Nhìn ra các nước láng giềng trong cộng đồng ASEAN, có thể nói là người Việt bận rộn hơn rất nhiều. Ra đường ai cũng vội vàng và hình như người nào cũng thấy là mình bận bịu và vội hơn kẻ khác.

 

Xem bài 1:Người Việt tinh ý đường gần, mù mờ đường xa


Ai cũng thấy mình phải được ưu tiên
 

Người nước ngoài khi ghé thăm Việt Nam, nếu không ở lại lâu hay tìm hiểu kỹ  một chút chắc sẽ nghĩ với những con người vội vã và nhiệt tình đi lại trên các con phố đông đúc kia, giấc mơ thành một con rồng châu Á của nước Việt chắc sẽ sớm thành hiện thực.

 

Nhìn ra các nước láng giềng trong cộng đồng ASEAN, có thể nói là người Việt bận rộn hơn rất nhiều. Ra đường ai cũng vội vàng và thấy mình bận bịu hơn kẻ khác nên ai cũng muốn chiếm thế thượng phong trong các điểm nút giao thông. Không phải thời chiến nhưng ai cũng luôn trong trạng thái xông lên phía trước. Nếu bạn chậm trễ một chút mà chưa kịp di chuyển khi đèn xanh xuất hiện thì hàng chục tiếng còi sẽ vang  lên để nhắc bạn rằng thời gian quan trọng như thế nào và rằng bạn đang lãng phí "vàng bạc" của chính mình cũng như của nhiều người khác.

 

 

{keywords}
Nếu xét về các rủi ro có thể gặp phải so với thời gian tiết kiệm được nhờ vượt đèn đỏ  thì có thể khẳng định giá trị tuyệt đối trên một đơn vị thời gian của người Việt thuộc diện cao nhất thế giới. Ảnh: VTC

 

Nhiều người không chỉ vội vã khi ra đường mà còn tất bật ở tất cả những nơi, những sự kiện có đông người tham gia. Vậy là chen lấn, xô đẩy, cướp giật (nhất là trong các lễ hội đầu xuân). Khi đó ai cũng thấy là mình quan trọng hơn, đáng được ưu tiên hơn do mình đang vội hơn người khác.

 

Ở các TP lớn, sẽ không lấy gì làm lạ khi một cô gái trẻ hay một chàng thanh niên thản nhiên cắt ngang một dòng người đang xếp hàng hay đề nghị người đứng trước cho mình làm thủ tục trước vì ”tôi đang rất vội” trong khi chẳng quan tâm người được đề nghị kia có vội như mình không!

 

Nơi công cộng thì ai nấy vội vã như vậy, song khi kết thúc hành trình thì mọi người có hồ hởi và khẩn trương bắt tay ngay vào công việc không?

 

Buổi sáng, đa phần vội vã phóng xe đến công sở để chậm rãi ăn sáng, nhâm nhi trà đá,  café ngay cổng cơ quan trước khi đun nước, pha trà và tán gẫu tại nơi làm việc.

 

Chiều về, khi hòa vào dòng người giao thông, họ thay nhau bấm còi inh ỏi để vượt lên trước. Có rất nhiều người ăn vận lịch sự nhưng sẵn sàng vượt đèn đỏ nếu vắng bóng CSGT. Khi thấy họ tất bật trên đường hẳn nhiều người phải thốt lên rằng: “có lẽ đây là một người cha thương con, một người chồng yêu vợ và một người đàn ông có trách nhiệm đang vội vã về với gia đình!”.

 

Trên thực tế điểm đến của nhiều người đang vội vã phóng xe kia lại là những quán bia nơi họ có thể ngồi lỳ hàng mấy tiếng đồng hồ cùng những bầu tâm sự không bao giờ cạn(!)

 

Vì 'đi chậm thì mất miếng'?

 

Có thể ai đó thấy chuyện này là bình thường và “thường ngày ở huyện”, nhưng nếu nhìn nhận nó với một lăng kính khác – hiệu suất lao động thì đây lại là một điểm yếu chết người của chúng ta.

 

Tại sao? Bởi vì chúng ta đang làm ngược và đi ngược lại những gì được cho là nguyên tắc của Quản trị nhân lực. Trong giao thông cần phải từ tốn thì chúng ta lại vội vã, trong khi đó nơi công sở cần phải làm việc hăng say thì chúng ta lại cứ đủng đỉnh. Dân ta cũng dành quá nhiều thời gian cho các cuộc nhậu vốn gây lãng phí và ảnh hưởng tiêu cực cả về thể chất lẫn tinh thần!

