Thượng tôn pháp luật chính là yếu tố căn bản nhất duy trì hiệu lực của pháp luật, giữ cho xã hội ổn định, phát triển lành mạnh.

>> Xem lại Bài 1: Học nước ngoài cẩn thận... 'đau bụng uống nhân sâm'

Đã từng có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao thông mà nếu áp dụng, nhiều nhất chỉ khuấy động dư luận lên một hồi, với nhiều phát sinh phức tạp, làm cho một số người co lại ít lâu. Rồi mọi việc sẽ trở về như cũ. Chẳng hạn: phạt xe máy để dưới lòng đường, khôi phục trật tự hè phố, phạt người dùng điện thoại khi điều khiển phương tiện hay các “tháng, năm cao điểm an toàn giao thông”...

Ngoài bia, rượu còn nhiều nguyên nhân khác gây tai nạn thảm khốc, như: lái xe ngủ gật vì chạy quá nhiều giờ; phóng nhanh, vượt ẩu vì áp lực thời gian gây ra đấu đầu xe ngược chiều; cố vượt ngang đường tàu khi tàu hoả đang lao tới vì thói quen “tranh thủ”; cố tình vào đường nguy hiểm bất chấp cảnh báo vì tính liều lĩnh; tác động của ma tuý, sử dụng điện thoại, hay một nguyên nhân lãng xẹt khác là coi thường tính mạng của mình và người khác, v.v…

Các hành vi sai trái đó chỉ là biểu hiện cụ thể của một nguyên nhân sâu xa hơn, cái gốc của mọi vấn đề mà nếu không giải quyết thì không thể đạt được kết quả.

Không ít ý kiến quả quyết nguyên nhân cốt lõi nằm ở “ý thức kém của người dân”. Nhưng, “ý thức kém” vẫn chưa phải là bản chất vấn đề. Tại sao người dân lại không tôn trọng pháp luật? Có thể chỉ ra rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong phạm vi Luật Giao thông đường bộ, tôi cho rằng có 4 nguyên nhân chính xuất phát từ việc thực thi pháp luật với những biểu hiện:

1. Thiếu bình đẳng, chưa thực sự thể hiện chủ trương “mọi người bình đẳng trước pháp luật”;

2. Thiếu nhất quán, không kiên trì, có hiện tượng đầu voi đuôi chuột, kiểu phong trào, hoặc chạy theo thành tích và hình thức;

3. Thiếu đổi mới, cập nhật, chạy theo lối mòn từ nhiều năm nay; trong khi môi trường xã hội đã thay đổi rất sâu sắc với hệ thống đường giao thông phát triển hơn, số người tham gia tăng lên nhiều lần, phương tiện giao thông đa đạng và hiện đại hơn, chạy với tốc độ mà mấy chục năm trước người ta chỉ nghe nói tới.

4. Có lúc, có nơi bị lợi dụng vì mục đích tiêu cực.

{keywords}

Xe biển xanh, biển đỏ có được xử lý như các xe thông thường. Ảnh minh họa: Thái An/ Zing.vn

Bốn yếu tố trên đây, kết hợp với những nguyên nhân từ phía người dân, đã dần xói mòn hiệu lực của pháp luật, lòng tin của người dân giảm sút và có hiện tượng coi thường pháp luật. Cụ thể là:

Thứ nhất, tính không công bằng của luật pháp trong thực tiễn.

1. Phân biệt đối xử giữa các loại phương tiện khác nhau dẫn đến tình trạng “xe to sợ xe bé”.

2. Phân biệt giữa các chủ phương tiện. Xe biển xanh, biển đỏ vi phạm hầu như không bị xử lý. Thậm chí lái xe còn đe doạ, gọi điện nhờ người can thiệp[1]. Trong khi đó xe biển trắng dù phạm lỗi rất nhỏ, thay vì lực lượng chức năng chỉ cần nhắc nhở nhưng vẫn bị xét nét, xử phạt theo nhiều cách.

3. Người làm trong cơ quan Nhà nước thường được nương nhẹ hơn “thảo dân”. Không ngẫu nhiên mà hiện tượng dán logo, tên cơ quan lên kính xe lại rộ lên. Thậm chí nhiều người mạo danh Thanh tra Chính phủ, nhiều đến mức Thanh tra Chính phủ phải có công văn đề nghị Bộ Công an và Bộ GTVT kiểm tra xử lý.

Thứ hai, có quá nhiều sự can thiệp từ bên ngoài vào quá trình thực thi luật, tạo ngoại lệ, khiến luật bị méo mó và mất hiệu lực.

Hiện tượng người có ảnh hưởng kể cả trong cơ quan thực thi luật pháp, can thiệp, thậm chí gây áp lực với các cơ quan chức năng trong việc xử lý sai phạm hành chính khá phổ biến. Đến nỗi mới đây Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có điện chỉ đạo nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ công an can thiệp vào hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật của thân nhân, bạn bè dưới mọi hình thức[2]. Không có sự can thiệp, ắt đã không có hiện tượng người vi phạm mạo nhận quen vị này, vị kia, hay việc đầu tiên khi bị dừng xe là… gọi điện thoại!

Xem các bài khác trong diễn đàn "tịch thu xe khi say":

Học nước ngoài cẩn thận... 'đau bụng uống nhân sâm'

‘Xử’ lái xe say: Câu chuyện nước Mỹ

Tịch thu xe khi say: Phạt nặng càng gây chống đối

Ở các nước pháp quyền thực sự, luật pháp không vị nể ai. Ví dụ ông Christopher Murray Paul-Huhne, từng là Nghị sỹ Nghị viện châu Âu, Nghĩ sỹ Hạ viện Vương quốc Anh, Bộ trưởng bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu nước Anh và nhiều vị trí quan trọng khác, đã phải từ chức, và ngày 11/3/2013 bị kết án tù 8 tháng vì lái xe quá tốc độ và khai man trước toà.

