Những bất cập đó đang thử thách lòng quyết tâm và các nỗ lực của Việt Nam nhằm hướng tới một nền quản trị tiên tiến.

Từ khi các phiên họp của Quốc hội thường xuyên được truyền hình trực tiếp, ngoài các phiên điều trần của các thành viên Chính phủ luôn nhận được nhiều sự quan tâm, phần lớn thời lượng của các phiên họp QH mà người dân biết đến đều liên quan đến công tác xây dựng và phê chuẩn các bộ luật.

Thiếu sự đồng thuận sẽ gây bất lợi

Từ năm 2011 trở lại đây, QH Việt Nam đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ trong xây dựng mới, cũng như điều chỉnh sửa đổi một số lượng văn bản luật. Ngoài Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm 2013, trong nhiệm kỳ của mình, Quc hội khóa XIII có kế hoạch thực hiện 85 dự án luật thuộc chương trình chính thức và 38 dự án luật thuộc chương trình chuẩn bị (chưa k các pháp lệnh). Trong đó có một số luật quan trọng khác cũng đã được thông qua, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), v.v...

Với một lượng lớn công việc như vậy, nhiều người sẽ đặt câu hỏi về chất lượng và tính khả dụng của các luật mới xây dựng hoặc sửa đổi. Trung bình, cứ vài tháng dân chúng lại nghe thấy một luật mới ra đời hoặc được sửa đổi. Chỉ khổ cho các cơ quan chức năng cứ luôn phải chạy theo để xây dựng các nghị định và hướng dẫn thi hành luật, khiến cho sản phẩm luôn dừng ở mức “chấp nhận được”. Thậm chí, do quá trình phê duyệt và ban hành luật quá ngắn, không ít nghị định kèm theo bị cho là vi hiến mà không được phát hiện kịp thời.

Dù sao thì các luật vẫn ln lượt được phê duyệt và đi vào cuộc sống, và các nghị sĩ vẫn đều đặn bấm nút để cho ra đời các luật tiếp theo dựa trên quy trình đã định - như người xưa vẫn nói “trăm hay không bằng tay quen”.

Có nhiều lý do khiến cho các luật ở nước ta rất nhanh bị lạc hậu và cần phải sửa đổi. Ngoài các nguyên nhân về tầm nhìn hay các biến động quá nhanh của xã hội do phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa tạo ra, thì những nguyên nhân còn lại nằm tại mỗi khâu, bao gồm:

Dự thảo: Các đơn vị chuyên môn nơi được giao trách nhiệm dự thảo luật thường có xu thế tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực của ngành mình. Trong khi đó, sự điều phối và hợp tác của các ban ngành khác nhau tại nước ta từ lâu vẫn được cho là rất hạn chế, khiến cho luật chưa phản ánh đầy đủ các khía cạnh của đời sống nói chung và các bên liên quan nói riêng.

Phê duyệt: Quy trình tham vấn với các bên liên quan trước khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội (với bất kỳ một bộ luật nào) - được nói rằng đầy đủ và đúng quy trình. Nhưng thực tế một số luật trước khi được triển khai đã nhận được những phản ứng gay gắt từ người dân. Điều này chứng minh, đôi lúc các cuộc tham vấn dường như chỉ được tổ chức theo hình thức và cách làm luật hiện nay vẫn mang hơi hướng “chuyên gia” nên lúc chủ quan và áp đặt.

{keywords}

Đại biểu QH tại kỳ họp thứ 9. Ảnh: Minh Thăng

Triển khai: Thông thường một bộ luật sau khi được thông qua bởi QH và được ký ban hành bởi Chủ tịch nước, sẽ cần thêm một thời gian để các cơ quan chức năng xây dựng các thông tư hướng dẫn thi hành cũng như các nghị định liên quan. Sau khi được chính thức ban hành, người ta cần thêm nhiều thời gian để có thể đánh giá hiệu quả cũng như các tác động của luật lên đời sống, xã hội trước khi đưa ra các quyết định về việc sửa đổi và bổ sung.  

Các dự thảo luật đã được đưa lên các trang web trực tuyến (ví dụ Duthaoonline.quochoi.vn) để người dân có thể đóng góp ý kiến trực tiếp. Tuy nhiên, làm thế nào để các ý kiến và kiến nghị của người lao động, những nhóm yếu thế và thiểu số - vốn ít có cơ hội tiếp cận với Internet, có thể đến được với ban dự thảo và các ĐBQH trước khi quá trình phê duyệt bắt đầu?

Nhà nước Việt Nam đang rất cần một cơ chế phản hồi và tiếp nhận thông tin từ người dân để có thể hiểu rõ và tiên lượng được những gì mình đang làm sẽ tác động thế nào đến đời sống nhân dân. Các chính sách được xây dựng và ban hành mà thiếu đi sự đồng thuận và tiếng nói các của cộng đồng liên quan có thể gây ra tác động bất lợi khi được thực thi.  

Cần nhiều hơn nữa để có “bước ngoặt”

Những bất cập nêu trên đang thử thách lòng quyết tâm và các nỗ lực của Việt Nam nhằm hướng tới một nền quản trị tiên tiến.

Cũng cần ghi nhận rằng, nếu nghị trường Việt vốn thường chỉ nóng lên trong những phiên họp, khi có tranh luận của những gương mặt quen thuộc, thì gần đây, tiếng nói của các dân biểu đã có phần đa dạng và đa chiều hơn. Thay vì có mặt chỉ để bấm nút đồng ý như trước kia, nhiều ĐBQH đã thấy được tầm quan trọng và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng mà mình đại diện trong mỗi lần đồng ý cho một chính sách mới ra đời.

Thay vì làm theo nghị quyết đã được phổ biến như trước kia, nhiều người còn có thể đặt câu hỏi về tính phù hợp và sự minh bạch của công tác xây dựng luật hiện thời. Điều đáng mừng ở đây chính là, tuy không phải là sự thay đổi mang dấu ấn “bước ngoặt” trong đời sống chính trị ở đất nước mang hình chữ S, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của một số người có trách nhiệm trong hệ thống về trách nhiệm giải trình (tuy chỉ dừng lại ở mỗi cá nhân) và góp phần hình thành nét văn hóa “nhận lỗi” cho những gì mình sai.

Tuy nhiên, để xây dựng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa, thì tinh thần cầu thị và sẵn sàng tiếp thu, sửa đổi những sai sót do mình gây ra là cần thiết nhưng chưa đủ.

Việt Nam cần nhiều hơn thế nữa để đảm bảo rằng luật pháp được xây dựng và triển khai để giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước và phục vụ lợi ích của đại bộ phận người dân. Nơi đó không có chỗ cho những sai lầm được biện minh bởi lý do thiếu thông tin hay bị áp lực. Nơi tất cả các quyết sách được đưa ra đều dựa trên nhu cầu của dân và phục vụ, bảo vệ người dân (đặc biệt là những người yếu thế) trước các bất công và vi phạm quyền do các nhóm lợi ích gây ra.

Cuối cùng, xin dẫn ra đây một câu chuyện có thể cho ta nhiều gợi ý. James Madison đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1789 (chỉ với 7 điều) do nhận thấy quyền lực hoàn toàn tập trung vào nhà nước mà thiếu các cơ chế bảo vệ người dân. Ông trở thành tác giả của bản Hiến pháp và 10 Tu chính đầu tiên trong 27 Tu chính của Hiến Pháp Hoa Kỳ (Tuyên ngôn Dân quyền). Việc bổ sung thêm 10 điều mới vào Hiến pháp (được thông qua năm 1791) để bảo vệ người dân và tầng lớp lao động trước các bất công, phải chăng đã góp phần làm nên một nước Mỹ như ngày nay!

Trần Văn Tuấn