 

Nguyên nhân thực sự có rất nhiều, từ vấn đề thế chế, giáo dục cho đến văn hóa, tất cả cộng hưởng để tạo nên một xã hội ồn ào, vội vã với hiệu suất lao động tương đối thấp – nếu không muốn nói là quá thấp.

 

Về góc độ văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng chuyện người Việt luôn vội vã có nguồn gốc từ quá khứ nghèo khó của đa phần dân chúng. Khi đại bộ phận người dân còn sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp – vốn rất bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết và thiên nhiên, thì chuyện thiếu thốn lương thực trong giai đoạn từng được gọi là “tháng 3 ngày 8” (giáp hạt) có lẽ thường xuyên xảy ra, đặc biệt là tại các cộng đồng Miền Bắc và Miền Trung nơi thiên nhiên khắc nghiệt hơn.

 

Thiếu thốn lâu ngày đã tạo nên một tâm lý trong các thành viên cộng đồng, đó là luôn có cảm giác bấp bênh và lo lắng cho tương lai. Do không được dư giả lắm nên mỗi khi có các hoạt động cộng đồng, thường xảy ra hiện tượng hàng hóa không đủ chia cho tất cả. Ví dụ khi hội làng thì con lợn quá bé lại gầy; sân đình làng quá nhỏ khiến mọi người phải chen chúc.

 

Thiếu thốn về nhiều mặt trong đời sống xã hội đã khiến cho mọi người luôn cần phải khẩn trương nếu không muốn thiệt thòi. Muốn xem hát chèo thì phải vội vàng đi sớm kẻo sẽ hết chỗ; muốn có cân thịt ngon thì cần phải dậy từ mờ sáng.

 

Khi Hà Nội còn thưa dân, phương tiện giao thông ít thì hầu hết cư dân nơi đây luôn sống khoan thai, chậm rãi và không quá lo lắng. Ngày nay xe cộ đã nhiều lên bội phần nhưng đường xá vẫn chẳng  mở mang là bao nên dân chúng bỗng trở nên vội vã vì nỗi sợ “thiếu thốn”.

 

Buổi sáng cuối tuần, ta có thể bắt gặp tại những quán café đông đúc (có vị trí thoáng, đẹp) nhiều người trong bộ dạng thư thái đang đọc báo và nhâm nhi ly café.  Nhìn sự chậm rãi và đủng đỉnh của họ khi ngồi đợi những giọt café tí tách rơi, ít ai biết rằng họ vừa trải qua một hành trình vất vả, và phải phóng nhanh vượt ẩu hòng đến sớm để có được một chỗ ngồi ưa thích tại đây!

 

Chuyện phải vội vã di chuyển, không chịu nhường nhịn, thậm chí ganh đua của nhiều người sẽ không cần bàn nếu như họ phải làm vậy do sức ép công việc hoặc vì một mục tiêu lớn lao ích nước lợi nhà. Rất tiếc là phần lớn trong chúng ta ganh đua và không nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông chỉ vì để nhanh chóng được thưởng thức một tô phở ngon với chỗ ngồi chật chội hay một ly café ở một góc phố yên tĩnh. Như vậy chúng ta chỉ thực sự vội vã khi phải hoặc cho rằng mình đang ganh đua với ai đó và nếu mình không nhanh thì chắc sẽ bị thiệt thòi.

 

Tư tưởng sợ thiếu, sợ hết phần này nếu như được vận dụng vào công việc để giúp chúng ta khẩn trương hơn trong thế giới đang cạnh tranh mạnh mẽ ngày hôm nay thì quả là hay biết mấy! Nếu cái sự ganh đua này mà mang ra thi thố ở tầm quốc tế thì có lẽ vị thế của nước Việt đã khác lắm rồi.

 

Tiếc là đa phần người Việt chỉ thích ganh đua trong một phạm vi hẹp, cụ thể là ở cấp độ làng, xã hoặc cấp độ tương đương, nơi họ chứng tỏ được vị thế và cái tôi của mình đối với những người xung quanh – phần lớn là biết nhau, thế là đủ. Đây có thể xem là một nguyên nhân khiến cho nhiều thứ ở xứ ta luôn khác hoặc ngược với thế giới.

 

Trần Văn Tuấn