám làm. Thời gian ông làm “tư lệnh” ngành nông nghiệp, ông đã áp dụng nhiều biện pháp đột phá mạnh mẽ.

Nhờ gắn bó sâu sắc với nhân dân, nắm sát thực tiễn trong và ngoài nước, ông luôn là người tiên phong đổi mới. Chính ông đã nhận ra những bế tắc trong XK gạo sau thời gian đất nước XK gạo, an ninh lương thực đảm bảo. Những lợi ích cục bộ xuất hiện, các thế lực thao túng, chi phối chính sách.

Đột phá mạnh mẽ nhất thời gian này là xoá bỏ độc quyền của DNNN về XK gạo. Đây thực sự là “cuộc chiến” trong giai đoạn sau Đại hội 6. Một cán bộ thuộc quyền đưa ra đề xuất cho tư nhân tham gia XK, mở rộng đầu ra cho XK gạo lập tức bị vu cho cái tội “phá hoại kinh tế quốc doanh” và bị “ngồi chơi xơi nước”. Chính ông đã kiên quyết bảo vệ cán bộ của mình một cách khôn ngoan để rồi sau đó chính sách tư nhân được tham gia XK gạo ra đời. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi chuyện thuận buồm xuôi gió. Nhiều thủ thuật khác xuất hiện cản trở như đặt quy định kiểu “đánh đố” khiến cho tư nhân không thể làm được dù chủ trương cho phép. Chính ông đã phát hiện và kiên quyết sửa đổi…

Trong giai đoạn khó khăn nhất, nhiều Hội nghị tổ chức và bị bế tắc, không tìm được hướng ra. Ông chủ trì và lắng nghe tất cả. Và sau đó ông phát biểu, gợi mở và phân tích. Ấn tượng về ông qua các Hội nghị của Chính phủ ở phía Nam vẫn còn trong lòng mọi người.

Ở cương vị chính khách phải lo bao việc vĩ mô, nhưng ông vẫn giành thời gian để dịch sách và tài liệu nước ngoài.

Ra đi vào lúc còn nhiều việc chưa hoàn thành, song dấu ấn ông để lại qua từng giai đoạn là không thể phủ nhận.