Được ra tù trước hạn, nhưng ông Paul-Huhne bị gắn chip điện tử để cơ quan pháp luật giám sát.

Ngày 20/3/2009, Ông Marcus Einfeld, khi đó đã 71 tuổi, nguyên Thẩm phán Toà án liên bang Úc, Thẩm phán Toà án tối cao các bang New South Wales, bang Tây Úc, và Thủ đô Canberra cùng nhiều vị trí quan trọng khác, bị kết án tù 3 năm vì khai man trước toà liên quan đến việc ông lái xe quá tốc độ bị phạt 77 đô la Úc và trừ điểm bằng lái

Thượng tôn pháp luật chính là yếu tố căn bản nhất duy trì hiệu lực của pháp luật, giữ cho xã hội ổn định, phát triển lành mạnh.

Thứ ba, biện pháp thực thi pháp luật chưa hiệu quả. Dù điều kiện vật chất, kỹ thuật và xã hội trong giao thông đã thay đổi sâu sắc, nhưng biện pháp thực thi pháp luật vẫn theo phương pháp cũ áp dụng mấy chục năm nay, là các lực lượng chấp pháp đứng bên lề đường phát hiện và xử lý vi phạm. Giám sát bằng công nghệ tiên tiến được các nước phát triển trên thế giới và khu vực áp dụng mấy chục năm rồi, rất hiệu quả, song ở ta lại chưa được chú trọng.

Ví dụ tại Hà Nội, từ năm 2012 đến nay mới lắp đặt 78 camera chuyên ghi hình ảnh phương tiện giao thông vi phạm, và mới xử phạt có 69 trường hợp [ 1 ], quá ít so với thực tiễn. Hơn nữa, hầu như người dân Hà Nội không biết có sự tồn tại của hình thức “phạt nguội” nên những camera đó không phát huy được hiệu lực là răn đe, nhắc nhở người tham gia giao thông.

Thứ tư, việc giám sát, xử lý sai phạm còn làm theo phong trào, không kiên trì đến cùng.

Các đợt “ra quân”, “tháng cao điểm toàn giao thông”, v.v… tuy ồ ạt, có phần tốn kém, song tác dụng không nhiều, không bền. Ngay sau khi các hoạt động đó kết thúc, giao thông lại lộn xộn, đường phố lại bề bộn, các hình thức lấn chiếm vỉa hè… lại như cũ. Ví dụ, việc xử phạt người tham gia giao thông sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, lúc đầu làm rất nghiêm, nay thì việc dùng điện thoại trong thực tế coi như hợp pháp, vì không ai xử lý nữa!

Tuy nhiên, việc nào cơ quan chức năng kiên định, duy trì đều đặn, nghiêm túc, sẽ mang lại kết quả tốt, như yêu cầu đội mũ bảo hiểm.

Thứ năm là tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Những hành động tiêu cực trong xử lý vi phạm, dù các cơ quan chức năng đã quyết tâm và nỗ lực ngăn chặn song vẫn chưa thuyên giảm. Đây là một trong các nguyên nhân chính làm tổn hại uy lực lực của pháp luật và ý thức tôn trọng luật pháp của người dân.

Thứ sáu là nguyên nhân từ phía người tham gia giao thông

Đa số người dân chưa hiểu biết đầy dủ về pháp luật dẫn đến phạm luật vô ý thức. Hơn nữa tôn trọng pháp luật chưa trở thành nếp suy nghĩ của nhiều người.

Một phần khá đông người tham gia giao thông có thói quen chen lấn, xô đẩy, giành giật trong hoạt động cộng đồng. Khi tham gia giao thông luôn muốn chèn lên trước, lần hẳn sang làn đường đối diện, nhất là những nơi bị ùn tắc, làm tình hình nghiêm trọng hơn

Nhiều người liều lĩnh, coi thường nguy hiểm, thậm chí coi thường cả mạng sống của mình nên xảy ra tình trạng đi cố, đi liều khi có nguy cơ tai nạn, như các trường hợp vượt đường tàu, lao vào những đoạn đường nguy hiểm đã được cảnh báo, dẫn đến tai nạn chết người.

Tóm lại, luật pháp trên văn bản và trong thực tiễn khác nhau rất xa. Trong thực tế Luật Giao thông đường bộ chưa phát huy hết hiệu lực, tính răn đe yếu. Người dân biết rằng các hành vi vi phạm ít bị phát hiện; có bị phát hiện vẫn có cách né tránh, “giải quyết”. Hãy xem ở một ngã tư có đèn giao thông, nhưng không có cảnh sát ứng trực, bao nhiêu người dừng trước đèn đỏ?  

Nếu không giải quyết được các nguyên nhân căn bản này, một vài biện pháp kỹ thuật, hay những ý tưởng kiểu thu giữ xe của lái xe say rượu không thể khôi phục được trật tự trong giao thông cũng như ngăn chặn tình hình tai nạn nghiêm trọng hiện nay.

(Còn tiếp)

Đặng Thế Truyền

Giải pháp nào cho tình trạng lộn xộn, vi phạm luật khi tham gia giao thông? Mời độc giả đón đọc kỳ cuối.

------ 

[1] Nhiều xe biển xanh, biển đỏ, chạy quá… láo!, Tiền Phong, 28/06/2014.

[2] Bộ Công an cấm cán bộ can thiệp xử lý vi phạm hành chính, Dân trí, 07/05/2013.