Có làm Thẩm phán, có đứng trước những quyết định sống còn với số phận con người như có tội hay không có tội, chung thân hay tử hình... mới thấy trình độ và bản lĩnh cần đến như thế nào.

LTS: Theo chương trình nghị sự, tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận Dự án Luật tổ chức Tòa án Nhân dân. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật, xung quanh vấn đề nguyên tắc Thẩm phán độc lập xét xử.

Trong một diễn tiến gần đây của vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên  Thẩm phán TAND tối cao đã bị khởi tố, do những liên can về trách nhiệm. Sự việc một lần nữa khiến nhiều người suy ngẫm về tầm quan trọng của nguyên tắc Thẩm phán độc lập xét xử.

Có thể nói, ngay từ thời cổ Hy Lạp, Aristotle, Platon đã từng mơ ước đến một hình mẫu toà án độc lập, không thiên vị. Trải qua quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ cho đến nay, độc lập xét xử của Toà án đã trở thành nguyên tắc pháp luật của bất kỳ nhà nước dân chủ, văn minh nào.

Quan tòa là bộ luật biết nói. Bộ luật là vị quan tòa câm.

- Ciceron, Luật gia La Mã

Tuy nhiên, trong thực tế ở đâu đó vẫn còn tình trạng Thẩm phán bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan lẫn khách quan khiến phán quyết của họ bị thiên lệch. Điều đó cho thấy, việc đảm bảo cho Thẩm phán nói riêng, Toà án nói chung được độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật, luôn là khát vọng và cũng là nỗi ưu tư của nhân loại ngàn đời nay.

Chúng ta đang tiến hành Chiến lược cải cách tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân với trọng tâm là cải cải cách hệ thống toà án. Trong bối cảnh đó, có lẽ bàn về nguyên tắc Thẩm phán độc lập xét xử là vấn đề xưa nhưng không hề cũ.

dám độc lập không?

Tháng trước, trong một hội thảo tư pháp, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đưa ra nhận định: "Thẩm phán ta sợ đủ thứ". Theo đó, "Thẩm phán sợ từ ông nhân viên kho bạc trở đi, sợ cả công an, sợ các quy định về thi đua khen thưởng của ngành, sợ địa phương không cấp đất làm trụ sở, làm nhà, đủ thứ"[1].

Trên thực tế, đã có nhiều yếu tố tác động đến sự độc lập của Thẩm phán được chỉ ra. Đó có thể là sự can thiệp từ bên ngoài, là sự tác động từ các cơ quan khác như hành pháp, lập pháp, đó là nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn, lương bổng đãi ngộ chưa cao khiến họ không yên tâm cống hiến, v.v...

{keywords}
Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm (trái) và ông Nguyễn Thanh Chấn - người bị tù oan 10 năm trời

Trong khi đó, sự độc lập của quan tòa và tòa án vốn được coi như điều cốt tử để công lý hiện diện trong cuộc sống. Nhưng để được vậy, vấn đề quan trọng nằm ở bên trong mỗi con người Thẩm phán không những chỉ là ở chỗ Thẩm phán được độc lập, mà còn là có khả năng để độc lập và dám độc lập khi xét xử.

Điều này có vẻ như vô lý, nhưng thực tế cho thấy khi một ai đó muốn né tránh trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho tập thể thì họ không muốn độc lập. Mặt khác, khi luật pháp không rõ ràng, trách nhiệm cá nhân không được đề cao, khi xảy ra hậu quả xấu vẫn có cơ hội để đổ lỗi cho người khác, thì đây là môi trường tốt cho những tiêu cực phát sinh. Những Thẩm phán năng lực yếu, tư cách đạo đức kém thì không muốn độc lập. Đảm bảo cho Thẩm phán độc lập xét xử ngoài ý nghĩa nâng cao chất lượng xét xử, còn có ý nghĩa xác định lỗi và truy cứu trách nhiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, cần phải xem Thẩm phán có đủ trình độ và bản lĩnh để thực thi quyền độc lập xét xử mà pháp luật và xã hội trao cho mình hay không? Tức là không chỉ "muốn", "có khả năng", mà còn "dám" độc lập xét xử hay không? Độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật - tưởng như đơn giản nhưng có làm Thẩm phán, có đứng trước những quyết định sống còn với số phận con người như có tội hay không có tội, chung thân hay tử hình... mới thấy trình độ và bản lĩnh cần đến như thế nào.

Không đủ trình độ, dũng khí để bảo vệ chân lý, sợ trách nhiệm, ba phải, dĩ hoà vi quý... là những yếu tố chủ quan chi phối không nhỏ đến tính độc lập xét xử của Thẩm phán hơn bất kì các yếu tố khách quan nào. Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật nhiều nước đòi hỏi Thẩm phán độc lập xét xử không chỉ tuân theo pháp luật, mà còn phải xét xử theo đúng lương tâm của mình.

Chẳng hạn, tại một phiên tòa gần đây, có điều thú vị xảy ra là tòa án triệu tập đại diện một cơ quan cấp Bộ ra trước tòa để giải thích một điều luật do cơ quan này ban hành vì... Tòa không hiểu. Ngay cả khi được xét xử độc lập, nhưng không có khả năng giải thích pháp luật thì rõ ràng không thể phán quyết cách độc lập.

Thẩm phán có nên "tham khảo ý kiến"?

Nhân đây xin được bàn đến vấn đề thỉnh thị án và báo cáo án từng diễn ra trước đây trong ngành toà án, mà nhiều người chỉ trích rằng nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử. Tuy nhiên, chúng tôi lại có cách nhìn khác tích cực hơn về vấn đề này.

Việc trao đổi chuyên môn nghiệp vụ giữa Thẩm phán và Chánh án, và giữa các Thẩm phán với nhau, thậm chí với toà án cấp trên đi chăng nữa là công việc cần khuyến khích, bởi quy luật của nhận thức là cọ xát nhiều ý kiến mới thấy được chân lý. Báo cáo án, thỉnh thị án cũng là một trong những hình thức trao đổi nghiệp vụ mà có cấm đi chăng nữa thì nó vẫn sẽ diễn ra một khi Thẩm phán muốn tham khảo ý kiến về một vụ án cụ thể.

Nếu cấm duyệt án hay thỉnh thị án, một tình trạng có thể sẽ xảy ra là họ không xin ý kiến bằng một cuộc họp duyệt án hay một công văn thỉnh thị như từng làm, mà dùng hình thức khác "phi chính thức" như gọi điện thoại hay gặp gỡ trực tiếp... rất khó kiểm soát.

Báo cáo/ thỉnh thị án sẽ không vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử nếu vấn đề trao đổi nghiệp vụ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của toà án cấp trên đối với toà án cấp dưới là sinh hoạt nghiệp vụ bình thường, không mang tính bắt buộc. Nó phải đảm bảo không phải là sự chỉ đạo, áp đặt về vụ án cụ thể và đặc biệt, phải đề cao trách nhiệm cá nhân của Thẩm phán nếu xảy ra oan sai.

Nghĩa là, không cấm Thẩm phán tham khảo ý kiến, nhưng khi xảy ra oan sai thì Thẩm phán không thể đổ lỗi cho việc phải làm theo ý kiến chỉ đạo của người khác. Họ phải chịu trách nhiệm cá nhân, bởi pháp luật trao quyền độc lập xét xử cho họ, nhưng họ lại không thực hiện quyền đó.

Người viết bài này có lần trao đổi với Thẩm phán Hoa Kỳ về vấn đề này và ông cho biết: ở Hoa Kỳ, các Thẩm phán cũng thường xuyên trao đổi với nhau, thậm chí với cấp trên về một vụ án nào đó. Nhưng khi xét xử và ra bản án thì đó phải là kết luận của cá nhân Thẩm phán và phải chịu trách nhiệm với phán quyết của mình.

Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN)

Mời độc giả xem tiếp Kỳ 2: Gặp 'tai nạn' vì... đúng quy trình

----

[1] 'Thẩm phán ta sợ đủ thứ', Thanh niên, 11/10/2014.

Xem lại Bàn tròn Sửa đổi luật TTHS:

Không thể tư duy “bắt nhầm” còn hơn “bỏ lọt”

Trong tố tụng hình sự luôn có hai nhiệm vụ quan trọng là bên cạnh yêu cầu phát hiện, xử lý tội phạm còn nhiệm vụ quan trọng khác là minh oan cho người lương thiện.

‘Lẽ ra đã có cơ hội ngăn những án oan vừa qua’

 Khi qui định quyền thì rất hay nhưng lại không thiết kế một bộ quy chế, thủ tục để đưa quyền đó vào những hành vi cụ thể. Giống như mua cái xe nhưng nhà nước lại không làm đường cho xe chạy.