Khi Quốc thiều nước ta vang lên, không thấy ai trong đoàn Việt Nam hát, Nhà vua nước bạn hỏi nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Quốc ca các bạn không có lời à?”.

Đối với công dân của bất kỳ quốc gia nào, bài ca đầu tiên cần biết hát nhất là Quốc ca. Quốc ca là bài ca vĩ đại và thiêng liêng của mỗi dân tộc. Với mỗi người con nước Việt, đó chính là bài Tiến quân ca của Văn Cao đã được long trọng ghi trong Hiến pháp là Quốc ca Việt Nam.

Tính từ tháng 8/1945 đến nay, Quốc ca Việt Nam đã tròn 70 năm, bằng tuổi của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong chặng đường 70 năm đó, Tiến quân ca đã hòa nhịp trong mỗi bước đi đầy gian lao mà vô cùng oanh liệt của đất nước.

Đoàn quân Việt Nam đi

Chung lòng cứu quốc…

Quốc ca mang hồn thiêng sông núi, là tiếng đồng vọng của lịch sử, là lời hiệu triệu xốc tới, là mạch đập của đất nước và dân tộc, trở thành mạch đập trái tim ta khi lồng ngực ta vang lên lời Quốc ca.

{keywords}
Hàng nghìn người đã tập trung hát Quốc ca để thể hiện lòng yêu nước trong bối cảnh Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam. Ảnh chụp từ clip/ VnExpress

***

Chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi đắp lý tưởng cách mạng. Cảm phục biết bao các chiến sỹ cộng sản hiên ngang chào cờ và hát quốc ca trong  ngục tù để có thêm sức mạnh và khí tiết đương đầu với đòn tra tấn tàn bạo của quân thù. Lòng ta rưng rưng khi thấy vận động viên Việt Nam đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi đấu quốc tế miệng hát Quốc ca mà nước mắt chảy tràn trên má khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên.

Ta cũng thấu hiểu vì sao có bà mẹ Việt kiều tại Anh hàng ngày dạy đứa con gái 3 tuổi hát Quốc ca, những mong sớm gieo vào lòng con trẻ tình yêu đất nước quê hương nguồn cội. Biết bao người đã trào nước mắt khi chứng kiến cảnh các em học sinh khiếm thính trường PTCS Xã Đàn hát Quốc ca bằng tay. Quốc ca vang lên trên đỉnh Phan Xi Phăng- nóc nhà Đông Dương- từ 60 trái tim giàu nhiệt huyết sáng tạo của FPT. Quốc ca bay trên những ngọn sóng ở Trường Sa, Hoàng Sa từ lồng ngực của những người lính trẻ kiên cường bám trụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng.

Mùa hè năm ngoái, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta, ca sĩ Minh Quân và ca sĩ  Nguyễn Ngọc Anh đã thực hiện dự án âm nhạc MV Quốc ca với sự tham gia của 1.300 người, trong đó có khoảng hơn 300 nghệ sĩ nổi tiếng, gây niềm xúc động sâu sắc trong lòng công chúng.

Cũng năm ngoái, khi học sinh Thủ đô thi hát Quốc ca, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa đã bày tỏ: “Đây không phải là cuộc thi hát hay mà là cuộc thi biểu hiện lòng yêu nước qua một bài hát thiêng liêng của cả dân tộc. Tôi đã từng ước ao được đưa học sinh của mình đi thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường Chín, Thành cổ Quảng Trị… Các con sẽ cất lên bài hát Quốc ca giữa hàng vạn cuộc đời mãi mãi tuổi 20, quên mình vì ngày hôm nay. Các con sẽ hiểu hát Quốc ca thiêng liêng đến nhường nào”.

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại những dòng liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc  viết về cuộc chia tay những sinh viên  trên sân  trường Đại học Tổng hợp 44 năm trước, khi họ xếp bút nghiên, giã từ giảng đường để lên đường ra trận trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20: “Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc,  khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên sân trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì cảm động”.

{keywords}
Các bé thiếu nhi cùng hòa giọng trong MV Quốc ca. Ảnh: Chụp từ clip/ Thanh niên

***

Lâu nay, có một điều cứ trăn trở trong suy nghĩ của tôi cũng như của nhiều người: Quốc ca thiêng liêng như vậy, nhưng tại sao ở nước ta, việc hát Quốc ca lại chưa trở thành nền nếp, đặc biệt là chưa trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi người. Ở nhiều nơi, trong lễ chào cờ, không hát Quốc ca mà thay bằng việc mở băng ghi âm. Như vậy, Quốc ca thiêng liêng mà chỉ nghe, chứ không hát. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng  nhiều người chỉ biết giai điệu, biết đấy là bài Quốc ca nhưng không thuộc lời, không thể hát.

Quốc ca phải được hát lên bằng lời, vì mỗi khi cất tiếng hát thì từng câu, từng chữ, từng nốt nhạc của bài Quốc ca sẽ ngấm vào dòng máu  của mỗi công dân, tạo nên xúc cảm đặc biệt, làm bừng lên lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc. Không ít nơi, có hát Quốc ca trong lễ chào cờ nhưng nhiều người hát sai lời, sai nhạc. Tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc vì thế mà bị giảm đi.

Có không ít thanh niên Việt Nam hát rất thành thạo và hào hứng các bài hát tiếng nước ngoài, nhưng không thể hát trọn bài ca thiêng liêng nhất của đất nước mình. Trong khi đó, huấn luyện viên của tuyển nữ Việt Nam là một người Nhật Bản- ông Norimatsu Takashi- đã sánh vai cùng ban huấn luyện và các học trò hát vang Quốc ca Việt Nam trước khi diễn ra trận đấu tranh hạng 3-4 Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2015 giữa nữ Việt Nam và U20 Australia. Hình ảnh đó khiến không ít người Việt Nam cảm thấy xúc động.

Chúng ta cũng đã từng chứng kiến tại lễ khai mạc một Đại hội thể thao lớn, hay một cuộc thi đấu bóng đá quốc tế, trên khán đài sân vận động Mỹ Đình, hàng vạn người hát Quốc ca để thể hiện lòng yêu nước, cỗ vũ cầu thủ đội nhà thi đấu, nhưng hát lỗ chỗ, kẻ trước người sau, khi trên khán đài đã hát xong mà dưới sân đội quân nhạc mới thổi đến phần cuối của bản nhạc. Nếu so sánh với việc hát Quốc ca trên các sân vận động lớn của thế giới, thì chúng ta thấy họ hát Quốc ca với một chất lượng khác hẳn, mặc dù về lòng yêu nước thì người Việt Nam ta không hề thua kém một quốc gia nào. Đó là điều rất đáng suy ngẫm.  

Ngay sáng qua, 24/5, trò chuyện với tôi về việc hát quốc ca, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một lần đến làm việc tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kể lại, khi đến thăm một quốc gia Bắc Âu, người ta cử quốc ca hai nước. Khi Quốc thiều nước ta vang lên, không thấy ai trong đoàn Việt Nam hát, trong khi nước chủ nhà họ hát rất nghiêm túc, Nhà vua nước bạn hỏi nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Quốc ca các bạn không có lời à?”. Nguyên Chủ tịch nước nói, đây là điều bức xúc, phải được khắc phục”.  

***

Quốc gia nào cũng có quốc ca, người dân nước nào cũng có quyền tự hào về bản quốc ca của đất nước mình. Có những bài quốc ca được biết đến rộng rãi trên thế giới bởi bối cảnh ra đời đặc biệt gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ấy; lại có những bài quốc ca được biết đến nhiều vì nó rất hay cả về nhạc và lời. Quốc ca Việt Nam được xếp vào hàng những bài Quốc ca hay nhất trên thế giới vì cả hai yếu tố: bối cảnh lịch sử ra đời và âm điệu cũng như lời ca.

70 năm trước, Đoàn quân Việt Nam đi. Chung lòng cứu quốc…, trong đêm trước của cuộc Cách mạng Tháng Tám thay đổi vận mệnh của cả dân tộc. Đoàn quân đó là cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, băng qua muôn trùng thử thách, đau thương, quả cảm đi suốt cuộc trường chinh đầy máu lửa trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông về một mối.

Và hôm nay, Đoàn quân Việt Nam đi…, cả dân tộc Việt Nam đang xốc lại đội ngũ trong một cuộc hành trình mới khi mà hội nhập quốc tế và thời đại toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng với những cơ hội lớn và thách thức không hề nhỏ. Đó là cuộc kiến tạo vĩ đại xác lập tầm vóc mới, vị thế mới của nước Việt Nam trong thế giới hiện đại, vì mục tiêu dân giàu, nước  mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hát Quốc ca - một việc không khó, nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc, có sức lay động nhận thức, cỗ vũ tinh thần to lớn. Đó là tiếng lòng, là nhịp đập của con tim yêu Tổ quốc.

Vì thế, bằng tất cả tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc, bằng ý chí và khát vọng vươn tới, mỗi con dân nước Việt, đứng dưới cờ đỏ sao vàng, hãy cất lên Tiến quân ca - Quốc ca của Tổ quốc vinh quang- lời hiệu triệu cho một cuộc trường chinh mới của toàn dân tộc, từ sâu thẳm trái tim mình.

Đoàn quân Việt Nam đi…

…Nước non Việt Nam ta vững bền./.

Hồ Quang Lợi

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát lớn, Tiến quân ca lần đầu tiên đã được cất lên trước đông đảo quần chúng nhân dân. Hai ngày sau, cũng tại Quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19/8/1945, trong khí thế long trời lở đất của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dưới cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát vang Tiến quân ca.

Đặc biệt, ngày 2/9/1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trọng thể trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1945, lần đầu tiên, Tiến quân ca được cất lên trong hoạt động đối ngoại của nước ta do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì lúc tổ chức lễ đón phái đoàn Mỹ do Đại tá Patti dẫn đầu tại trung tâm Hà Nội. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến hôm nay và về sau, Tiến quân ca vẫn là Quốc ca Việt Nam.