Việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ giúp Mỹ có bước đi trước mang tính chiến lược trong việc ngăn cản quan hệ Nga-Ấn và giúp Mỹ tạo thế trong thế trận đối phó với Nga.

Hình mẫu quan hệ nước lớn kiểu mới

Nếu nhìn bề ngoài, chúng ta sẽ không thấy mấy sự khác biệt trong chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày từ 25-27/1/2015 của ông Obama so với các chuyến thăm cấp cao khác. Tuy nhiên, xem xét kỹ nội dung của hàng loạt thỏa thuận vừa được ký kết, nhiều dấu hiệu cho thấy chuyến thăm của ông Obama sẽ có tầm mức quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Ấn và quan hệ quốc tế tương tự như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon năm 1972.

Nó cũng cho thấy nhiều khả năng quan hệ Mỹ-Ấn mới chính là hình mẫu của một mối quan hệ nước lớn kiểu mới chứ không phải bất kỳ mối quan hệ nước lớn nào khác.

Nhiều khả năng quan hệ Mỹ-Ấn mới chính là hình mẫu của một mối quan hệ nước lớn kiểu mới chứ không phải bất kỳ mối quan hệ nước lớn nào khác.

Nếu xét đến các vụ “lùm xùm” về ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ liên quan đến việc Mỹ trục xuất nhà ngoại giao Ấn Độ Devyani  Khobragade cuối năm 2013, rồi việc Ấn Độ bỏ phiếu phủ quyết Thỏa thuận thuận lợi hóa thương mại của WTO 7/2014, có lẽ ngay cả những người có tư duy mạnh bạo nhất cũng không thể nghĩ rằng quan hệ Mỹ-Ấn lại có sự xoay chuyển đến 180 độ theo chiều hướng tích cực trong thời gian ngắn đến vậy.

Sự nồng ấm này thể hiện qua một số cái “nhất” vô tiền khoảng hậu trong lịch sử quan hệ ngoại giao Mỹ-Ấn.

Trước hết, đó là cách chuyển và nhận lời mời giữa hai ông Obama và Modi. Cả ông Obama và Modi đều là các fan công nghệ, có tài khoản mạng xã hội để giao tiếp với dân chúng và xử lý công việc. Ngay sau khi nhận được lời mời từ ông Modi mời tham dự Ngày Cộng hòa thì ông Obama cũng “đáp từ” một cách sành điệu từ tài khoản Twiter của mình. Bên cạnh đó, với chuyến thăm này, ông Obama đã “phá lệ”, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự Ngày Cộng hòa của Ấn Độ và cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Ấn Độ hai lần trong suốt nhiệm kỳ của mình.

{keywords}
Quan hệ Mỹ - Ấn đang "đảo chiều". Ảnh: AP

Các tính toán chiến lược mới

Sự “đảo chiều” hiện nay trong quan hệ Mỹ-Ấn bắt nguồn từ những tính toán và đánh giá lại về các lợi ích địa-kinh tế và địa chiến lược của cả hai phía, đặc biệt từ sau khi Thủ tướng Modi lên cầm quyền.

Ông Modi thấy rằng, mục tiêu “làm mới” lại Ấn Độ, đưa Ấn Độ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ nêu khẩu hiệu “đa dạng hóa” quan hệ chung chung, và thực thi một đường lối đối ngoại quá độc lập theo thiên hướng dân tộc chủ nghĩa có phần “tả khuynh” mà thiếu đi “điểm nhấn” quan trọng là Mỹ.

