Sự hào nhoáng của những thông tin đến từ “một tổ chức quốc tế”, “một nghiên cứu nước ngoài” hay “bảng xếp hạng quốc tế” làm cho chúng ta quên đặt ra một số câu hỏi.
>> Ai lên danh sách "10 tố chất cơ bản của người Việt?"
>> Đừng để một tin 'thâm cung bí sử' cũng gây rúng động
>> Táo ngoại nhiễm khuẩn và ‘ăng-ten sợ hãi’
>> Tự do và cực đoan: Đâu là giới hạn?
Mấy tuần qua cư dân mạng chia sẻ nhiều về một bài viết mang tựa đề “10 Đặc tính của người Việt qua nhận xét của Viện Nghiên cứu Xã hội học Hoa Kỳ”. Đại ý bài viết là liệt kê ra những điểm chưa tốt của người Việt dưới danh nghĩa là kết quả nghiên cứu của một cơ quan nghiên cứu nước ngoài.
Lẽ dĩ nhiên, đề tài quá nhạy cảm cộng với sự trăn trở của đa phần chúng ta về văn hóa cộng đồng làm cho bài viết được ủng hộ rộng rãi và đồng tình trong không gian mạng. Bài viết được đăng lại trên nhiều trang mạng khác, nhận được không ít like và share bởi các cá nhân trên mạng xã hội.
Chủ đề quá hấp dẫn hay bởi thói quen tiếp cận thông tin một cách dễ dãi làm cho nhiều báo mạng và người đọc quên mất việc đầu tiên là kiểm định lại thông tin và trả lời câu hỏi: “Có hay không?”. Cái tên “Viện Nghiên cứu Xã hội học Hoa Kỳ” nằm ngay dòng đầu tiên thật dễ dàng kiểm chứng với bất kì ai biết dùng Internet ở mức cơ bản nhất.
Sự thật là không có bất kì “Viện Nghiên cứu Xã hội học Hoa Kỳ” nào, chỉ có một cái “Viện Nghiên cứu Mỹ”. Tuy nhiên, không có bất cứ kết quả nào khi tìm kiếm với từ khóa “Vietnamese” trên website của Viện Nghiên cứu này. Một vài bài viết khác chỉ rõ ra sự sai sót này, nhưng chẳng mấy ai quan tâm và cũng chẳng ai hào hứng “share” và “like” như bài viết gốc.
Mạng xã hội là nơi làn truyền, phản hồi thông tin rất nhanh. Ảnh minh họa |
Thật không khó để điểm lại những sự kiện mà dư luận Việt Nam “hiểu sai” hay thậm chí “việt vị” trước những thông tin mang danh nghĩa quốc tế nhưng chưa được kiểm chứng một cách nghiêm túc.
Năm 2007, tôi hết sức tự hào khi ngôi trường đại học của mình được xếp hạng cao trong khu vực và nhất nhì trong nước theo bảng xếp hạng của tổ chức Webometrics. Cùng với đó là 6 đại học khác cũng lọt top. Báo chí ca ngợi hết lời vì lần đầu tiên có một tổ chức quốc tế xếp hạng và đánh giá khá cao các trường đại học Việt Nam như vậy.
Rất may là ít lâu sau, các nhà quản lý đại học đã nhận ra và cảnh báo về việc sử dụng bảng xếp hạng này, bởi đó chỉ đơn thuần là bảng xếp hạng “mức độ tác động của trang web các trường đại học” như chính cái tên Webometrics. Tiếc rằng đến tận bây giờ, một số nơi vẫn đăng và sử dụng bảng xếp hạng này để quảng bá cho đơn vị mình.
Câu chuyện thứ hai này, là minh chứng cho việc sử dụng thông tin mà quên trả lời câu hỏi: “Nguồn gốc từ đâu?” và “Theo tiêu chí nào?”
Câu chuyện thứ 3 ai cũng biết, là danh hiệu 7 kì quan thiên nhiên thế giới mà nhân dân cả nước đã tích cực bầu chọn cho Vịnh Hạ Long. Tiếc rằng, danh hiệu trên không quá cao quý, bởi chính UNESCO đã lên tiếng không công nhận cuộc bình chọn không mang tính khoa học này, và một số bài viết cũng chỉ ra tính thương mại của cuộc bầu chọn trên. Một lần nữa, người tham gia lại quên mất đặt ra câu hỏi: “Nguồn gốc từ đâu?”, “Tiêu chí nào?” và “Tầm ảnh hưởng ra sao?”
Sự hào nhoáng của những thông tin đến từ “một tổ chức quốc tế”, “một nghiên cứu nước ngoài cho thấy” hay “bảng xếp hạng quốc tế” làm cho chúng ta quên đặt ra những câu hỏi “Có hay không?”, “Nguồn gốc từ đâu?”, “Tiêu chí nào?”, “Tầm ảnh hưởng ra sao?”.
Trong thế giới thông tin rộng lớn hiện nay, việc tạo ra và chuyển tải thông tin, đánh giá và xếp hạng đã trở nên quá dễ dàng và nhanh chóng. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc phải cảnh giác hơn với những bài báo giật tít “Việt Nam xếp cao trong bảng xếp hạng ABC” hay “Nghiên cứu quốc tế về người Việt”.
Trở lại với câu chuyện đầu tiên, dẫu nguồn thông tin không chính xác, tôi cũng thầm cảm ơn tác giả nào đó đã có công tổng hợp để chúng ta tự soi lại mình. Trong khuôn khổ chủ đề bài viết của tôi, như ông bà ta có câu “Nói có sách, mách có chứng”, nên tôi tin rằng sự dễ dãi thông tin chỉ mang tính chất nhất thời trong giai đoạn bùng nổ thông tin, nó chắc chắn không phải là một “đặc tính của người Việt”.
Lê Đình Minh Trí