Ba yếu tố: hệ thống pháp luật, cơ quan thực thi pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của công dân, là nền tảng của một xã hội an toàn, công bằng làm tiền đề cho phát triển phồn vinh.

Chuyện chưa kể về người bán chuối lấy bằng cử nhân Luật

'Chưa thấy cán bộ nào phải bỏ tiền túi ra đền'

Tiền dân cao và trí dân… thấp

Từ hai câu chuyện

Có hai sự kiện được báo chí đưa gần đây, mà nhìn bề ngoài dường như không liên quan, nhưng khi xâu chuỗi, lại giúp chúng ta soi tỏ một vấn đề mà nhiều người trăn trở. Đó là tầm quan trọng của việc xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. 

Trước hết là sự kiện án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn được đề nghị bồi thường 7,2 tỷ đồng. Vụ việc còn tồn tại nhiều tranh cãi về nguồn kinh phí, nhưng trước hết, nếu được thực hiện, đây sẽ là một vụ bồi thường “mang tính lịch sử”.   

Trong chuỗi các thủ tục tố tụng từ Khởi tố, Điều tra, Truy tố, Xét xử và Thi hành án hình sự, bốn khâu đầu tiên rất quan trọng và có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó truy tố và xét xử phụ thuộc rất nhiều vào kết quả điều tra. Một cơ quan điều tra làm việc hiệu quả, là cho ra được một kết luận điều tra sát nhất với sự thật khách quan.  

Ra được kết luận điều tra chứng minh người phạm tội hoặc không phạm tội, là quan trọng như nhau nếu nhìn từ góc độ muốn xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, trong đó tất cả các thành viên của xã hội đều coi pháp luật là trên hết, là khuôn mẫu cho cách hành xử trong đời sống xã hội.  

Cũng có thể nói rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng làm việc càng tuân thủ pháp luật, công bằng, khách quan với tinh thần nhân đạo bao nhiêu, thì Nhà nước và Pháp luật càng chiếm được lòng tin của nhân dân bấy nhiêu. Và ngược lại, những biểu hiện của sự tùy tiện chuyên quyền, sẽ khiến lòng tin của người dân bị xói mòn. 

Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn có lẽ sẽ còn được nói đến nhiều. Bởi nó là kết đọng của cả một hành trình gian nan đi tìm công lý suốt 10 năm trời. Bởi rồi đây, các cán bộ điều tra liên quan cũng sẽ bị đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời phía cơ quan công quyền cũng phải bồi thường một số tiền lớn lịch sử trong một vụ án oan sai. Không nhiều thì ít, chắc chắn nó sẽ góp phần làm thay đổi lề lối làm việc của từng cán bộ các cơ quan hữu trách.  

Câu chuyện thứ 2, ít người để ý hơn. Đó là chuyện bà Phan Thị Kim Hoa, một tiểu thương bán chuối nhận bằng cử nhân luật (hệ từ xa) ở cái tuổi 55. Xuất phát từ việc không đồng tình với quyết định của tòa án trong một vụ việc liên quan đến cái chết của người thân, uất ức mà không biết luật, bà “tiếp tục đi khiếu nại và quyết học luật để đòi lại công bằng”.   

{keywords}

Bà Hoa vừa đọc sách Luật vừa buôn bán tại chợ Vĩnh Bình. Ảnh: Hồ Nam/ VnExpress

Với cái nhìn của người viết, người phụ nữ này đã có những nỗ lực phi thường, không chỉ là những vất vả của cuộc sống buôn bán bươn chải, mà có lẽ học hành là một trong những việc gian khổ vô cùng, nhất là với những người đã có tuổi. Hiện nay người phụ nữ “khác thường” này còn mong muốn học thêm khóa đào tạo luật sư để trở thành luật sư.  

Bà cho chia sẻ, khi thành luật sư “sẽ dùng sở học của mình giúp đỡ người nghèo một cách bất vụ lợi để bà con đòi được công bằng, không bị chèn ép vì thiếu kiến thức về pháp luật”. 

Chưa bàn tới hiệu quả làm việc của “luật sư bán chuối”, nhưng thử tưởng tượng, trong số bà con tiểu thương, có một luật sư hàng ngày va chạm với những việc sát sườn cơm áo gạo tiền, thuế má, tiền lệ phí chợ đến lệ phí vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, môi trường… nhận thức pháp luật của họ sẽ được nâng cao. Và ngược lại, cơ quan công quyền cũng vừa nhàn hơn, lại vừa phải tự hoàn thiện để tránh những hành xử tùy tiện hơn.  

Tiền đề của một xã hội phồn vinh 

Ngày nay, sức ép cuộc sống khiến nhiều người thích hành xử bằng bạo lực hơn, muốn lập lại công bằng, trật tự “ngay lập tức” thay vì đợi cơ quan pháp luật ra tay, bởi cho rằng “chờ đến lúc đó thì còn lâu”. Những vụ đánh chết người trộm chó hay đánh nhau đến án mạng chỉ vì những mâu thuẫn cỏn con… có thể coi là một biểu hiện. 

Để xử lý triệt để tình trạng này thì không gì hơn là hệ thống pháp luật phải được kiện toàn, và nghiêm minh. Khi mọi người dân, bất cứ ở đâu, hay làm công việc gì đều muốn hiểu, muốn hành xử theo luật pháp, và có thể trông cậy vào sự nghiêm minh của luật pháp bảo vệ mình, thì đó sẽ là một mốc dấu lớn cho sự trưởng thành của xã hội. 

Nhìn ra những xã hội phồn vinh trên thế giới, tất cả đều có yếu tố pháp luật đóng vai trò quan trọng. Một xã hội của nước Pháp nổi tiếng với bộ Dân luật Pháp, làm cơ sở cho rất nhiều bộ Dân luật các nước khác (trong đó có Việt Nam). Một nền pháp luật thông luật nhưng lại có một ý thức pháp luật cực kỳ nghiêm minh, từ cả từng nhân viên cơ quan công quyền đến từng cá nhân như Hoa Kỳ.  

{keywords}
Xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật là trăn trở của nhiều người. Ảnh minh họa

Nhìn lại một chút đến xã hội Xô-viết, nơi rất nhiều người Việt Nam được tiếp xúc và đến nay vẫn ngày ngày thương nhớ, cũng xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật tốt, những cán bộ cơ quan công quyền công tâm và những công dân thực sự tôn trọng pháp luật.  

Vì nhiều lý do, xã hội đó không còn nữa, nhưng giai đoạn tồn tại của xã hội đó đã chứng minh ba yếu tố: hệ thống pháp luật, cơ quan thực thi pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của công dân là nền tảng của một xã hội an toàn, công bằng, làm tiền đề cho phát triển phồn vinh. 

Mỗi kỳ họp Quốc hội, lại có một số vấn đề cấp bách của đất nước được đưa ra thảo luận, thể hiện nhu cầu “luật hóa” vấn đề đó của xã hội. Những đổi thay của xã hội luôn dẫn đến nhu cầu thay đổi của hệ thống pháp luật, và xã hội thì linh động, còn pháp luật với tư cách một biện pháp của “kiến trúc thượng tầng,” thì có tính bền vững tương đối hơn nhiều. Nhưng một điều cần thừa nhận là, xã hội thay đổi là theo chiều hướng phát triển lên ít nhất về mặt vật chất, thì yêu cầu đổi mới về thượng tầng kiến trúc, cũng theo chiều hướng tích cực hơn.

Phúc Lai