Quốc ca của bạn không có lời ư?”- Câu hỏi của một Nhà vua quốc gia Bắc Âu thật sự đã gây sốc và làm đau cho những trái tim yêu Tổ quốc Việt Nam.

>>Câu hỏi của Nhà vua: "Quốc ca của các bạn không có lời ư?"

Lâu nay trong các đại lễ, hội nghị, đại hội… ở  Việt Nam từ cấp nhà nước cho đến làng xã,  thì nghi thức chào cờ dùng băng nhạc ghi âm hay dùng đội quân nhạc tấu nhạc Quốc ca đã trở thành một mặc định. Việc hát Quốc ca chỉ là sự bột phát từ trái tim, từ tinh thần như một nhu cầu cá nhân.

Biểu tượng thiêng liêng

Chỉ đến năm ngoái, cũng vào những ngày tháng 5/2014, khi cả nước, khi tất cả những người Việt, con cháu Hùng Vương khắp bốn phương trời cùng hướng ra Biển Đông, thì Quốc ca  Việt Nam mới được hát vang lên bằng nhiều hình thức..

Nhưng, đó cũng chỉ là một hình thức biểu diễn, còn trong các lễ nghi quan trọng thì Quốc ca vẫn “không có lời”.

Theo từ điển định nghĩa, Quốc ca là một ca khúc yêu nước khơi gợi lịch sử, truyền thống và đấu tranh của nhân dân quốc gia đó, được chính phủ và nhân dân công nhận là bài hát chính thức của quốc gia.

70 năm qua Quốc ca  Việt Nam mang hồn sông núi, khí thiêng dân tộc và anh linh của bao liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, băng qua muôn trùng thử thách, đau thương, quả cảm đi suốt cuộc trường chinh đầy máu lửa trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Quốc ca  Việt Nam với những lời ca oai hùng và bi tráng, khơi dậy những trang sử hào hùng của dân tộc, không bao giờ khuất phục trước bất cứ  kẻ thù xâm lược, hung hãn, tàn bạo nào, thề không cúi đầu trước bất kỳ thế lực to lớn nào.

{keywords}

Chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ảnh: HNM

Không có gì tự hào hơn khi cất lên những lời ca từ trái tim những người mang dòng máu Việt: “Đoàn quân  Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”.

Không chỉ là một nghi thức

Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca từ xưa nay là một nghi thức thiêng liêng thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào và tinh thần dân tộc.

Không thể xem đây như một nghi thức cho có lệ, mà phải thấy đó như là một nghi lễ linh thiêng, có trách nhiệm công dân với đất nước, như một lời thề danh dự cá nhân với Tổ quốc, với nhân dân.

Nhưng tự lúc nào, lâu nay, trong nghi thức chào cờ có hát quốc ca, chỉ có ở các đơn vị quân đội, công an, trường học và một số sinh hoạt của giới trẻ. Còn nhìn lại các đại lễ, đại hội, hội nghị, lễ chào cờ chỉ phát nhạc, đại biểu ai thích thì hát theo…

Không thể không xúc động khi nhìn các vận động viên của  Việt Nam đoạt Huy chương vàng trong thi đấu thể thao quốc tế, khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên cùng giai điệu Quốc ca  Việt Nam vang lên, các vận động viên hát quốc ca trong nước mắt, vinh dự và tự hào.

Không thể không xúc động khi cả đấu trường đỏ thắm màu cờ, và vang lên như một sức mạnh đầy nội lực tiếp sức cho các cầu thủ  Việt Nam chuẩn bị bước vào cuộc đấu bóng đá quốc tế, thi đấu vì màu cờ sắc áo Tổ quốc.

Và có lẽ không thể không trào nước mắt, khi chứng kiến cảnh các em học sinh câm- điếc, “hát” Quốc ca bằng ánh mắt, bằng tay và cả bằng thân hình, thể hiện sự khát khao tột bậc được hát những lời thiêng liêng của Tổ quốc gian truân, cay đắng nhưng đầy khát vọng.

Vậy thì tại sao trong các “lễ trọng” của quốc gia, lời của Quốc ca bị... quên? Không lẽ việc hát Quốc ca khó đến thế? Hay việc nhớ lời của Quốc ca quá phức tạp? Hay đây là sự thể hiện của một tư duy “lấy lệ” trong nghi thức chào cờ đã ăn sâu vào tâm lý xã hội?

Ngày 29/1/2013, TTCP đã ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP, trong đó có quy định về việc đại biểu, người tham dự lễ chào cờ phải hát Quốc ca.

Nhưng hơn 02 năm qua, tình hình vẫn ít thay đổi, vẫn chỉ là nhạc không lời trong nghi thức chào cờ. Có lẽ thế, sau khi nghe câu hỏi rất sốc, đánh mạnh vào sự tự tôn dân tộc của một nhà vua quốc gia Bắc Âu: “Quốc ca của bạn không có lời ư?”, thì có thể nói đó là giọt nước tràn ly...

Và chúng ta cần biết hổ thẹn. Sửa nỗi hổ thẹn này, là công việc của tất cả các ngành, các cấp, chính quyền địa phương. Có khó lắm không, khi cất lên tiếng hát của Tổ quốc?

Để Quốc ca  Việt Nam từ nay, cất lên ở bất cứ đâu với nghi lễ chào cờ, được người Việt hát với tất cả tấm lòng, tất cả ngọn lửa của lòng yêu nước, yêu giống nòi, của sự can trường trong quá khứ và hiện tại…

Hoài Hương