Về kinh tế, Ấn Độ cho rằng xu thế chuyển dịch đầu tư của Mỹ và phương Tây ra khỏi Trung Quốc là không tránh khỏi do môi trường đầu tư tại Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn và kinh tế nước này bước vào giai đoạn “hạ cánh”. Do đó, Ấn Độ đã đón lõng cơ hội bằng cách trưng ra khẩu hiệu “Sản xuất tai Ấn Độ”, tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ và cùng ông Obama đặt ra một kế hoạch tham vọng tăng tổng thương mại hai nước lên gấp 5 lần từ 100 tỷ USD hiện nay lên 500 tỷ USD trong 10 năm tới 

Về mặt chiến lược, tuy lên cầm quyền chưa lâu nhưng chính quyền Modi đã nhanh chóng nhận thấy rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế, sự quyết đoán của nước này trong chính sách an ninh, đối ngoại đang tạo ra các thách thức nghiêm trọng, thu hẹp không gian phát triển, không gian an ninh của Ấn Độ. Ấn Độ cũng thấy khó có thể trông chờ nhiều ở Nga trong bối cảnh nước này đang gặp khó khăn về kinh tế, trong khi đó quan hệ Nga-Trung đang quay trở lại “tuần trăng mật” mới.

Đối với Mỹ, hàng loạt các biến chuyển nhanh ở cả Đông Á lẫn khu vực Đông Âu cũ liên quan đến Nga, Trung Quốc và quan hệ của Mỹ với hai nước này trong suốt năm 2014 đã khiến người Mỹ, với bản năng thực dụng vốn có của mình, phải tìm các con bài và lựa chọn chính sách mới. Sự “xuất hiện” của nhân tố Modi cùng các bước đi mạnh bạo của ông Thủ tướng mới Ấn Độ đang tạo ra thời cơ “đổi vận” mà ông Obama và các cộng sự không thể bỏ qua.

Thứ nhất, việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ giúp Mỹ có bước đi trước mang tính chiến lược trong việc ngăn cản quan hệ Nga-Ấn và giúp Mỹ tạo thế trong thế trận đối phó với Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cùng nhìn thấy vai trò then chốt của Ấn Độ trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, cũng như trong toàn bộ chiến lược Ấn-Thái (vòng cung nối Ấn Độ Dương nối Thái Bình Dương) của Mỹ. Chính vì vậy, trong tuyên bố chung Mỹ-Ấn khi kết thúc chuyến thăm có ghi hợp tác quốc phòng, an ninh lên trên hợp tác kinh tế - một điều Mỹ từ xưa đến nay chỉ nêu trong quan hệ với các nước đồng minh.

Thứ hai, Mỹ thấy rằng để có thể trở thành đối tác có tầm vóc toàn cầu thì Ấn Độ phải mạnh trên mọi phương diện.

Cụ thể là: (i) Mỹ sẽ tăng hoặc chuyển dịch đẩu tư để biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất của thế giới; (ii) Mỹ sẽ hỗ trợ để Ấn Độ có một nền quốc phòng hùng mạnh để đương đầu với các thách thức an ninh từ bên ngoài; (iii) sự hợp tác hai nước trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, thể hiện rõ nhất trong Tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó cả Mỹ và Ấn Độ tuyên bố đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; và giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có công ước quốc tế về luật biển; (iv) Để ngỏ khả năng tăng cường hợp tác tay ba, tay tư giữa Mỹ và Ấn Độ với các đối tác quan trọng khác trong khu vực.

Thứ ba, xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước thông qua việc xử lý một số “nút thắt” của quan hệ.

Nút thắt được chọn ở đây là Hiệp định hạt nhân dân sự mà hai nước ký vào năm 2005 nhưng gần như không thể triển khai được trên thực tế do luật quy đinh ràng buộc trách nhiệm pháp lý, buộc các công ty cung cấp lò phản ứng hạt nhân chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố lò phản ứng hạt nhân. Dự kiến đây sẽ là thị trường “béo bở” đối với các công ty Mỹ, đặc biệt khi Ấn Độ thực hiện mục tiêu tăng sản lượng điện hạt nhân từ 4% hiện nay lên 25% vào năm 2050. Tuy nhiên, hạt nhân dân sự là lĩnh vực có tính lan tỏa lớn, giúp làm giảm ô nhiễm, giảm khí thải carbon, giúp Ấn Độ giải quyết được bài toán năng lượng trên con đường hiện đại hóa đất nước, đồng thời đưa hai nước xích lại gần nhau hơn trong các thương lượng đi đến thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.  

Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao