Như tên gọi của nó, Luật Trưng cầu ý dân thể hiện sự tôn trọng ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của quốc gia hoặc địa phương.
>> Xem lại Kỳ 1: Nhiều nước đã làm, Việt Nam sao vẫn 'nợ'?
Trưng cầu ý dân ở đâu?
Một câu hỏi được đặt ra là, phạm vi trưng cầu ý dân chỉ trên toàn quốc, hay là ở cả cấp địa phương?
Theo Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, “các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước”.
Theo người viết, quy định như vậy thiếu chính xác, vì có những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một tỉnh, một khu vực, không nhất thiết phải tổ chức bỏ phiếu trên cả nước, mà chỉ cần ở khu vực đó. Ví dụ, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay một dự án kinh tế xã hội có liên quan đến một hoặc một số tỉnh, thành phố. Bởi vậy, diễn đạt một cách chính xác hơn thì đó là "những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia".
Trưng cầu ý dân là người dân được trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh minh họa: VOV |
Trên thế giới, ở nhiều nước việc tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức ở cả cấp địa phương và cấp quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ…), ở một số nước khác thì chỉ tổ chức ở cấp quốc gia (Latvia) và một số nước lại chỉ cho tổ chức ở cấp địa phương (Hoa Kỳ).
Việc trưng cầu ý dân cả hai cấp là quốc gia và địa phương tùy vào nội dung của vấn đề trưng cầu ý dân. Phạm vi địa lý ở đây không có ý nghĩa quan trọng như phạm vi tác động của vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân.
Ở Việt Nam, về mặt pháp lý, theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền quyết định việc trưng cầu ý dân.
Xuất phát từ những lý do này, bên cạnh việc quy định trưng cầu ý dân đối với các vấn đề có tầm quốc gia được tổ chức ở quy mô toàn quốc, cần bổ sung quy định mở, theo đó, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân ở một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội có tác động trực tiếp đến các địa phương này.
Đây cũng là bước đệm để sau này có thể quy định rộng hơn về trưng cầu ý dân ở cấp địa phương đối với những vấn đề địa phương.
Kết quả trưng cầu ý dân: Ai cũng phải tuân theo
Đặc điểm nổi bật của trưng cầu ý dân là người dân được trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, biểu hiện ý chí, nguyện vọng của mình bằng lá phiếu biểu quyết; kết quả biểu quyết có tính tối thượng, phải tuân theo.
Thế nhưng, theo một khảo sát năm 2014 của Hội Luật gia Việt Nam, có tới 27% luật gia và 57% số người dân được hỏi cho rằng trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân là một.
Điều này cho thấy còn một tỷ lệ lớn công dân chưa nhận thức được đầy đủ giá trị và ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân.
Hơn nữa, vấn đề đặt ra là: với tỷ lệ nào, số lượng người dân trong nước tham gia thì việc trưng cầu đó có ý nghĩa; với tỷ lệ nào số người bỏ phiếu lựa chọn phương án thì phương án đó được chọn?
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền qui định việc trưng cầu ý dân. Ảnh minh họa: Dantri |
Trên thế giới, xu hướng chung là quy định theo nguyên tắc “quá bán kép”, theo đó, cuộc trưng cầu ý dân có giá trị khi có trên 50% tổng số cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu; đồng thời, phương án đưa ra trưng cầu phải nhận được trên 50% tổng số phiếu của cử tri đi bỏ phiếu mới được thừa nhận.
Kết quả của trưng cầu ý dân có tính chất bắt buộc phải tuân theo. Ví dụ, đối với các vấn đề chính sách không nằm trong một văn bản/một đạo luật cụ thể thì sau khi có kết quả, các đạo luật sẽ phải sửa theo ý chí của nhân dân (chẳng hạn bỏ án tử hình trong Bộ luật hình sự).
Còn đối với quy trình sửa đổi Hiến pháp, khi Quốc hội đã quyết định đưa ra trưng cầu ý dân, dân biểu quyết thế nào thì phải theo, chứ không phải đưa trở lại Quốc hội.
Khi cuộc trưng cầu đó tiến hành đúng pháp luật, đã hợp pháp, hợp hiến rồi thì người dân là người quyết định cuối cùng, không có cơ quan nào có quyền thay đổi quyết định đó.
Đáp ứng ý dân
Như tên gọi của nó, Luật Trưng cầu ý dân thể hiện sự tôn trọng ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của quốc gia hoặc địa phương. Vì vậy, triết lý của Luật này phải là làm sao để ý dân được thể hiện nhiều nhất có thể đối với những vấn đề như vậy.
Xuất phát từ triết lý như vậy sẽ có hướng để thiết kế các chương, điều về nội dung trưng cầu, chủ thể có quyền đề xuất trưng cầu, phạm vi trưng cầu toàn quốc hay địa phương, hiệu lực của việc trưng cầu, quy trình, thủ tục tiến hành v.v…
Hay nói cách khác, dù mới mẻ, dù nhiều lo ngại, nhưng đó không phải là trở ngại không thể vượt qua để cho ra đời một Luật Trưng cầu ý dân đáp ứng ý dân, trả món nợ ý dân.
Nguyễn Đức Lam
Xem bài cùng tác giả: Chọn mặt gửi quyền và 'thượng đế' dân Làm gì để tránh những chính sách, pháp luật lơ lửng trên trời, những chính sách tréo ngoe, khiến người dân thấy sốc và ức chế? Điều thú vị về tòa nhà Quốc hội mới Thật thú vị khi tòa nhà Quốc hội nằm trên đường Độc Lập, cửa chính vào từ đường Độc Lập. Không gian nghị trường rất cần đến tính độc lập trong hoạt động của QH. Vụ Hồ Duy Hải và chuyện giữ - bỏ án tử hình Trong khi án tử hình vẫn được tuyên, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện và tuân thủ khắt khe quy trình tố tụng hình sự nhằm giảm tối đa oan, sai. |